Các loại cá lóc tiêu biểu trên thế giới

Apr 18, 2013 04:02:43

“Hãy nhìn hàm răng của nó mà xem, chúng như chiếc máy cưa, đủ sức nghiền nát bất cứ thứ gì. Còn về sự điên cuồng, dũng mãnh, chống cự đến cùng thì hiếm có loài cá nước ngọt nào có thể sánh được!” Ông Jeremy Wade đã thốt lên như vậy ngay khi đưa được con “quái vật” vào bờ. Khỏi phải nói Wade thích thú thế nào! Trong khuôn hình, hình ảnh một con cá to lớn, dáng vẻ vừa tinh quái, vừa bạo ngược đã làm cho hàng triệu người yêu thích chương trình Animal Planet phấn khích. Người đàn ông đi tìm quái vật sông này đã chinh phục được cá lóc khổng lồ Channa Micropeltes xuất thân từ Đông Nam Á.

Channa Micropeltes không phải là loại cá lóc lớn duy nhất trong gia đình gồm khoảng 29 loài sinh sống khắp nơi trên thế giới.

Channa Argus ở Trung Quốc và Hàn Quốc. Có thể phát triển chiều dài đến 1,2m và nặng từ 7-15 kg, sống được trên cạn đến 4 ngày ở nhiệt độ 10-15 độ C. Chúng cũng sống được trong vùng nước bị đóng băng. Tuổi trưởng thành là 2 tuổi, lúc đó đạt 30cm. Đẻ trứng vào tháng 6 và tháng 7. Mỗi con cái có thể đẻ 100,000 trứng/ năm. Giống cá này săn mồi chủ yếu vào ban ngày, lúc sáng sớm hoặc chiều muộn. Chúng có thói quen nằm dưới đáy hồ hay đáy kênh, lạch để chờ con mồi. Năm 1923, Channa Argus xuất hiện tại Nhật Bản và nhân rộng ra một số lượng khổng lồ trong thời gian rất ngắn, tác động lớn đến môi trường sinh thái Nhật Bản. Phân loài có họ với chúng là Channa argus warpachowski, còn gọi là Amur, được tìm thấy ở phía Bắc sông Amur thuộc Nga và Trung Quốc. Năm 1960, chúng đã đến được lưu vực Aral và phổ biến ở các lưu vực sông của khu vực này.

Cá lóc Channa Argus

 Channa Micropeltes ở một số nước Đông Nam Á, đặc biệt là Indonesia. Đây là giống cá lóc khổng lồ. Con trưởng thành có thể đạt tới 1,30m và nặng 20 kg. Giới chức các bang Maine (năm 1976), Massachusetts (1990) và đảo Rhode (1968) đã xác nhận sự có mặt của chúng trong các hồ tự nhiên của bang. Nhưng do chỉ sống được ở nhiệt độ môi trường từ 25 - 28 độ C trở lên, nên ở đất Mỹ không phải là điều dễ dàng. Chúng thường được tìm thấy ở vùng nước sâu, chảy chậm như suối hay kênh rạch. Chúng được dân địa phương gọi là Red Snakehead.

Cá lóc Channa Micropeltes

Channa Striata (còn được gọi là Murrel hay Chevron) có nguồn gốc từ châu Á lưu lạc sang Oahu và Hawaii trước năm 1900 nhờ con đường cung cấp cá sống cho dân nhập cư. Ở các nước Madagascar, Mauritius, Papua New Guinea, Indonesia, Malaysia và Philippines đều có sự hiện diện của giống cá này. Có thể dài đến 1mét khi trưởng thành(Một con cá dài 57cm đã nặng đến hơn 3kg). Sống được trong ruộng lúa. Có thể tồn tại trong mùa khô miễn là da của chúng ẩm ướt. Đến mùa sinh sản, cả hai vợ chồng cá lóc sắp xếp nơi sinh đẻ bằng cách cắn cỏ từ thảm thực vật ở vùng nước nông gần bờ đem về lót thành tổ.

Cá lóc Channa Striata

Channa Asiatica được giới chức tiểu bang Victoria, Australia đưa vào danh sách các loại cá độc hại. Giống cá này có nguồn gốc từ miền nam Châu Á, sống ở nhiệt độ môi trường từ 22-28 độ C. Chín tháng tuổi đã có thể sinh đẻ, khi đó cơ thể chúng chỉ dài khoảng 21cm. Trứng chỉ cần ấp 3 ngày là đã nở thành cá con.

Cá lóc Channa Asiatica

Channa Marulius là giống cá lóc rất lớn có gốc gác từ Ấn độ và Trung Quốc. Hiện nay, một số lượng lớn đang “định cư” tại Florida, Hoa Kỳ. Chúng dài khoảng 1,83 mét và nặng 30kg. Thường ăn thủy cầm và rắn.

Cá lóc Channa Marulius

Có một giống cá của Mỹ rất gần với loài cá lóc, cá Bowfin: Cá Bowfin có hàm cân đối, cơ thể hình ống, vây lưng nhỏ, đạt chiều dài tối đa 90cm. Lưng có màu xanh đậm, hai bên thân có hoa văn như mắt lưới màu nhạt hơn. Đuôi con đực có đốm đen với đường viền màu vàng hoặc màu cam rất rõ ràng. Cá Bowfin rất khỏe, sống ở đầm lầy, thảm thực vật và các vùng nước đọng. Chúng giống cá lóc ở điểm là có thể hít thở khí oxy trực tiếp từ bầu khí quyển. Ăn tôm, cá, thực vật và côn trùng. Cá Bowfin  tụ tập rất nhiều ở khu vực sông Mississippi, hệ thống kênh thoát nước từ bờ biển Atlantic qua lưu vực Chesapeake. Ngoài ra chúng còn được tìm thấy rất nhiều nơi trong lưu vực hồ Great.

Cá Bowfin, một giống cá của Mỹ rất gần với loài cá lóc

Chuyến hành trình đầy gian khó:
18 tháng 8 năm 2002 là ngày cá lóc chính thức bị đưa vào danh sách động vật “ngoại lai” bị truy sát trên toàn nước Mỹ.  Đây không phải là lần đầu tiên cá lóc trở thành “quái thú” cần phải tiêu diệt. Dù không lập thành văn bản như Mỹ nhưng các nước khác đều xem cá lóc là vấn nạn, có khả năng hủy hoại thủy sản nước ngọt phải được diệt trừ. Còn với các quốc gia Châu Á và Châu Phi, cá lóc là nguồn thực phẩm. Chúng bị truy bắt khắp nơi với mọi hình thức: câu, giăng lưới, tát ao… nghĩa là làm mọi cách để bắt chúng.

Các nghiên cứu cho thấy cá lóc là một trong những loài xuất hiện sớm nhất trên trái đất (mẫu xương hóa thạch có niên đại ít nhất là 50 triệu năm) có nguồn gốc từ Ấn Độ. Chúng di tản ra khỏi bản xứ đã hơn 100 năm và lưu lạc khắp các lục địa. Trong chuyến hành trình dài gian khổ đó, chúng đã để lại nhiều “tai tiếng” nhưng cũng mang đến nhiều tình cảm tốt đẹp, nhất là với người Việt Nam.

VietnamFishingReview