Thế Giới Popping (Bài 4 - Cẩm nang cho câu thủ mới nhập môn GT - Phần 1)

Oct 11, 2014 13:01:51

Hơn 10 năm qua, cộng đồng câu cá thể thao đã chứng kiến nhiều sự thay đổi của môn câu popping GT. Công nghệ hiện đại trong bộ hãm đầy sức mạnh của máy câu Spinning cùng với cần câu GT thế hệ mới đã tạo cho chúng khả năng chịu được lực kéo “khủng” cũng như quăng xa loại mồi giả lớn, giúp người câu đạt mục đích chinh phục cá khổng lồ ở những rạn san hô cạn. Dù có chút cường điệu, thổi phồng nhưng sự phấn khích tột bậc của câu thủ khi chinh phục GT là điều có thật. Môn popping GT có sức hút vô cùng mạnh mẽ, ngày càng có nhiều người tham gia, hệ quả này một phần bắt nguồn từ việc có rất nhiều video clip “người thật việc thật” được đăng tải trên You Tube, trong đó thể hiện những pha tấn công mồi giả của cá GT khổng lồ ngay trên mặt nước vô cùng ngoạn mục.

Pha tấn công mồi giả của cá GT khổng lồ ngay trên mặt nước vô cùng ngoạn mục

Máy câu:
Có thể nói linh hồn của Popping, một kỹ thuật casting mồi giả nổi trên mặt là cá GT (Giant Trevally). Chính kích thước nổi bật, sức chiến đấu mạnh bạo, khốc liệt của GT đã làm cho môn popping luôn bí ẩn và hấp dẫn. Cách duy nhất đánh bại được GT là phải chặn được sức chạy mạnh mẽ, buộc con cá phải ngưng lại trước khi lao vào các rạn san hô, và điều này không hề dễ dàng. Chỉ có dụng cụ câu hạng nặng, chất lượng cùng nhiều sức mạnh cơ bắp mới có thể khuất phục được một trong những động vật bạo liệt nhất hành tinh này.

Câu popping GT là không thể hà tiện trong việc sắm sửa dụng cụ câu vì nơi sống của GT thường là nước cạn, quanh những rạn san hô sắc bén, dễ dàng cắt đôi dây braid và dây ngọn nếu cọ xát vào, Do vậy, một máy spinning có tốc độ cao (high speed) để theo kịp mồi, có mức hãm lớn là cần thiết để chặn cá lại. Câu thủ quốc tế thường chọn loại máy spinning lớn có max drag 20-30kg nhưng hiếm khi phải dùng đến mức hãm đó, mức hãm thông dụng chỉ khoảng 12-18kgs. Khả năng chứa dây cũng không quan trọng lắm vì popping GT không phải là kiểu câu mà bạn muốn để cho cá lấy đi hàng trăm mét dây. Tuy nhiên máy phải có một mức hãm trơn, mượt và mạnh mới ngăn được cá chạy trở lại rạn. Nhưng nếu câu popping cá Ngừ thì máy phải chứa được ít nhất 275m dây braid 65-80lb, mức hãm tối thiểu là 25lb vì đuổi theo cá Ngừ lớn thì phải có đủ dây mới lôi chúng về được.

Máy câu hi-end Stella SW 14000XG có max drag 25kg luôn được khuyến nghị câu popping GT

Không dùng máy ngang (conventional) để câu popping, 99% máy spinning được sử dụng trong kỹ thuật này. Về nguyên tắc là dùng loại cao cấp nhất có thể, điều này sẽ giúp điều khiển mồi giả đúng nhất, chính xác nhất. Máy câu đắt tiền thường có xu hướng nhẹ và gọn, chứa được nhiều dây, người câu sẽ dễ xoay xở hơn, dễ tạo thế cân bằng với cần, dây, mồi, phụ kiện…

Cần câu
Thông tin chi tiết về cần câu popping đã được phân tích ở các bài viết trước. Về cơ bản, cần câu popping GT thường cứng, khỏe, có chiều dài 7.6-9 feet để quăng xa mồi popper lớn và chiến đấu với cá lớn dễ dàng. Quan trọng nhất là phải có sự cân bằng với tổng thể, nghĩa là nếu dùng dây PE8 (80lb), cần câu phải có mức “line weight” 80lb mới quăng được loại mồi phù hợp với tải trọng này.

Cần câu Hot's Gipang Tide Lez GT 77XH là một trong những đại diện đặc trưng
của cần câu GT hi-end

Sử dụng đai hông (belt) để đảm bảo an toàn cho thiết bị câu trong suốt trận đấu. Cần nhớ là mỗi người có một thể trạng khác nhau nên mức độ phù hợp cũng sẽ khác nhau, một cây cần hợp với người này chưa hẳn là đúng với người khác, do vậy hãy chọn loại cần phù hợp với nhu cầu, với thể lực và phong cách chiến đấu (fighting) của riêng bạn. Khi chọn cần nên quan tâm đến các chỉ tiêu sau:

+ Chiều dài: Nhiều ý kiến cho rằng, người mới chơi nên cân nhắc chọn cần dài để quăng mồi càng xa càng tốt vì yếu tố quăng xa đặc biệt quan trọng trong kiểu câu này. Nên chọn loại cần 2 đoạn để đi lại thuận tiện. Chiều dài nằm trong khoảng 7.5-9 feet, trung bình là 8 feet.

+ Trong lượng nhẹ: Trọng lượng cần cũng rất quan trọng, nhất là lúc bạn phải quăng mồi popper nặng 100 – 200gram dưới nắng gay gắt, do vậy bạn nên có một cây cần nhẹ để quăng suốt ngày mà không mệt.

+ Độ cân bằng: Vì phải quăng hàng trăm lượt, thậm chí hơn nên sẽ rất cần 1 cần câu có độ cân bằng tốt để điều khiển mồi popper đúng cách, nhờ đó bạn cũng sẽ kiểm soát mồi nhiều hơn, có lực bẩy tốt hơn. 

+ Độ mạnh: Ai câu Popping GT cũng muốn có cần câu mạnh và cong xuống hoàn hảo trước sức kéo của cá lớn. Tuy nhiên, một cây cần quá mạnh sẽ làm phiền bạn vì chúng sẽ nặng hơn và tốn nhiều thời gian dòng cá hơn. Cần casting mạnh thường dài khoảng 6 feet tính từ đầu trên bát máy.

+ Action: Không như jigging, kiểu câu mà bạn có thể chọn loại parabolic, trong kỹ thuật câu casting này bạn không dùng cần parabolic vì phải chọn chiều dài. Một cây cần casting có blank đúng, phù hợp sẽ không tạo áp lực lên người câu mà lên con cá.

+ Đầu cần: Về cơ bản đầu cần popping vừa phải dẻo, đàn hồi để có thể điều cần chính xác khi quăng xa tối đa, vừa phải đủ độ cứng để điều khiển mồi giả. Tùy vào việc chọn mồi, stickbait hay popper, mà chọn đầu cần. Với mồi popper: đầu cần nên cứng để kéo mồi lớn một cách bạo lực nhưng phải đủ mảnh để tạo độ nẩy. Mồi stickbait và swimbait thì đòi hỏi đầu cần phải mềm và mảnh, loại mồi này đòi hỏi kỹ thuật câu khéo léo do vậy độ cứng không quan trọng bằng.

+ Các thông số dây, mồi: Hầu hết các loại cần casting đều thể hiện rõ thông số theo 2 cách: mồi (lure weight) hoặc dây PE

Mồi: ví dụ cần có mức lure weight 50-100g nghĩa là cần câu có khả năng ném mồi lure trong khoảng 50-100g, bạn cần phải tuân thủ đúng thông số này, nếu dùng mồi nặng hơn, ví dụ 160g, thì sẽ ném không chính xác.

PE: Thông số dây PE ở cần popping tương tự như cần jigging, hầu như cần nào có mức lure weight nặng thì cũng có mức PE lớn nghĩa là chuyển sang mức hãm cao hơn.

+ Sức kéo: Hầu hết các nhà sản xuất đều đưa ra chỉ tiêu mức hãm tiêu chuẩn và mức hãm tối đa để người câu biết mức giới hạn của cần, gia tăng độ thành công khi sử dụng.

Dây trục và dây ngọn
+ Dây trục: Dây braid là sự lựa chọn duy nhất vì khả năng quăng xa xuất sắc của nó. Loại dây này cũng không dãn và có sức căng tuyệt vời. Dùng dây PẸ trong khoảng #5-10 (50-150lb) sẽ giữ cho bạn được an toàn (chỉ số này sẽ thay đổi theo kích thước trung bình của cá trong khu vực). Mua dây chất lượng cao là bắt buộc.

Có 2 loại dây braid là braid thường và PE braid.

Braid thường: Có 1 lớp phủ lên dây để giữ cho các sợi bện không bị xổ ra. Dây braid thường có giá khả rẻ. Nếu bạn không nhất thiết phải dùng đến dây PE braid thì có thể dùng braid thường để tiết kiệm chi phí.

PE braid: Được mệnh danh là braid “chuyên nghiệp”, PE braid là từ viết tắt của PolyEthylene braid gồm 8 sợi bện. Chúng được bện từ sợi tự nhiên theo công nghệ hiện đại nhất, giúp dây quyện chặt trong một đường kính nhỏ nhất với một lực tải mạnh nhất có thể.

Khác biệt đáng chú ý giữa dây braid thông thường và dây PE braid là dây PE braid rất mịn, mượt, rất mềm, không có lớp bảo vệ do đó quăng đi rất xa và dễ buộc nút thắt với dây ngọn. Câu thủ chuyên nghiệp thường chọn dùng dây PE braid dù chúng đắt hơn rất nhiều so với dây braid thông thường.

Dây PE braid sử dụng hệ thống đánh số lâu đời của Nhật, 1 con số tương ứng với 1 đường kính, ví dụ PE4 ~ đường kính 0.35mm. Dây PE của Nhật được đánh số từ PE 0.6 (0.14mm) đến PE12 (0.7mm) do đó bạn thấy là dây PE braid Nhật được gọi là PE1, PE2… hoặc PE4, PE8…

Dây GT Max SMP của hãng Varivas luôn là sự lựa chọn hàng đầu của các câu thủ GT

Khác với kiểu câu jigging cần phải đo độ sâu, dây PE dùng trong popping không cần phải nhiều màu trừ phi bạn sử dụng cùng 1 máy cho cả pop lẫn jig. Loại dây  GT Max SMP của hãng Varivas luôn nhận được sự khuyến nghị của các câu thủ chuyên nghiệp vì “chúng mềm mại và mạnh như bull (bò). Khi quấn dây quanh ống chứa, không bao giờ để dây tràn ra khỏi mép ống vì dây thừa sẽ dễ tạo vòng thắt.

Khi quấn dây quanh ống chứa, không bao giờ để dây tràn ra khỏi mép ống

+ Dây ngọn (leader):
Chất liệu làm dây ngọn thường là Mono và Fluorocarbon. Vậy, nên chọn dây mono hay fluoro làm dây ngọn? 

Câu thủ quốc tế thường dùng dây mono shock leader thay vì dây fluorocarbon leader

So với mono, fluorocarbon có khả năng chịu mài mòn tốt hơn nhưng kém căng hơn vì thế mono là loại dây giúp giảm shock rất tốt. Giá mono leader cũng  rẻ hơn fluorocarbon leader. Thêm vào đó,  khi câu popping, phần dây ngọn được kéo xuyên qua mặt nước vì vậy con cá sẽ không thể thấy như câu trolling, vì thế cho nên 90% câu thủ quốc tế đều dùng dây mono shock leader. Một yếu tố quan trọng nữa là câu casting đòi hỏi phải dùng dây ngọn mềm để quăng chính xác do vậy các khuyến nghị  thường là dây mono leader chứ không phải là Fluoro leader vì Fluoro leader khá cứng, làm ảnh hưởng đến chuyển động của mồi nhử và khoảng cách quăng. Dây mono shock leader cũng rất khó bị phát hiện, chúng mềm mại, đàn hồi và cực kỳ dễ buộc nút thắt.

Trọng tải và chiều dài dây ngọn:
Tốt nhất là dùng dây ngọn mạnh hơn dây trục 10-20%. Ví dụ dùng dây 50lb thì dây ngọn ít nhất phải 60lb. Đường kính của dây trục và dây ngọn càng nhỏ thì càng điều khiển tốt mồi giả và quăng xa hơn dù dây yếu hơn, đó là điều mà bạn phải chấp nhận với mọi kiều câu.

Về chiều dài dây ngọn, vấn đề này có 2 luồng ý kiến trái ngược nhau. Một bên là dùng dây ngọn đủ dài để quấn quanh ống dây từ 4-6 vòng + ra khỏi đầu cần 2 feet (~61cm) do đó tổng chiều dài dây ngọn cần thiết trong khoảng 15-20feet (4,5-6,08m). Bên kia thì cho rằng không cần phải quấn quanh ống dây (là để dự trữ, phòng khi phải cắt bỏ nhiều lần) cho nên dây ngọn họ dùng thường  dài bằng với chiều dài cần câu.

Nút thắt (knots)
Nút thắt là một trong những thành phần quan trọng nhất trong toàn bộ hệ thống mà bạn dày công thiết lập. Trong popping, có nhiều kiểu thắt nút được ứng dụng như kiểu FG, rất mạnh, gọn gàng, dễ tuôn ra khỏi khoen nên quăng xa. Hay như kiểu GT. Đúng như tên gọi, kiểu GT là kiểu nút thắt dành cho popping GT. Bạn có thể học cách buộc những kiểu này trên Youtube. Cho dù chọn kiểu nào thì nút thắt thành phẩm phải ngắn và mảnh vì bạn đang câu quăng (casting) vì vậy nút thắt phải đi qua chiều dài 8 feet của cần câu một cách thuận lợi.

Cột dây ngọn với mồi: dùng 1 split ring (khoen tròn mở) hạng nặng nối với lure; rồi gắn 1 barrel swive (khoen xoay) lớn với split ring; tiếp theo là cột dây ngọn với barrel swivel. Cột dây ngọn với swivel bằng loại nút thắt khỏe nhất như Palomar, Perfection Loop hoặc bất kỳ loại nào mà bạn biết.

Cột dây ngọn với swivel bằng loại nút thắt khỏe nhất như Palomar, Perfection Loop...

Lưu ý: Nên dùng loại split ring thật lớn để phù hợp với lưỡi lớn và độ khuyết sâu của miệng popper nếu không sẽ có khe hở.

Swivel - Split ring – Popper là trình tự nối thường được các câu thủ ứng dụng. Vì sẽ không có thời gian lúc cá đang ăn mạnh nên mọi sự kết nối phải hết sức đơn giản. Cách nối này giúp thay mồi nhanh, chỉ cần tháo mồi poper ra khỏi split ring bằng kềm chuyên dụng. Cách này cũng rất an toàn, giúp kéo dài tuổi thọ cho dây vì khi quăng, dây thường bị xoắn do chuyển động dễ làm dây ngọn bị hỏng nên họ sử dụng khoen xoay (swivel) để hạn chế rủi ro này. Size swivels thường từ 200-300lb; Split ring #400 hoặc hơn.

(còn tiếp)

VietnamFishingReview

* Bài viết liên quan:
- Thế giới Popping (Bài 3 - Những loại mồi Popper được khuyên dùng)