Câu rê

Jan 21, 2013 13:06:02

Hồi tía tôi còn sống, ông rất mê câu và câu giỏi khó ai bì. Ở quê, có đủ loại tên gọi cho từng kiểu câu, nào là câu giăng, câu cắm, câu quăng… Con nít, phụ nữ, ai ai cũng có thể câu được, riêng tía tôi chỉ thích câu rê. Câu rê chỉ bắt được cá lóc bông và cá lóc đen nhưng là kiểu câu mà như tía tôi thường tự mãn rằng nó chứng thực được sức mạnh và sự khôn khéo của người đàn ông.

Ngay đến việc cầm được cây cần mà rê cũng thật đáng nể.

Cần câu rê dài 5-6m, được làm từ cây tầm vong tròn có đường kính bằng nắm tay. Cần dài và nặng vậy nhưng ngọn phải nhỏ, mềm và cong. Lựa cho được cây tầm vong để làm cần câu rê cũng là một kỳ công, cây phải già, đạt kích thước “qui định” mà dẻo nữa mới đạt. Mỗi lần tía tôi làm cần, tía phải đi thật xa để tìm mua được loại tầm vong vừa ý, về nhà róc hết mắt, ngắm nghía đo đạc thật kỹ rồi mới chặt góc, chặt ngọn. Tía tôi đốt lửa thành ngọn, hơ và uốn cây cần theo ý mình. Tía giảng giải rằng phải hơ lửa, xông khói để cho những lông tơ trên cây tầm vong cháy hết, vừa dễ uốn, vừa phòng được mối mọt.

Ở cán cần câu rê có lắp thêm một cái đế có “chảng” hai. Cái “chảng” hai phải lựa vừa với bắp đùi của người câu rê, nhỏ quá thì bắp đùi không lọt vào “chảng”, rộng quá thì cần câu sẽ bị xê dịch khi rê.

Không chỉ tía tôi, ai câu rê đều yêu quí cây cần câu như một báu vật. Hết mùa câu rê, cần lại được gác trên nóc chuồng bò hay giàn bếp để bảo quản. Mấy ông bạn trong hội câu của tía còn cầu kỳ hơn, họ còn đem cần đi đánh vẹc-ni bóng loáng.

Dây câu cũng rất quan trọng. Tía dùng loại chỉ thật chắc, se lại thành sợi lớn để kéo cá Bông 3-4 kg. Dây câu dài trên dưới 10 mét tùy thuộc vào năng lực của người câu. Người câu giỏi dùng dây dài, câu sẽ khó hơn nhưng có thể rê mồi đi được một đoạn xa, có thêm nhiều hy vọng với cá.

Dạo quanh các tiệm bán đồ câu ở thành phố, tôi thấy nhớ và thương tía quá. Ở đây có nhiều cây cần chuyên rê lóc, đầy đủ mọi “ thông số” như mơ ước của tía năm xưa, rất nhẹ, dẻo dai nhưng bắt được cá lớn. Dây câu, lưỡi câu thì muôn hình vạn trạng, loại gì cũng có. Nhưng người  thành phố  ít có chỗ để câu rê, muốn câu họ phải ra ngoại thành hoặc xuống các tỉnh như Long An, Cà Mau, Bình Phước…

Chọn địa điểm để rê cũng cần nhiều kinh nghiệm và tính toán. Nơi đó nên là nơi nước đọng, không chảy, phải nhiều cỏ (để cá lóc trú ngụ hoặc làm ổ sinh nở), phải xen kẽ là những khoảng trống không nhiều cỏ um tùm (để lưỡi câu khi rê qua đám cỏ có chỗ trống mà rớt xuống nước). Giờ câu lý tưởng nhất là từ chạng vạng đến nửa khuya hoặc lúc sáng sớm trời còn chưa tỏ. Tối nào có mưa lất phất thì nhất định không thể bỏ qua.

Cách câu rê cũng không khó lắm. Người câu phải đứng dang chân ra (hoặc cách nào cho đỡ mỏi chân). Đặt “ chảng hai” lên đùi. Có thể dùng một lưỡi câu, hoặc hai ba lưỡi cột thành chùm. Mồi câu là Nhái mén (nhái nhỏ) được móc lọt sâu qua ngạnh lưỡi. Muốn lưỡi câu không bị vướng vào cỏ, cây nghể, lục bình, sậy, lác, có rất nhiều ở nơi câu rê, thì lấy một đoạn cỏ ống nhỏ móc vào lưỡi câu.

Đi câu rê rất mệt nhọc, gần như tất cả mọi bộ phận trên cơ thể đều làm việc cật lực: Cơ thể khỏe để có sức ném mồi xa đến hết dây câu. Tay trái nắm chặt cần câu, hướng ngọn cần sang trái để sợi dây căng tối đa. Từ điểm mồi vừa rơi xuống, rê mồi từ từ và điều khiển sao cho mồi rơi vào những khoảng trống hoặc cỏ thưa để cá táp được. Mắt phải chăm chú, quan sát sự di chuyền của mồi. Hai tay nhịp nhàng rê cần đi từ trái sang phải rồi từ phải sang trái. Miệng kêu thành tiếng “ bặp bặp” (để con cá tưởng là “đồng bọn” đang táp mồi), dụ cá.

Rất nhiều người mê môn câu này vì rất vui và có được cảm giác mạnh. Câu rê luôn luôn được cá lóc Bông, lóc Đen rất to. Gặp thời điểm cá lóc “lâm bồn” thì vô cùng cảm giác, chúng rất lớn, rất dữ và luôn luôn có cặp. Cá lóc đẻ quanh năm, mỗi lần đẻ, chúng di chuyển đến gần bờ đìa cạp, một khoảnh đất lõm vào cỡ cái thau nhỏ. Chúng cắn cỏ trải lên khoảnh đất lõm này rồi đẻ trứng. Mỗi ổ cá, bao giờ cũng có con đực và con cái canh chừng. Người câu rê có kinh nghiệm biết rằng một điểm câu rê chỉ chừng một cặp cá, họ sẽ bỏ vào giỏ con cá đầu thật nhanh để tiếp tục rê con thứ hai rồi dời điểm. Cá lóc (đặc biệt là cá lóc bông) là loài cá dữ, không thích sống chung với đồng loại, chúng sống riêng lẻ từng cặp, cách nhau chừng 20 mét và chia nhau “cai trị” các loài cá trắng nhỏ khác.

Tía tôi là một cao thủ cá lóc. Những câu chuyện tía kể về loài cá này nhiều không thể nhớ hết được giờ trở thành “kho báu” vô cùng giá trị để lại cho con cháu và những người làm nghề rê cá lóc trong làng.

VietnamFishingReview