Ngư dân Việt Nam câu cá Thu như thế nào?

Feb 20, 2013 15:15:22

“Câu bằng tay”, ông Trần Văn Bời, một lão ngư ở Bình Định trả lời khi được hỏi về kiểu câu cá Thu thời ông còn trai trẻ. Theo lời thuật của ông thì đó là là kiểu câu xóng, một kiểu câu bằng tay (tức cầm trên tay để câu chứ không bủa cả dàn dài dưới nước) chuyên dùng với cá Thu.

Dụng cụ câu xóng bao gồm:

Ống câu: Được làm bằng loại tre Đằng Ngà, có đường kính gần gang tay. Ống phải được bào dũa và tạo hình răng cưa để khi thu dây vào, dây câu mau khô. Ở phần giữa ống có khoan hai lỗ hai bên. Xuyên qua hai lỗ này là một đoạn tre nhỏ bằng chiếc đũa. Người câu nắm vào đoạn tre này khi quấn dây vào hoặc thả dây ra.

Dây câu (người địa phương gọi là triên câu): Là một sợi dây mảnh nhưng rất chắc, thường được làm bằng loại tơ tằm, có chiều dài 50-60 sải tay. Mặc dù mực nước chỉ sâu 25-30 sải, nhưng khi cá Thu ăn mồi, nó sẽ chạy rất xa, do vậy, dây phải dài hơn độ sâu của nước để khi cá chạy ra xa thì nới dây ra, cá chạy quay vào thì thu dây lại. Nhiều lần như vậy cá sẽ mệt, đuối sức, lúc đó mới có thể đưa chúng lên thuyền bằng khấu.

Đòn gánh: Là một sợi mây rừng có đường kính bằng chiếc đũa dài chừng 3 gang tay. Dùng “đòn gánh” để cột các hòn sắt ( lấy từ cây  bu-lông phế liệu của đường ray xe lửa) thay cho chì. Khi thả dây ra, người câu uốn thẳng “đòn gánh” để phần thẻo, lưỡi câu và mồi câu không dính vào dây câu.

Thẻo: là một đoạn dây thật chắc, thời đó rất hiếm cước, dài 2 sải tay.

Chuẩn bị thẻo và lưỡi câu Thu theo kiểu truyền thống

Lưỡi câu được làm từ đồng thau rất cứng. Câu cá Thu theo kiểu câu Xóng này cần hai lưỡi. Lưỡi thứ hai gọi là lưỡi chuyền, cách lưỡi chính khoảng 2 lóng tay. Khi móc mồi câu thì móc cả vào hai lưỡi, lưỡi chính móc vào đầu con mồi, lưỡi chuyền móc vào đuôi để phòng con cá Thu ranh mãnh táp vào phần đuôi cá mồi.

Chuẩn bị mồi câu cần rất nhiều công. Cá Thu chỉ ưa loại mồi sống, bơi lội tự nhiên. Vậy nên trước khi đi câu, người câu phải tìm mua cho được loại cá Nục vừa mới được đánh chà còn sống, đem rộng ngay vào thùng hay chậu. Nếu không tìm được mồi sống, buộc phải dùng mồi chết, thì phải hết sức khéo léo. Miếng mồi chết phải được móc sao cho khi xuống nước, gặp nước chảy, miếng mồi phải trôi dạt sinh động như cá mồi sống mới “đánh lừa” được cá Thu.

Chiếc ghe chuyên câu xóng là loại ghe nhỏ, chạy bằng buồm. Trên ghe có thể chở được 4-5 người, có nơi nấu nướng. Người câu mang theo thức ăn và nước uống đầy đủ trong 1-2 ngày câu do câu Thu phải đợi cho được con nước thì mới có cá mang về.

Mấy chục năm theo cha mẹ làm nghề câu xóng, ông Bời rút ra được một điều: Hiếm có loài cá nào tinh ranh và khỏe như cá Thu. Cách chúng ăn mồi cũng thật ma mãnh. Trong ngày, chúng chỉ ăn rộ chỉ một vài canh giờ. Người câu giỏi, có kinh nghiệm thường đi câu trước hoặc trong lúc thủy triều, chọn canh giờ hừng đông, trăng mọc, trăng lặn, nước mẩy, nước trở, lại gió. Khi ghe câu chạy ra khơi, đến khu vực có nhiều rạn, chọn được con nước thì neo ghe ở đầu nước. Neo ghe được ở nơi có hòn rạn cao thì có nhiều cá tụ. Khi bắt đầu vào cuộc, người câu thả dây câu ra để thăm dò, chờ đến khi hòn chì chạm vào đá thì thu dây lên cách đáy và con mồi khoảng một sải ( nghĩa là thu dây về 3 sải vì thẻo câu đã dài 2 sải rồi). Gặp lúc cá lớn chạy nhanh và xa, cần phải có thêm người đến nối thêm dây vào mới đủ. Câu xóng, mỗi người chỉ điều khiển 1-2 ống câu.

Ngày nay, người đi câu Thu nhàn nhã hơn rất nhiều. Ghe câu được gắn máy 5 ngựa chứ không chạy bằng buồm như xưa. Thợ câu có đầy đủ đồ nghề cần, máy, dây…rất hiện đại và tiện nghi. Nhưng gặp khi không có mồi sống, họ cũng câu ống. Trong bộ đồ nghề câu Thu còn có thêm dàn câu móc mồi cá nục sống. Kiểu câu dàn này đôi lúc còn mang về được cà Cờ, cá Nhám. Ở Bình Định, tháng tư và tháng Chạp là đầu mùa cá Thu, ngày gió bấc dịu nhẹ, cá câu được toàn cá lớn. Qua Giêng, nước biển trong vắt, dân câu dùng loại mồi kim tuyến với lưỡi rường (4 chùm).

Không chỉ ngư dân Bình Định mới câu cá Thu theo lối này, ngư dân vùng biển miền Trung như Phú Yên, Qui Nhơn, Khánh Hòa, Bình Thuận… đa phần đều áp dụng kiểu câu này để câu cáThu.

Cũng câu Thu, nhưng ngư dân phương Nam lại câu theo kiểu khác. Một lần đi công tác ở đảo Nam Du, Kiên Giang, người viết có dịp theo ghe câu Thu của ngư dân trong vùng. Ngư phủ ở đây câu cá Thu bằng dụng cụ câu rất đặc biệt. Đó là những giàn câu gồm nhiều thanh tre ghép lại thành một khung tròn có đường kính 0,6m, chiều cao 0,5m. Mỗi thanh tre móc nhiều lưỡi câu, có phao nhưng không chì. Khoảng cách giữa các lưỡi câu là 8 sải. Một giàn câu chạy bủa dài có khi lên đến 30km tùy theo mùa nước.

Không chỉ có giàn câu Thu, ngư dân còn câu kèm với giàn câu lông. Giàn câu lông này có nhiệm vụ câu cá nhỏ để làm mồi câu cá Thu. Giàn câu lông bao gồm nhiều lưỡi câu nhỏ gắn kèm với lông tơ của gà vịt hay ngan. Lông tơ được phủ màu sắc rất tươi tắn, sinh động đính keo dán vào giữa lưỡi câu. Khi thả xuống nước, màu sắc óng ánh của lông thu hút các loại cá nhỏ như cá chỉ vàng.

Ở vùng biển này, có hai đợt câu được nhiều cá Thu là từ tháng giêng đến tháng 3; và tháng 10 đến tháng 12 (Âm Lịch). Một ghe câu lớn có 6 đến 7 ngư phủ. Họ ra khơi một chuyến từ 15-20 ngày thu hoạch gần 1 tấn cá. Các ngư phủ dạn dày kinh nghiệm không chỉ căn cứ vào dự báo thời tiết. Họ nhìn mây “đóng cục”thì biết chắc chắn có mưa; Mây xé gió thì chắc chắn sẽ có gió từ cấp 5 trở lên; Trăng quầng vàng thì trời nắng, trăng quầng đen thì trời mưa. Ghe neo ở rạn, trời êm mà nghe âm thanh nổ răng rắc từ lòng biển là sắp có gió mạnh. Lặn xuống động san hô nghe tiếng kêu “cắc cắc” là chắc chắn có biển động trong một đến hai này tới; Biết nhìn sao Bắc Đẩu, sao Đồng Cân để xác định hướng đi.

VietnamFishingReview