Thế Giới Lure (Chọn cần Lure đúng – Phần 3)

Feb 18, 2016 03:16:29

Cần lure chuyên nghiệp được thiết kế cho từng loại mồi lure, từng kiểu câu, từng cách điều khiển mồi. Nên chọn loại nào? Câu trả lời phụ thuộc vào điều bạn muốn, sao cho việc câu thoải mái nhất và phù hợp với kinh nghiệm câu của bạn nhất. Về cơ bản, mỗi model cần câu lure, cho dù cùng một thương hiệu, đều dành cho từng ứng dụng cụ thể nên chúng khác nhau về chiều dài, trọng lượng, độ bật, sức mạnh, kết cấu, hiệu suất, tải trọng dây, mồi…v..v…

Dòng cần lure World Shaula trứ danh của hãng Shimano

Thông số kỹ thuật của cần câu lure thường được mô tả bằng những biệt từ, ví dụ như “action”, “Power”. Trong action thì chia ra S (Slow ); M (Medium hay Moderate); MF (Medium Fast); F (Fast); EF (Extra Fast). Còn Power thì phân ra UL (Ultralight); L (Light); ML (Medium Light) ; M (Medium); MH (Medium Heavy); H (Heavy); XH (Extra Heavy). Đây là những thông tin rất quan trọng về cần câu mà bạn không nên bỏ qua vì vô cùng hữu ích trong việc chọn đúng cần, đúng kiểu câu, chỗ câu, loại cá muốn câu của bạn.

Power và Action (sức mạnh và độ cong) là hai tiêu chuẩn quan trọng để mô tả kết cấu cần câu, ta cần phải hiểu rõ để phân biệt.

Action là đề cập đến độ cong xuống của cần câu khi có sức kéo từ đầu cần (nói cách khác là cần uốn cong xuống cỡ nào khi đầu cần bị kéo xuống) và thẳng trở lại nhanh đến mức nào nếu sức kéo đó được giải phóng. Action được xác định bởi chất liệu, kích cỡ, độ dày và độ thon của blank cần. Action (độ cong) được ghi chú trên thân cần theo cấp độ: S (Slow - chậm); M (Medium hay Moderate - trung bình); MF (Medium Fast - trung bình nhanh); F (Fast - nhanh); EF (Extra Fast – rất nhanh). Độ cong càng ít thì chất liệu thân cần càng cứng.

Biểu đồ hiển thi Action của cần câu

Như mô tả ở ảnh trên, Cần Slow Action cong xuống khoảng 3/4 chiều dài cần, tức là cong từ ngọn đến gần bát máy. Đó có thể là một lợi thế khi chiến đấu với cá lớn mà chúng hoảng hốt bơi sát ngay cạnh thuyền, đặc biệt là với dây nhỏ. Chỉ cần lưu ý rằng cần này rất mềm dẻo, nên bạn có thể bỏ lỡ nhiều cú chạm mồi xảo quyệt của cá và sẽ không có nhiều sức mạnh đóng lưỡi khi dây tuôn  ra nhiều. Với đọt khá mềm mại, loại cần này ném mồi đi rất xa.

Cần Medium Action cong xuống đến khoảng giữa blank cần. Vì chúng có độ uốn cong rất tốt nên rất tuyệt vời cho việc quăng mồi lure nhỏ đi xa hoặc cho câu mồi sống mà không bị hất mồi ra khỏi lưỡi.

Cần Medium to Slow (từ vừa đến chậm) thường được lựa chọn khi câu với loại mồi lure di chuyển nhanh, có lưỡi ba chấu như crank baits, rattle baits và jerk baits. Những loại mồi này cần có kiểu trình diễn không đòi hỏi nhiều về độ nhạy mà tập trung nhiều hơn vào việc giữ cá khi đã mắc câu. Đường kính của lưỡi ba chấu thường mảnh hơn lưỡi đơn nên ít đòi hỏi lực đóng.

Cần Fast Action cong đến 1/3 chiều dài cần. Chúng quăng xa rất tuyệt và chính xác hơn loại cần Extra-fast. Chúng cũng mang lại nhiều cảm giác. Độ cứng của cần cho sức mạnh đóng cá và lôi được cá ra khỏi những chỗ rậm, dày.

Cần Extra-Fast Action cong chỉ ở phần ngọn, khoảng 15-20% chiều dài cần. Loại cần này có blank (thân cần) rất khỏe, phản ứng nhanh, nhờ độ cứng của blank nên chuyển nhanh và hiệu quả những rung động đến tay câu thủ. Loại cần này rất được ưa chuộng trong việc kéo cá ra khỏi những bụi rậm và thảm cỏ dày. Chúng tuyệt vời cho câu gần, nơi mà việc quăng xa và chính xác không được đặt nặng. chúng rất phù hợp với các kiểu câu cần các thao tác ném, liệng, tung hất hay búng, vụt nhẹ, lật mồi…Độ nhạy và sức mạnh đóng lưỡi siêu khỏe giúp cho chúng trở thành loại cần được lựa chọn cho câu mồi jig nặng, mồi spinnerbait, swimbait,  thẻo mồi worm Texas và thẻo Carolina.

Mặc dù blank cần Extra-Fast cung cấp độ nhạy xuất sắc, tiếp cận hiệu quả nhờ sức mạnh của blank nhưng đọt cần Extra-Fast cũng có thể chống lại bạn khi fighting với cá. Vì cần Extra-Fast bật trở lại trạng thái ban đầu rất nhanh nên đọt cần khó duy trì áp lực thích hợp để giữ cho mồi được an toàn. Vì khi đóng cá, một blank cần cứng khỏe đang ở trạng thái căng quá mức có thể sẽ làm cho lưỡi câu xé rách miệng cá, hoặc làm cho vết xuyên thấu của lưỡi câu trong miệng cá to hơn, khiến mồi lure dễ bị bong ra. Độ căng không đủ cũng góp phần làm cá phun mồi lure ra khỏi miệng. Thêm nữa, khi con cá hất mồi, dây lỏng ra, sau đó dây đột nhiên bị siết chặt, lực hất mồi của cá kết hợp với sức mạnh của cần có thể gây ra hiện tượng lưỡi câu kéo một phần miệng, môi, hay bắp thịt của cá, bạn không chỉ mất cá mà tệ nhất là làm cho cá bị tổn thương vĩnh viễn (nếu bạn có ý định thả cá lại). Lúc này, cần có action Fast sẽ hợp lý hơn. Blank của cần có action fast có đầy đủ sự nhạy cảm của cần Extra-Fast, nhưng lại cong nhiều hơn. Sau khi đóng lưỡi, đầu cần đàn hồi hơn nên cung cấp khả năng chiến đấu với cá tốt hơn. Việc cong từ đọt đầu cần dần xuống thân cần có thể giúp giảm shock khi cá làm mồi lỏng ra và hất mồi, duy trì trạng thái căng dây hợp lý. Cần Fast Action thường được các câu thủ quốc tế ứng dụng cho những kỹ thuật mà yêu cầu về độ nhạy ngang bằng với khả năng chiến đấu như Jigs, thẻo mồi Texas, Carolina mồi worm, quăng vào các điểm cỏ thưa.

So với cần có action fast, cần Slow Action bật trở lại vị trí ban đầu chậm hơn rất nhiều. Với đặc tính này, sức căng thích hợp của cần Slow sẽ giúp câu thủ dễ dàng hơn trong việc giữ cho lưỡi gài chặt vào cá khi chúng có xu hướng làm lỏng và hất mồi ra khỏi miệng. Loại cần câu này cũng phản ứng tốt hơn trước những hành động đột ngột của cá, ví dụ như, nếu một con cá khoảng 2kg lao đến như tên bắn, cướp mồi và chạy ra xa thật nhanh, người câu thường không kịp phản ứng để có thể thực hiện các thao tác như nhả dây, tăng áp lực đóng lưỡi…Lúc này, nếu dùng một cây cần có action slow có độ cong xuống đều đặn, mềm mại, khả năng bật lên trở lại chậm sẽ cho cá đủ thời gian nuốt mồi, đổi hướng, bơi đi và tự đóng lưỡi. Rõ ràng trong tình huống này, người câu không cần phải chiến đấu với cá, chỉ với vài chục cm dây, câu thủ có thể dựa vào độ cong của cần để giữ vững sự mắc câu của cá, cùng với việc ứng phó với mỗi cú giẫy làm loong lưỡi, hất mồi và nhảy vọt lên trên mặt nước của cá.

Action cũng ảnh hưởng đến độ chính xác của việc quăng mồi và khoảng cách quăng. Cần Slow cong hơn vì vậy quăng mồi lure đi xa mà ít nỗ lực hơn loại Fast. Nhiều câu thủ thích cần có action fast để được nhạy hơn và phản ứng nhanh hơn.

Làm thế nào để kiểm chứng được action của cần? Cách kiểm tra là chạm đầu cần câu vào trần nhà, cho khoen hướng lên trên, nắm thật vững và nâng đuôi cần lên. Tăng dần áp lực cho đến khi cây cần đạt mức cong tối đa.

Power là nói đến độ mạnh của cần câu, nghĩa là sức mạnh mà nó chống chịu khi cần cong xuống, hay nói cách khác: đó là độ cứng cáp của cần để kéo cá. Người câu thường chọn độ mạnh của cần dựa vào thông số dây, mồi được in trên cần. Dây và mồi càng lớn thì cần càng khỏe (mới điều khiển mồi hiệu quả). Một số cần lure có khả năng điều khiển mồi mạnh hơn con số khuyến nghị của hãng ghi trên cần (thường là của các hãng sản xuất lớn), nhưng số khác thì không, do vậy cần cân nhắc khi thực hiện trái với hướng dẫn, lâu dần sẽ dẫn đến hiệu suất giảm,góp phần làm cho cần bị hỏng hóc sớm.

Biểu đồ hiển thi Power của cần câu

Sức mạnh của cần có các cấp độ UL (Ultralight – rất nhẹ); L (Light - nhẹ); ML (Medium Light - trung bình nhẹ) ; M (Medium - trung bình); MH (Medium Heavy - trung bình mạnh); H (Heavy -  mạnh); XH (Extra Heavy – Rất mạnh).

Power

Line Rating

Lure Weight

Light

2 to 6 lb test

1/32 – 1/4 oz

Medium/Light

6 to 12 lb test

1/4 – 5/8 oz

Medium

6 to 12 lb test

3/16 – 1 oz

Medium/Heavy

8 to 15 lb test

3/16 – 1-1/4 oz

Heavy

15 to 30 lb test

1/4 – 1-1/2 oz

Xtra Heavy

12 to 25 lb test

5/8 – 2 oz

Xtra/Xtra Heavy

15 to 30 lb test

3/4 – 2 oz

Như có thể thấy, Action và Power là hai chỉ tiêu hoàn toàn khác nhau nên không thể thay thế cho nhau như nhiều người nhầm tưởng. Action đề cập đến độ cong xuống của cần và Power là nói đến sức chống chịu của cần để cong xuống khi tải nặng. Vậy những thuật ngữ này giúp được gì trong việc bắt cá? Hiểu rõ các tiêu chuẩn thiết kế và đặc tính vốn có của một blank cần sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc tạo ra cơ hội mang cá về. Cá càng lớn hay chướng ngại dầy đặc thì cần càng phải cứng, khỏe (Power cấp độ cao) còn Action là đặc điểm quan trọng nhất khi đề cập đến kỹ thuật trình diễn.

Một lưu ý khác về Action và Power là: không có tiêu chuẩn chung cho Action và Power trong nghành công nghiệp chế tác cần câu. Một cây cần action Fast, power Medium như  St.Croix sẽ hoàn toàn khác với cây G.Loomis cũng có action Fast và power Medium.

Cũng như bất kỳ một môn thể thao nào khác, có dụng cụ câu phù hợp là yêu cầu quan trọng trong câu cá. Câu thủ ngày nay có quá nhiều sự lựa chọn về mồi lure, kỹ thuật câu, nên các nhà sản xuất cần cũng đã không ngừng nghiên cứu, phát triển ra những loại cần có thể quăng xa và chính xác những con mồi đặc biệt. Họ cũng cân bằng những tính năng này với các yếu tố khác để mang lại cho câu thủ lợi thế khi đóng cá. Chọn cần đúng mục tiêu, hợp địa hình là cho phép câu thủ điều khiển mồi đúng cách, phát hiện nhiều cú táp, đóng lưỡi thành công và đưa cá về.

(còn tiếp)

VietnamFishingReview