Khám phá thế giới công nghệ (Bài 5: “T-Wing System” tính năng đáng giá trong máy câu Baitcasting)

Mar 12, 2014 13:48:46

Trong thế giới câu cá, có bao nhiêu người dùng máy câu spinning (máy đứng) thì cũng có bấy nhiêu người hâm mộ máy baitcasting (máy ngang nhỏ). Với họ, dùng máy baitcasting nghĩa là bước vào giới “chuyên nghiệp”. Trong thực tế, máy câu baitcasting giúp câu thủ có được những đường quăng cực kỳ chính xác, điều phối mồi giả tốt hơn. Nhưng loại máy này cũng đem đến không ít rắc rối, nhất là khi người câu chưa biết cách sử dụng, quăng sai khiến ống dây bị “giật lùi”, dây dễ rối và rất mất thời gian xử lý. Tuy nhiên, hãng Daiwa đã tìm ra một công nghệ mới không chỉ ngăn chặn hữu hiệu sự giật lùi của ống dây, mà còn giúp quăng dây đi rất xa. Người viết muốn đề cập đến hệ thống điều dây T-wing System (viết tắt là TWS) một biến thể của kỹ thuật levelwind “không ma sát” danh tiếng một thời.

Daiwa T3 MX có T-Wing System

T-Wing System giải quyết vấn đề đã cũ của kỹ thuật levelwind
Levelwind là bộ phận gạt dây trong máy câu baicasting, có chức năng điều dây, xếp dây dàn đều trên ống chứa khi thu dây vào.

Cách đây gần 30 năm, hãng Daiwa đã “làm mưa làm gió” với loại máy Phantom có bộ phận levelwind, được mô tả là kháng ma sát hoàn toàn. Sau này, nhiều câu thủ luống tuổi đã chia sẻ trên các diễn đàn rằng, qua ngần ấy năm, họ vẫn không quên được cái cảm giác lần đầu nghe về sự “không ma sát” của levelwind: “dây tuôn ra thật trôi chảy, êm ái, quăng dây được rất xa”… Những cảm xúc đó là có thực, vì từ lúc máy ngang nhỏ được sinh ra, cái “cần gạt” gọi là levelwind này luôn cản trở dây khi quăng. Ít có hãng nào chịu chú trọng đến yếu tố hỗ trợ, giúp dây tuôn ra tự nhiên, không bị cản trở. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi levelwind “không ma sát” của Daiwa được chào đón nồng nhiệt đến vậy. Cảm xúc đó đủ lớn để có thể che đi khuyết điểm rằng đối với dây bện, nó vẫn bị cọ xát khi tuôn ra khỏi khe hở, khiến dây dần bị mài mòn. Thêm nữa, khi quăng, nắp máy bật lên khiến các bộ phận bên trong không được bảo vệ khỏi nắng mưa gió bụi, gây rắc rối về sau.

Các báo cáo của phòng dịch vụ sau bán hàng đã làm Daiwa thức tỉnh. Và một yêu cầu nghiên cứu sâu hơn để cải thiện những nhược điểm đã được ban hành. Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, bạc đạn ngày một tốt hơn, tốc độ xoay của ống chứa dây cũng cải thiện rõ rệt, điều này đòi hỏi bộ phận levelwind phải có sự thay đồi tương xứng.

Nhưng những nỗ lực cứu vãn của Daiwa cũng không giúp các dòng máy baitcasting của họ được yêu chuộng nhiều hơn, và cùng với những bước tiến của nhiều đối thủ, levelwind “không ma sát” dần  rơi vào quên lãng, người ta chỉ nhớ đến những rắc rối của nó chứ không còn nghĩ nhiều đến những tiện ích mà nó mang lại. Daiwa vẫn duy trì levelwind “không ma sát”, cải tiến nó thành bộ phận có nhiệm vụ loại trừ sự cọ xát của dây bện vào ống chứa dây khi quăng, làm giảm sức căng của dây khi ở trong ống chứa, và tối đa hóa khoảng cách quăng.

Cần nói thêm rằng, levelwind “không ma sát” của Daiwa tồn tại những 30 năm, và tên tuổi lớn này không có ý định bỏ qua những lợi ích của việc giải phóng dây mà không bị ma sát. Có thể phải thay đổi tư duy, có thể phải tiếp cận thị trường lại từ đầu, nhưng không thể chôn vùi hoài bão của các kỹ sư – thiết kế qua nhiều thế hệ…

Năm 2011, Dòng máy baitcasting T3 và T3 ballistic của Daiwa đã truyền cảm hứng cho các cuộc hội thảo về máy câu được tổ tại Nhật (Yokohama Fishing Show) và Bắc Mỹ (ICAST ). Giới truyền thông khi đó cho rằng, chính kỹ thuật T-Wing System, một biến thể của Levelwind “không ma sát”, đã châm ngòi cho nhiều cuộc tranh cải, tạo ra sự phân cực lớn trong giới công nghệ và người sử dụng. Có hai phản ứng chính được ghi nhận: Một bên đánh giá cao những ý tưởng cấp tiến của Daiwa, một bên thì bài xích và muốn trừng phạt cho những quảng cáo được mô tả là thái quá của hãng này.

Đối với người tiêu dùng Mỹ, mọi thứ đều phải minh bạch và công tâm, nhiều chuyên gia trong hiệp hội câu Bass được mời vào cuộc, họ đã phải dùng tất cả những kinh nghiệm, sự hiểu biết về máy baitcasting cũng như kỹ năng bắt cá để kiểm tra dòng máy T3 nói chung và tính năng T-Wing System nói riêng, cả ngoài hiện trường lẫn trong phòng thí nghiệm…

Cơ chế vận hành của T-Wing System
T-wing System thực chất là hệ thống điều dây hình chữ T, được thiết kế nhằm giảm ma sát khi quăng , giúp dây ra chính xác và dàn đều trên ống chứa khi thu vào.

Thay vì tạo ra một kẽ hở hẹp như trước (để dây chạy qua khi quăng), trong kỹ thuật mới, kẽ hở này được thiết kế theo hình chữ T. Khi quăng dây ra, cơ chế ống dây tự do được thiết lập, dây sẽ chạy qua phần rộng nhất của khe hở hình chữ T này mà không gặp phải bất kỳ sự cọ xát nào gây tổn hại cho dây. Điều này giúp dây đi xa hơn và hạn chế đến mức thấp nhất sự giật lùi của ống dây.

Khe hẹp để điều dây,
khe rộng của “T” phục vụ cho quăng dây,

Khi khớp ly hợp được nén xuống để quăng dây ra, nắp máy sẽ nâng lên cho phép dây chạy qua khe rộng. Khi thu dây vào, nắp máy đóng trở lại, dây sẽ đi vào trong khe hẹp ở phần cuối chữ T.  

Mô phỏng nắp máy nâng lên khi ấn
thanh ngang xuống để quăng dây

Khi khớp ly hợp bị nén xuống, nắp (che) máy nâng lên một mức không đáng kể phục vụ cho tiến trình quăng, cho phép dây tuôn một cách tự do qua khu vực rộng nhất của “T”.

Mô phỏng nắp máy hạ xuống
khi thu dây

Khi thu dây vào, dây rơi xuống khe hẹp, thấp của chữ T để rải đều khắp chiều rộng của ổ chứa.

Mặt cắt phần dưới
cho thấy rất ít ma sát khi quăng

Ở một số loại máy thường, dây thường cạ vào phía trên của khe ra dây. Ở máy có tính năng TWS, tỉ lệ này thấp hơn nhiều do dây buộc phải chạy xuống, luồn vào giữa khe hở trên thanh điều dây, khi quăng dây ra, ống chứa dây ở trạng thái “tự do”, dây sẽ không bị ma sát.

Giảm góc dây – giảm ma sát khi quăng
 
Với những dòng máy có bộ phận levelwind thông thường, dây sẽ lắng xuống ở đoạn cuối ống dây, kết quả là quăng không được xa do dây bị cản lại vì ma sát, nhất là khi bộ phận điều dây nằm ở một bên máy. Với máy có TWS, khe hở “T” rộng hơn nên góc bị thu nhỏ lại, do đó sẽ có rất ít ma sát dù dây ở bất kỳ vị trí nào…

Thành quả của những nỗ lực
Bỏ mặc tất cả những lời chỉ trích, bàn lùi, hãng Daiwa đã biến những ý tưởng thành thành quả và đã được công nhận như ngày nay: T-wing System ngăn chặn hữu hiệu sự giật lùi của ống dây lên đến 10%, giúp tăng khoảng cách quăng lên 5.3% so với các loại máy không có TWS. Dòng máy baitcasting đầu tiên được ứng dụng kỹ thuật T-wing System là T3 đã đoạt giải thưởng “Innovation Award”, tạm dịch là giải thưởng sáng tạo, do người tiêu dùng bình chọn tại ICAST USA 2011.

Với tuổi đời 58 năm, Daiwa đã có hơn 30 năm theo đuổi dòng máy baitcasting. Từ đó đến nay, hãng cũng đã mang đến cho thị trường những chiếc máy baitcasting nhỏ nhắn, nhẹ nhàng, tinh xảo, góp phần tạo nên một đế chế Daiwa không dễ bị lãng quên trong tiến trình phát triển của xã hội. Những chiếc máy baitcasting, dù là làm mới hay chỉ cải tiến, Daiwa đều tạo dấu ấn bằng những nét đặc trưng riêng mỗi lần xuất hiện, cái sau luôn hơn cái trước, cùng một chút khác biệt, một chút phá cách, hoặc đi ngược với khuynh hướng,  rất sáng tạo và cả lập dị nữa. Dù cũng có những lúc thăng trầm, nhưng mấy mươi năm qua, Daiwa vẫn vững vàng và kiên định theo đuổi mục tiêu. Điều mà người viết học được qua quá trình tìm hiểu thông tin để viết bài viết này, là một tên tuổi lớn sẽ không dễ dàng từ bỏ, dù con đường phát triển không phải lúc nào cũng ổn định, sẽ có những giai đoạn thăng trầm như đồ thị hình SIN với đường biểu diễn lên lên xuống xuống. Bí quyết của Daiwa có lẽ nằm ở sự quyết tâm và không đầu hàng, và ý tưởng T-Wing System tuyệt vời đã đến với họ trong những thời khắc khó khăn.

VietnamFishingReview