Thế giới Lure (Lịch sử môn câu lure và mồi Lure trên thế giới – Phần 2)

Dec 24, 2015 08:21:44

Mồi thìa (Spoon lure)
Chuyện kể rằng, vào năm 1820, Julio T Buel, một tay câu vùng East Poultney, Vermont, trong một buổi câu trên hồ Bomosheen, thuyền của anh bất ngờ va chạm vào một tảng đá. Lúc đó, anh ta đang ăn trưa. Cú va chạm mạnh khiến chiếc thìa rơi xuống nước. Khi nhìn theo chiếc thìa chao liệng trên đường đi xuống đáy hồ, một ý tưởng về mồi câu đã nảy ra trong đầu Buel. Anh chạy nhanh về nhà, dùng một đồ dùng bằng bạc tạo hình ngay một con mồi lure có hình dáng giống chiếc thìa rồi nhanh chóng quay lại hồ và bắt được một con cá hồi lớn.

Mồi lure có hình dáng giống chiếc thìa

Julio T Buel được cho là người đã phát minh ra mồi thìa. Còn lịch sử khảo cổ học ghi nhận, ý tưởng câu cá bằng mồi thìa được thổ dân Mỹ ứng dụng từ thời xa xưa, bằng chứng là có sự hiện diện của vỏ/mai động vật thân mềm gắn với lưỡi câu làm từ xương động vật trong các hang động.

Mồi thìa được mô phỏng như chiếc vỏ/mai động vật thân mềm gắn với lưỡi câu

Trong thế giới hiện đại, mồi thìa được làm bằng thép hoặc thau, có loại làm bằng nhựa cứng, một mặt mồi được làm khuyết vào để khi rê kéo, thìa sẽ cản nước và chao đảo trong nước. Không chỉ hõm vào, đa số mồi thìa đều có một mặt được mài bóng láng hoặc mạ crom để tạo sự phản chiếu ánh sáng. Cũng có loại mồi thìa được sơn sậm màu nhằm ngăn cản sự phản chiếu làm cá bớt sợ. Mỗi mồi thường có lưỡi đơn hay lưỡi ba tiêu đính vào bằng một khoen nhỏ. Mục tiêu của mồi thìa là tận dụng sự lấp lánh, chao đảo của mồi trong nước, bắt chước những con cá nhỏ bị thương đang sợ hãi trốn chạy để thu hút cá.

Mồi thìa thế hệ mới được làm bằng thép hoặc thau, có loại làm bằng nhựa cứng...

Câu lure với mồi thìa, tùy thuộc vào cách câu, địa hình câu mà chọn những loại thìa phù hợp. Ví  như khi câu ở những khu vực rộng lớn, nước sâu, nhiều gió thì nên chọn loại thìa dày. Loại dày sẽ uốn lượn nhiều khi kéo nhanh, quăng xa dù có gió mạnh, chìm nhanh dù nước có sâu hay chảy mạnh, giúp người câu truy tìm cá nhanh hơn. Câu chỗ cạn thì dùng thìa mỏng, tuy có xu hướng trượt lên trên mặt nước khi kéo nhưng thìa mỏng cũng có ưu điểm là uốn lượn nhiều dù kéo chậm.

Mồi thìa rất dễ sử dụng và cực kỳ hiệu quả

Mồi thìa rất dễ sử dụng, tiện lợi, câu được nhiều kiểu, dù là đứng trên cầu quăng ra xa hay rê trên thuyền/ ghe trong khu nước sâu, nước chảy mạnh thì cũng rất hiệu quả, chính vì thế, nó được đánh giá là một trong những loại mồi lure thông dụng nhất trên thế giới. Tuy nhiên, khi câu loại mồi này cũng cần phải lưu ý một vài điều căn bản, đó là không cột dây trực tiếp vào mồi mà không thông qua khoen, vì cạnh sắc của mồi có thể làm dây đứt và mồi không uốn lượn hiệu quả.

Khi mua mồi thìa, nếu nhìn thấy trên vỏ hộp ghi “Trolling spoon” thì cần hiểu đây là loại mồi được thiết kế để chuyên câu rê trên thuyền. Mồi này khá mỏng để lượn nhiều trong nước, nhẹ để ít bị vướng rong và dễ trượt lên trên vật cản dù là đá ngầm. Khi câu loại cá nổi gần mặt nước, người câu không cần gắn thêm chì nặng vào mồi, nhưng nếu câu cá ăn sâu, thì phải gắn thêm chì.

Mồi quay (Spinners)
Sự sáng tạo của người câu là vô tận, bất kỳ tình huống thắng-bại nào trong câu cá đều được họ tận dụng, làm cơ sở phát triển ra một loại mồi mới, nhằm hạn chế những bất lợi và phát huy những thuận lợi trong quá trình câu. Trong lịch sử phát triển của môn câu cá thể thao, đã có rất nhiều loại mồi ghi dấu ấn cho sự sáng tạo đó, và Spinner là một ví dụ điển hình.

Với kết cấu rất đơn giản, chỉ là một thìa kim loại dùng làm cánh quạt, quay xung quanh một thanh thép nhỏ và dây câu được nối vào đây, mồi Spinner vô cùng hữu dụng cả trong nước đục lẫn nước trong. Khi quăng mồi, spinner chìm chậm nên rất hiệu quả khi câu nước cạn, hoặc ở các khu nước thoáng, ít rong. Được rất nhiều loại cá ưa thích, lại câu được quanh năm nên loại mồi bình dân này được dân câu thế giới đánh giá là con mồi hay nhất trong tất cả các loại mồi giả.

Bộ phận “làm nên chuyện nhất” của loại mồi này chính là chiếc thìa mỏng bằng kim loại, một mặt lồi một mặt lõm. Chiếc thìa này có thể to bản, có thể nhỏ bản. Nếu câu ở chỗ nước chảy nhanh thì nên dùng loại bản nhỏ và rê thật nhanh. Còn câu ở chỗ nước chảy chậm thì nên dùng loại bản lớn và rê thật chậm rãi. Dùng loại cần cứng khỏe để có thể giật mạnh làm lưỡi câu xóc mạnh vào miệng cá. Trong quá trình câu, nguyên tắc cơ bản là quay đều tay rồi bất thình lình thay đổi tốc độ cho mồi chạy nhanh hơn để kích thích cá, giống như một con cá thật đột ngột chạy trốn khi phát hiện ra kẻ đi săn vậy.

Trong lịch sử phát triển của mình, mồi Spinner cũng có nhiều phiên bản nhằm thỏa mãn được hết nhiều loại địa hình, nhiều loại cá của câu thủ. Một trong những phiên bản thành công nhất chính là Spinnerbait.

Vẫn tuân theo nguyên lý thiết kế của một Spinner, mồi Spinnerbait cũng có thìa quay và quay quanh trục. Chiếc thìa này lại chia mồi Spinnerbait ra làm 3 loại mồi: đó là mồi có 1 thìa, mồi có 2 thìa và mồi có từ 3 thìa trở lên.

Mồi Spinnerbait loại 2 thìa

Spinnerbait được tạo ra để khắc phục những khó khăn khi câu ở các địa hình có nhiều chướng ngại như khu nhiều chà, nhiều gốc cây nằm rải rác dưới đáy hồ. Do có cấu tạo độc đáo, thân trục chính chẻ ra hình chữ V để tránh rong hoặc nhánh cây vướng vào lưỡi hoặc thìa quay, còn thìa quay thì vừa tạo sự phản chiếu lấp lánh, vừa tạo được âm thanh khi quay, nên Spinnerbait được ví như những chàng trinh sát quả cảm, sẵn sàng lôi kéo sự chú ý, sự xuất hiện của các loại cá săn mồi. Và cho dù có làm nên chuyện hay không thì nó cũng đã làm cho kẻ thù lộ diện, giúp người câu biết được vị trí của cá để có cách đánh phù hợp.

Mồi Spinnerbait vô cùng hữu dụng cả trong nước đục lẫn nước trong

Một phiên bản khác, tuy không thông dụng như Spinnerbait nhưng lại là một sát thủ trên mặt, đó là mồi Buzzbait. Có hình dáng không khác nhiều so với Spinnerbait nhưng bộ phận thìa quay được thiết kế rất đặc biệt, không quay quanh trục như Spinnerbait mà làm nhiệm vụ đẩy nước đi. Mỗi mồi Buzzbait có từ 1-3 thìa quay.

Mồi Buzzbait, một phiên bản khác của mồi Spinner

Mồi này được thiết kế để hoạt động trên mặt nước, khi rê tạo âm thanh rù rì trong nước và tạo sóng trên mặt do thìa quay đẩy nước. Buzzbait cực kỳ hiệu quả khi câu nước đục, vì cá không nhìn thấy mồi thì nghe được tiếng động do mồi tạo ra.

Còn tiếp

VietnamFishingReview

 - Bài viết liên quan:
* Thế giới Lure (Lịch sử môn câu lure và mồi Lure trên thế giới – Phần 1)