Dùng đồ câu nước ngọt đi câu biển thì có tổn hại gì không?

Apr 05, 2013 15:03:46

Câu cá nước mặn, dù là câu ở bờ biển hay tận đại dương sâu thẳm đều là một kiểu câu khác hẳn với câu cá nước ngọt. Vì vậy, dụng cụ câu cũng khác nhau. Về cơ bản, đồ câu nước mặn được thiết kế để tương thích với điều kiện câu rất khắc nghiệt: Cá lớn, khỏe, sống ở nước sâu, có hàm răng sắc nhọn. Trong khi cá nước ngọt thường không có răng, trọng lượng trung bình dưới 10kg và câu thủ không phải đối phó với địa hình câu có nhiều vật cản kinh khủng như hàu, san hô, đá rạn hay nước mặn có tính “hủy diệt” thiết bị câu mạnh.

Trong thực tế, các câu thủ có thể dùng dụng cụ câu nước mặn để câu cá nước ngọt, nhưng nếu dùng đồ câu nước ngọt đi câu nước mặn thì nên hết sức cân nhắc. Cụ thể:

Cần câu: Vật liệu làm cần câu nước mặn được lựa chọn để có thể chịu được sự ăn mòn của muối. Hầu hết được làm từ sợi Thủy tinh hoặc Graphite. Cần làm bằng sợi Thủy tinh mạnh và cứng hơn so với cần Graphite nhưng cần Graphite lại có độ bật và nhạy cảm hơn. So với cần nước ngọt, cần câu nước mặn dày dặn hơn và nặng hơn. Loại cần câu nước ngọt phổ biến là cần Spinning, Bait-casting, Spin-cast, Telescopic, Carbon pole và Uttra-light… (xem bài các loại cần câu phần 2). Cần câu nước mặn là loại cần Spinning, Bait-casting, Trolling và Jigging…

Cần câu Jig - Shimano Ocea Jigger

Máy câu: Máy câu nước mặn thường được thiết kế ngăn nước.Vỏ máy và các bộ phận bên trong được làm bằng chất liệu có khả năng chống ăn mòn cao. Máy có 2 kiểu tốc độ: Tốc độ thấp và tốc độ cao. Máy tốc độ cao có tỉ số truyền động từ 6:1 trở lên để quay máy thu dây nhanh. Máy tốc độ thấp có tỉ số truyền động từ 4:1 trở xuống, để tăng cường sức lực cho máy khi câu cá lớn. Máy câu biển là loại máy Spinning, Bait-casting,Trolling và Jigging. Đi câu nước mặn mà dùng máy câu nước ngọt thì chẳng mấy chốc máy sẽ bị bào mòn, gỉ sét và hư hỏng. Máy câu nước ngọt có các loại: Bait-casting, Spinning và Spin-casting. Máy Bait-casting có cơ chế level-wind, giúp dây câu không bị rối khi quăng mồi.

Khả năng chứa dây của máy câu cá nước ngọt và máy câu nước mặn cũng khác nhau. Ổ chứa dây của máy câu phụ thuộc vào độ lớn của thân máy và liên quan đến trọng lượng dây được khuyến cáo trên cần câu do vậy máy câu nước mặn thường có ổ chứa dây lớn hơn máy câu nước ngọt.

Hiện nay công nghệ chế tạo dụng cụ câu cá đã đạt đến một trình độ rất cao. Những loại máy câu biển hạng nặng câu được cá rất lớn nhưng lại rất nhỏ gọn và nhẹ nhàng. Cần câu nước ngọt thì cũng được làm bằng các chất liệu rất đặc biệt, khắc trị được môi trường nước mặn. Do vậy, khi đi mua đồ câu, hãy căn cứ vào điều kiện địa hình câu, các loại cá muốn câu để chọn mua dụng cụ câu phù hợp.  

Máy câu nhỏ gọn và nhẹ nhàng nhưng có khả năng chinh phục cá lớn dễ dàng

Dây câu: Dây câu nước ngọt và nước mặn về cơ bản là khác nhau. Dù người dùng có thể sử dụng cả hai loại dây cho cả hai môi trường nước nhưng khó mà đạt được kết quả như ý. Dây câu nước ngọt và nước mặn được thiết kế với các tính năng độc đáo, tương thích với từng kiểu câu để có thể đạt được hiệu suất tối đa khi sử dụng. Dưới đây là một số so sánh cơ bản.

 

Dây câu nước ngọt

Dây câu nước mặn

Nguyên tắc thiết kế

Ưu tiên cho sự khéo léo, quăng xa, sức mạnh và trình diễn mồi hiệu quả

Thiết kế đặc biệt để phản ứng nhanh, quăng chính xác và đạt khoảng cách tối đa. Chống mài mòn và khả năng chịu tải dẻo dai.

Đường kính

Vì nước ngọt nhẹ hơn nước mặn, nên dây câu nước ngọt thường có đường kính lớn hơn, mật độ dây thấp để cải thiện độ nổi của dây, hỗ trợ quăng xa

Dây câu nước mặn được thiết kế với đường kính nhỏ do đó có mật độ cao mà vẫn duy trì tốt việc nổi trên mặt nước. Đường kính nhỏ hơn cũng giúp việc quăng mồi dễ dàng hơn và xa hơn trong gió.

Dây câu là mối liên kết quan trọng nhất giữa người câu và con cá. Dây câu cá nước mặn ngày nay rất bền, nhạy bén, có khả năng quăng xa, chống mài mòn và khả năng chịu tải dẻo dai. Sau đây là các loại dây nước mặn rất phổ biến:

Dây Saltwater Monofilament: Monofilament (còn gọi là mono) là loại dây rất phổ thông, phù hợp với nhiều kiểu câu. Dây mono rất nhỏ, mạnh và cung cấp độ nhạy cao. Dây chịu được nước rất tốt và tạo nút Knot rất khỏe. So với dây braid, dây mono có khả năng chống mài mòn cao hơn. Dây mono loại tốt có đường kính nhỏ, không tạo ra rãnh cứa trên ống chứa dây. Dây mono sẽ bị tổn hại khi tiếp xúc trực tiếp dưới ánh nắng nên cần thay dây mỗi 6 tháng đến một năm tùy vào mức độ sử dụng.

Dây Saltwater Braid: Không giống như dây mono, dây Braid được bện lại từ nhiều sợi. Mỗi sợi dây trong đường dây braid đều có khả năng mạnh hơn dây mono tính trên cùng đường kính. Một sợi dây mono 30lb có đường kính bằng với một sợi dây braid 60lb. Do đó, dây braid sẽ quăng xa hơn và xuống sâu hơn so với dây mono. Dây Braid cũng không bị nắng mặt trời và nước mặn phá hủy khi tiếp xúc trực tiếp nên có tuổi thọ rất dài. Dây braid gần như không giãn nên rất nhạy, hoàn hảo cho câu ở mực nước sâu. Tuy nhiên, tính năng không giãn này của dây Braid lại không hiệu quả trong kiểu câu trolling.

Dây Braid thế hệ mới của Shimano

Dây Saltwater Fluorocarbon: là một loại dây câu có các tính năng rất đặc biệt như khả năng khúc xạ ánh sáng thấp giúp cho dây gần như vô hình dưới nước. Điều này dây mono và braid đều không làm được. Fluorocarbon cứng hơn dây mono, khả năng chống mài mòn cao hơn. Mật độ dây cũng  dày hơn, nghĩa là sẽ chìm nhanh hơn. Dây fluorocarbon thường được sử dụng như dây leader buộc nối với dây trục. Tuy nhiên, vì dây Fluoro rất cứng nên khi buộc với dây trục bằng nút knot cần phải hết sức khéo léo và cẩn thận. Trong ánh nắng mặt trời, dây Fluorocarbon cũng bị tổn thương và có thể giảm bớt sức mạnh cũng như độ tàng hình.

Dây Flouro có các tính năng rất đặc biệt:
Khả năng khúc xạ ánh sáng thấp giúp cho dây gần như vô hình dưới nước

Dây kim loại (Wire): Dây kim loại là một loại dây ngọn rất hiệu quả khi câu loại cá có răng sắc nhọn. Người ta cũng thường dùng dây kim loại để để kéo mồi trong kiểu câu trolling. Dây kim loại có hai loại: dây bện và dây đơn. Dây đơn mỏng hơn và mạnh hơn so với dây bện nhưng nó khó uốn cong. Dây bện uốn cong dễ dàng nên rất dễ thắt knot và có thể dùng làm dây trục.

Mồi câu: Mồi giả nước ngọt và nước mặn có khác biệt nhưng không đáng kể. Chẳng hạn các loại mồi thìa (spoon) hay mồi nổi (top water) được dùng để câu cả cá nước ngọt lẫn nước mặn. Trong một số trường hợp, sự khác biệt là ở kích thước và trọng lượng mồi. Đối với mồi thật, cả mồi sống lẫn mồi cắt lát, câu nước mặn đòi hỏi đa dạng mồi hơn câu cá nước ngọt. Mồi thật được ưa chuộng là cá sống, tôm sống, mực sống…

VietnamFishingReview