Cá lóc - Nỗi kinh hoàng của người Mỹ

Apr 16, 2013 09:20:33

Năm 2002, giới truyền thông, các nhà khoa học và hiệp hội bảo vệ môi trường của Mỹ đã làm cho sự xuất hiện của một sinh vật lạ đến từ châu Á  trở thành một sự kiện chấn động nước Mỹ. Các tờ báo lớn như Washington Post, New York Times cùng rất nhiều báo chí, truyền hình địa phương đều đưa tin và có bài viết phân tích, khuyến cáo…  Không biết có phải vì sự thổi phồng quá mức của các phương tiện truyền thông hay không nhưng chính quyền Bush đã vào cuộc: Một lệnh cấm nhập khẩu 28 loài cá lóc đã được ban hành. Tuy nhiên, lệnh cấm này được đánh giá là khá muộn màng vì cá lóc đã xuất hiện ở 6 tiểu bang khác là California, Florida, Hawaii, Maine, Massachusetts và Rhode trước đó.

Chuyện về một giống cá ngoại lai có trong các hồ tự nhiên của Mỹ đã có từ trước, nhưng mọi ồn ào chỉ bắt đầu từ ngày 18-5-2002, khi một tay câu địa phương đã tóm được một con cá lạ ở hồ Crofton -  tiểu bang Maryland. Ông ta không biết là cá gì nên đã gửi ảnh của nó đến Phòng Quản Lý Tài Nguyên Thiên Nhiên Maryland (Maryland DNR). Về sau, cơ quan này đã xác định đây là cá Channa Argus, một loại cá lóc phương Bắc. Cá lóc đến được hồ Crofton là do một người đàn ông Maryland đã đến tận khu chợ China Town, New York mua về một cặp cá sống để nấu canh truyền thống bồi bổ cho cô em gái bị ốm nặng. Khi về đến Maryland thì cô ta đã khỏi ốm và cặp cá được phóng sinh vào hồ Crafton.

Nhiều thập kỷ trôi qua, câu chuyện kinh hoàng về giống cá Piranha ăn thịt người đã dần nguôi ngoai trong tâm trí của người Mỹ (Piranha được ví như loài cá mập trắng khổng lồ). Nay, một giống cá lạ, xấu xí với cái mồm đầy răng sắc như dao đã khuấy động lại tất cả. Và khi chính phủ ra lệnh cấm thì mọi việc đã trở nên nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Một giống cá lạ, xấu xí với cái mồm đầy răng sắc như dao đã khuấy động cả nước Mỹ
Nguồn ành: www.dnr.state.md.us

Một ủy ban giám sát bao gồm các nhà khoa học, đại diện các cơ quan bảo vệ môi trường, các tổ chức bảo vệ cá nước ngọt đã được thành lập để tiếp tục nghiên cứu và có biện pháp ngăn chặn.

Các báo cáo được liên tiếp gửi đến ủy ban giám sát: Cuối tháng 6/2002: Bắt được con cá lớn thứ 2; vào 2 ngày khác nhau trong tháng 7, một tay câu cá và một nhà khoa học đã lôi cổ khoảng 6 con cá lóc nhỏ ra khỏi một cái ao. Chúng chỉ dài 2 inches. Vậy là nỗi lo ngại đã thành hiện thực: Chúng bắt đầu sinh sôi trên đất Mỹ. Danh sách cá bị bắt ngày một dài ra: Cuối tháng 7, một người quản lý cá nước ngọt đã bắt được hơn 100 con cá lóc ước chừng 5 tháng tuổi.

Đáng ngại nhất là cá lóc có thể đã lan tràn ra ngoài phạm vi các ao hồ ở Crofton. Con sông Patuxent chỉ cách hồ Crofton 75 feet. Một trận mưa lớn là đủ sức mang cá từ hồ ra sông và lan rộng ra khắp lãnh thổ. Kinh nghiệm về các sinh vật lạ đã từng trốn thoát rồi sinh sôi như Thỏ Châu Âu ở Úc và Kudzu ( Pueraria Lobata) ở Mỹ cho thấy: Chúng có thể làm thay đổi hệ sinh thái, truyền ký sinh trùng gây bệnh, gây loạn di truyền học bằng cách phối giống với các loài liên quan, hay cạnh tranh với các loài bản địa, cũng như có thể làm tuyệt giống một số loài.

Vào ngày 18/8, văn phòng bảo vệ nguồn lợi thủy sản bắt đầu loại bỏ cá lóc, tiến trình gồm hai bước: Sử dụng chất diệt cỏ Rodeo để hạ thấp mức ôxy trong hồ, sau đó giết cá. Lập lại tiến trình này sau mỗi hai tuần. Cá chết được bỏ đi hàng ngày, các vị trí được theo dõi chặt chẽ. Sau vài tuần, chất lượng nước đã trở lại bình thường. Mẫu nước gần sông Little Patuxent được lấy để đảm bảo cá lóc đã không thoát ra khỏi hồ và tiếp tục lây lan ở Maryland. Mối đe dọa từ Crafton đã được loại trừ.

Vì sao chỉ là một loài cá lại chịu nhiều áp lực đến thế?

Một cỗ máy giết chóc nhưng lại có kỹ năng làm cha mẹ:
Người ta hình dung ra “kẻ xâm lược” đáng sợ này như một con quái vật có thân thể như cá Chình, còn cái đầu chủ yếu là miệng với hàm răng như máy cưa. Chúng là một loại động vật ăn thịt cấp cao, phàm ăn. Hiếm có loài cá nước ngọt nào có thể giết được chúng, còn chúng thì có khả năng tàn sát tất cả các loài khác sống xung quanh. Chúng có thể ăn 90% các loài cá, cùng các loại khác như động vật giáp xác, côn trùng, thực vật, giun, ếch, chuột và thậm chí cả rắn. Chiều dài trưởng thành của chúng khác nhau tùy giống: Từ 25cm, 90cm, thậm chí hơn 1 mét . Cân nặng có thể lên đến 20kg.

Khi còn nhỏ, thân thể chúng có sọc đỏ, cam và sọc đen. Theo thời gian, các màu này nhạt dần và một con cá lóc trưởng thành có màu xanh đen, hoặc  sọc trắng. Sức sống của chúng thì vô cùng mãnh liệt. Chúng có thể hít thở không khí trong bầu khí quyển, tồn tại trong đất ẩm đến 4 ngày. Có thể di chuyển bằng vây và bằng cách uốn cong thân thể bật xa lên đến ¼ dặm trên mặt đất. Khi đi săn, để khống chế con mồi, chúng uốn cong cơ thể theo hình chữ S và lao đầu ra phía trước táp lấy con mồi. Chúng tấn công tất cả các loài kể cả con người nếu đến quá gần. Nhiều báo cáo cho thấy, cá lóc lớn bị thương nặng vẫn có thể giết chết được một người khỏe mạnh nếu chẳng may vô ý bơi gần đám con của chúng. Và thực tế đã có trường hợp một người đàn ông gần như bị mất bộ phận sinh dục vì lỡ chọc giận một con cá lóc.

Nhưng cá Lóc là loài rất có  “kỹ năng” làm cha mẹ. Không thể tả được sự điên cuồng của cá bố và cá mẹ nếu phát hiện có kẻ xâm hại đến cá con. Khi con non vừa được sinh ra, cả cá bố và mẹ đều thay phiên nhau canh giữ tổ. Cá con lớn hơn một chút thường bơi theo cá mẹ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, cả cá bố và cá mẹ sẳn sàng hy sinh tính mạng để bảo vệ cho đàn con. Có khi cá bố bị thương rất nặng vẫn chiến đấu quyết liệt để bảo vệ gia đình. Các tay câu lão làng truyền tai nhau rằng: muốn bắt cá Lóc mẹ, chỉ cần thả loại mồi có khả năng động đậy liên tục như nhái, côn trùng… vào giữa đàn cá. Cá mẹ thấy con vật nào ngo ngoe giữa đám con còn non nớt là xông vào đớp ngay. Cá mẹ bị bắt đi thì cá bố lại thay me tiếp tục bảo vệ con cho đến khi trưởng thành.     

Chuyện về cá lóc vẫn còn tiếp tục trên đất Mỹ
Dù thế nào đi nữa thì câu chuyện về một giống cá có thể hít thở không khí như con người, có thể di chuyển trên cạn và sống đến 5 ngày trên mặt đất ẩm ướt, tấn công mọi động vật kể cả người… đã thực sự là nỗi kinh hoàng cho người Mỹ. Mọi công dân được khuyến cáo không được thả lại cá lóc xuống ao, hồ. Bất kỳ ai bắt được cá, giết chúng và chụp ảnh gửi về ủy ban đều được nhận thưởng. Mọi hanh động lưu trú, vận chuyển cá lóc đều phạm pháp…

Mặc cho bị truy sát trên toàn nước Mỹ, sức sống mãnh liệt đã giúp chúng tồn tại được trên đất Mỹ: 28/4/2004, nghĩa là chưa đầy 2 năm sau khi công bố đã xóa bỏ được cá lóc ở hồ Crofton, một con cá lóc đã được tìm thấy ở hồ Pinn, Maryland. Đến ngày 14/7/2004, đã có tổng cộng 14 cá lóc bị bắt ở Potomac có chiều dài 18 inches, bao gồm cả cá cái đã đến kỳ sinh sản…

Và câu chuyện về cá lóc mãi mãi không phải là chuyện huyền thoại nhưng bí ẩn với người Mỹ.

VietnamFishingReview