03 kiểu câu cá lóc hiệu quả

Apr 23, 2013 15:12:32

Như đã trình bày, hiểu rõ về đặc tính sinh học và vòng đời của cá lóc là điều kiện tiên quyết để câu cá thành công. Có nhiều kỹ thuật câu cá lóc nhưng có thể gói gọn lại thành 03 kiểu đơn giản ứng với từng đặc tính đặc biệt của loài cá lóc.

Dựa vào đặc tính vào bờ tìm bạn tình, làm tổ, sinh con của cá: Câu ven bờ, mồi đề nghị: Mồi giả.

Đây là kiểu câu mà người câu đứng trên một chiếc thuyền đang di chuyển (di chuyển đều, chậm, xuôi dọc và men theo hai bên bờ) để ném mồi vào khu vực có thực vật thủy sinh ở ven bờ. Khu vực này thường rất nông lại có nhiều cỏ dại nổi trên mặt nước nên loại mồi giả phù hợp nhất là Nhái có song hồng chống vướng, Buzz và Popper.

Mồi D-Frog Jr chuyên câu cá Lóc của Daiwa

Nhái là món ăn thường xuyên của cá lóc trong tự nhiên. Và địa hình lề cỏ, khu nước nông có ánh sáng vừa phải là loại sân khấu lý tưởng để người câu và con nhái giả trình diễn được như ý.

Câu ở những nơi như thế này mồi Buzz cũng tỏ ra rất hữu dụng.  Loại mồi này sẽ chìm khi không rê kéo. Do vậy, cần phải kéo ngay khi con mồi vừa chạm mạnh xuống mặt nước. Việc xoay tròn và tiếng kêu lóc cóc của cánh quạt rất thu hút cá lóc, nó rất giống tiếng kêu của con cá bị thương. Sự lợi hại của Buzz còn ở chỗ: Được thiết kế chỉ một lưỡi đơn nằm ngay ở vị trí tiếp xúc với mặt nước phía sau chong chóng, Buzz bắt chước một loại cá săn mồi nhỏ (bộ phận lưỡi câu) đang đuổi theo một con mồi bị thương (bộ phận chong chóng). Mồi Buzz có thể dùng được ở địa hình có mật độ cỏ từ ít đến trung bình. Tuy nhiên, do thân mồi khá kềnh càng nên để quăng được xa và chính xác không phải là chuyện dễ, nhất là lúc có nhiều gió.

Mồi giả Buzz

Người thích câu cá lóc bằng mồi giả hẳn không thể không biết đến mồi Popper. Popper được đánh giá là một trong những loại mồi bề mặt hiệu quả nhất. Nhưng chỉ nên sử dụng ở địa hình ít cỏ hay ở đường ranh nằm giữa cỏ và bờ. Nên chọn loại Popper có chất lượng cao. Chúng sẽ có bề ngoài hoàn hảo, tiếng kêu độc đáo, còn bộ lưỡi thì có thể cẩu được bất kỳ cá lóc lớn nào. Popper cũng hỗ trợ cho câu thủ ném xa và chính xác, giúp mồi có cơ hội được ở trong nước nhiều hơn. Đây cũng là điểm mấu chốt của kiểu câu này: Người câu giả định cá đang ở trong lề cỏ. Họ quăng mồi vào những nơi mà xác suất có cá là cao nhất như khu vực cách bờ chưa đến 1m (đôi khi chỉ 10cm). Như vậy, trong mỗi buổi câu, quăng được càng nhiều lần thì kết quả càng cao. Hãy quăng liên tục và hết sức tích cực.

Mồi Daiwa Popper Frog danh tiếng

Khi cho thuyền di chuyển cặp theo bờ quanh hồ, cố gắng di chuyển chậm và vẫn tiếp tục quăng mồi ra phía trước trong lúc thuyền di chuyển. Theo cách này, sẽ kiểm soát được toàn bộ mặt nước. Mặc dù không phải chỗ nào cũng có cá nhưng sẽ bắt được cá rất ngẫu nhiên chỉ trong thời gian ngắn.

Kiểu câu này có thể ứng dụng quanh năm. Muốn bắt được cá lớn, hãy chọn thời điểm cá trưởng thành vào bờ tìm bạn tình, làm tổ và sinh con. Thời gian còn lại sẽ chỉ bắt được cá lóc vị thành niên.

Một khu vực hoàn hảo cho kiểu câu quăng mồi vào bờ.


Dựa vào đặc tính nổi lên mặt nước để thở của cá - Mồi đề nghị: Mồi giả hoặc mồi sống.

Người câu có thể đứng trên một chiếc thuyền đang neo đậu giữa khu vực có một hay nhiều cá lóc đơn lẻ đang chuẩn bị nổi lên bề mặt để lấy không khí. Chúng thường hay dựa vào các cây đơn có chiều cao từ 1-1,5m, xung quanh rất ít hoặc không có cỏ.

Cá lóc sẽ dựa vào những cây đơn như thế này để trồi lên mặt nước lấy không khí

Dĩ nhiên là việc tìm ra được những vị trí mà chúng sẽ nổi lên không phải dễ, đòi hỏi người câu cần điềm tĩnh và nhẫn nại. Người có kinh nghiệm sẽ gặp ít khó khăn hơn. Điều quan trọng cần phải tính đến là sau khi nổi, chúng sẽ lặn và bơi theo hướng nào? Vì chúng sẽ lặn xuống ngay lập tức sau khi đã lấy đủ ô xy.

Nếu con cá lặn xuống ở bên trái, tạo với mặt nước một góc 45 độ, cần ném mồi về đúng hướng đó, trước mặt cá hoặc xa hơn cho con mồi có đủ thời gian và quãng đường để trình diễn. Nếu ném mồi chệch hướng, chắc chắn cá sẽ bỏ qua mồi. Hãy ghi nhớ rằng: Nếu đích ném của mồi không phải là phía trước đầu con cá thì mồi sẽ bị phớt lờ hoàn toàn và chỉ có thể tìm may mắn ở lần nổi sau của chúng. Trung bình một câu thủ sẽ phải mất 20 phút thậm chí là 1 giờ mới xác định được vị trí mà cá lóc sẽ nổi lên. Và mất thêm từ 5-20 phút nữa để cho thuyền di chuyển (rất chậm) trong phạm vi có thể quăng được mồi mà không đánh động cá.  

Nếu phát hiện cá lại nổi đúng trong tầm quăng mồi, thợ câu cần ngưng lại một vài giây để xác định hướng và điểm mà cá sẽ bơi xuống rồi mới tung những đường quăng hoàn hảo ra, rê kéo mồi về qua mặt chúng. Còn vẫn không có sự tấn công nào thì đành phải chờ đến lượt nổi tiếp theo.

Sử dụng mồi giả lặn nhanh và sâu là tốt nhất. Chúng vừa dễ quăng lại có thể chạm được đến nơi có cá. Vì cá trồi lên rồi lặn xuống chỉ trong giây lát nên mồi lặn nông quá trong hồ nước sâu cũng sẽ không đến được nơi có cá đúng lúc.

Cũng có thể dùng mồi popper nổi bề mặt nhưng ít có kết quả vì hầu hết thời gian cá đều lặn sâu, sẽ ở quá xa mồi nên khó mà phát hiện, tấn công. 

Một buổi câu, một câu thủ chỉ nhắm đến cá lóc đơn lẻ khi chúng trồi lên để thở thì với 10 lần quăng mồi là có thể tóm được đủ 10 con. Ấy là nói về kết quả của các tay sành câu. Còn với người chưa có kinh nghiệm thì “lóc” là chuyện thường tình. Phần thưởng sẽ dành cho những ai có công nghiên cứu, khám phá. Vì bất kỳ con cá nào nổi lên giữa vùng nước sâu, thoáng đãng là cá rất lớn.

Một câu thủ giỏi sẽ biết câu đúng lúc, đúng điểm: Câu cá lóc đơn lẻ khi chúng nổi lên mặt nước để lấy không khí. Câu ven bờ khi địa hình câu hôm đó có quá nhiều gió khiến cho việc phát hiện cá nổi khó khăn; Giai đoạn cá trưởng thành vào bờ tìm bạn đời sau những cơn mưa đầu mùa; hay thời điểm mà chỉ có cá vị thành niên chiếm giữ khu ven bờ (vẫn bắt được cá lớn). Nghĩa là họ sẽ biết kết hợp mọi kỹ thuật câu. Và suốt năm, sẽ không có con cá lóc nào thoát được cả.

Dựa vào đặc tính nuôi và chăm sóc con cái của cá - Theo dấu vết của quả bóng mồi: Mồi đề nghị: Mồi giả hoặc mồi sống.

Trước khi đọc phần này, VFR không khuyến khích bắt đi cá bố mẹ trong giai đoạn hướng dẫn và bảo vệ cá con. Quí vị hãy cân nhắc việc thả lại cá sau khi đã khẳng định được tài năng của mình. Việc làm này vừa có ý nghĩa nhân văn, vừa góp phần duy trì sự phát triển thuận lợi cho cá con. Dù sao đi nữa, cá lóc vẫn là loài cá rất gần gủi với đời sống của người Việt.  

Người câu đứng ở thuyền quăng mồi theo sát hướng di chuyển của “quả bóng cá”. Mỗi khi thấy quả bóng cá màu đỏ hay cam trên mặt nước, người câu nên quăng mồi vào “quả bóng cá”. Lúc này, cá bố đang theo sát bên cạnh để hướng dẫn cá con cách thở và cá mẹ đang tích cực tuần tra, bảo vệ ở vòng ngoài.

Một “quả bóng cá” đang lên mặt nước để hít thở không khí với sự bảo vệ chặt chẽ của cha mẹ

Nếu quăng mồi ra phía trước “quả bóng cá” theo hướng chúng bơi sẽ bắt được cá mẹ (là cá lớn nhất). Tuy nhiên, rất hiếm khi bắt được cá mẹ ngay trong vài cú quăng đầu tiên. Vì như đã phân tích, trong cuộc sống của mình, loài cá lóc rất coi trọng việc sinh đẻ và “giáo dục” con cái.. Chúng cũng là loại cá rất khôn ngoan. Chúng hiểu rõ những nguy hiểm luôn rình rập của thế giới xung quanh và hoàn toàn “chấp nhận” chịu đựng sự khiêu khích để duy trì sự ổn định cho cả đàn. Do đó, chúng thường có xu hướng phớt lờ mọi cám dỗ khi đang làm nhiệm vụ.

Người câu tùy chọn mồi nổi hay mồi lặn. Những người có kinh nghiệm sẽ thay đổi mồi liên tục và nỗ lực quăng mồi vào đám cá con để kích động cá cha mẹ cho đến khi chúng không thể chịu được mà tấn công.

VietnamFishingReview

Bài viết liên quan:
- Đặc tính sinh học của cá lóc.

- Câu rê.
- Đất nghèo nhưng không bạc đâu con.