Đặc tính sinh học của cá Lóc

Apr 20, 2013 09:39:29

Cuộc sống của cá lóc xoay quanh một chu kỳ đơn giản và ít thay đổi. Cá lóc ở Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng đều có một điểm chung:  Mùa sinh sản trùng với mùa mưa. Mưa làm thay đổi mực nước ở sông ngòi , ao, hồ, các cánh rừng nhiệt đới. Nước cao nghĩa là thảm thực vật và cây cỏ bị nhấn chìm trong nước chỉ sau một vài tuần mưa.

Cá lóc trưởng thành.

Và hàng năm, khi nước bắt đầu tràn ngập khắp nơi, là loài cá lóc vào mùa sinh sản. Thời điểm này, cá lóc trưởng thành nặng chừng 1-3 kg. Chúng di chuyển từ vùng nước sâu đến vùng nước nông để tìm bạn tình. Cặp cá lóc quấn quít nhau, không rời xa, cùng nhau vượt cạn, nuôi con và giáo dục con cái cho đến khi cá con tự lập được. Khi nước trườn đến mép cỏ, cá lóc sẽ làm tổ. Chiếc tổ hình tròn, được làm bằng cỏ, lá cây…nằm giữa đám cỏ cao trên khu nước cạn. Tại nơi này, cá cái sẽ đẻ trứng và chuyển trứng sang cho cá đực thụ tinh. Một thời gian ngắn sau, cá con sẽ nở ra. Đời sống gia đình của loài cá lóc luôn là điều thú vị với các nhà sinh vật học. Sự quan tâm, chăm sóc, lo lắng, bảo vệ của cá cha mẹ với cá con là rất hiếm trong thế giới loài cá. Ngay sau khi đẻ trứng, cả hai vợ chồng cá làm mọi cách để bảo vệ tổ cho đến khi cá con được nở ra.  Đàn cá con mới nở màu đỏ sậm, có từ 5.000-10.000 con, liên kết tạo thành “quả bóng cá”, rời bỏ tổ bơi theo cha mẹ dọc theo mép bờ vào vùng nước sâu. Chúng bơi và luôn duy trì “quả bóng cá” chặt chẽ.

Cá bố (con nhỏ hơn trong cặp) luôn bơi cách “quả bóng cá” vài mét ở mọi lúc, mọi nơi. Cá bố có trách nhiệm hướng dẫn cá con cách nổi lên bề mặt theo nhịp độ đều đặn để hít thở không khí vì loài cá lóc không thể sống chỉ nhờ vào khí ô xy trong nước. Thường thì cá lóc lớn lên mặt nước để thở chỉ trong tích tắc nhưng vì quá nhiều con non cùng phải thở nên mất một vài giây ở trên bề mặt rồi chúng mới lặn xuống sâu trở lại (khoảng 10 giây cho mỗi lần nổi lên).  

Trong lúc đó, cá mẹ (con lớn hơn trong cặp cá cha mẹ) có nhiệm vụ bảo vệ. Nó ở cách “quả bóng cá” một khoảng xa hơn đủ để bao quát được cả một khoảng rộng, trong tư thế sẵn sàng đương đầu với mọi kẻ thù.

Cá con lớn lên sẽ đổi màu, chuyển sang màu đỏ tươi, rồi màu cam. Đạt chiều dài 10cm thì chúng hoàn toàn mất đi màu sáng và bắt đầu phát triển màu của cá lóc “ vị thành niên”. Đó cũng là lúc cả cá bố và cá mẹ rời bỏ các con. Chúng đã hoàn thành nghĩa vụ sinh thành và dưỡng dục. Suốt thời thơ ấu, cá con đã được bố mẹ dạy cách hít thở, cách tránh kẻ thù. Chúng cũng được nếm mùi vị của thịt tươi từ việc ăn các chất tiết ra từ mang của cá mẹ sau khi cá mẹ ăn thịt con mồi.

Giờ đây, khi không còn sự chăm lo của bố mẹ, lũ cá con (đang ở tuổi vị thành niên) lại trở thành miếng mồi của các loài ăn thịt khác. Chúng phân tán đến vùng an toàn ở các mép cỏ ven bờ. Tại đây, chúng sẽ sống đến tuổi trưởng thành nhờ vào lượng thức ăn là cá nhỏ hơn chúng.    

Từ 5-10 ngàn cá con ban đầu sẽ có khoảng 1,000 con sống được đến tuổi trưởng thành, một tỉ lệ rất cao, chính là nhờ vào sự quan tâm, bảo vệ và hướng dẫn của cá cha mẹ. Sau này, dù phân tán để sống riêng nhưng gia đình cá lóc vẫn sống cùng nhau trong một lãnh thổ, mỗi nhóm từ 12-20 con. Khi cá vị thành niên lớn lên, qui mô nhóm thu hẹp dần rồi thành đơn lẻ. Cá lớn lại tiếp tục vòng đời của mình trong chu trình tìm bạn tình- sinh con – chăm nom và nuôi dưỡng.  

Cá bố mẹ cũng chia tay nhau và lui vào sống trong vùng nước sâu.

Suốt mùa khô hoặc mùa nước thấp, cá lóc chuyển về sống trong khu nước sâu, chỉ nổi lên để hít thở không khí. Chúng biết rằng chúng cũng là mục tiêu của kẻ thù khi lên bề mặt do đó chúng có thói quen dựa vào các gốc cây mục, thường là cây đơn, có chiều cao khoảng 1,5m để ngoi lên.  

Giải thích thêm về chu kỳ sinh sản của cá lóc theo lịch: Cá lóc sinh sản trùng với thời gian diễn ra mùa mưa nên mỗi năm có thể có thay đổi chút ít.

Cụ thể như ở miền Nam Việt Nam: Mưa đầu mùa diễn ra vào tháng 5; Từ tháng 6 đến tháng 8 là thời gian xuất hiện nhiều “quả bóng cá”. Từ tháng 9, mức nước là cao nhất và “quả bóng cá” phát triển rất nhanh.  Đến tháng 10 và 11, cá lóc bố mẹ rời bỏ cá vị thành niên vào sống trong vùng nước sâu. Thời gian trôi qua, mực nước lại giảm dần, giảm đến mức thấp nhất cho đến khi mùa mưa lại đến trong tháng 5.

Hiểu rõ về đặc tính của cá lóc là điều kiện tiên quyết để câu cá thành công

Hiểu rõ về đặc tính sinh học và vòng đời của cá lóc là điều kiện tiên quyết để câu cá thành công. Có nhiều kỹ thuật câu cá lóc nhưng có thể gói gọn lại thành 03 kiểu đơn giản ứng với từng giai đoạn trưởng thành của loài cá lóc. Mời quí vị đón đọc trong số kế tiếp.
VFR