Tản mạn khi Chướng về Xuân tới

Aug 24, 2012 08:25:10

Trước mặt tôi là người đàn ông nhỏ nhắn, da sạm đen cháy nắng và nụ cười thật hiền. Chúng tôi gọi ông là “người nổi tiếng” vì dạo gần đây những tay câu biển nói rất nhiều về ông. Các đài truyền hình, các nhà báo ra Côn Đảo làm phóng sự về biển đảo cũng tìm ông. Trong ống kính của các phóng viên ảnh, ông luôn được thu vào đó với hình ảnh một người đàn ông rạng rỡ nụ cười, tay cầm con cá thật to Ông chính là thuyền trưởng Khánh.

Tưởng ông là con dân của Côn đảo nhưng thật ra ông là người Bình Thuận. Ông kể rằng, hồi ông còn trẻ, nhà ông nghèo lắm. Ngày các em ông quyết định từ giã đất liền sống đời ngư phủ, ông cứ lặng người đi, như có ai cầm cái gì bén lắm cứa vào khúc ruột. Nhưng rồi, lại đến lượt ông. Mấy chục năm nay dọc ngang trên biển Bình Thuận rồi xuôi xuống phương Nam, ông thuộc biển Côn Đảo như biết lòng bàn tay mình.

Người ta đồn rằng: Cái duyên của ông với người thành thị mê câu biển bắt đầu từ khi có một ông Việt kiều sống ở Mỹ về thăm quê. Cứ sáng sáng ông ta thuê ghe của ngư dân đi câu, và chiều về ngủ ở khách sạn. Ròng rã miệt mài hàng tháng trời mà vẫn không câu được cá. Cho đến một ngày có một ghe câu chuyên nghiệp vào ghé thăm. Đó chính là ghe An Khánh của Thuyền trưởng Khánh.

Cuộc gặp gỡ như một kỳ duyên đó đã mở ra cho ông và gia đình một cánh cửa mới trong nghề nghiệp. Và cũng từ đó, những người thành thị say mê câu cá, muốn chinh phục biển cả đã có nơi chốn đi về.

Đi câu biển. Nghe tưởng chừng đơn giản như là việc gọi điện đặt tàu, rồi chuẩn bị cây cần, cái máy, cuộn dây, gói lưỡi, nhảy phóc lên ghe ra khơi và thả cần... Nhưng không chỉ vậy. Biển Côn Đảo cá nhiều vô kể, nhưng để câu được cá phải biết đúng tọa độ, đúng điểm câu, và quan trọng không kém là phải biết “kỹ thuật”  thì mới có cá mang về. Và đây chính là “bí kíp” của ông.

Ông chỉ cười khi người ta tìm cách biết bí mật này. Để câu được cá to, người câu phải học nhiều thứ, kể cả việc làm thẻo lẫn cách móc mồi. Ví dụ như con mồi khi bị móc lưỡi vào lưng vào đuôi phải tung tăng bơi lội như khi chưa bị móc câu. Muốn vậy, khi bắt được những con mực, con cá nhỏ để làm mồi câu, phải được rộng vào trong những cái “ kiệt” thông với nước biển bên ngoài để con mồi vẫn sống...

Nhiều kỷ niệm làm nghề ông không thể nào nói hết được. Nhớ những ngày đầu hợp tác với dân câu Sài Gòn, họ cứ sung sướng ngẩn người khi ông hướng dẫn họ làm mồi mực ban đêm: Trời vừa tối, ông cho bật đèn sáng trưng, rồi rọi đèn xuống mặt biển để mực thấy ánh sáng tụ về. Những chiếc cần câu nhỏ được lấy ra, móc vào đó những con mồi giả có màu sắc sặc sỡ. Những con mồi giả được tạo hình như con tôm thật, phía đuôi có chùm lưỡi nhọn hoắt. Người câu múa cần, con mực lao tới, các xúc tu tung lên quắp lấy con tôm giả, thế là lập tức bị dính chặt vào chùm lưỡi bén ngọt. Với cách này, có khách câu bắt được những con mực nang nặng cả ký, hay những con mực ống dài hơn gang tay. Vậy là có mồi to để câu cá to. Người thành thị cái gì cũng thấy lạ, họ có thể thức thâu đêm để câu mực nhưng để có đủ mồi cho chuyến câu cả ngày mai, ông phải đánh lưới mành. Cách đánh lưới mành cũng thật là công phu: Tất cả các đèn trên tàu phải được tắt hết, chỉ để lại đúng một ngọn đèn đặt trên một chiếc phao. Chiếc phao có đèn được kéo từ từ ra giữa vòng lưới mành đã được giăng sẵn. Vậy là những con mực, con cá “ăn đèn” theo đèn vào lưới.

Câu cá ở biển là thú chơi tìm "cảm giác mạnh”.  Những con cá nặng trĩu tay để lại cho người câu những xúc cảm khó tả. Cá Mú đỏ, Mú thông… là những chiến lợi phẩm có giá trị. Khi câu chúng, nếu không biết cách giật sẽ làm cho chúng yếu, hoặc chết bất thình lình. Những lúc này, tài của ông lại được phát huy: Với kỹ thuật riêng, ông trở thành “bác sĩ” duy nhất của đoàn có thể hồi sinh cho chú cá Mú để nó vẫn còn đủ đầy giá trị khi trở về đất liền…

Còn bao nhiêu điều vẫn nằm trong tâm khảm ông.  Ông sống trên chiếc ghe câu một năm gần mươi tháng. Chiếc ghe như ngôi nhà giữa hàng khơi. Ông cũng có cả trảng trời mênh mông mà chẳng mấy khi thảnh thơi ngước mặt ngó. Mỗi khi Chướng về Xuân tới, ông lại cồn cào nhớ xứ, nhớ quê, thấy thèm đến cháy khát cái yên ả êm đềm thâm nâu của đất. Cuộc sống của ông, nhọc nhằn của ông đã đem lại niềm vui cho người khác. Hàng đêm, ông chong đèn thức trắng mà trong lòng vẫn đầy ắp những niềm vui.

VietnamFishingReview