Câu cá Chẽm ở Bến Tre

Jan 28, 2013 14:11:23

Trong một chuyến công tác ở Bến Tre, cậu lái xe nhất định cho tôi “mở mắt” bằng cách dắt vào giới thiệu với Hai Hùng, một lão ngư có thâm niên trong vùng. Nghe tôi nói rằng có nguyện vọng được học câu cá Chẽm, Hai Hùng cười ngất.

Sáng sớm hôm sau, ông dắt tôi vào một đầm quảng canh rộng mênh mông, hàng trăm mẫu (nói là một nhưng thật ra là hàng chục cái nằm liền kề nhau). Đứng bên này bờ, có thể nhìn thấy cá quẫy tung bọt ở bờ bên kia khiến người thường cũng không thể chịu nổi huống hồ tôi, người mê câu cá đã lâu nhưng tịnh chưa có được một buổi đi câu tự nhiên nào ra trò.

Đầm nuôi tôm quảng canh mênh mông

Hai Hùng đi lại thoăn thoắt. Túi đựng đồ nghề của ông thật đơn giản, một cuộn dây cước lớn, một cuộn dây kẽm mảnh, cái ống lon sữa bò và cây cần câu được làm rất cầu kỳ: Cần trúc dài, mỗi đốt trúc đều được bó chắc chắn bằng những sợi dây dù. Sau khi bó xong, lớp dây này còn được tráng thêm một lớp keo nên cần rất khỏe mà vẫn giữ được sự mềm mại. Thấy tôi nhìn trân trân vào “đồ nghề” ra chiều ngạc nhiên, ông cười chỉ vào thùng mồi câu đang được đặt cẩn thận dưới gốc cây: “ ăn thua cái này nè, mấy cái đó chỉ là công cụ thôi”

Ông giảng giải: Cá Chẽm là giống cá rất khôn, chúng chỉ ăn những con mồi nhảy lóc chóc, mồi chết thì dù đói mấy cũng không ăn, nên từ khâu làm lưỡi, bảo quản lưỡi đã phải lưu ý. Lưỡi câu phải sắc bén và không được gỉ sét để mồi câu sống lâu. Ông cho tôi xem hộp lưỡi câu cá Chẽm. Những chiếc lưỡi câu do tự tay ông mài dũa với đủ loại lớn nhỏ, sáng choang, sắc lẹm. Ông đặt chúng cẩn thận trong chiếc hộp nhựa. Dưới đáy hộp, ông lót một lớp phấn thoa da của trẻ sơ sinh. Ông cho rằng nếu chống sét bằng cách ngâm lưỡi trong dầu máy hay nhớt, lưỡi câu sẽ có mùi nên cá nhát không ăn. Mồi câu Chẽm là những con cá đối, cá lìm kìm hay tôm lóng. Ngày nước trong, chảy nhẹ nhàng thì câu tôm, ngày nước đục, chảy mạnh thì câu bằng mồi cá đối. Con cá đối có lớp vảy trắng sáng rất thu hút con cá Chẽm.

Ông dùng dây cước có đường kính gần 1mm, theo như lời ông, dây câu lớn sẽ an toàn hơn vì cá ở miệt này rất to. Đối với loại dây lớn như vậy, dùng với ống lon là tiện lợi hơn cả. Ông cột vào đuôi lưỡi câu một sợi dây kẽm mảnh dài 60cm, rồi nối với dây câu. Những tay câu Chẽm thành thạo đều làm như vậy vì ai cũng biết cá Chẽm có hai xương sắc như dao nằm ở hai bên mép mang. Khi cá bị dính câu, chúng thường chạy, giằng co hay nhảy lên trên mặt nước khiến cho dây câu rất dễ bị chém đứt.

Tôi không tranh cãi với ông, mặc cho ông cười, tôi vẫn lấy chiếc cần câu lure nhỏ xíu ra, quấn vào chiếc máy câu loại dây PE mảnh như sợi chỉ. Tôi thường hay câu cá bằng mồi giả nhưng hôm nay, tôi quyết định theo cách câu của ông hai cho biết. Ông móc mồi thật điệu nghệ, con tôm lóng được ông móc lưỡi vào đốt thứ hai tính từ đuôi tôm. Ông làm rất nhẹ nhàng như thể sợ con tôm đau, ông nói móc mồi phải khéo sao cho con tôm con cá vẫn bơi lội tự nhiên trong nước thì mới dụ được Chẽm.

Tôi luôn trung thành với cần nhỏ, máy nhỏ... nhưng cảm giác lớn

Trời nắng như dát bạc trên mặt đầm. Chúng tôi ném mồi ra xa và kiên nhẫn chờ đợi. Dường như sợ tôi chưa hiểu hết các vấn đề trong câu Chẽm, ông rì rầm trò chuyện, vừa kể vừa giải thích các câu hỏi của tôi. Câu cá chẽm rất thú vị nhưng cũng khá vất vả, phải căn được con nước thì câu mới có cá. Ngày trước chưa có nhiều đầm nuôi tôm như bây giờ, muốn săn cá Chẽm, người câu phải ra khu bờ kè, cầu cảng hay ngã ba sông. Cá Chẽm ăn mồi khi nước dậy (nước chảy), gặp trúng con nước ngầm (nước chảy mạnh dưới lòng sông) là bắt cá mệt xỉu, câu một đêm bằng người ta câu cả tháng. Câu cá Chẽm nên câu từ chạng vạng đến khuya, ban ngày cá Chẽm trốn rất kỹ, họa hoằn lắm mới có con ra ăn mồi. Ngày nay bà con nuôi tôm nhiều, ở các đầm tôm chỉ cần có con nước tốt, ôm cần ra cống xã là tha hồ bắt cá.

Nắng đã gay gắt ở trên đầu. Đầm vắng hoe, không một chút gió, không một bóng cá. Nắng rát mặt, rát tai, mồ hôi chúng tôi túa ra nhột nhạt lưng áo. Ông hai vẫn bình thản rít thuốc lâu lâu lại nhấc cần thay mồi. Bỗng mặt nước xao động, chiếc cần câu du lịch của tôi như oằn xuống, dây câu căng chạy vun vút trên mặt đầm. “Nó chạy, khóa thắng lại đi ”ông Hai la lên sang sảng. Tôi phấn khích quá làm theo lời ông răm rắp. Bỗng con cá nhảy lên mặt nước. Trong ánh nắng trưa chói chang thấy rõ cảnh cá xoay mình tuyệt đẹp. Nhưng khi con cá rơi trở lại nước, tôi thấy cần câu nhẹ bẫng đi. Sợi dây câu mới vừa căng như sợi dây đàn nay nằm tẽn tò trên mặt nước. Ông Hai cười phá lên trước cái miệng đang há hốc lên vì kinh ngạc của tôi. Tôi đã đọc nhiều tài liệu nói rằng cá Chẽm trốn thoát rất tài tình nhưng không ngờ lại thần kỳ đến thế!

Từ đó đến tận chiều muộn, cả tôi và ông hai đều không được gì. Dường như con cá sẩy đã đánh động toàn bộ đàn cá. Đi câu tự nhiên là vậy, không thể biết trước được kết quả dù là người dạn dày kinh nghiệm. Đó cũng chính là cái hay của câu cá.

VietnamFishingReview