Thế giới Lure (Lịch sử môn câu lure và mồi Lure trên thế giới – Phần 1)

Dec 23, 2015 08:04:56

Chưa có một con số thống kê cụ thể nào cho thấy có bao nhiêu người tham gia môn câu lure (câu cá bằng mồi giả) trên Thế Giới, chỉ biết là không thể đếm xuể. Còn ở Việt Nam, chỉ mới vài năm trước, rất nhiều tay câu thâm niên cho việc một con mồi giả có thể thay thế một con mồi thật để chinh phục cá là điều không tưởng. Nhiều người thậm chí còn muốn mua thêm hương liệu tạo mùi tanh để tẩm ướp lên con cá giả trước khi cho nó ra trận. Thế mà nay, có thể nói, môn câu mồi giả đã ở thế sẵn sàng khai tử cho kiểu câu ngâm truyền thống với hàng loạt tín đồ mới tăng lên mỗi ngày.

Mồi lure mang đậm sắc thái nghệ thuật

Trong câu cá giải trí, câu “lure” là sử dụng một vật thể, gọi là mồi lure, được thiết kế để có hình dáng, hoạt động, hành vi, giống như con mồi thật, nối vào cuối dây. Mồi lure, với mục tiêu là tận dụng mọi sự rung động, màu sắc mà nó được các nhà chế tác truyền vào để thu hút, quyến dụ con cá, khiến chúng không thể cưỡng lại. Đi kèm với mồi giả là một hay nhiều lưỡi đơn, hoặc lưỡi đôi, lưỡi ba.

Câu lure là phải sử dụng cần và máy. Khi mồi lure được dùng cho mục đích quăng, nó được liên tục quăng ra xa và thu dây kéo vào. Câu lure vô cùng thử thách và thú vị. Nếu mồi sống quyến rũ cá tự nhiên theo bản năng thì trong câu lure, người câu phải điều khiển mọi chuyển động của lure sao cho hấp dẫn với cá nhất. Người câu phải biết chọn đúng mồi, quăng chính xác, tốc độ thu dây phải đúng cùng với khả năng hiểu về nước, thời tiết, các loại cá cư trú, phản ứng của cá, thời gian câu và nhiều yếu tố khác nữa...

Lịch sử kéo dài từ cổ đại đến đương đại
Môn câu lure có tuổi đời dài hơn trí tưởng tượng của bất kỳ ai, từ thời cổ đại, một thời kỳ mà con người được cho là chỉ biết lôi cá ra khỏi nước bằng bàn tay trần, tiến hóa hơn thì đâm cá bằng giáo, mác. Thế nhưng, các công trình khảo cổ học ở các hang động đều cho thấy sự xuất hiện của những thứ trông giống như lưỡi câu được làm bằng xương động vật và đồng. Lịch sử ghi nhận người Ai Cập cổ và người Trung Hoa cổ là những tộc người đầu tiên biết câu cá bằng dây (không có máy hoặc cần).

Đến khoảng niên đại 2000 năm trước Công Nguyên, họ đã bắt đầu sử dụng cần câu. Ngư dân Trung Hoa cổ là người làm ra dây câu đầu tiên, tất nhiên là bằng thứ sợi lụa mịn chứ không phải dây như bây giờ. Còn người La Mã cổ là những người đầu tiên biết tận dụng câu cá làm trò tiêu khiển, thế kỷ thứ III sau Công Nguyên, một nhân vật tên là Claudius Aelianus, đã viết nhiều về niềm vui khi câu Fly. Ông cũng tự mình làm mồi lure từ những thứ như lông thú, đồng, chì và dây câu thì từ bờm ngựa.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử của câu lure, có thể thấy việc tạo ra mồi lure chủ yếu là trò vui của các câu thủ, họ thích sáng tạo và trải nghiệm sự sáng tạo đó bằng những thành công trên thực địa. Rất nhiều mồi lure mang đậm sắc thái nghệ thuật cũng ra đời. Đến giữa thế kỷ 19 thì việc chế tác mồi giả mới được thương mại hóa. Đầu những năm 1900, “Heddon and Pflueger” của Hoa Kỳ là công ty tiên phong trong việc đưa mồi giả vào sản xuất hàng loạt, đánh dấu sự khởi đầu của thời kỳ phát triển rực rỡ của môn câu lure, mang đến cho thế giới hiện đại hàng tỉ đô la trên khắp các lục địa.

Môn câu Lure đã và đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết và chắc chắn nó sẽ góp phần thay đổi cách con người câu cá trong tương lai.

Những loại mồi Lure nổi tiếng trong lịch sử Lure thế giới

Artificial Flies (Ruồi nhân tạo)

Mồi Ruồi nhân tạo

Nói đến những con mồi lure lâu đời nhất trong lịch sử không thể không nói đến Artificial Flies, loại mồi mô phỏng hình dáng của loài ruồi, bọ sống dưới nước hoặc trên cạn. Đa số loài ruồi, bọ đều là nguồn thực phẩm chính của cá ở một thời điểm nào đó trong năm nên câu mồi này cực kỳ hiệu quả. Nhắc đến mồi flies, đa phần suy nghĩ đều hướng đến kỹ thuật câu Fly, một kỹ thuật câu chủ yếu chinh phục hai loại cá Hồi là cá Hồi Hương (Trout) và cá Hồi (Salmon) ở xứ lạnh, nhất là cá Hồi Hương vốn sống trong những dòng nước lạnh, chảy luân lưu, rất sạch, nhiều dưỡng khí nên rất nhát, chỉ cần một tiếng động lạ hoặc bóng người thoáng qua là không thể bắt được chúng.

Kiểu câu Fly hoàn toàn khác biệt với các kiểu câu spinning, casting, trolling thông thường, sử dụng loại cần/ máy/ dây chuyên biệt, chủ yếu dựa vào sức nặng của dây để quăng mồi, kèm theo điều kiện: dây phải đủ nặng để quăng mồi đi xa nhưng không được quá nặng để khi rơi xuống nước tạo tiếng động mạnh làm cá sợ. Trong lịch sử phát triển của mình, môn câu Fly đã có những thay đổi đáng kể, ngoài loại mồi ruồi khô (Dry Flies) chỉ dùng câu trên mặt nước, rất nhẹ nhàng rón rén, còn có những loại mồi Flies khác còn tạo ra tiếng động, dùng khi nước đục. Và mồi Flies, kiểu câu Fly không chỉ dành riêng cho loài cá Hồi danh giá nữa mà còn cho các loại cá khác.

Mồi Dry Flies

Người câu lure muốn câu hiệu quả cần phải biết rõ loại mồi mình đang có, ví dụ mồi Flies có Dry Flies (ruồi khô) chỉ dùng để câu trên mặt nước; Wet Flies (ruồi ướt) câu chìm dưới nước; Nymphs thì mô phỏng loài ruồi đang kỳ thành nhộng, câu dưới nước hoặc sát mặt nước. Streamers có dáng dài, thường dùng câu chìm nhưng cũng có một số câu trên mặt; Bugs bắt chước các loại côn trùng to, đôi lúc mô phỏng cả loài chuột, nhái, cá con. Bugs cũng có thể là loại mồi không giống với bất kỳ loại thức ăn nào mà cá thường ăn cả, thu hút cá chủ yếu nhờ vào tiếng rơi của nó trên mặt nước nên thường câu trên mặt, khi rê kéo thì nó chìm xuống, ngưng kéo thì trồi lên.

Mồi Wet Flies

Câu với mồi Flies nói chung không chỉ phải chọn đúng mồi, câu đúng kiểu mà còn làm sao cho nó có tác phong giống như mồi thật. Mỗi loại mồi Flies đều ứng với một kỹ thuật câu khác nhau, muôn hình vạn trạng và tinh diệu vô cùng. Ví như khi câu với mồi Dry Flies, câu thủ phải thiết kế đường quăng sao cho con mồi chạm mặt nước, rồi cho mồi nhảy nhẹ nhàng trên mặt giống như khi con ruồi/ bọ đang bay là là trên mặt để đẻ trứng, muốn vậy, khâu phất cần ra phải thật khéo sao cho con mồi chỉ chạm mặt nước, rồi lại phất cần cho mồi chạm thêm lần nữa, sau vài lần mới cho “đậu” hẳn, và “đậu” chứ không phải rơi vì rơi sẽ tạo tiếng ồn, thấy động cá sợ sẽ không ăn. Đối với những con Flies thật, khi rơi xuống nước sẽ trôi cùng với nước, cùng một tốc độ, rất tự nhiên. Còn Flies giả, vì bị cản trở bởi dây câu nên không thể trôi giống thật được, và đó là một trong những trở ngại lớn nhất mà câu thủ phải vượt qua. Những người có kinh nghiệm thường dồn hết tâm sức vào dây câu để điều khiển mồi, họ để dây chùng, rung đầu cần trước khi thấy rõ mồi, nên khi dây xuống nước sẽ cong hình chữ S giúp mồi trôi tự nhiên. Đến khi dây căng thì lại quăng lại…

Mồi Streamer Flies

Trải qua hết thiên niên kỷ này đến thiên niên kỷ khác, mồi Flies và kiểu câu Fly vẫn giữ vững là một trong những loại mồi lure, kỹ thuật lure mang đậm sắc thái của người Tây Phương với đầy đủ sự vi diệu của khoa học và nghệ thuật.

(Còn tiếp)

VietnamFishingReview