Câu cá Chẽm (Bài 5 – Dây ngọn & nút thắt “knot” trong câu cá Chẽm)

Jul 06, 2014 14:52:18

Dây ngọn (leader) là một thuật từ thường dùng trong giới câu cá Tây phương. Dây ngọn vô cùng cần thiết và quan trọng nhưng lại là loại thiết bị dể dàng bỏ qua nhất. Tất cả các tài liệu hướng dẫn câu cá, cả mồi giả và mồi sống đều khuyến cáo dùng dây ngọn để đạt hiệu quả tối đa.

Dây ngọn được làm bằng nhiều loại vật liệu nhưng phổ biến nhất là Fluoro-carbon. Dây ngọn làm bằng Fluoro-carbon có nguồn gốc từ Nhật Bản, nơi mà yếu tố “trình diễn” của mồi giả rất được chú trọng. Con mồi giả phải hoạt động sống động, tự nhiên như thật, và ngoài “tay nghề” của câu thủ ra thì dây ngọn Fluoro-carbon có vai trò rất lớn.

Không chỉ dùng làm dây ngọn, Fluoro-carbon còn làm dây trục và là 1 trong 2 loại dây được ưu tiên hàng đầu trong giới câu mồi giả, chỉ sau dây braid (dây bện), nhất là khi người câu dùng mồi giả bằng nhựa cứng. Nếu như dây braid được ưa chuộng vì rất nhạy, rất bền, có thể kết hợp được với nhiều chất liệu dây ngọn thì dây Fluoro- carbon được chọn dùng vì nhiều lý do: dây Fluoro-carbon có tính trơ nên không bị ánh sáng mặt trời và các loại hóa chất như xăng, axit…có nhiều trong nước ở nhiều địa hình đặc thù như cầu cảng, bến tàu…tác động. Dây Fluoro-carbon còn có khả năng chống mài mòn nên an toàn khi câu ở bãi đá, cầu tàu, bến cảng; nặng và chìm (tỉ trọng 1.6) nên giúp mồi lặn sâu, nhanh; gần như “vô hình” trong nước (vì có chỉ số khúc xạ bằng với nước, 1.42, nên ánh sáng đi qua dây không phản xạ trở lại); không thấm nước nên không bị suy yếu. Đối với câu thủ câu mồi giả, điểm mạnh nhất của dây Fluoro-carbon là tính linh hoạt: chính khả năng co giản có mức độ của dây đã hỗ trợ rất lớn cho người câu nhất là khi chiến đấu với những con cá “cứng đầu”, giúp hạn chế được sức chạy của cá gây giãn lưỡi, mất cá. Với tất cả những tính năng ưu việt kể trên, dây Fluoro-carbon phổ biến như hiện nay cũng là điều dễ hiểu. Loại dây này càng phát huy lợi thế khi câu ở môi trường nước trong, cá chậm ăn cần phải khéo léo.

Tuy nhiên, cũng như dây braid, dây Fluoro-carbon khi dùng làm dây trục bộc lộ vài nhược điểm: Trong khi dây braid bị phàn nàn vì quá nhạy cảm nên đôi khi tạo ra nhiều tín hiệu giả thì dây Fluoro-carbon bị chê vì kém nhạy. Thêm vào đó, sự co giãn của dây khiến câu thủ phải mất nhiều thời gian mới cảm nhận được sự đụng chạm của con cá với mồi giả dẫn đến giật chậm hoặc giật nhầm. Dùng dây Fluoro-carbon làm dây trục cũng khiến cho câu thủ mất đi cơ hội sử dụng dây ngọn mà dây ngọn lại là vấn đề “sống còn” của câu cá thành công.

Dây trục braid, dây ngọn Fluoro-carbon, một sự kết hợp hoàn hảo với nút thắt:
Dây trục braid và dây ngọn làm bằng chất liệu Fluoro-carbon là sự kết hợp hoàn hảo nhất, thông dụng nhất từ trước đến nay. Sự kết hợp này cũng làm nảy sinh một vấn đề: nút thắt trung gian giữa hai loại dây. Cột chắc dây ngọn với dây trục bằng nút thắt là một kỹ năng đặc biệt quan trọng, chỉ cần chút sai sót là mất cá như chơi. Bản chất của nút thắt là giảm bớt sức mạnh của dây trục, điều này không thể tránh khỏi, do vậy, lựa chọn loại nút thắt chính xác cho từng trường hợp là bước đi quan trọng đầu tiên, sau đó là công đoạn buộc dây tạo nút thắt một cách đúng đắn.

Buộc nút thắt là cả một nghệ thuật, trước khi tiến hành hãy tham khảo những mẹo mà câu thủ phương Tây thường hay áp dụng sau đây:

- Dùng những kiểu thắt đơn giản nhất để buộc nhằm giảm bớt sự thất bại.

- Làm ướt dây trục trước khi thít chặt dây tạo nút thắt, vì khi thắt dây, ma sát sinh ra khi khi dây cọ xát vào nhau và làm yếu dây. Làm ẩm dây sẽ làm giảm ma sát và giảm “cháy” dây, vết cắt và sự mài mòn.

- Đừng cắt mảnh dây cuối sát nút thắt, chút dây dư đó sẽ che chở cho bất kỳ sự tuột múi nào có thể xảy ra.

- Thường xuyên cột lại nút thắt. Thực ra thì cột dây lại sau mỗi lần dính cá cũng không hề thừa. Khi cột lại, hãy tháo ra một vài chục cm dây đằng trước nút thắt cũ để cắt bỏ phần dây đã bị cứa hoặc đã bị mòn.

Cần hiểu rằng nút thắt không bao giờ mạnh bằng dây trục. Nút thắt chỉ đạt được 80% sức mạnh của dây trục, ví dụ như dây trục chịu tải 10lb thì dây nút thắt chắc chắn sẽ bị đứt ở mức 8lb.

Nút thắt Slim Straight, bí mật của câu thủ chuyên Chẽm ở Australia
Các câu thủ Australia cho rằng cá Chẽm ăn rộ trong khoảng thời gian từ 15-30 phút do vậy cột dây phải càng nhanh càng tốt. Cột nút thắt Slim Straight nhanh thì cũng mất 2 phút. Loại nút thắt này được cho là có đủ sức mạnh để đóng cá và dòng cá vào bờ an toàn nếu được thực hiện đúng cách.

Bước 1

Dây ngọn: Tạo một thòng lọng và xoắn hai vòng như hình vẽ.

Bước 2

Tạo một nút đôi theo hướng từ trên xuống với dây bện (braid) trên dây ngọn. Sau đó kéo lên và thắt chặt cả hai dây.

Bước 3

Dây trục braid: tạo thành vòng số 6 song song với dây cố định.

Bước 4

Quấn 8 vòng qua 2 dây song song là dây bện và dây ngọn. Sau đó thắt chặt phần dây này mạnh nhất có thể. Dùng kìm chuyên dụng để thít chặt dây, nếu không dây ngọn sẽ rơi ra khỏi nút thắt.
Sau đó, kéo từng dây lên để hai nút thắt khóa chặt vào nhau. Kiểm tra những nút lỏng lẻo và dùng kìm thít thật chặt. Cuối cùng là cắt tỉa các phần dây dư quanh nút thắt.

So sánh góc thành phẩm của nút Slim Straight với nút thắt khác

Slim Straight là một nút thắt có góc hẹp. Góc hẹp này sẽ tránh được những thiệt hại nghiêm trọng cho khoen cần. Cần phải luyện tập nhiều lần để đạt kết quả là nút thắt có góc thật hẹp.

Nút thắt Slim Straight trong thực tế

Một nút thắt lý tưởng phải thật mảnh và thẳng. Nên kiểm tra các nút thắt sau mỗi 30 phút. Loại nút thắt này cũng hiệu nghiệm với cá Queenfish, Trevally, Flathead và Rockcod.

VietnamFishingReview

Bài viết liên quan
- Câu Cá chẽm – (Bài 1- Kiểu ta hay Tây đây)
-
Câu cá Chẽm (Bài 2- Cá Chẽm bên “Tây” có khác con Chẽm Việt Nam?)-
- Câu cá Chẽm (Bài 3 - Câu Chẽm kiểu “Tây”)
- Câu cá Chẽm (Bài 4 - Những “túi khôn” của câu thủ phương Tây khi câu cá Chẽm