Miền sông nước

Jun 22, 2013 14:09:40

Con sông Mê-Kông chảy từ Tây Tạng như con Rồng chín khúc xuyên qua Trung Quốc, Lào, Campuchia và Việt nam. Khi vào đến miền nam Việt Nam, nó chia làm hai nhánh thành sông Tiền và sông Hậu, đèo thêm hai cái “túi” lớn là Đồng Tháp về sông Tiền và Cà Mau về sông Hậu. Nhờ hai cái “túi” đủ sức chứa nước thặng dư vào mùa nước đổ này mà miền Nam thoát khỏi nạn lụt.

Nước Campuchia có biển Hồ (mỗi năm chứa nước từ cao nguyên chảy xuống, bao nhiêu cũng rút về đây rồi mới chảy đi nơi khác). Biển Hồ là túi lộc trời cho, cá tôm lúc nhúc nuôi đủ cả một dân tộc.

Cứ mỗi mùa nước lớn, mưa ngập tràn thì nước sông Mê-Kông lại chảy dội vào biển Hồ. Hồ lai láng nước như biển nhưng nước lại ngọt. Nước dâng cao ngập cả rừng cây, chỉ còn thấy ngọn và những nhánh cao vượt khỏi mặt nước. Đường sá đều bị chôn sâu dưới thủy triều. Đây cũng là mùa cá lên rừng để đẻ trứng. Và khi bầy cá ròng ròng ấy lớn lên đã có sẵn lá cây, trứng kiến, sâu bọ làm mồi nuôi chúng lớn. Đến mùa nước giựt lui về sông lớn, cá kia cũng vừa đủ sức chống chọi với sông sâu nước chảy. Chúng theo con nước đến phân phát cho các vùng Tiền Giang, Đồng Tháp; Hậu Giang, Cà Mau.

Giữa mênh mang sông nước, con người trở nên vô cùng nhỏ bé (Ảnh sưu tầm)

Theo cụ Vương Hồng Sển. Thời kỳ 1927-1928, nếu Cà Mau là vựa cá thiên nhiên thì Hậu Giang là vùng Phật địa, “Tôm cá không biết làm sao cho hết. Mùa nước đổ, tôm càng xứ Sa Đéc nhiều đến đỗi lấy thùng thiếc đong mà bán. Mỗi đồng bạc mua được bốn thùng loại 18 lít tôm càng tươi. Bắp trái trên cây mỗi trăm chỉ 2 cắc bạc. Muốn ăn tôm càng tươi nướng lửa, chỉ cần sắm đủ gia vị, cùng vài ba người bạn thâm giao chống xuồng ra ruộng nước ngập mùa tháng 8, tháng 9 đến các xuồng câu giăng trả năm ba xu, cao lắm là một cắc, một hào là mặc tình trút hết cả giỏ tôm càng, tha hồ nhậu nhẹt”.

Theo con nước đổ, xuống tới chợ Vãng ở Vĩnh Long có cá Thu, cá Hồng. Xuống thêm chút nữa, gặp mùa gió bấc có nhiều sương mù, đó là mùa cá Cháy của vùng Trà Ôn, Cầu Kè chạy dài xuống Vàm Tấn ( Đại Ngải – Sóc Trăng). Cá Cháy là giống cá đặc biệt và ngon nhất của xứ Hậu Giang. Ngày xưa không tiến được cho vua vì chài lên khỏi nước là cá đã chết. Một con cá Cháy tươi thì có mười cỗ cơm Tàu Chợ Lớn cũng không đổi được. Cá Cháy có nhiều xương, nhưng thịt cá tươi thì ngon ngọt vô cùng. Không biết mua phải cá chết thì không nuốt nổi. Cá Cháy đực đem nướng nguyên con, nếu có chút bơ thoa vào, ăn với nước mắm ngon là không thể quên được. Mùa sinh sản, cá Cháy mái lên mạn sông Hậu, khúc Trà Ôn, Đại Ngải  để lâm bồn. Cá mái bụng đầy trứng, vớt lên đem nấu cháo là ngon đáo để. Hoặc đem kho một lửa với nước dừa ăn với bún thì không kịp đếm bát. Khi chiến tranh xảy ra loài cá này đã biến mất trên sông Hậu.

Giống cá Cháy này gần như đã biến mất trên sông Hậu

Xuống miệt Bạc Liêu, tôm lóng và tép bạc “kẹo lềnh đầy sông” (nguyên văn lời cụ Vương), ăn tươi không hết phải phơi khô. Bạc Liêu cũng có rất nhiều cá Chốt. Một thi sĩ nào đó đã làm một câu thơ rất “ác mồm” rằng: Bạc Liêu nước chảy lờ đờ/ Dưới sông cá Chốt, trên bờ Tiều Châu. Lấy hình ảnh con cá Chốt, loại cá ăn bẩn, dơ dáy, ra mà so sánh với người Tiều – tức người Trung Hoa Triều Châu – thì quả là ác mồm ác miệng thật.

Từ Bạc Liêu, đi thêm một quãng, gặp một cánh đồng thấp vô cùng phì nhiêu, nhưng đặc biệt nước sông rạch đều có màu đen như mực xạ. Tiếng Cao Miên gọi là “ srock tưc khmau” nghĩa là ‘Sốc nước đen’. Ông bà ta đọc trẹo thành ‘Cà Mau’. Đây là vựa cá thiên nhiên mà trời ban cho người dân Việt. Cụ Vương kể trong tập hồi ký ‘Hậu Giang Ba Thắc’ rằng năm 1946, có rất nhiều dân chạy tản cư đến xứ này. Một buổi trưa, cụ gặp bốn đứa trẻ trần truồng lội dọc theo bãi sình sát bên xuồng. Hai đứa đi sau đẩy một cái thúng thật lớn trong có nước lấp xấp chứa đầy cá, còn hai đứa đi trước chuyên việc bắt cá bỏ vào thúng. Chúng lấy tay vẹt xuống bãi một lỗ trũng tròn tròn như lòng chảo, vừa bằng một cái rổ trẹt trẹt. Chúng bẻ hai lá dừa nước che lúp xúp cho mát cái trũng, rồi một đứa lấy tay bốc một nắm cám rắc trên miệng trũng. “Vậy mà cá không biết ở đâu tuông vào ‘nghe một cái ồ’, cá đầy lỗ trũng, toàn cá ôi là cá! lúc nhúc, nhảy soi sói”. Chúng chỉ cần xúc cá qua thúng, đẩy thúng trượt lên phía trước và tiếp tục công việc bắt cá dễ như trò chơi này “ Thiệt là quá sức tưởng tượng!”...

Tuy nhiên, xứ  “cá đầy thúng” này nước vẫn đen ngòm. Người ta cho rằng nguyên nhân chính là do nước ứ đọng lâu năm từ các gốc mục của rừng dừa nước. Lá dừa, bẹ dừa mục nát tiết ra một chất mủ đen làm cho nước dưới chân rừng dừa cũng đen theo, chảy lờ đờ, quanh đi lộn lại cũng hoàn chỗ cũ. Nước này lại chứa đựng nhiều loài sinh vật như cá nước mặn, vô số tôm tép, cua, rùa và nhiều nhất là con ba khía (một loại cua còng nhỏ). Đến mùa, chúng leo lên cây không biết cơ man nào mà kể. Người dân địa phương đãi khách sang bằng món mắm ba khía “có nêm chanh ớt cho dịu” ăn rất bắt cơm…

Nước đen xứ Cà Mau là nước trầm thủy, không độc. Người dân trong vùng vẫn dùng thứ nước này để ăn, uống và pha trà.

Ngày nay, cái thú ăn tôm càng nướng vào mùa nước nổi trong trăng thanh gió mát cùng bạn hiền cười nói giòn tan chắc chỉ còn trong trí nhớ  của những người lớn tuổi. Thiên nhiên không còn được như xưa, đã nghèo nàn rách rưới. Nước lũ kèm với thiên tai đã phá vỡ nhiều tuyến đê bảo vệ lúa, làm sập cầu, nhấn chìm hàng ngàn héc ta lúa ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu long làm hàng vạn học sinh phải nghỉ học, nhiều gia đình tan hoang cả người và của…

Thế nhưng, sao mùa nước lại cuốn hút con người ta đến thế?

 Bức tranh sống động của con người và thiên nhiên (Ảnh sưu tầm)

Về miền tây mùa nước, ai cũng thừa nhận rằng bức tranh sống của cư dân vùng lũ không hề giống với bất kỳ sự hình dung nào. Nước đến rồi đi nhưng hạt phù sa thì ở lại, bồi đắp cho đồng ruộng, cho rừng tràm, cho đồng sen thêm ngút ngàn, màu mỡ. Nước về mang đến nguồn sống sau những tháng khô nóng triền miên, mang theo bao điều quí giá: Nhỏ bé như đàn cá Linh, tươi non những vạt rau Nhút, và rực rỡ sắc vàng bông Điên Điển. Những con rạch kiệt sức trong mùa khô nóng cùng đám lục bình héo hon bỗng bừng tỉnh. Triệu triệu thân Súng ẩn náu dưới đáy bùn đã trổ ra vô vàn bông hoa tím ngát…Đây đó từ các bến nhỏ, từng chiếc xuồng ba lá tỏa đi các cánh đồng mà giờ đây dòng nước trắng đã xóa nhòa ranh giới, chở theo cả những nụ cười hồ hởi, những náo nức lo toan, những tràn trề hy vọng… Bức tranh sống động của con người và thiên nhiên ở vùng đất mênh mông trù phú nhưng cũng ẩn chứa nhiều hiểm họa này đã gây choáng ngợp các nhiếp ảnh gia, khiến trí tưởng tượng và sức sáng tạo của họ bay bỗng không giới hạn. Đó có thể là lý do mà những tác phẩm nhiếp ảnh đoạt giải thưởng quốc tế chỉ có vào mùa nước nổi.

VietnamFishingReview

Bài viết liên quan:
- Một thoáng miền tây mùa nước nổi