Những kiểu bắt cá lạ và độc (Phần 2)

Jan 15, 2017 06:29:55

Trồng cột câu cá
Trong cuộc thi ảnh của tạp chí danh tiếng National Geographic, bức ảnh câu cá trên cột của tác giả Urich Lambert đã gây được sự chú ý với đông đảo người xem. Bức ảnh chụp một nhóm người ở trần, ngồi vắt vẻo trên một thanh cây, bắc ngang một cây cột đang cắm thẳng xuống rạn san hô. Họ đang câu cá cho bữa ăn chiều. Đây là một truyền thống câu cá chỉ có ở Sri Lanka.

Câu cá cho bữa tối: Câu cá trên cột là kỹ thuật câu cá tiêu biểu chỉ có ở Sri Lanka.
Ngư dân ngồi trên một thanh ngang cột vào cây cột thẳng đứng được trồng xuống rạn san hô

Vào sáng sớm, khi mặt trời chưa mọc, đến thị trấn Kathaluwa và Ahangama, Sri Lanka sẽ thấy những người ngư dân ngồi câu cá từ trên cột cao, cách mặt nước chừng hai mét. Thanh gỗ ngang mà họ ngồi vào gọi là Petta được cột chặt vào chiếc cột đóng thẳng đứng vào mặt rạn. Chiếc cột cao chừng ba đến bốn mét và được đóng sâu xuống rạn san hô chừng nửa mét. Người câu ngồi cách mặt nước hai mét, một tay vịn cột, tay kia họ cầm cần câu, câu những con cá trích chấm Spotted Herring (Koraburuwa) và những con cá Thu nhỏ (Bolla). Cá câu, được cho vào một chiếc túi buộc quanh thắt lưng hoặc cột vào cột gỗ.

Một nhóm ngư dân câu cá trên cột đang ngồi trên petta

Truyền thống câu cá trên cột hiện chỉ còn khoảng 500 gia đình ở huyện Galle, khu vực xa nhất nằm phía Tây - Nam Sri Lanka tham gia. Không ai biết đích xác truyền thống này bắt đầu ra sao và khi nào, nhưng theo lời kể của các ngư dân lớn tuổi thì nó xuất hiện lần đầu khoảng sau thế chiến II, do một số ngư dân sáng tạo ra. Ban đầu, việc câu cá được thực hiện từ những tảng đá nhô ra biển. Vì không có đủ đá tảng cho tất cả mọi người muốn câu nên một số người đã dùng những cây cột bằng sắt còn sót lại sau chiến tranh trồng lên rạn. Cột sắt cũng không có nhiều, thế là cột gỗ - cũng an toàn không kém đã ra đời. Và câu chuyện câu cá trên cột được kể cho đến ngày nay.

Một nhóm câu cá trên cột cách bờ biển Sri Lanka 20 mét

Với những người không biết câu cá, họ rất ngạc nhiên tại sao ngư dân vùng này lại không dùng lưới để bắt cá. Tuy nhiên, với ngư dân trong làng, dùng lưới đồng nghĩa với việc làm cá kinh động, sẽ vô tình đuổi chúng đi và chúng có khả năng biến mất khỏi điểm câu hàng năm trời. Câu cá trên cột rất kín đáo, ít làm cho cá sợ. Truyền thống này độc đáo nhất ở chỗ: người câu không dùng mồi, họ chỉ kiên nhẫn ngồi, tay giữ sợi dây câu có gắn lưỡi câu và nhử cá bằng cách thường xuyên cử động.

Tuy lãng mạn, nhưng câu cá trên cột là một công việc nặng nhọc

Tuy lãng mạn, nhưng câu cá trên cột là một công việc nặng nhọc. Cuộc đời người ngư dân gắn bó với kiểu câu cá trên cột nghĩa là sống cùng với đời sống của con cá. Chúng đến vào đầu cơn gió mùa Tây Nam và chỉ hoạt động tích cực vào lúc sáng sớm và chiều muộn, người ngư phủ, vì thế, cũng phải ra ngồi cột mỗi ngày ít nhất hai lần, mỗi lần phải ngồi nhiều giờ. Truyền thống này, cùng với bí quyết câu cá riêng của mỗi gia đình, được truyền từ cha sang con, hết đời này đến đời khác.

Những ngư phủ ngồi cột trong tương lai

Kín đáo và khác lạ, hình ảnh những chàng trai nhẫn nại trên cột, trên một bãi biển đầy nắng gió có sức hút kỳ lạ với du khách. Họ cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho truyền thống câu cá này mai một dần, Bởi lẽ, đây là một kỹ thuật cao đề cao sự kín đáo, yên tĩnh tránh gây động, thì họ lại đến gần, tắm biễn, vẫy vùng, và làm tất cả những gì mà người ngư phủ cố tránh trong hàng thế kỷ qua.

Trèo cột xuống vách đá 400 Feet ( trên 12 mét ) trong gió mạnh để câu cá
Lòng can đảm của câu thủ không phải chuyện xưa nay hiếm, thế gian không thiếu những câu chuyện về những tay câu đi ra ngoài khơi xa để bắt cho được một con cá, một luồng cá vừa ý nào đó. Thế nhưng, leo lên - trèo xuống vách đá dựng đứng hàng mấy trăm feet để đến những vùng nước nhiều cá, chưa ai từng câu quả là điều ít thấy.

Vách đá Bird Ash ở Bempton, gần Bridlington, Đông Yorkshire

Vậy mà đây là chuyện có thật trăm phần trăm của một nhóm câu người Anh, thuộc một diễn đàn câu cá. Họ là những người có cùng chung sở thích là câu cá cảm giác mạnh, ở những nơi hiểm trở nhất chưa ai từng đến. Họ tụ họp và thảo luận về các điểm câu, chiến thuật chinh phục độ cao cũng như chiến thuật câu cá. Cùng với cần câu và nhiều dụng cụ khác được khoác trên lưng, nhóm người cực kỳ can đảm này sẵn sàng đối mặt với mọi hiểm nguy, trong đó có những cơn gió mạnh, có khả năng thổi bay tất cả, trong lúc họ dùng dây và bộ yên để leo xuống.

Vách đá Bird Ash ở Bempton, gần Bridlington, Đông Yorkshire

(Ảnh trái - Một tay câu đang trèo lên, trên một trong bảy cái thang đã được gắn chặt vào bề mặt đá - Ảnh phải: Một tay câu khác đang trèo xuống phần cuối cùng của vách đá dựng đứng để đến bờ biển. Họ khéo léo né tránh những cơn sóng lớn vỗ liên hồi vào chân của vách đá).

Một trong những vị trí ưa thích của họ chính là vách đá Bird Ash ở Bempton như đã thấy trong bức ảnh trên. Một vị trí nguy hiểm nữa cũng được ưa chuộng không kém là vách đá Boulby ở Whitby. Được biết, Boulby là vách đá cao nhất nước Anh, có độ cao 664 feet. Rất nhiều thành viên trong nhóm đã leo qua vách đá này nhiều lần, trước đó, họ đã tập dượt các vách đá cao khác hàng ngàn lần từ khi họ mới 16 tuổi.

Một tay câu gan dạ trèo xuống một bãi biển cách biệt tại Bempton, gần Bridlington, Đông Yorkshire

Glenn Kilbatrick, 43 tuổi, một thành viên trong nhóm, làm trong ngành y tế. Anh cho biết đã leo trèo các vách đá từ khi còn là một thiếu niên. Anh nói rằng, leo-trèo xuống từ những vách đá cao nhất nước để đến những bờ biển ít in dấu chân người là một việc vô cùng thú vị: “Các rủi ro đã được cân nhắc”, anh nói, “ để giảm thiểu hành trang, chúng tôi chỉ sử dụng những thiết bị thích hợp. Dù gian khó nhưng điều này hoàn toàn xứng đáng khi bạn nhìn vào kết quả”. Anh cũng chia sẽ, rất nhiều người nói anh bị điên, nhưng với anh thì cuộc sống phải có niềm vui, “đến những nơi đó tốt hơn nhiều so với việc ngồi ở các quán rượu”, anh nói.

Các tay câu phải chiến đấu với những cơn gió mạnh và trèo xuống
những vách đá thẳng đứng để đến nơi có những con cá ngon nhất

Vì cheo leo hiểm trở nên các vùng biển bị vách đá che khuất rất hoang vu, có rất nhiều cá lớn. Những bức ảnh leo vách đá của họ có thể khiến người khác phải rùng mình nhưng phần thưởng mang lại cũng rất tuyệt, đó là những con cá Tuyết, cá Vược … lên đến 40 pound.

Dave Jacketts, thành viên trong nhóm với con cá tuyết quý

Leo núi rất công phu, câu cá hàng giờ, những con cá câu được thường được họ phóng thích trở lại, hoặc theo họ về nhà trên những sợi dây mắc qua bờ đá. Một người cùng hành trang có thể vác theo mấy mươi pound cá. Leo lên – trèo xuống –câu cá - rồi cùng cá leo lên - trèo xuống - về nhà, quả là một quảng đường gian khổ nhưng đầy thách thức, mấy ai có thể làm được.

Dùng chim bắt cá trên sông Li
Đứng lặng yên trên chiếc bè làm bằng gỗ nứa, cùng với những con chim cạnh bên, người đàn ông vùng Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc) này đang lắng nghe tiếng nước bì bạch vỗ vào chiếc bè. Ánh sáng từ ngọn đèn lồng đang tỏa ra thứ ánh sáng lóng lánh, soi rõ cả một vùng nước.

người đàn ông vùng Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc) này đang tìm đàn cá

Đánh cá bằng chim cốc là một nghệ thuật lâu đời ở Trung Hoa và Nhật Bản (cùng một vài nơi khác). Bước qua thời vàng son, ngày nay, nghệ thuật này tồn tại chỉ để phục vụ ngành du lịch, nhưng không vì thế mà mất đi nét độc đáo thi vị vốn có.

Ánh sáng từ ngọn đèn này có thể thu hút cá

Ăn mặc theo kiểu truyền thống, người đánh cá chèo chậm rãi ra địa điểm mà ông chọn sẵn trên sông Li thuộc tỉnh Quảng Tây. Chiếc bè của ông chỉ được thắp sáng bỡi ngọn đèn lồng độc nhất treo ở một đầu bè. Ánh sáng từ ngọn đèn này có thể cho ông thấy những gì ông làm, và cũng để thu hút cá.

Sự gắn kết, liên hợp giữa người và chim rất mật thiết

Sự gắn kết, liên hợp mật thiết giữa người và chim đã tạo nên nét độc đáo và thi vị cho nghệ thuật câu này. Con chim Cốc, với những chiếc lông bay đã bị cắt bỏ, được người đàn ông đi cùng thả xuống nước, thúc giục lặn, hụp bắt cá, và đưa lên bè khi nó nổi lên. Với đặc tính thích ăn cá, con chim Cốc cũng không hoàn toàn được tự do với sở thích của mình. Nó được phép ăn cá nhỏ nhưng cá lớn thì không. Một chiếc lò xo, một sợi dây, hoặc một chiếc vòng được đặt ở cổ để nó không thể nuốt những con cá lớn. Trở lại bè, con cá lớn mà nó bắt được, đang nằm ở cổ, sẽ bị móc ra. Tuy nhiên, con chim cũng nhận phần của mình sau nhiều giờ làm việc vất vả, chúng được cho một vài mẩu cá khi công việc kết thúc.

người ngư phủ và con Chim cần mẫn làm việc

Suốt đêm dài, người đàn ông và con Chim cần mẫn làm việc. Công việc chỉ thực sự kết thúc khi bình minh ló dạng. Ông ta thu dọn đồ đạc vào bờ, rồi đem bán phần lớn mẻ cá của mình ở chợ địa phương.

Một ngàn ba trăm năm nay, truyền thống bắt cá bằng chim không nhiều thay đổi. Nó từng là phương cách kiếm sống nuôi sống biết bao người. Ngày nay, nó đã bị thay thế bỡi những công nghệ đánh cá mới. Tuy nhiên, do du khách rất thích xem phương pháp đánh cá cổ truyền này, cùng với quang cảnh trữ tình tuyệt đẹp xung quanh nên nó vẫn được duy trì. 

Người ngư dân sống cả đời mình với những con chim trên sông nước,
và những con chim được huấn luyện để từ bỏ những con cá lớn mà chúng bắt

Người Trung Quốc hiện đại vẫn sử dụng những chiếc bè nứa, còn người Nhật thì dùng thuyền Ubune chứa ba người cho nghệ thuật câu này. Một ngư dân Trung Quốc có thể điều khiển đến 30 con chim. Nhưng ở Nhật Bản, ba người trên chiếc thuyền Ubune bắt cá chỉ với mười hay mười hai con chim cốc. Một trong những loài cá mà người Nhật thích cùng chim săn đuổi là Ayu (Sweetfish) rất được ưa chuộng ở Á Đông.

Đánh cá bằng chim thực sự là một cảnh tượng đáng chiêm ngưỡng, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nghề truyền thống này có vẻ cổ lỗ theo tiêu chuẩn thời nay, tuy nhiên, nó vẫn tồn tại ở những vùng nước xa xôi như sông Li.

Tay không bắt cá Mập
Câu chuyện chưa từng có này đã xảy ra lúc bảy giờ sáng thứ năm, trên bãi biển Prince của đảo Okaloosa. Không lưỡi câu, không dây câu, không chì và không lời nói dối, chỉ với tay không, ba người đàn ông là Cody Harland, Jonathan Cook và Robert Trutt đưa được vào bờ con cá mập bò nặng 277,7 ki-lô-gam.

Bắt đầu bằng một ngày câu cá chim pompano, kết thúc với một con cá mập bò 277,7 KG

“Thật ngu ngốc, nhưng đáng nhớ,” ông Cook kể lại. Sáng hôm ấy, vác theo bộ cần câu, Ông cùng Cody và Robert ở Fort Walton Beach đến bãi biển Prince của đảo Okaloosa để tìm cá chim Pompano. Đột nhiên, ông nhìn thấy một vật gì giống một khúc gỗ nổi trong nước. Nhìn kỹ thì thấy “khúc gỗ” này cử động. “Chúng tôi tiếp tục thấy một cái vây,” ông Jonathan nói . Họ đoán già đoán non, rằng đây có thể là một con cá Heo.

Một lúc sau, con vật chưa biết mặt đó bắt đầu xoay tròn, xoay tròn. Cho đến khi thấy nó ngửa bụng ra thì họ biết chắc là cá Mập. Một con cá Mập đã chết, có lẽ vậy. Ông nghĩ ngay đến việc phải sở hữu cho được hàm răng của con cá khủng khiếp này, bèn quăng thiết bị câu ra, cố móc vào nó để kéo vào bờ, nhưng không được. Họ nghĩ đến việc đưa “con mồi” người là Cody ra.

Ông Cody liều lĩnh đến gần, bơi vào trong nước. Nước sâu tới ngực cùng những vạt sóng lăn tròn. Ông Cody tiến đến con cá Mập, đủ gần để chụp lấy đuôi nó. Con cá Mập vẫn để yên, cũng không cử động, mặc cho Cody lúc này đã mạnh dạn hơn, kéo vào gần bờ. Rồi Jonathan và Robert lao ra tiếp sức. Trước mặt họ là con cá Mập Bò khổng lồ dài đến 5 feet (trên 1,5 mét), bắt đầu cử động khi lên bờ. “Con cá chưa chết” – Jonathan hét lên. Một cảm giác rờn rợn xâm chiếm lấy ông, ông biết mình và hai ông bạn đã làm một việc không tưởng. Những người đi bắt cá Chim xung quanh kéo đến, nhìn họ như nhìn những người điên.

Có thêm một chút lo lắng vì không biết con cá ông vừa bắt có hợp pháp? Họ lập tức gọi điện đến sở cá và động vật hoang dã Florida. Qui định “bất kỳ con nào dài hơn 54 inch là hợp pháp” khiến họ thở phào nhẹ nhõm.

Jonathan lấy cây gậy bóng chày của hãng Nike ra và đánh con cá bất tỉnh. Lúc này họ mới phát hiện một khúc cá Jack Crevale gần 40 pound bị kẹt trong bóng hơi của con cá mập. Đây có thể là nguyên nhân khiến cho con cá khổng lồ bị nghẹt thở. Khi con cá Mập đã chết, ba người phải mất hơn một giờ rưỡi để đưa con cá Mập từ bãi biển lên chỗ chiếc xe. Ra bến du thuyền HarborWalk, họ bắt đầu cân nó. Con cá Mập đo được 105 inch, chiều dài, nặng 277,7 kg.

“Không lưỡi câu, không dây câu, chỉ với tay không, ba người đàn ông đã bắt được một con cá Mập Bò 277 ki-lo-gam”, nhiều tờ báo địa phương đã đăng tin sau đó. Nhưng những người đàn ông, nhân vật chính của câu chuyện, thì cho rằng mình là những kẻ ngốc. Đừng bao giờ coi thường một con cá Mập, dù nó còn sống hay đã chết” – Họ nói – “Nếu không có một con cá bị kẹt trong miệng, thì bây giờ, chúng tôi có thể đã là bữa ăn của nó rồi”

VietnamFishingReview

Bài viêt liên quan:
Những kiểu bắt cá lạ và độc (Phần 1)