Daiwa và Shimano – “kẻ tám lạng, người nửa cân”!

Mar 19, 2013 05:17:49

 Khi nhắc đến dụng cụ câu cá, đặc biệt là cần câu, của các hãng danh tiếng như Shimano và Daiwa, giới sành chơi ở Việt Nam hẳn có nhiều câu chuyện thú vị để kể. Giá trị của những thương hiệu này không chỉ ở chỗ mỗi sản phẩm đều được xem là một kiệt tác, một sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ thiết kế và công nghệ đỉnh cao, mà còn vì chúng tạo nên sự khác biệt, thể hiện trí tuệ, phong cách và đẳng cấp của người sở hữu.

Thật vậy, khi cầm một chiếc cần câu thuộc hàng Hi-End trên tay, người dùng có ngay cảm nhận về sự đột phá toàn diện của sản phẩm. Độ sắc nét, tinh xảo, vượt trội là điểm dễ nhận thấy nhất khi so sánh với các sản phẩm cùng loại của các hãng khác. Nhưng điểm độc đáo nhất của những sản phẩm này không phải là ở vẻ bề ngoài, điều đáng ca ngợi nhất chính là sự vĩ đại trong công nghệ chế tạo, là phần cốt lõi bên trong của nó. 

Daiwa và công nghệ “X-Torque”
Cần câu truyền thống của Daiwa được làm từ hai tấm sợi carbon. Tấm thứ nhất có kết cấu sợi nằm vuông góc với lõi cần, và tấm thứ hai nằm ở thế song song với lõi. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Daiwa nhận thấy cấu trúc này có nhược điểm lớn là độ đàn hồi kém và có xu hướng bị vặn khi cần chịu tải trọng cao.

Cần câu truyền thống của Daiwa được làm từ hai tấm sợi carbon

Công nghệ “X-Torque” ra đời được xem là sự thể hiện đẳng cấp công nghệ và kinh nghiệm qui mô toàn cầu của Daiwa. “X-Torque” được hình dung như sau:

Cần câu làm theo công nghệ “X-Torque” có kết cấu gồm 4 lớp:
- Lớp 1: Tấm sợi carbon được quấn quanh lõi, có kết cấu sợi nằm vuông góc với lõi cần.
- Lớp 2: Tấm sợi quấn chồng lên tấm thứ nhất. Kết cấu sợi nằm song song với lõi cần.
- Lớp 3 ( mấu chốt của “X-Torque”): Tấm sợi carbon được dệt mới, có kết cấu sợi nằm xiên, tạo thành một góc
  45 độ với lõi cần và được quấn chồng lên tấm thứ hai, theo chiều từ dưới lên trên.
- Lớp 4: Tấm sợi carbon cũng có kết cấu sợi nằm xiên, tạo thành một góc 45 độ với lõi cần và được quấn chồng lên tấm thứ ba, theo chiều từ trên xuống (nghĩa là quấn theo chiều ngược với chiều quấn của tấm thứ ba).

Cấu tạo “X-Torque”


Đến nay, vẫn có phản ảnh về tình trạng cần câu bị vặn do một số nguyên nhân khách quan như sức kháng cự của cá, sức chảy của nước, hay sự biến dạng của các phân tử carbon trong quá trình sản xuất, nhưng những trường hợp này không nhiều, nếu không nói là rất ít nên có thể khẳng định rằng: Công nghệ “X-Torque”ưu việt hơn nhiều so với công nghệ chế tạo cần câu truyền thống.

Về trọng lượng cần: Do cần được quấn hơn hai lớp so với trước nên trọng lượng có tăng nhưng không đáng kể, và khó mà nhận biết được.

Dòng cần Lure, và cần câu cá Hồi của Daiwa đã được ứng dụng công nghệ “X-Torque” từ năm 2011 và được ưa chuộng cho đến ngày nay. Những tín đồ câu cá hồi đã tìm thấy ở những chiếc cần câu sự mạnh mẽ, dẻo dai nhưng độ tinh nhạy thì vô cùng tuyệt vời. Tất cả đều nhờ vào công nghệ  chế tạo cần “X-Torque”.

Trong kinh doanh, chiến lược cơ bản là thu hút thêm khách hàng mới và duy trì khách hàng hiện tại bằng những sản phẩm và dịch vụ ưu việt. Ở lĩnh vực sản xuất dụng cụ câu cá, thách thức này càng trở nên khó khăn khi thị trường liên tục đón nhận những công nghệ mới. Những sản phẩm đột phá sẽ nhanh chóng mất đi sự mới mẽ. Như một qui luật phát triển tất yếu,  Daiwa cũng đối mặt với thách thức này: Đó chính là công nghệ chế tạo thân cần “X-Spiral” của hãng Shimano, một đối thủ ngang tài ngang sức.

“X-Spiral” của hãng Shimano
Hãng Shimano tự hào có truyền thống hơn 100 năm và đang viết tiếp câu chuyện huyền thoại về những chiếc cần câu được làm bằng công nghệ “X-Spiral”.

Cũng tương tự như Daiwa, Shimano đã sử dụng công nghệ quấn cần truyền thống bao gồm 3 lớp:
- Lớp thứ nhất: Tấm sợi carbon được quấn vào lõi cần có kết cấu sợi nằm vuông góc với lõi cần.
- Lớp thứ hai: Tấm sợi carbon nằm song song với lõi cần.
- Lớp thứ ba: tấm sợi carcbon nằm vuông góc với lõi cần.

Cần câu truyền thống của Shimano được làm từ ba tấm sợi carbon

Tuy nhiên công nghệ này bộc lộ nhiều vấn đề như: Sự tương tác giữa các lớp chưa hoàn hảo, gây ra tình trạng cần yếu, vẫn bị vặn, và có vết ghép nối giữa lớp quấn này và lớp quấn kia khiến cần câu có nguy cơ bị xé khi chịu tải lớn.

Trong điều kiện có nhiều sự cạnh tranh về công nghệ đối với dòng sản phẩm cao cấp, nhu cầu phải có một công nghệ mới thay thế là vấn đề bức thiết và đặt ra hàng đầu. “X-Spiral” xuất hiện đã thực sự là một công nghệ mang tính đột phá toàn diện, mở ra một trào lưu mới, là nền tảng cho những phát triển mới và thành tựu mới trong giới nghiên cứu chế tác cần câu.

Điều đặc biệt bắt đầu từ vật liệu dùng để quấn cần: Trong khi nhiều hãng  đồ câu khác đều sử dụng tấm sợi carbon để quấn lõi cần thì Shimano lại đem sợi carbon làm thành những dải băng siêu mỏng, có độ chắc khỏe, độ bền, độ modulus rất cao.

“ X-Spiral”  là sử dụng dải băng carbon quấn lõi cần theo hình chữ X thay vì sử dụng tấm sợi carbon. Cụ thể như sau:
- Bước 1: Lõi thép được quấn bằng dãi carbon theo hình xoắn ốc từ trái qua phải, tạo nên lớp quấn thứ nhất.
- Bước 2: Một tấm sợi carbon có kết cấu sợi dệt song song với lõi thép được quấn chồng lên lớp thứ nhất,  tạo nên lớp quấn thứ hai.
- Bước 3: Dải băng carbon lại được dùng quấn chồng lên lớp thứ hai, theo hình xoắn ốc từ phải qua trái (tức là theo chiều ngược lại với lớp quấn thứ nhất) tạo nên lớp quấn thứ ba.

Cấu tạo “ X-Spiral”

Công nghệ quấn cần “X-Spiral” thực sự đã tạo nên thành công lớn, thuyết phục cả giới công nghệ và người dùng. Cần câu thế hệ “X-Spiral” có các lớp sợi tương tác với nhau, hỗ trợ lẫn nhau, giằng níu cho nhau giảm tối đa sự vặn cần khi giằng co với cá lớn và khắc phục được phần lớn nhược điểm của kiểu quấn truyền thống.

Với những cải tiến ấn tượng kể trên, Daiwa và Shimano thật sự chứng tỏ được vị thế hàng đầu của mình trong giới sản xuất dụng cụ câu cá. Những thành tựu này đã tạo cho họ những vị thế riêng trong cả sản phẩm và thương hiệu.

VietnamFishingReview

Bài viết liên quan:
- Chất liệu cần câu.
- Công nghệ chế tác sợi carbon của hãng Daiwa.
- Cần câu được làm như thế nào?