Câu cá Chẽm (Bài 3 - Câu Chẽm kiểu “Tây”)

Jul 01, 2014 09:17:28

Dân câu “Tây” cũng có người này người khác, có người thích câu Chẽm bằng mồi thật, người thì chuộng mồi giả, nhưng đa phần là dùng mồi giả. Điều này đã trở thành một nét văn hóa riêng biệt.

Câu mồi giả có tính con nước không?

Con nước là từ để chỉ hiện tượng một chiều nước lên và một chiều nước xuống. Nước lên (incoming tide) là nước chảy từ biển vào sông, và nước xuống (outgoing tide) là nước chảy từ sông ra biển. Câu thủ “Tây” rất quan tâm đến con nước, họ cho rằng nếu hiểu được hành vi của cá Chẽm trong từng con nước sẽ bắt được nhiều cá hơn.

Hình ảnh mô tả vị trí quăng mồi khi nước xuống
ở địa hình có nhiều đá, nước nông chỉ 50-70cm. Chấm đen mô phỏng vị trí đứng của câu thủ

“Tây” cho rằng khi câu vùng nước cạn, nước xuống câu hiệu quả hơn so với khi nước lên. Nhiều kinh nghiệm cho thấy, khi nước xuống, cá Chẽm rất thích tạo ra những cuộc tấn công bất ngờ từ chỗ nấp, giống như là “đánh du kích” vậy. Do đó, họ thường lựa những chỗ có nhiều đá và thử ở các vị trí như hình trên.

Một bờ kè hoặc một khúc quanh... cá Chẽm thường bơi dọc theo các vật cản này

Trong quá trình nước xuống, dòng nước có thể bị ngáng trở bởi một doi đá, một bờ kè hoặc một khúc quanh, lúc đó dòng chảy như bị bật ra, cá Chẽm thường bơi dọc theo các vật cản này, và họ luôn thử buông mồi ở các điểm như hình vẽ trên. Nếu câu ở các mương, lạch, kênh nhỏ có đáy bùn thì phải rất chú ý vì khi nước xuống, cá cắn câu rất nhiều, nhất là ban đêm.

Khi nước lên, hãy câu ở các vị trí nước thoáng, ít đá, trong mực sâu 30-50cm

Không lén lút, rình rập như khi nước  xuống, nước lên, cá Chẽm có xu hướng tấn công mồi như một sát thủ chuyên nghiệp, mạnh mẽ, dứt khoát giống một con diều hâu lớn sà xuống con mồi. Đây là hành vi cưỡng bức đối thủ theo đúng bản năng của cá Chẽm. Họ thường thử ở các vị trí nước thoáng, ít đá, trong mực sâu 30-50cm và đứng ở các vị trí như mô phỏng từ hình vẽ. Cũng áp dụng như vậy ở các cửa lạch, vũng nhỏ, tốt nhất là vào ban đêm.

 Câu nhiều và hiệu quả, câu thủ “Tây” có nhiều thông tin chuẩn xác cho việc
nghiên cứu hành vi của cá Chẽm khi nước lên, xuống

Đây là những thông tin rất giá trị của những người chuyên câu Chẽm, mỗi lần câu họ câu chỉ một địa điểm và đã từng bắt được rất nhiều cá có kích thước đáng nể 66cm, 64cm, 67cm và 74cm…Những kết quả này là dữ liệu hữu ích trong việc nghiên cứu hành vi của cá chẽm trong vùng nước nông mỗi khi nước lên, nước xuống.

Biểu đồ biễu diễn mức độ gây hấn của cá

Ảnh trên là biểu đồ biểu diễn mức độ gây hấn của cá. Vòng tròn màu xanh lá mô tả thời điểm cá tấn công nhiều. Đó là những lúc nước mạnh, gần đỉnh triều; vừa xuống hay lúc nước xuống hết mức rồi bắt đầu lên lại; hoặc thời điểm nước xuống gần hết mức.  

Vòng tròn đỏ mô tả lúc cá ăn kém. Đó là lúc nước bắt đầu lên; lúc nước xuống gần hết mức; khi nước gần lên đến đỉnh và bắt đầu xuống.

Câu thủ “Tây” quan niệm: con nước luôn thay đổi. Cá Chẽm không săn mồi khi nước không chảy. Cá Chẽm luôn biết chính xác trạng thái của nước; luôn tấn công mồi một cách năng nỗ ở những thời điểm chuyển nước lên – xuống trong ngày. Chúng không tấn công mồi nếu nước chảy chậm hơn bình thường. và cá Chẽm luôn phản ứng với một sự thay đổi đột ngột và bất ngờ của dòng chảy.

Còn ta thì sao?

Việt Nam ta ở vùng địa lý mà miền Bắc, biển có chế độ Nhật triều, mỗi ngày có 2 con nước, nước xuống trong 12 giờ đồng hồ và nước lên cũng 12 giờ; miền Nam là bán Nhật triều, mỗi ngày có 4 con nước, 2 lên, 2 xuống, mỗi con nước kéo dài 6 tiếng, có nơi có 5,6 thậm chí 8 con nước (như ở Minh Hải), tất cả là vì chế độ nước chịu ảnh hưởng của gió, mùa, dòng chảy và vị trí địa lý.

Những ngày 9-12; 24-27 âm lịch, nước ở vùng sông ngòi phía Nam chảy yếu, đỉnh nước thấp, ngư dân ta thường gọi là ngày nước kém; khi nước chảy lên, xuống lờ đờ gọi là nước ương; sắp qua con nước ương là đến nước ngầm; qua ngày hôm sau, nước mạnh mẽ và đục hơn gọi là nước dậy. Trong dân gian có câu: “hăm bốn nước ngầm, hăm lăm nước dậy hay mười bảy nước nhảy qua bờ”.

Theo kinh nghiệm của câu thủ ta, vào những ngày nước kém, nước ngầm và nước dậy, cá thường tập trung cắn mồi, đến khi nước lớn thì chậm hẳn. Câu sông và cửa sông thì nên tránh ngày rằm, 30 âm lịch vì đó là ngày nước rất lớn, cá loãng. Nhiều kinh nghiệm cho thấy những ngày từ 7 đến 13; từ ngày 21 đến 28 âm lịch câu rất hiệu quả; Ở miền Nam, đỉnh mùa của cá Chẽm là mùa hè và ngày câu tốt nhất là khi nước dậy ngày 25-26 âm lịch.

VietnamFishingReview

Bài viết liên quan
- Câu Cá chẽm – (Bài 1- Kiểu ta hay Tây đây)
-
Câu cá Chẽm (Bài 2- Cá Chẽm bên “Tây” có khác con Chẽm Việt Nam?)