Thế giới Lure (Lịch sử môn câu Lure và mồi Lure trên thế giới – Phần 4)

Jan 12, 2016 10:25:07

Mồi nhựa mềm mô phỏng rất giống những con vật mà cá thường ăn như cá, tôm, nhái, thằn lằn, giun, dế… nhờ sự mềm mại và đàn hồi của loại nhựa dẻo tổng hợp. Việc chế tác ra loại mồi này cũng khá đơn giản, giá thành thấp, mồi lại có hiệu quả cao vì có chuyển động uyển chuyển, lắc lư như thật, dễ dàng trườn qua các chướng ngại mà không bị vướng, nên cũng dễ hiểu khi mồi nhựa mềm là một trong những loại mồi có độ phủ thị trường lớn nhất trong thế giới mồi giả.

Mồi nhựa mềm mô phỏng rất giống cá con

Loại mồi này được khai sinh trong khoảng thời gian cuối 1950 đầu 1960. Ban đầu chỉ có một số mồi đơn giản như giun nhỏ và ấu trùng được làm từ nhựa cứng. Loại mồi cứng này không có được sự mềm mại cần thiết, khi cá cắn mồi nó có thể phun ra ngay nếu không đóng cần nhanh, không giống như mồi mềm, cá ngậm lâu hơn nên câu thủ có thêm thời gian để giật cần.

Năm 1972, nhà sản xuất mồi giả Mister Twister đã được cấp bằng sáng chế cho loại mồi Curly Tail được làm bằng silicon vô cùng mềm dẻo và linh hoạt, đã giúp cải thiện đáng kể hiệu quả câu cá.

Những năm đầu thập niên 80, doanh số bán quá cao của Mister Twister đã tạo động lực cho nhiều hãng sản xuất mồi giả tham gia vào thị trường còn non trẻ này, tạo đà cho ngành công nghiệp mồi nhựa mềm của thế giới phát triển mạnh mẽ đến ngày nay. Hàng loạt những loại mồi mới ra đời với sự đa dạng về hình dáng, màu sắc, kích thước. trong đó, phải kể đến con mồi Touchdown của hãng Tom Moore năm 1974. Touchdown nguyên bản có 2 lưỡi được bảo vệ chống vướng đi kèm với 12 inch dây ngọn cùng khoen xoay và chì. Sau đó phiên bản Pro được tạo ra với lưỡi lớn hơn và dây ngọn dài 36 inch.

Ngành công nghiệp mồi nhựa mềm của thế giới không ngừng phát triển cho đến ngày nay

Những ai trung thành với mồi thật đều cho rằng mồi thật hiệu quả hơn nhưng không phủ nhận sự tiện dụng của mồi giả cũng như lợi ích mà mồi nhựa mềm mang lại. Một trong số những ưu điểm dễ nhận thấy nhất là mồi rất bền, khi quăng ra không bị đứt hay tuột khỏi lưỡi câu. Mồi thật có thể đứt khi cá táp nhẹ nhưng mồi nhựa mềm thì vẫn dính ở lưỡi câu. Thêm vào đó, không phải lúc nào cũng có mồi thật để câu trong khi mồi giả mềm thì ở đâu cũng có, đủ size đủ loại, đủ màu đủ vị…

Có nhiều kỹ thuật câu khác nhau tùy theo hình dạng của mồi nhựa mềm, tuy nhiên chủ yếu vẫn là quăng mồi ra rồi thu mồi vào kết hợp hành động giật ngắn và mạnh nhờ búng đầu cần. Các tay câu mồi nhựa mềm có kinh nghiệm cố gắng làm cho mồi có tác phong và chuyển động giống như loại tôm, cá hay giun, dế. Mồi nhựa mềm cũng được dùng với các loại thẻo dành cho mồi thật.

Sự tiện dụng cũng như lợi ích mà mồi nhựa mềm mang lại rất lớn

Thẻo, kỹ thuật câu mồi nhựa mềm cũng đa dạng theo hình dáng, màu sắc và kích thước mà chúng có. Trong quá trình câu, các câu thủ dần dần sáng tạo ra các loại thẻo chuyên biệt dành cho loại mồi này căn cứ vào đặc điểm của cá mục tiêu và điểm câu, có thể kể đến thẻo Texas, Carolina. Nơi có nhiều rong rêu, cây chìm thì dùng loại thẻo Texas (kiểu này dấu lưỡi câu trong thân mồi nên không bị vướng khi kéo lướt qua vật cản). Nếu câu rê bằng thuyền ở nơi nước sâu thì dùng kiểu thẻo Carolina. Kiểu này không làm xoắn dây.

Thẻo Tandem được thiết kế để tránh mất cá khi chúng tấn công chớp nhoáng. Có một biến thể khác của kiểu câu jghead truyền thống được sáng tạo cho mồi nhựa mềm là Deep Darter Head, cung cấp kiểu di chuyển mồi "walk the dog" (rê dắt mồi kết hợp tạm dừng) ở lớp nước dưới sóng.

Thẻo, kỹ thuật câu mồi nhựa mềm cũng đa dạng theo hình dáng, màu sắc và kích thước

Mồi nhựa mềm cũng được điều khiển và giật tương tự như phương pháp câu mồi nhựa cứng hay mồi kim loại, Cá thường thường táp mồi nhựa mềm khi mồi chìm xuốngnên phải dùng cần thật nhạy để nhận biết khi cá táp và giương cần cao khi mồi chìm dần. Một trong những sai lầm thường gặp khi câu thẻo Texas là dùng chì quá nặng nên làm mồi chìm nhanh, cá không có cơ hội tấn công mồi; hoặc dùng cần quá dịu nên khi giật cần đóng lưỡi, lưỡi không thể xuyên qua mồi để cắm vào miệng cá. Các tay câu chuyên nghiệp thường hạ đầu cần thấp xuống khi cá táp đồng thời quay máy thu nhanh dây chùng, lúc đó mới giật cần thật mạnh, giật ít nhất 2,3 lần để không sẩy cá. Câu những loại mồi nhỏ, họ dùng cần spinning nhẹ và mảnh hoặc cần câu fly với dây 6-8lb. Cũng có một vài hãng sản xuất dụng cụ câu có loại cần chuyên dụng cho mồi nhựa mềm (cần worm rod).

Ngày nay, mồi nhựa mềm có rất nhiều hình dạng kể cả mồi lai, ví dụ như loại mồi nửa phần trước là nhựa cứng và phần đuôi là nhựa mềm, sinh động y như thật. Loại mồi lai này thường có lưỡi ba chấu (treble hook) cùng vài tính năng mà mồi nhựa cứng không có. Cho rằng, mồi nhựa mềm làm bằng polymer (hợp chất cao phân tử tổng hợp) không phân hủy trong nước, có thể ảnh hưởng đến môi trường nên nhà sản xuất mồi giả Berkley đã sáng tạo ra loại mồi nhựa mềm làm từ chất hữu cơ, có khả năng tự phân hủy trong nước nhưng vẫn giữ được độ mềm mại, uyển chuyển của loại mồi làm bằng polymer truyền thống.

Một loại mồi lai giữa mồi cứng và mồi mềm

Loại mồi mới này, cơ bản vẫn dựa vào chất liệu polymer nhưng là polyvinyl alcohol (PVOH) thay vì polyvinyl chloride (PVC). Mà PVOH vẫn là một hợp chất cao phân tử nên các loại mồi mới của Berley chỉ phân hủy trong nước ở nhiệt độ trên 60 độ C. Đã có rất nhiều tranh cãi xung quanh con mồi hữu cơ mới này dẫn đến việc mồi bị cấm sử dụng trong các giải đấu chính quy. Tuy nhiên, Berley cũng đã tạo ra một xu hướng mới trong việc tìm tòi các các chất liệu chế tác mồi nhựa mềm, thể hiện trách nhiệm của nhà sản xuất trong vấn đề phát triển công nghệ đi đôi với việc bảo vệ môi sinh, môi trường. Sau Berley là công ty Hogy Lure đã làm mồi nhựa mềm từ đậu nành.

(Còn tiếp)

VietnamFishingReview

Bài viết liên quan:
- Câu cá Chẽm (Bài 6 -  Câu cá Vược bằng mồi nhựa dẻo – Part 1 – Mồi Zoom Super Hog)
- Câu cá Chẽm (Bài 7 -  Câu cá Vược bằng mồi nhựa dẻo – Part 2 – Mồi FAT Worm)
- Câu cá Chẽm (Bài 8 -  Câu cá Vược bằng mồi nhựa dẻo – Part 3 – Kỹ thuật câu Drop Shot)
- Câu cá Chẽm (Bài 9 -  Câu cá Vược bằng mồi nhựa dẻo – Part 4 – Shakey Jig, kỹ thuật câu đậm tính bác học)