Mồi giả và mồi thật, kiểu nào hay hơn?

Jan 16, 2013 14:20:39

Câu mồi giả hay mồi thật? Câu hỏi này không dễ trả lời ngay cả với dân câu Bắc Mỹ, nơi được thiên nhiên ưu đãi với hàng ngàn, hàng vạn hồ nước ngọt, sông, lạch cùng vô vàn loài cá nước ngọt sinh sống. Các tay câu có sở thích riêng với từng loại cá, và tùy theo đó để chọn kiểu câu mồi thật hay mồi giả phù hợp.

Đối với họ, sự khác biệt giữa câu cá với mồi giả và mồi thật có chăng chỉ là ý thích của mỗi người. Không thể phủ nhận cái hay của mồi giả nhưng mồi thật cũng có những ưu việt riêng, đặc biệt là mồi sống.

Mồi thật cũng có những ưu việt riêng, đặc biệt là mồi sống


Các yếu tố như thời tiết trước, trong hoặc sau cơn bão, nhiệt độ, chất lượng của nước, các mùa trong năm hay tời gian trước và sau mùa đẻ trứng… đều có ảnh hưởng lớn đến các loại cá. Thợ câu thường chọn mồi sống để câu khi có bão đang đến và sau bão vài ngày. Mồi giả được sử dụng khi câu ở nơi nước sâu hoặc khi trời trở lạnh, do ở điều kiện này, mồi sống sẽ chết và vì thế sẽ đánh mất sự hấp dẫn với cá. Mặt khác, mồi giả mang đến sự sinh động, lôi cuốn từ màu sắc tươi sáng, lấp lánh có tác dụng khơi gợi sự tò mò hoặc kích động bản năng bá chủ vùng nước của loài cá dữ.

Mồi giả mang đến sự sinh động, lôi cuốn và khiêu khích

 
Khi được hỏi đâu là sự khác biệt giữa câu mồi sống và mồi giả, một thợ câu cho rằng, sự khác biệt nằm ở chỗ: Câu với mồi sống, người câu bị giới hạn bởi số lượng mồi, nếu chúng chết hoặc không có mồi thì xem như “công cốc”. Câu với mồi giả, thợ câu không bị giới hạn bởi con nước và mồi câu nhưng lại giới hạn bởi không nhiều người có đủ điều kiện đầu tư một bộ mồi giả cho các tầng nước hay địa hình câu khác nhau.

Không nhiều người có đủ điều kiện đầu tư những con mồi giả đắt tiền
(Mồi Giả Megabass X-140SW với giá 570.000 Đ/con)

Nguồn mồi sống trong tự nhiện là vô tận và đủ hình dạng, kích thước, màu sắc…Nếu cột thêm vào thẻo câu các “phụ tùng” như thìa xoay, chong chóng, lông vũ, hạt cườm…thì con mồi sẽ kích thích cá hơn, đặc biệt đối với loài cá dữ.

Thẻo câu có thêm thìa xoay nhằm thu hút cá

Khi câu rê với mồi sống, các câu thủ không rê mồi đều tay, họ xen kẽ bằng những cú giật ngắn, có tác dụng làm cho con cá mồi trông có vẻ đang phấn khích, cố trồi lên mặt nước để hít thở không khí. Và khi con cá mồi rơi xuống (vì người câu đã trở về nhịp độ bình thường), khoảnh khắc này thường tạo ra những cú táp của loài cá săn mồi.

Họ thường dùng cá mồi có vảy màu bạc lấp lánh, đỏ trắng, hay trắng đốm có kích thước khác nhau để có thể phù hợp với các tầng nước từ nông đến sâu; Cột chì vào thẻo câu rồi rê chậm để con cá mồi bơi tà tà gần sát đáy. Muốn cá mồi nổi lên bề mặt thì bỏ chì và rê nhanh tay.

Cá mồi có thân mình vảy màu bạc lấp lánh

Khi câu ở các khu vực sông, lạch, nhánh sông… họ cố gắng cho con cá mồi treo lơ lửng ở khoảng giữa bề mặt và đáy bằng cách cột chì vào dây thẻo ở các vị trí có chiều dài khác nhau tính từ vị trí con cá mồi. Ví dụ: Chì càng gần mồi thì mồi càng sát đáy. Họ cũng thử quấn dây với nhiều tốc độ khác nhau khi rê mồi để tìm ra tốc độ nào sẽ giữ được mồi câu ở độ sâu mong muốn.

Cá mồi treo lơ lửng ở khoảng giữa bề mặt và đáy


Thường thì con mồi giả được gắn với lưỡi 3 chấu hoặc 2 chấu. Với mồi sống, tùy theo từng loại cá muốn câu để sử dụng lưỡi thân ngắn hay dài. Loại lưỡi thân ngắn giúp giữ mồi chặt và con cá mồi bơi lội tự nhiên hơn. Lưỡi thân dài thích hợp với những loài cá có nhiều răng.

VietnamFishingReview