Học cách câu mực của người Nhật

Sep 11, 2016 10:59:40

Ngoài cá, mực là loại động vật biển có khả năng mang lại sự đột phá lớn cho ngành câu thể thao. Chỉ riêng tại Úc và Nhật Bản, phong trào này đang phát triển chưa từng thấy, từ đó kéo theo hàng triệu thương hiệu dụng cụ câu - cần-máy-dây-mồi-phụ kiện chuyên dụng -  ăn theo xu hướng này, mang lại cho kinh tế thế giới hàng trăm tỉ đô-la mỗi năm.

Cách của người Nhật
Chỉ cần lên Youtube gõ từ “EGI”, bạn sẽ được xem vô số phim về câu mực theo phong cách Nhật Bản. “Egi” nghĩa là mồi gỗ theo tiếng Nhật, được cho là loại mồi giả xưa nhất mà người Nhật phát minh ra (từ thế kỷ mười tám). Trước đây, Egi được làm bằng gỗ, lấy cảm hứng từ câu chuyện của một ngư dân, rằng anh ta thả một nhánh cây ngắn xuống nước và bị mực tấn công. Ngày nay, mồi Egi của Nhật đã được công nghiệp hóa, gọi chung là Squid Jig, được thiết kế đặc biệt, dài khoảng 3-6 inch, mô phỏng giống như một con tôm hoặc cá mồi nhỏ với hai hàng lưỡi câu ở phía đuôi.

Từ thế kỷ 18, người Nhật đã biết tạo ra mồi giả để câu mực, gọi là mồi "Egi"

Thị trường có rất nhiều loại mồi câu mực, đắt có, rẻ có, thế nhưng các thương hiệu Nhật Bản luôn được ưa chuộng. Về mặt giá trị, chúng không khác mấy so với hàng giá rẻ nhưng chúng được thiết kế hoàn hảo khi trình diễn với nhiều hành động khác nhau và mức chìm khác nhau. Chất liệu tốt làm cho mồi bền. Thiết kế chuẩn như đầu mũi nhọn để tạo action cho hai bên thân, khi xuống đáy, phần mũi cắm xuống trước, ổn định trên mặt đáy, hạn chế thấp nhất khả năng bị vướng; phần bụng (chỗ phồng ra trên thân mồi) sâu để mồi dâng lên nhanh…Con mồi là chiến binh quan trọng bậc nhất trong tất cả các kỹ thuật câu không chỉ riêng câu mực, đầu tư vào mồi là một sự đầu tư khôn ngoan,giúp câu thủ khám phá đến tận cùng từng kiểu câu, từng cuộc chiến. 

Kỹ thuật câu
Nói về kỹ thuật câu, nếu đa số câu thủ nước khác chuộng cách quăng mồi ra phía sau một con tàu đang thả trôi, rồi cắm cần vào lỗ trên tàu và chờ đợi thì người Nhật lại có một kỹ thuật vô cùng công phu, gây tiếng vang lớn, gọi là “Tip run Eging”, được phát triển bởi những tay câu hàng đầu của nhà sản xuất Crazy Ocean và Valley Hill.

“Tip Run Eging” được thực hiện trên một chiếc tàu thả trôi tự do, một bên tàu trực diện với hướng gió, người câu đứng câu ở phía bên mặt đang đối diện với hướng gió đó, tức nếu gió thổi từ phía Nam và thuyền đang trôi về phía Bắc, thì câu thủ phải đứng ở phía Nam. Độ sâu thường từ 10m đến 30m.

Câu thủ đứng trên tàu, thả mồi Squid Jig ngay xuống bên dưới. Vào lúc Jig chạm đáy, mồi đã trôi ra một khoảng xa. Người câugiật mồi và quay thu dây cho mồi dâng lên ở độ sâu mong muốn, thường là 3m đến 10m so với đáy và giữ nó ở đó. Theo dõi đầu cần để phát hiện bất kỳ dấu hiệu va chạm nào. Giữ cho cần câu vuông góc với dây.

Câu mực ống với mồi Shimano Sephia QS-220M

Chiếc tàu trôi kéo theo con Squid Jig di chuyển ngang, xuyên qua cột nước. Đầu cần câu được kéo căng bởi lực hãm. Giống như cá, con Mực có thể đến và cướp lấy con mồi, hoặc chúng chỉ đến, dùng xúc tu giữ mồi một lát, có thể ngờ vực, kiểm tra lại mồi và nếu vẫn nghi ngờ thì thả nó đi. Cái hay của câu mực là bạn đang đối mặt với một đối thủ cực kỳ thông minh, có “tay” giống như bạn (chính là các xúc tu), chúng không đớp ngay con mồi vào miệng như cách loài cá thường làm.

Lúc này, các giác quan nhạy bén của người câu sẽ phát huy tác dụng: Nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu nào – ví như vít đầu cần hay chỉ như ai đó đang giẫm lên dây, hoặc chỉ cần thấy lỏng sức căng ở đọt đầu cần… HÃY TẤN CÔNG. Tấn công trước khi nghĩ, giật mồi ngay, không cần chờ con Mực bỏ mồi vào miệng. Ngay sau khi nó chạm vào Jig, hãy đóng lưỡi các xúc tu.

Nếu bạn bỏ lỡ lúc đó, đừng để cuộc đối đầu trôi đi, giữ cho mồ inằm im thêm một chút nữa. Nhiều con Mực tinh quái thường dùng xúc tu thúc vào con mồi, không cầm mà chỉ thúc, và theo dõi xem cách con mồi phản ứng. Bạn chỉ cần vào thế tấn công bằng cách kéo mồi Squid Jig ra khỏi mực một vài mét. Có thể con Mực vẫn xem xét con mồi lúc này đang trôi lơ lửng. Mực có thể trở lại và chạm vào mồi một lần nữa. Vì thế, sau một vài vòng quay thu mồi lên khỏi đáy, bạn hãy giữ mồi trong  khoảng 5-10 giây rồi thả mồi trở lại đáy một lần nữa. Sau khi lặp lại hành động này một vài lần, bạn có thể đang ở rất xa con Jig, hãy thu dây kéo mồi trở lại với bạn và bắt đầu lại từ đầu.

Mô phỏng kỹ thuật " Tip run Eging "

Cần câu
Theo như những gì đã mô tả, trong kỹ thuật “Tip run Eging”,  khi thực hiện, đầu cần đóng vai trò vô cùng quan trọng. Biển cả mênh mông, sóng dập gió vùi, con mực khá hiền lành nên các dấu hiệu cho thấy sự tương tác giữa nó với mồi có thể rất mờ nhạt. Đặt tên là "Tip Run"  là vì người câu phải phán đoán, phải đánh giá tất cả các đầu mối bằng cách quan sát các động thái của đầu cần. Một đầu cần cực nhạy là yếu tố cần thiết.

Trong các loại chất liệu làm cần câu, sợi thủy tinh rất mềm dẻo nhưng thiếu sức bật, vì vậy câu thủ sẽ khá dễ dàng trong việc phán đoán các va chạm bằng mắt nhìn nhưng lại ít cảm giác ở tay. Sự mềm dẻo của cần câu đã làm dịu đi các cú va chạm nếu có. Đầu cần cứng, hàm lượng carbon cao thì nhạy và bật tốt, dễ dàng hơn nhiều trong việc đánh giá các liên hệ bằng cả mắt thường lẫn cảm nhận bằng tay. Loại đầu cần này cũng có sự đàn hồi rất cao, chuyển động đầu cần lớn nhưng lại rất nhanh, người câu cảm nhận được cả bằng tay lẫn thấy bằng mắt nhưng cũng dễ dàng bỏ lỡ. 

Trong số rất nhiều hãng làm cần câu mực chuyên dụng, Daiwa tỏ ra tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cho riêng loại hình đặc thù này bằng cách cho ra một loại đầu cần rất tuyệt gọi là “Super Metal Top”. Đây là loại đọt cứng bằng hợp kim titan, siêu đàn hồi, rất linh hoạt và rất nhạy, lý tưởng để đánh giá các liên lạc cả bằng mắt nhìn và tay. Nó cũng khó gãy hơn so với chất liệu carbon khác.

Mồi câu mực

Squid Jig của Shimano rất được ưa chuộng trong cộng đồng câu mực


Mồi Squid Jig có trọng lượng thông thường là khoảng 20-25gram. Có những loại 45, 70gram chuyên câu nước sâu. Khi mua mồi nhẹ mà yêu cầu câu sâu và nước chảy mạnh, người ta thường cột thêm chì vào mồi. Nên mang theo nhiều mồi có trọng lượng khác nhau, trọng lượng quyết định cách con mồi di chuyển qua cột nước. Con mực gần như luôn tấn công mồi khi mồi đang rơi xuống, thế nên, Squid Jig với nhiều tỉ lệ chìm khác nhau thực sự có giá trị trong một chuyến câu. Nếu câu cạn, nước trong, người ta thường chọn một con mồi nhỏ với một tốc độ chìm chậm, điều này sẽ giúp giữ cho Jig luôn ở phía trước con mực đang háu đói. Khi câu ở khu sâu hơn, sử dụng mồi nặnghơn, chìm nhanh hơn, để giữ cho mồi gần đáy, tức trong vùng chiến, lâu hơn.

Squid Jig của Nhật bản (còn gọi là Egi) có kích thước phổ biến là 3.5 vì kinh nghiệm cho thấy mồi 3.5 có tốc độ chìm xấp xỉ 1 mét trong 3 giây (người câu có thể xác định được thời gian chìm của mồi). Tuy nhiên, nhiều người nói rằng kích thước mồi không quá quan trọng.

Về màu sắc, cũng giống như nguyên tắc chọn mồi trong câu mồi giả, sử dụng màu sậm, tối khi ánh sáng môi trường yếu và màu sắc tươi sáng đặc biệt là trắng và trắng trong cho ban ngày. Tuy nhiên, trong hộp đồ nghề nên có nhiều loại màu khác nhau vì mực thay đổi thói quen ăn uống rất nhanh.

Mồi Shimano Squid Jig Sephia QS-220M chuyên câu mực ống

Máy và dây câu
“Tip run Eging” chủ yếu sử dụng dụng cụ câu spinning (cần, máy đứng). Máy Daiwa size 2000 đến 2500, hoặc Shimano 2500-3000. Kỹ thuật này khuyến nghị thiết lập mức hãm càng lỏng càng tốt vì chỉ giật ở phần đầu xúc tu, mà cơ chế động lực học của cơ thể con Mực không thuận lợi cho việc bị kéo về phía các xúc tu, kéo mạnh thì có thể xé chúng ra. Hãm lỏng là một quy trình chuẩn cho tất cả các phong cách câu mực, đặc biệt là câu mực nước sâu, ở đó, sự kháng nước nhiều hơn và bộ hãm xiết chặt một cách tự nhiên khi bạn để cho dây dài ra.

Dây khuyến cáo là PE0.6 hoặc mảnh hơn. PE0.4 được dùng trong nửa đầu mùa chính - ở Việt Nam là tháng 12,1 (phía Bắc) và tháng 6,7 (Nam) -  vì mực vẫn còn nhỏ. 

“Tip Run Eging” đang dần phổ biến trên thế giới kéo theo các phong trào câu mực chuyên nghiệp, tức là tổ chức đi câu dài ngày, chỉ chuyên mực chứ không phải tận dụng trong các chuyến câu cá. Kỹ thuật này cũng có nhiều biến thể để thích hợp với nhiều địa hình, điều kiện khác nhau. Vùng biển Việt Nam ta có rất nhiều loài mực cư trú, riêng loài mực ống đã lên tới 25 loài, phân bố rộng khắp từ Bắc chí Nam, đông nhất là quanh các  khu vực Cát Bà, Cái Chiên, CôTô, Hòn Mê-Hòn Mát và khu vực Bạch Long Vĩ, nhất là vào mùa xuân (Miền Bắc) và Phan Rang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Cà Mau, Côn Đảo, Phú Quốc (Trung –Nam bộ). Mực, đặc biệt là mực ống, thường cư trú ở mực sâu 30-50m, là loài rất nhạy với sự thay đổi thời tiết và ánh sáng.

Mồi Squid Jig Shimano Sephia Entourgare, loại mồi câu mực hàng đầu của hãng Shimano

Vào ban ngày, do lớp nước trên mặt rất nóng, nhiệt độ nước tăng cao, mực ống thường lặn sâu xuống đáy, và trồi lên mặt lại vào ban đêm. Vào các tháng hanh khô, mực ống di chuyển đến những nơi có mực nước sâu dưới 30 mét. Trong các tháng mưa, mực lại tìm đến các khu nước sâu từ 30-50 mét. Ngư dân Việt ta biết tận dụng tính hướng quang của con mực, dùng ánh sáng để khai thác trong các phương pháp câu mực, mành đèn, vó, chụp mực. Còn câu thủ, chủ yếu câu giải trí về đêm sau một ngày câu cá mệt mỏi, họ cũng sử dụng đèn pha chiếu xuống mặt nước, thấy mực tập trung trong vùng ánh sáng đó thì chủ động quăng mồi gần chúng….

Phương pháp câu của Nhật Bản có thể là một hướng đi mới trong kỹ nghệ câu sắp tới của chúng ta.

VietnamFishingReview