Câu Cá chẽm – (Bài 1- Kiểu ta hay Tây đây)

Jun 29, 2014 14:54:19

Từ khi môn câu cá Chẽm bằng mồi giả của nước ngoài du nhập vào Việt Nam, những người làm nghề chuốt lưỡi câu chẽm như ông Hùng đâm ra rảnh rỗi. Còn nhớ cách đây vài năm, điện thoại của ông lúc nào cũng rung lên bần bật, chỉ toàn những cuộc gọi hỏi thăm liệu lưỡi câu của họ đã xong chưa? Hay ông còn mét cáp lụa nào dư xin chia lại vì bận quá không xuống chợ Kim Biên được. Hoặc điện rủ ông đi câu, nghe nói con nước rồi đám thằng Hai trúng lắm…v…v…

Câu Chẽm ham lắm, nhất là khi con nước dậy (Nguồn ảnh: Internet)

Ngẫm! con cá Chẽm cũng thiệt hay, sống được cả trong nước ngọt, lợ lẫn nước mặn. Khi sinh ra là cá đực nhưng đến 3-4 tuổi thì biến thành cá cái. Chúng là loài cá dữ có tiếng ở các cửa sông, chúng cũng sống đông ở các kênh, rạch, đầm phá, nhất là các đầm nuôi tôm. Nhiều người bắt được chúng ở cửa sông, ở ngã ba sông, hoặc những nơi tiếp giáp với biển.

Câu được cá Chẽm cũng khó “trần thân trăn quấn”, nó là cá dữ, ăn mồi là táp ngang  “con người ta”, con mồi phải sống thì nó mới ăn, mà chỉ ăn một vài món “độc” như tôm càng (tôm lóng), cá lìm kìm và cá đối. Những bạn câu nhà giàu của ông Hùng mỗi lần đi săn Chẽm lớn đều đặt mua cho được loại tôm lóng lớn con, 1 con có khi to bằng cườm tay con nít trong tháng. Mua tôm đắt và hiếm vậy nên phải có lưỡi câu “chuẩn” thì mới không làm con tôm chết sớm, vậy nên nghề làm lưỡi câu của ông có đất sống là vậy. Ông chọn loại thép không gỉ làm lưỡi câu để không bị gỉ sét làm chết con mồi. Ông giũa ngạnh thiệt sắc, mũi nhọn hoắt đủ xóc thấu mồm miệng con Chẽm. Vòm lưỡi phải khum khum. Gọng lưỡi phải thâm thấp một chút để phù hợp với kiễu táp mồi ngang phè của con Chẽm.

Có lưỡi câu ngon lành mà không biết móc mồi thì cũng thua, móc tôm thì phải móc từ đốt thứ hai lên, còn cá đối thì móc từ đuôi cá. Nếu đi câu gặp nước chảy nhẹ, trong vắt, câu tôm lóng là chắc thắng vì mắt con tôm đỏ kè, cách xa hàng vài mét cũng “tia” được con Chẽm. Còn ngày nước dậy, chảy mạnh, ngầu đỏ thì câu bằng cá đối, chính màu vảy trắng cộng thêm tiếng giẫy tanh tách của con cá đối sát mặt nước sẽ khiến con Chẽm đeo theo. Những người câu Chẽm rặt mùi dân giã như ông không dùng máy, chỉ cần một ống lon với cần tre là đủ, không phải ông không có tiền tậu máy câu, mà vì ông câu bằng loại “gân” lớn cả “li” (milimet) nên không dùng máy được. Dây lớn vậy mà nếu không có cáp inox, hoặc cáp lụa kèm theo (cột từ đuôi lưỡi, một đoạn dài từ 60-80cm) thì cũng không chịu nổi những cú chém từ mang sắc như dao của con Chẽm. Câu Chẽm không có kinh nghiệm là thua chắc, đừng thấy dây chạy căng dọc, căng ngang mà tưởng đã bắt được con cá. Con cá làm mình làm mẩy dữ dằn lắm, khi bị dính lưỡi, nó phóng chạy ngược dòng, xoay ngoắt lao xuôi dòng, rồi bất thình lình cắm đầu lũi xuống đáy hoặc xéo ngang khiến các tay câu mới cứ tối tăm mặt mũi không đỡ nổi, vậy là nó thoát.

Câu Chẽm ham lắm, nhất là khi con nước dậy (nước chảy mạnh và đục) vào ngày 25-26 âm lịch. Câu những ngày này cá ăn mồi rất hăng, nhưng phải câu nhanh tay, vì chỉ được khoảng 1 giờ đầu khi con nước xuống và trong vòng 1 giờ khi nước sắp dừng. Nước càng đục cá càng đói ăn…

Vậy mà cũng lâu lắm rồi ông không đi câu Chẽm nữa. Có lẽ từ khi lũ con trai của ông chê ông không thức thời, cứ trung thành với món cáp lụa, lưỡi giũa và ca ngợi thứ mồi tôm lóng. Chúng lùng đâu về những con cá nhựa màu sắc sặc sỡ, giả làm con cá đối, lìm kìm cùng mớ lưỡi 2-3 cái chụm đầu làm 1 rồi tuyên bố từ nay học câu Chẽm giống bên Tây.

Có lẽ ông đã già rồi, không còn đủ sức theo bọn trẻ, cũng có lẽ trong ông không thể hiểu được rằng thời buổi con cá hiếm hoi, cá thật còn chẳng ăn ai huống hồ cá giả. Nhưng ông cũng khó nghĩ lắm vì ngần này tuổi rồi ông cũng hiểu được rằng “Tây” đã làm cái gì thì “cấm có sai”!

Thở dài cái thượt, ông chống võng đong đưa, ngày mai đã là 25-26 âm lịch…

VietnamFishingReview