Thế Giới Lure (Chọn cần Lure đúng – Phần 1)

Jan 31, 2016 02:38:57

Những năm gần đây, sự bùng nổ của môn câu mồi giả đã tạo đà cho ngành thương mại đồ câu phát triển, mở ra một triển vọng sáng sủa cho ngành kinh doanh vốn có từ rất lâu này.

Shimano World Shaula, dòng cần lure mà mọi câu thủ trên thế giới đều mơ ước sở hữu

Trong câu lure, cần câu rất quan trọng. Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao cá bạn câu lại bị sẩy? Dấu hiệu đó có thật là do cá táp mồi không? Bạn bỏ lỡ hết bao nhiêu cú va chạm mồi của cá? Việc quăng mồi không chính xác phải chăng là do cây cần? Đó chỉ là vài điều mà một cây cần đúng sẽ giúp bạn khắc phục. Cũng như chơi Golf, mỗi loại mồi lure đều đòi hỏi một loại cần chuyên biệt.

Bạn không thể dùng một cây cần có action H (heavy) để quăng ra loại mồi top water (loại nổi trên mặt) rồi mong đợi mồi có phản ứng thích hợp, chinh phục cá. Chọn được một cây cần đúng cũng đòi hỏi ở bạn những kiến thức căn bản về dụng cụ câu, ít nhất cũng giúp bạn không bị hoang mang trước những điều phải lựa chọn: chọn chất liệu nào, Fiberglass hay graphite? Action nhanh hay chậm? trọng lượng nặng hay nhẹ? Các vấn đề về chiều dài cần, khoen cần, bát máy, cán cần cùng thông số dây, mồi…?

Chất liệu
Một cây cần lure cơ bản được làm từ một trong hai loại vật liệu là thủy tinh (fiberglass) hoặc carbon (graphite). Vật liệu này được đan kết lại thành tấm, trông như tấm vải. Kiểu dệt càng mịn thì động tác (action) của cần càng nhanh. Việc dệt sợi được đo bằng hệ số modulus. Cần câu làm từ sợi thủy tinh có từ 6-13 triệu modulus và cần carbon thì có từ 33-66 triệu modulus. Cần câu có độ modulus cao sẽ cứng hơn, nhanh hơn, nhẹ hơn và nhạy hơn nhưng cũng sẽ giòn hơn, tương tự như sự khác biệt giữa Plexiglas và glass vậy.

Giữa hai loại sợi thủy tinh và carbon, sợi carbon giúp cần mạnh hơn, nhẹ và nhạy hơn hẳn. Cần carbon cũng có độ bật nhanh hơn và quăng mồi tốt hơn, chúng thường là sự lựa chọn của hầu hết các cầu thủ câu lure. Tuy nhiên, do rất mảnh và giòn hơn cần làm từ sợi thủy tinh nên cần có sự chăm chút cần thiết để kéo dài tuổi thọ cho cần. 

Tuy cần carbon có nhiều ưu điểm nhưng cần thủy tinh vẫn có chỗ đứng nhất định trong nghành công nghiệp chế tác cần câu cá. Khi dùng loại mồi lure mà đòi hỏi cần câu phải có action vừa (M) hay nhẹ (L) thì cần làm từ sợi thủy tinh vẫn là sự lựa chọn. Sợi thủy tinh cung cấp độ uốn cong parabolic cần thiết cho cần (nghĩa là cần sẽ cong đều trong suốt chiều dài cần). Cần câu làm bằng sợi thủy tinh nhìn chung là không quá đắt tiền, nặng và mạnh mẽ, được những người yêu thích sự giản tiện và tiết kiệm ưa chuộng.

Ngày nay có một loại chất liệu cũng rất phổ biến trong chế tác cần câu, đó là chất liệu tổng hợp, pha trộn giữa sợi thủy tinh và carbon. Loại cần này tận dụng được sức mạnh của sợi thủy tinh và độ nhạy bén, nhẹ nhàng của sợi carbon, gia tăng độ nhạy ở đầu cần và quăng tốt hơn loại cần câu làm hoàn toàn từ sợi thủy tinh. Chất liệu này được sử dụng rộng rãi trong tất cả các loại cần câu, kỹ thuật câu, từ câu cá ở bờ biển, cửa sông bằng mồi thật đến câu trolling bắt cá lớn. Đa phần cần tổng hợp không quá đắt tiền như cần carbon nhưng một vài loại cao cấp vẫn có giá rất cao.

Chiều dài của cần
Chiều dài cần câu luôn là chủ đề gây nhiều tranh cãi giữa các câu thủ. Gary Dobyns, chủ sở hữu thương hiệu Dobyns Rods, chuyên thiết kế các loại cần câu vược cho rằng "Chiều dài của cần chỉ nên ở trong phạm vi mà người câu có thể sử dụng”. Ông nói cần câu dài quá mức cần thiết có thể khiến câu thủ mắc một số lỗi.

Không nhiều người thích câu vược ở bờ biển với cần dài quá 9 feet (2.74m). Thực tế không ít người câu được vược 5-7 kg với cần chỉ dài 8 feet, tất nhiên phải gia tăng mức hãm và tạo áp lực lên cá một cách khôn khéo. Về mặt vật lý, một cây cần dài cùng action tốt sẽ giúp quăng mồi xa hơn cần ngắn, nhưng nhiều cần spinning có nguồn gốc từ châu âu có mức mồi mồi nặng hơn nên sẽ quăng được xa hơn, dù ngắn.  Chiều dài cần lý tưởng nhất được xác định bởi kiểu câu mà bạn yêu thích. Cần dài hay ngắn có liên quan đến yêu cầu quăng xa, vì thế nếu cần phải quăng thật xa, ví dụ như khi câu ở bờ biển, thì nên chọn cần dài. Còn nếu câu trên thuyền và thả mồi thẳng xuống đáy hoặc trolling thì cần ngắn sẽ tiện dụng hơn, thoải mái hơn khi fighting với cá.

Trong thực tế, 6'0 "(1.8m), 6'6" (1.98m) và 7'0 "(2.13m) là chiều dài 'all-rounder' phổ biến nhất  được sử dụng để câu ở các cửa sông, cầu cảng và các vách đá . Những loại chiều dài này sẽ giúp quăng mồi ra một cách dễ dàng và thuận lợi khi fighting với cá. Câu bờ biển thì cần câu không thể ngắn hơn 9’0’’ (2,74m).  Câu thủ Lure cũng nên xác định chiều dài cần dựa trên trọng lượng trung bình của mồi mà mình sử dụng cùng với yêu cầu về khoảng cách quăng. Mồi nặng ít đòi hỏi sự hỗ trợ từ cần câu, vì vậy có thể sử dụng cần ngắn, khoảng 5'6" (1.7m) đến 6'0". Tuy nhiên, nếu câu cá với mồi nhựa mềm hoặc mồi tráp nhỏ, cần dài 6'6" hay 7'0" hoặc dài hơn sẽ hữu ích hơn.

Các câu thủ chuyên nghiệp thường có từ 2-3 cây cần với đủ độ dài và thông số mồi. Họ câu mồi nhựa mềm và mồi plug nhỏ với cần dài 7’3’’, thông số mồi từ 2-28gram. Dùng cần 8,2’’ với thông số mồi từ 5-30gram cho mồi nhựa mềm và mồi plug khi cần phải quăng xa. Và cuối cùng là cần dài trên 9’8’’ với dải mồi 10-60gram cho những địa hình nhiều thử thách.

(Còn tiếp)

VietnamFishingReview