Câu cá Chẽm (Bài 2- Cá Chẽm bên “Tây” có khác Chẽm Việt Nam?)

Jun 30, 2014 03:47:55

Truyền thuyết của thổ dân xứ Australia kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, khi đất trời chưa sinh ra con cá, con người phải sống bằng thịt muông thú, rễ cây và quả mộng. Có một chàng trai tên là Boodi và cô gái Yalima yêu nhau tha thiết, họ quyết định lấy nhau mặc cho sự cấm cản của cả bộ tộc vì Yalima bị buộc phải làm vợ một vị trưởng lão quyền cao chức trọng trong tộc để chăm sóc cho ông ấy. Xác định là không thể sống thiếu nhau, chàng trai và cô gái cùng nhau bỏ trốn dù biết rằng trái với ý của bộ tộc là phải chết.  Họ vượt qua bao núi sâu, rừng thẳm nhưng vẫn không thể thoát khỏi sự truy đuổi của vị trưởng tộc. Khi chạy đến nơi tận cùng của đất, trước mặt là biển cả, họ biết rằng để có thể sống sót, họ phải bám trụ lại được trên mặt đất này.

Những kẻ săn đuổi càng lúc càng điên cuồng, chúng lấy gỗ, cây rừng làm thành ngọn giáo, ngọn thương phóng như điên dại vào đôi trẻ. Không còn cách nào khác, chàng trai Boodi ôm lấy người yêu mà rằng: “ để được mãi mãi bên nhau, ta phải xuống nước”. Rồi chàng cùng nàng nhảy khỏi vách đá và rơi xuống biển. Đôi tình nhân được thỏa nguyện cầu, họ sống bên nhau trong hình hài của một cặp cá Chẽm ẩn giữa rừng ngập mặn ven biển. Giai thoại cũng cho rằng chiếc mang sắc như dao trên thân thể cá Chẽm chính là do cây thương của thổ dân bộ lạc xuyên thấu vào đôi trẻ. Người ta còn nói đó là lý do tại sao cá Chẽm có đặc tính “yêu đương” rất mãnh liệt và đặt cho chúng cái tên là “Passion Fish”, nghĩa là cá tình yêu.

Passion Fish, Silver Barramundi, Seabass, Australia Seabass, … chỉ là những cái tên trong rất nhiều tên chỉ về giống cá mà ta gọi là cá Chẽm hay Vược. Khu vực sinh sống bản địa của chúng là vùng bắc và đông Australia đến eo biển Torres và New Guinea nhưng hiện nay đã có mặt nhiều nơi trên thế giới như Australia, Malaysia, Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Hà Lan. Ở Việt Nam, cá Chẽm phân bố ở Vịnh Bắc Bộ, vùng biển miền Trung và Nam Bộ. Loài cá này thường sống trong các hang đá hoặc vùng đáy có cỏ biển. Chúng cũng thích nghi với đáy rạn san hô. Loài cá này cũng có phân bố ở vùng nước lợ. Chúng thuộc loài cá dữ điển hình ở cửa sông, chúng có số lượng đông trong các kênh rạch, đầm phá và nhất là trong các đầm nuôi tôm.

Thân hình cá Chẽm thon dài, hai bên dẹp, cuống đuôi khuyết sâu. Đầu nhọn, nhìn từ mặt bên sẽ thấy phía trên hơi lõm xuống ở giữa và hơi lồi ở lưng. Miệng cá rộng và khá so le, hàm trên kéo dài đến phía dưới sau hốc mắt. Răng dạng nhung, không có răng nanh. Trên nắp mang có gai cứng, vây lưng có 2 vi: vi trước có 7-9 gai cứng, vi sau có 10-11 tia mềm. Vi hậu môn có 3 gai cứng, vi đuôi tròn, hình quạt. có tất cả 61 vẩy đường bên dạng lược.

Thân hình cá Chẽm thon dài, hai bên dẹp, cuống đuôi khuyết sâu.
Đầu nhọn, và hơi lồi ở lưng. Miệng cá rộng và khá so le

Cá khỏe thì trên mặt lưng có màu nâu, mặt bên và bụng có màu bạc khi sống trong nước biển, còn sống trong môi trường nước ngọt thì có màu nâu vàng. Cá trưởng thành sẽ có màu xanh lục hoặc vàng nhạt trên lưng và màu vàng, bạc ở mặt bụng.

Cá Chẽm di chuyển xuôi dòng. Chúng lớn lên chủ yếu ở vùng nước ngọt như sông, hồ. Khi thành thục (khoảng 3-4 năm tuổi) sẽ di cư ra vùng cửa sông, ven biển, nơi có độ mặn thích hợp để sinh sản. Ấu trùng khi nở sẽ được đưa vào vùng cửa sông, ven bờ và lớn lên. Cá Chẽm con sẽ dần dần di cư vào các vùng nước ngọt để sinh sống và trưởng thành. Chúng trải qua phần lớn thời gian sinh trưởng (2-3 năm) trong các khu vực nước ngọt như sông, hồ nơi nối liền với biển. Chúng lớn nhanh, cá 2-3 năm tuổi đạt trọng lượng từ 3-5 kg. Đến 3-4 năm tuổi thì về cửa biển đẻ trứng, sinh con. Chúng đẻ trứng theo chu kỳ trăng (thường vào lúc bắt đầu chu kỳ trăng hoặc lúc trăng tròn), vào buổi tối (6-8h) cùng lúc với thủy triều lên.Thủy triều sẽ giúp ấu trùng trôi vào vùng cửa sông. Cá Chẽm cái trưởng thành có thể sản xuất 32 triệu quả trứng trong một mùa sinh sản.

Cá Chẽm "khủng" ở Australia

Cá chẽm là loài có giới tính rất đặc biệt: Cá Chẽm có sự thay đổi giới tính từ cá đực thành cá cái sau khi sinh sản lần đầu, gọi là cá cái thứ cấp. Loại cá cái phát triển trực tiếp từ trứng gọi là cá cái sơ cấp. Chẽm vị thành niên (1.5-2kg) phần lớn là cá đực, đến khi đạt 4-6kg thì hầu như là cá cái. Cá đực có mõm hơi cong còn cá cái thì thẳng. Thân cá đực cũng thon dài hơn cá cái. Cùng tuổi, cá cái bao giờ cũng lớn hơn cá đực. vào mùa sinh sản, bụng cá cái to hơn cá đực. Tuổi của một con cá Chẽm được xác định bằng cách đếm vòng tăng trưởng trên vảy của chúng (giống như đếm vòng sinh trưởng trên một cái cây vậy).

Cá Chẽm rất hung dữ, chúng bắt mồi rất dữ và có thể bắt con mồi có kích cỡ bằng cơ thể mình. Chúng chỉ bắt loại mồi sống và di động.

VietnamFishingReview

Bài viết liên quan:
Câu cá Chẽm (Bài 1- Kiểu ta hay Tây đây?)