Jigging và tâm ý của người Nhật

Sep 02, 2016 04:05:18

Mùa xuân năm 2012, tôi đến Nhật Bản theo lời mời tham dự triễn lãm dụng cụ câu cá của hãng Daiwa. Tôi đi một mình và thuê một khách sạn ở Tokyo, cách Trung Tâm Triển Lãm Quốc Tế Yokohama thuộc tỉnh Kanagawa khoảng 40km.

Tác giả trước trung tâm mua sắm Akihabara, đặc khu Chiyoda của Tokyo, Nhật Bản

Cái lạnh cuối đông còn sót lại trên khắp mọi ngã đường, mưa phùn phớt nhẹ trên áo măng tô nhưng cuộc sống hối hả thường nhật vẫn diễn ra trên phố. Sau buổi triễn lãm chính, tôi quyết định đi bộ đến một vài cửa hàng bán dụng cụ câu cá. Nói là đi bộ nhưng thực ra tôi phải đi qua hai chặng tàu điện ngầm, xuống tàu phải đi thêm vài chục phút. Chúng tôi vượt qua cửa hiệu thứ nhất, rồi đến cái thứ hai. Người bạn Nhật đi cùng khuyên tôi nên ghé từng hiệu một vì nếu hai hiệu ở gần nhau thì món hàng sẽ khác, mỗi cửa hiệu đều thể hiện một thế mạnh riêng để tất cả cùng phát triển.

Cửa hiệu không quá đồ sộ, bên ngoài trang trí đơn giản nhưng bên trong, cả bốn tầng, hàng hóa ngập tràn, che kín lối đi. Tất cả mọi giao tiếp đều bằng tiếng Nhật. Mỗi sản phẩm đều có giá niêm yết. Mỗi khách hàng đều được phát một chiếc giỏ nhựa, họ tự tay lấy từng món hàng mà mình muốn và thanh toán tại quầy. 

Là một quốc gia có địa hình chủ yếu là núi, hiếm đất nông nghiệp,không nhiều tài nguyên, thiên nhiên thì khắc nghiệt, con người phải đối phó thường xuyên với vô vàn các dư chấn động đất, chưa kể những trận động đất lớn có khả năng hủy diệt gần như toàn bộ sinh mạng, của cải, tài nguyên được vun đắp từ nhiều thế hệ. Có thể vì thế mà người Nhật luôn trân trọng niềm vui mà họ có được từ cuộc sống thường nhật theo cái cách mà không một dân tộc nào trên thế giới này làm được. Họ biết cách tạo ra một cuộc sống cân bằng hoàn hảo. Họ hiểu rõ thế nào là lao động, thế nào là nghỉ ngơi, thế nào là tận hưởng cuộc sống. Họ đón nhận mọi thứ bằng đam mê. Phẩm chất đó giờ đây tôi nhận thấy rất rõ trong hiệu đồ câu này: Mọi sản phẩm đều hết sức hoàn hảo về mặt thẩm mỹ. Mọi hoạt động mua bán đều diễn ra với sự tôn nghiêm. Hàng hóa bày ngập tràn nhưng thẳng hàng thẳng lối theo một qui luật xếp đặt rõ rệt. Khách đến rất đông, họ có vẻ quen thuộc, biết rõ những gì mình cần, đòi hỏi những thứ hoàn hảo và xếp hàng tính tiền theo lượt. Còn người bán trao hàng cho họ với niềm tự hào của một nghệ nhân. Quả là tuyệt vời. Sức sống ngập tràn xung quanh. Ngoạn mục như một vở hát kịch. 

Tôi quan tâm đến Jig nên chỉ tập trung ở khu vực trưng bày loại hàng này. Vô số mồi Jig, nhưng mọi thứ đều rất nhỏ và lạ lẫm (sau này tôi mới biết đó là mồi Kabura và Inchiku). Cần câu Jig thì tuyệt nhiên không như tôi hình dung, nghĩa là rất nhẹ, rất mảnh và thanh thoát. Cầm lên có cảm giác đó là cần lure chứ không phải cần Jig. Khi chạm nhẹ vào chuôi cần, đọt cần rung lên, một cảm giác ấm nóng râm ran đến bàn tay. Tôi dán mắt vào màn hình ti vi treo tường, ở đó đang chiếu một phim hướng dẫn sử dụng sản phẩm là mồi Jig. Trong khuôn hình, người đàn ông nhỏ nhắn trên chiếc xuồng  cao su neo gần bờ, thư thái thả những con mồi chì nhỏ có những sợi cao su bay bay, chậm rãi thu dây và bắt cá…nhẹ nhàng như không. Tâm trí tôi bắt đầu dậy sóng, rõ ràng có một sự khác biệt rất lớn giữa người Nhật câu Jigging và người nước khác câu Jigging.

Đề cập đến Jigging, người ta thường hình dung ra một người đàn ông, tay ôm một cây cần thật to khỏe, hì hục điều khiển con mồi kim loại với tốc độ không hề nói quá là cả triệu dặm (smile) một giờ. Nhận thức này phần lớn là do những người đàn ông ở miền Nam nước Úc mang lại. Họ bắt những con Kingfish và Amberjeck bằng kỹ thuật câu Jigging tốc độ nhanh và đem chiếu thành quả này lên khắp các trang youtube. Nhưng sai lầm lớn nhất, theo tôi, là quan niệm Jigging tốc độ là phương pháp duy nhất để thực hiện, nhất là khi mục tiêu là cá Thu – loại cá cực kỳ thích mồi di chuyển nhanh – tốc độ của Jig thường kích thích bản năng săn mồi của chúng, khiến chúng nhanh chóng táp mồi. Về sau, khi đi sâu vào môn Slow Pitch Jigging, tôi mới hiểu rằng tốc độ nhanh không phải là kỹ thuật duy nhất khi Jigging cá Thu, thậm chí Jigging chậm lại hiệu quả hơn rất nhiều.

Slow Pitch Jigging cá Thu trong chuyến câu tháng 4/2016

Với người nhật, Jigging là một trò chơi trí tuệ, điều đó thể hiện rất rõ trong Slow Pitch Jigging. Slow Pitch Jigging không chỉ là kỹ thuật điều khiển mồi jig di chuyển chậm từ đáy lên, cái mà phương pháp này chú trọng vào là sử dụng action của cần, kết hợp với các vòng quay của máy để điều khiển hành động của mồi Jig. Kỹ thuật nằm ở “Pitch” – một “Pitch” có thể là trọn một vòng quay hay một phần tư vòng, một phần tám vòng… Tùy thuộc vào phong cách và ý đồ thiết kế mồi Jig. Không chỉ chú trọng đến vấn đề thiết kế mồi Jig, thiết kế cần Slow Pitch đóng vai trò then chốt trong việc tối đa hóa các hành động của mồi, làm cho nó hoạt động chậm rãi. Cần câu Slow Pitch có xu hướng rất nhạy với action slow, độ cong parabolic. Loại cần này sẽ uốn cong rất sâu trên toàn bộ chiều dài, đó là điều cần thiết, vì chúng cần phải có độ bật trở lại mạnh mẽ để truyền action tốt nhất cho mồi. Khi kiến tạo một “Pitch” bằng cách quay máy, cần sẽ tải mồi rất nhanh cho dù đó là “Pitch” ngắn nhất. Khi người câu ngưng quay máy, sức đàn hồi của cần sẽ cho phép mồi Jig rơi theo phương ngang. Tại đây, mồi sẽ đong đưa, dập dờn trông rất “bối rối” rồi rơi xuống tạo nên một hành vi rất “độc”, giống như một con cá mồi bị thương hoặc gần chết đang trốn chạy khỏi đáy biển trước khi tiếp tục dập dờn, rồi phóng ra, lao tới, lại rơi xuống đáy. Các cú táp mồi thường xảy ra khi Jig đang rơi.

Đây là sự phối hợp chặt chẽ chưa từng thấy của tất cả các bộ phận trong hệ thống, từ cần, máy, dây mồi. mỗi bộ phận đều rất đặc biệt và rất “Nhật Bản” nghĩa là vô cùng trí tuệ và sắc sảo. Người châu âu câu Jigging tốc độ nhanh chủ yếu dựa vào chính người câu để truyền đạt hành động cho mồi nên họ luôn phải làm việc cật lực. Người Nhật câu Slow Pitch Jigging, họ để cho cần câu làm nhiệm vụ đó. Và cần câu Slow Pitch cũng không phải bắt cá, việc đó là của máy câu. Nó chỉ làm một việc duy nhất là truyền đạt "ý chỉ" cho mồi hành động. 

Mồi Slow Jig là cả một nghệ thuật. Mỗi  loại mồi đều nhắm đến một loại cá cụ thể và làm thế nào để loại cá đó yêu thích mồi là việc của nhà thiết kế. Mồi Jig trong kỹ thuật Jigging nhanh thường thon, mảnh để đạt tốc độ tối đa khi xuyên qua cột nước. Slow Pitch Jig thì dẹt, càng dẹt càng dập dờn, dao động khi rơi và rơi rất chậm. Ngay cả khi thực hiện "Pitch" ngắn nhất, chúng cũng có action đáng kinh ngạc mà cá không thể cưỡng lại. 

Nếu Slow Pitch Jigging là một môn câu mang tính bác học thì Tai-kabura Jigging chính là truyền thống, là tâm ý của người Nhật Bản. Bộ phim mà tôi được xem tại cửa hiệu đồ câu năm xưa đã giúp tôi khám phá ra nghi thức và sự lãng mạn của môn Jigging này. Từ đó đến nay, tôi đã thấy chúng phổ biến và tràn đầy sức sống đến thế nào với tất cả những ai yêu thích câu cá thể thao trên khắp thế giới. Chỉ cần một con thuyền nhỏ, một vài con Kabura, Inchiku Jig nhỏ bé, một cây cần đọt dịu, một bộ máy câu mà họ vẫn đang dùng với các kiểu câu khác, bất kỳ ai cũng đều có thể là Jigger thực thụ với trò chơi của người Nhật, hết sức thú vị và vui vẻ.

Kabura Jigging phổ biến trên toàn thế giới vì đơn giản, gần gũi, chỉ cần một con thuyền nhỏ,
một vài con Kabura, Inchiku Jig nhỏ là có thể trở thành một jigger thực thụ

Đây chính là điều mà người Nhật muốn, càng phổ biến càng tốt, càng nhiều người chơi càng tuyệt, bằng chính sự giản tiện, không hề cao siêu của môn câu. Đây cũng chính là sức mạnh, là sợi dây kết nối, là khía cạnh xã hội mà  jigging muốn hướng tới. Nếu không có sự giao thoa lãng mạn này thì Slow Pitch Jigging, Tai-kabura Jigging mãi mãi yên phận làm một kiểu chơi mang tính địa phương tại Nhật Bản.  

Hoàng Quốc Trí
VietnamFishingReview

* Bài viết liên quan:
- Tai-Kabura, kiểu câu truyền thống Nhật Bản