Quà tặng của Nội

Feb 04, 2013 11:43:52

Tôi được 5 tuổi thì bố tôi được điều chuyển vào miền Nam công tác, mẹ con tôi ở lại quê nhà với ông bà. Quê nội tôi là một ngôi làng ven sông vùng Kinh Bắc. Từ làng ra đồng có một con đường nhỏ chạy song song với dòng mương. Đường bờ vùng vừa đủ cho xe cải tiến chở phân ra và chở lúa về. Khắp nơi là ruộng xanh ngút mắt, chạy mênh mông tới chân trời. Lác đác là những mảnh đầm rộng loang loáng nước.

Ông bà tôi làm nghề nông, ngày ngày chân lấm tay bùn, vất vả sáng tối trên đồng ruộng, tối đến lại đem cần ra sông, đầm cắm, gọi là câu giàn. Cả làng đều làm thêm nghề câu giàn như vậy. Khắp bãi sông, đầm, hồ sen, đâu đâu cũng thấy từng dãy cần câu mắc sẵn mồi. Khuya, người lớn về, lũ trẻ con ở lại canh giàn. Lâu lâu đi tuần một lượt để gỡ cá và thay mồi mới. Những đêm mùa đông nhất là những ngày giáp Tết, trời đen như hũ nút, không gian chỉ có tiếng cá quẫy xao động, tiếng gió bấc rít từng cơn lạnh thấu xương, và chúng tôi, những đứa trẻ 12-13 tuổi, ngồi thu lu bên ngọn đèn bão đặt bên bờ. Không gian rộng thênh, cây đèn bão chỉ như ngôi sao màu vàng ngâm trong đáy nước, le lói trong đất trời thăm thẳm. Nỗi sợ hãi không lấn át được niềm lo lắng ngày mai cả nhà lấy gì để ăn, có gì đem bán?

"Quê nội tôi là một ngôi làng ven sông vùng Kinh Bắc"
Ảnh: Nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Khắc Công

Không chỉ câu giàn, ông và tôi còn làm thêm “nghề” câu cá. Những cây trúc, cây rui thật thẳng được ông chọn về uốn làm cần câu. Cần câu ông làm cầu kỳ theo từng loại cá: Cần câu cá trê, cá chuối phải cứng; cần câu cá rô, diếc thì mềm và dẻo, cần câu tôm càng, mảnh như cây tăm cũng được vót từ tre già… Sau giờ học, hai ông cháu lại lang thang khắp các ao, hồ quanh làng. Bài học câu cá ông dạy bắt nguồn từ những điều tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất khó thực hiện với một đứa trẻ hiếu động như tôi, đó chính là sự tập trung và lòng nhẫn nại. Câu cá mỗi loài mỗi khác, không con nào giống con nào. Ví như cá rô ta rất ham ăn lại khó dính vào lưỡi. Cá rô phi phàm ăn, dù bị móc câu rách toạc cả mép vẫn không biết sợ, cứ hì hục lao vào. Cá trê chậm bắt mồi nhưng nếu lỡ dính vào lưỡi thì nóng vội kéo vút cần ngay, cho nên câu cá trê không được ngủ gật, chỉ chút lơ là cá ăn mồi sẽ kéo mất cần. Câu cá trê vào ban đêm hiệu quả hơn ban ngày.

Mỗi lần gặp cá chuối, ông đều né tránh không câu. Cá chuối rất khó câu, phải kiên trì, khôn khéo lắm mới câu được. Vào mùa thu, các ao hồ thường cạn, nước rất trong, thấy rõ cả con cá chuối nằm im lìm dưới đáy nước. Những người câu giỏi hiểu rất rõ đặc tính loại cá này, họ khẽ khàng, rón rén từng động tác một, quăng mồi là phải quăng về phía đuôi cá, con cá chuối tinh ranh nghe động là quay ngoắt lại đớp mồi. Còn nếu ném mồi trước mặt, thì chúng sẽ ngay lập tức phóng vút đi. Câu khi cá chuối đẻ hoặc đang kỳ nuôi con là dễ câu nhất, chỉ cần dùng mồi nhái hoặc trạch còn sống thả vào đàn con là có thể bắt ngay con cá mẹ, quả đúng với câu “Cá chuối đắm đuối vì con”. Cá chuối mẹ rất thương và bảo vệ con, thấy con vật nào ngo ngoe giữa đám con còn non nớt là xông vào đớp ngay. Cá mẹ bị bắt đi thì cá bố lại thay me tiếp tục bảo vệ con mình cho đến khi chúng trưởng thành. Ông bảo: “chúng cũng có chút tâm tính của loài người”. 

Cuộc sống êm đềm lặng lẽ trôi qua cho đến khi bố đón mẹ con tôi vào miền Nam sinh sống. Suốt những năm học cấp II rồi cấp III, hè nào tôi cũng về thăm ông bà. Đến bậc đại học, các đợt về quê thưa dần, thưa dần, rồi ngưng hẳn khi tôi lập gia đình và có con nhỏ.

Ngày tiễn ông về với tổ tiên, bà nội tôi vác ra một bó cần được gói ghém cẩn thận nói rằng của ông để lại cho tôi. Tôi đứng như trời trồng nhìn bó cần câu, bao nhiêu kỷ niệm cứ ào ạt quay về. Nước mắt khóc thương ông không nhiều bằng nỗi hối hận khôn cùng khi nghĩ đến quãng thời gian tôi thờ ơ với quê nhà, với ông bà, với nơi chôn nhau cắt rốn. Dẫu biết rằng con người cần phải sống cuộc đời riêng, nhưng sâu thẳm trong tâm hồn, tôi biết rằng tôi đã mất đi rất nhiều sự trong trẻo mộng mơ, thay vào đó là những mưu cầu toan tính.

Hôm nay, ngày cuối năm, đứng trong trời cao nắng vàng phương Nam tôi bỗng nhớ quay quắt những ngày đông rét mướt, trước mắt tôi hiển hiện rất rõ hình ảnh hai ông cháu đang ngồi bó gối bên bờ sông canh giàn câu mới cắm. Cả đời ông lúc nào cũng muốn cố thêm chút để có thêm tiền mua cho tôi chiếc áo mới, con tò he xanh đỏ, hay gói chè lam, ngũ vị, chiếc bánh chưng cúng đón ông bà.

VietnamFishingReview

 Bài viết liên quan: Nhớ quê; Đầu năm ngẫm chuyện câu cá; Về quê câu cá; Đất nghèo nhưng không bạc đâu con.