Vận dụng tài tình cấu trúc tổ Ong trong cần câu Daiwa

Dec 09, 2017 12:41:13

Đã từ rất lâu, nhiều nghiên cứu đã khẳng định, cấu trúc lỗ hình lục giác của tổ Ong là một tuyệt tác của tự nhiên; nó vừa có sức chứa tối đa lại có độ bền rất lớn. Karl Von Frisch, nhà khoa học được giải thưởng Nobel cho công trình “tiếng nói của Ong mật” nhận định rõ: Nếu các lỗ tổ có hình tròn hoặc hình bát giác hay ngũ giác, sẽ có khoảng trống giữa chúng. Điều này không chỉ kém sử dụng về không gian, mà con Ong còn phải lãng phí một lượng lớn sáp để bít kín các khoảng cách giữa các lỗ tổ đó.

Daiwa đã vận dụng tài tình cấu trúc lỗ tổ Ong vào công nghệ 3DX

Để chứng minh cho cái đầu “vĩ đại” của những chú Ong nhỏ bé, người ta đo kỹ càng các lỗ lục giác của tổ Ong và tìm ra nhiều thông tin rất thú vị: Mỗi tổ Ong có nhiều ống hình lục giác (sáu góc); mỗi lục giác có mỗi cạnh ngoài đo được 2.7mm, chiều sâu 11.3mm; đáy hình thoi. Chứng minh bằng toán học sẽ thấy: Nếu có nhiều ống hình lục giác, chung một thể tích và chung một miệng; thì lỗ đáy phẳng tốn sáp hơn lỗ đáy gồm có ba hình thoi. Nếu muốn tốn ít sáp nhất thì phải dùng đáy hình thoi mà Ong đã phát minh ra; nguyên do là dùng đáy ghềnh thì tốn sáp hơn đáy phẳng nhưng lại có thể bớt bờ thành chiều cao nên kết quả lại lợi hơn...

Không chỉ có lợi trong tiết kiệm nguyên vật liệu, tận dụng khoảng không, cấu trúc tổ Ong được đánh giá là cấu trúc tốt nhất cho sự ổn định và đàn hồi nên là dạng cấu trúc không thể thiếu trong xây dựng cầu, các tòa nhà, cần sự vững mạnh khi có động đất; hoặc trong thiết kế cánh máy bay, vách vệ tinh, tàu con thoi cùng vô số thiết bị gia dụng, điện tử khác…

Trong thế giới câu cá, “chú Ong thợ” Daiwa cũng đã kịp đưa cấu trúc thần thánh này vào chế tác cần câu với tên gọi “3DX Technology”.

 3DX được sử dụng làm lớp ngoài cùng của blank cần

Nguyên lý thiết kế
Thông thường, các tấm sợi carbon được dệt theo hai hướng sợi. Riêng Daiwa đã phát triển một loại vải Carbon có ba hướng sợi. Từng tấm Carbon có mật độ sợi dày đặc, ken chặt, phân đều sức mạnh cho tất cả các hướng, được dệt thành tấm lớn theo nguyên tắc tạo vô số hình lục giác trong kết cấu, gọi là dải Carbon 3DX.

Mô phỏng kết cấu 3DX

Khi chế tác blank cần, lõi cần đã được thực hiện công nghệ X45 sẽ được gia cố lớp ngoài cùng bằng một lớp 3DX, mục đích là gia tăng sức mạnh cho cần, chống xoắn vặn hay biến dạng khi tải nặng đồng thời phô bày vẻ đẹp “công nghệ” đầy thu hút cho cần câu.

Hướng phát triển của 3DX trong chế tác blank cần

3DX được lồng vào blank trong quá trình sản xuất, kết hợp với kỹ thuật gia tăng độ nén, sẽ tạo ra một blank cần có đường kính nhỏ; cần câu trông thanh mảnh hơn, nhẹ nhàng hơn, hành động nhanh hơn, mồi sẽ bay ổn định hơn nên bay xa và chính xác, người câu vì thế cũng được giải phóng bớt sự mệt mỏi và căng thẳng.

Tuy nhiên, điểm mạnh nhất của "3DX" là khả năng đàn hồi nhanh. Điều này vô cùng ý nghĩa với loại cần có action slow; khi cần câu được thực hiện thao tác quăng mồi hoặc rung lắc trong hoạt động tạo thủ thuật khi lure mồi giả, hoặc khi con cá mắc câu, nó cong xuống dễ dàng và đàn hồi nhanh trở lại, loại bỏ sự rung lắc, không vững thường thấy ở cần có action slow.

Tràn ngập vẻ đẹp sinh ra từ công nghệ "3DX"

Cần câu Morethan Branzino AGS tích hợp công nghệ 3DX đầy kiêu hãnh

Bạn thấy đấy, cần câu tích hợp công nghệ 3DX thật đẹp. Một cây cần được bao bọc kiên cố bằng vải Carbon với vô số hình lục giác giống như những họa tiết trang trí có sức thu hút mãnh liệt; đó không chỉ là sự bắt mắt, đó là vẻ đẹp công nghệ đầy trí tuệ. Nó không chỉ tạo cảm giác hưng phấn cho người dùng, mà còn xác lập rõ nét sự tinh tế của họ trong trò chơi câu cá. 

VietnamFishingReview