"Đất nghèo nhưng không bạc đâu con"!

Feb 08, 2013 13:05:32

Dễ chừng hai năm rồi tôi mới về nhà. Năm ngoái phải tham gia hội chợ Xuân, việc nhiều đành để má chờ mấy ngày Tết, năm nay không có việc tôi về sớm. Cà Mau đang vào đợt gió mùa. Từ lúc chớm gió đến Tết còn những hai tháng, nhưng trên đường đã thấy Tết lấp ló khắp nơi. Giàn nhà ai cũng phơi đầy chuối, những lát chuối xiêm mỏng tang trong nắng cứ tươm mật ướt rượt dụ lũ ong kéo tới, dập dìu bay đậu, lảo đảo như say. Má nói cuối Chạp mới làm cho nhà ăn, còn làm đợt này để gửi cho con cháu ở xa Tết không về được hoặc đem bán.

Tôi về trúng mùa đìa, mùa gom cá đồng lớn nhất năm. Nằm trong nhà, nghe cá ục sôi dưới đìa không thể ngủ nổi. Tiếng cá lóc táp phập gọn hơ như dừa rụng, cứ đoán già đoán non coi con này chừng mấy kí. 

Ngày tôi còn nhỏ, cũng vào tháng này (tháng 10 âm lịch) mấy cha con tôi thường hay đem cần ra kênh, mương mà cắm. Vừa mới dứt trận mưa lớn cuối mùa, cá từ các cánh đồng theo nước xuống các rạch, kênh, mương. Mùa này cá rất khôn, hễ tới đợt mưa cuối là chúng hối hả theo nước rời các ruộng lúa, vì nếu chậm trễ, mùa khô đến, cá sẽ mắc cạn trên đồng. Trời chạng vạng, cha ôm một vác cần tre, tôi và anh ba lẽo đẽo theo sau, đứa xách giỏ đựng cá, đựng mồi, đứa cầm đèn khí đá. Cha soi đèn bắt mấy con nhái bằng ngón tay cái trên bờ ruộng làm mồi. Con nhái nhỏ xíu bị cha móc lưỡi câu vào đùi, nhảy tới nhảy lui loi choi thấy tội nghiệp, cha nói đó là kiểu khiêu chiến với cá lóc. Chừng 7 giờ tối, cha bắt đầu cắm câu. Tháng này lúa vừa mới cấy, cha đi trên bờ ruộng, mỗi hai mươi mét cha cắm một cần. Cá nhiều thấy mà ham, mới cắm cần ở đầu bờ này là cuối bờ kia đã có cá dính câu quẫy mạnh. Chưa được mươi cần, cha phải quay lại gỡ cá ở mấy cần đầu. Có những ngày toàn cá lớn, cha sai anh ba mang bớt về nhà đổ vào lu, sợ hồi nặng không khiêng nổi.

Câu cắm hiệu quả là vậy nhưng chỉ đến khi gió chướng chuyển mùa là cá không ăn câu cắm nữa, chắc nó cũng bị “ê răng” vì lạnh. Lúc này, cha và mấy chú quanh xóm chuyển sang câu Kiều.

Cần câu Kiều thiệt ngộ, chỉ là một ống sậy dài sáu tấc, một sợi dây câu có cái lưỡi bén ngót cột chặt một đầu sậy. Câu Kiều khác hoàn toàn với câu cắm, trời nắng câu một kiểu, trời mưa câu kiểu khác. Nắng, cha thả đại cho cây cần nổi lềnh bềnh giữa đám lúa. Mưa thì phải thả trên gò vì cá sẽ lên nước cạn ăn mồi. Cha đoán ý ông trời thiệt giỏi, biết khi nào nắng, lúc nào sẽ mưa. Sáng sớm, cha sai anh ba đi thăm mấy câu cần thả hôm qua. Dưới gốc lúa, những cây cần câu cứ quắn vào, lưỡi câu móc chắc nịch cá lóc to bằng cẳng chân của tôi, có khi có cả rắn làm giật cả mình.

Cha đi đâu, tôi và anh ba theo đó để học nghề. Ý cha muốn dạy chúng tôi chút nghề đồng nước của cha để sau này nuôi vợ nuôi con. Cha là vậy, gần sáu chục tuổi đầu chưa lúc nào móng chân thôi đóng phèn, đôi tay thôi cầm cuốc. Mỗi lần Tết tới, má thở dài cái thượt ví von “nhà mình như con rắn đã tới kỳ lột da, lột chưa hết nên cứ ngắc ngoái hoài” (ý nói năm hết tết đến, nợ cũ trả chưa xong đã phải lo nợ mới). Mỗi lần vậy cha cứ cười khì. Mấy chị em sống bần hàn đã quen, Tết không biết đòi áo mới, mỗi đứa mỗi việc: Lặt mấy trái dừa ốm nhách vì nước mặn đem lạng mỏng, xào với đường thành món mứt dừa. Gừng đém lá củ nào củ nấy còi vụn, lấy thêm trái khóm vắt lấy nước bỏ vô xào được thêm món mứt dẻo. Má chạy đôn chạy đáo vay được chút tiền mua kí bột, đôi chục trứng làm bánh bông lan.

Đất nghèo nhưng không bạc

Nghề của cha lại giúp cả nhà. Những con cá cha câu được trong mùa đìa đã phơi khô, đem xé nhỏ ăn với cơm nóng, nhắm với rượu trong cơn gió mùa se thắt thấy đời không còn gì đáng lo nữa. Cha dạy chúng tôi nghề của cha ý chừng cha muốn chúng tôi cứ sống mãi hoài trên mảnh đất quanh năm nước mặn, vườn trơ đất trắng này. Ngày mấy chị em quyết định rời nhà lên thành phố lập nghiệp, cha không nói một câu. Má thủ thỉ rù rì dắt chúng tôi ra vườn, khum tay che chói chỉ đám bông so đũa đang nở trắng trên đầu, xoay qua hướng đám rau đắng đất ngoài bãi đang kỳ xanh ngát… Má nói đất nghèo nhưng không bạc đâu con.

Giờ tôi về lại quê nằm nghe lũ cá rô đớp móng quẫy chủm, bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu lại về ngọt lành trong ký ức. Thiên nhiên dẫu không được như xưa, dẫu nghèo nàn rách rưới vẫn là quê mẹ đất cha. Tôi sẽ trở về, sẽ về.

Bên ngoài, sau rặng dừa nước, tiếng chày quết bánh phồng đang thình thịch rộn rã.

VietnamFishingReview

Bài viết liên quan: Nhớ quê; Quà tặng của Nội; Đầu năm ngẫm chuyện câu cá; Về quê câu cá.