Con cá Mú 21,5 ki-lo-gam ở Phú Yên và chuyến câu Mú không nằm trong kế hoạch

Nov 04, 2020 09:01:43

Như thường lệ, thấy tôi chuẩn bị dụng cụ câu để ra cần, anh Bốn, vị thuyền trưởng lão làng nhất nhì Phú Yên ra đứng cạnh bên, hóm hỉnh nói: “ Bộ đồ câu jig này của em câu Jig cá Mú thì “ngon” phải biết nhỉ?!”. Thấy ánh mắt vừa lóe lên của tôi, anh cười “ Giờ này gần cuối mùa câu, gió lớn,cá Cam không dày, chuyến này anh chở em đi jig cá Mú Thông”. Tôi khấp khởi mừng thầm. Đi với anh nhiều chuyến, ít khi nào anh đề cập sâu về cá Mú Phú Yên. “Biển mình có nhiều cá Mú không anh?” tôi thăm dò. Anh hấp háy đuôi mắt “Có. Cá Mú Thông. Cá lớn lắm, chỉ sợ em không đủ trình!”. Tôi cười, lòng phấn chấn hẳn lên.

Ở Phú Yên, ngoài cá Cam, cá Đổng Sộp (Đổng Đỏ), cá Thu Ngàng - ba loại cá hấp dẫn tột độ với dân câu - thì thỉnh thoảng cũng có một vài câu thủ câu được cá Mú Thông lớn bằng mồi sống, nhưng hình như chưa ai câu được cá Mú Thông size trên 20kg bằng mồi Jig thì phải! Bao năm lặn lội câu kéo ở các ngư trường Miền Nam như Côn Đảo, Phú Quốc, tôi đã chạm mặt rất nhiều với cá Mú, dù chúng chỉ 7-8 kg nhưng tôi đã biết được sức mạnh và sự ranh ma của nó. Chính bản tính ăn tạp nhưng lười, thích nằm im trong hốc lỗ chờ đợi, thấy động thì lao ra hút chặt con mồi rồi nhanh như cắt quay lại hang, đã khiến bao câu thủ ôm hận vì chiến thắng gần kề mà vẫn đứt dây mất cá. Cá Mú dễ mắc câu nhưng bắt được lại rất khó, vì thế, nó luôn là ẩn số và là nỗi khát khao của biết bao câu thủ. Giờ tôi đang đứng trên biển Phú Yên, nơi mà vị thuyền trưởng dày dặn kinh nghiệm kia đang nhìn tôi mà nói rõ ràng rằng tôi có thể bắt được cá Mú trên 20 kg nếu đủ bản lĩnh và trình độ. Tôi nghe máu mình chạy nóng ran trong huyết quản, lẳng lặng lấy bộ đồ nghề có “vía” tốt nhất ra với niềm hy vọng khôn tả!

Anh Bốn, vị thuyền trưởng dày dặn kinh nghiệm ở ngư trường Phú Yên

Vì thuyền trưởng đã nói sẽ đến điểm Mú Thông khủng nên tâm thế tôi hoàn toàn chuẩn bị cho sự đối mặt với loại cá này. Tôi chọn mồi Slow Jig và đánh bằng phương pháp Slow Pitch Jerk. Theo suy nghĩ của tôi, câu Mú bằng mồi Jig sẽ hiệu quả hơn nhiều so với các phương pháp khác, lý do, Mú là loại cá thích nằm trong hang rình mồi, quanh nó là đá ngầm, là san hô sắc cạnh. Thói quen ăn mồi của Mú là mút mồi rồi lủi nhanh vào hang nên dây câu, dù lớn cỡ nào, cũng không phải là đối thủ. Jigging là thao tác tạo những xung động trong nước gây sự chú ý cho cá, khi con cá lao ra táp mồi thì ngay trong đà dâng lên của mồi Jig, con cá đã bị lôi ra khỏi hang một cách tự nhiên. Nói cách khác, bắt cá Mú bằng mồi jig là một chiến thuật dụ cá ra khỏi nơi trú ẩn và khiến nó không còn đường quay lại. Tại sao là mồi Slow Jig và phương pháp Slow Pitch Jerk? Đối với loại già đời, lười biếng, thích ăn uống dễ dàng như Mú, một con mồi treo mình lơ lửng nằm ngang trong nước rồi rơi xuống chập chờn bất định đích thị là đã chết hoặc bị thương nặng. Điều này mê hoặc con Mú khủng khiếp, có bữa ăn nào lại dễ dàng đến thế! Không phải ngẫu nhiên mà mồi Slow Jig luôn có bản dẹt, trọng tâm đặt ở giữa. Như đã biết, con cá săn mồi chủ yếu dựa vào sóng âm mà nó nghe được trong nước. Với khả năng tiếp nhận tần số thấp, con cá cảm nhận được con mồi chủ yếu nhờ vào những chuyển động của mồi. Trong vô số các loại chuyển động nhiễu loạn trong nước, loại phác thảo được trong đầu cá hình ảnh một con cá nhỏ đang sợ hãi, hành vi trở nên gàn dở: lao mạnh về phía trước, ngưng lại rồi lại lao tới theo một hướng bất định, đến đỉnh điểm thì rơi xuống… được cá dữ thích nhất. Cá Mú không cần nhiều động lực để tấn công mồi, khi con mồi lơ lửng, nằm ngang trong nước càng lâu, rơi xuống càng chậm, trong phạm vi mà nó với tới thì chúng sẽ tìm cách tóm lấy. Câu Slow Pitch Jerk mà càng liên kết được các chuyển động của mồi Jig theo chiều ngang thì càng kích thích nhiều các cú táp. Đỉnh điểm của sự kích thích đó là khi Jig rơi tự do…

Quả đúng như lời thuyền trưởng Bốn nói, sáng đầu tiên của chuyến câu, vừa ra điểm tàu đắm, chỉ trong vòng “một nốt nhạc”, ba tiếng “Phựt!”, “Phựt!” và “Phựt!” vang lên liên tiếp từ ba cây cần Jig của anh em trong đoàn. Tiếng mobin chạy xé gió, tiếp theo là tiếng nổ dây đồng loạt vang lên! Cả đoàn náo loạn, ai cũng tiếc nuối! dây nhỏ, cần nhỏ mà đánh Jig ở khu tàu đắm thì 90% là thua! Tôi chỉ cho phép mình “thăm dò” tình hình thế thôi, không thể mạo hiểm, tôi bắt đầu thay cần chuẩn bị thực hiện lại. Tàu quay đầu trở về vị trí, “1-2-3 thả!”…” Phựt!” tiếng đóng cá của anh bạn tôi ngồi ở cuối tàu. Rút kinh nghiệm cho lần trước, lần này anh dùng dây lớn hơn, đánh Jig cao hơn, mobin xiết chặt hơn. Tiếng bộ hãm kêu tạch…tạch…tạch liên hồi không dứt. Chỉ sau vài lần chạy, dây đã phá tan sức chống chọi của con cá và nó ngoan ngoãn bơi lên theo lực kéo của máy câu. Một con cá Cam khoảng 15 ki-lo-gam là kết quả của anh. Tuyệt vời!  khởi đầu tốt đẹp và là niềm động viên khích lệ tinh thần cho cả đoàn.

Chúng tôi dời điểm câu lên thêm 20-30 phút tàu chạy. Theo hiệu lệnh của thuyền trưởng, chúng tôi nhanh chóng chuẩn bị. Anh hét lên trong tiếng gió và tiếng động cơ rì rầm “Đây là điểm có cá Cam, Mú Thông, Sơn la, Đổng” tiếp ngay sau là “Toét!”, tiếng còi lệnh của anh. Và lần này đến lượt tôi. Ngay khi mồi Jig chạm đáy, chỉ sau vài lượt jig nhịp nhàng, một cú vít cần rất mạnh, tiếp ngay sau đó là một đường chạy cắm thẳng xuống biền sâu. Theo phản ứng tự nhiên, tôi dùng ngón tay trỏ tì lên mobin máy để kiểm tra “sức khỏe” của cá và đoán xem đó là cá gì. Chúng tôi đoán đây là cá Mú chứ không phải cá Cam vì cách chạy của nó là cắm đầu xuống thật mạnh và ngắn chứ không dài như cá Cam. Tôi chỉ chiến đấu được với con cá khoảng chừng mươi phút thì kịch bản cũ lập lại: dây nổ. Tôi đề nghị cho tàu câu quay lại điểm cũ. Lần này, tôi dùng dây lớn hơn, mồi Jig vẫn 400g, và kết quả là được một con cá Sơn La trên 3kgs. Không bỏ cuộc, tôi lại đề nghị thuyền trưởng quay lại thêm lần nữa. Lần này tôi Jig chậm hơn, sát đáy hơn và chấp nhận mất Jig. Và cũng chỉ sau mấy phút thôi, một cú vít mạnh mẽ lại xuất hiện. Tôi chỉ kịp phản ứng bằng cách ép ngón tay trỏ vào mobin nhằm phá sức chạy của cá, cố đoán biết size cá. Lần này tôi bình tĩnh hơn, cố ép nó lên được chừng 20 mét, chưa kịp phấn khích thì một cú chạy dài rất mạnh cắm xuống. Quá nhanh, tôi không kịp phản ứng, con cá chạy vào rạn đá và phần thua lần này tiếp tục là tôi.

Cả một ngày quần thảo, chúng tôi chỉ được thêm một ít cá vặt và một con Mú 5kg cho buổi ăn tối thịnh soạn và vui vẻ. Đi câu thú vị ở chỗ nó cho ta nhiều cung bậc cảm xúc, từ hy vọng rồi thất vọng rồi tuyệt vọng để rồi khi có thành quả thì đạt đến đỉnh điểm của sự phấn khởi và hân hoan.

Vào khoang nằm, tôi nghĩ mãi về cú vít chiều nay mà tôi đoan chắc là của con Mú có tầm cỡ. Khi chọn phương pháp câu Slow Pitch Jerk là tôi đã chấp nhận đối mặt với nhiều thách thức. Với nhiều người, câu cá Mú bằng kỹ thuật Slow Pitch Jerk là một sự hoang tưởng vì cần câu quá mảnh, dây câu, dây trục và dây ngọn quá nhỏ (dây phải nhỏ để tránh cản nước, cản Jig chuyển sang chiều ngang), làm thế nào để bắt con cá Mú tinh ranh nặng như đá tảng đó bằng loại dụng cụ câu quá mảnh mai đó? Tôi là người yêu Jigging đến mê muội, câu cá vừa là tận hưởng cảm giác vừa là để nghiên cứu vừa thực nghiệm những gì mình đã nghiên cứu học hỏi. Bản thân tôi đã thoát ra được khỏi cái tâm lý câu là để chứng minh giá trị bản thân với công chúng hoặc vì một đích thương mại nào đó. Khi đặt ra cho mình nhiều thách thức thì thành quả vì thế càng thêm giá trị. Chọn Slow Pitch Jerk, tôi muốn duy trì phương thẳng đứng giữa người câu là tôi với mồi Jig, điều này sẽ giúp tối ưu hóa ảnh hưởng của tôi với mồi và sự thể hiện của mồi trong vùng tấn công. Thêm vào đó, nó cho tôi một góc tốt nhất để tạo lực bẩy trong suốt cuộc chiến. Muốn duy trì phương thẳng đứng, dây phải thật mảnh, mồi rơi thật nhẹ, vừa để tăng khả năng tiếp xúc vừa giảm sức cản của nước. Sự thẳng hàng giữa tôi với con Jig nhờ đó luôn được duy trì. Thế nhưng, để đối phó với những con cá hùng mạnh như Mú cần phải thận trọng điều chỉnh một chút sao cho nguyên lý của phương pháp không bị thay đổi quá nhiều mà vẫn bảo vệ được thành quả. Điều chỉnh trước tiên của tôi là tăng size cho dây trục và dây ngọn, điều này có thể làm giảm đáng kể mối liên lạc với cá vì dây lớn gây cản nước và tạo ra dây chùng khiến cho mồi jig bị chệch hướng. Giải pháp là dùng mồi Jig nặng hơn – tôi dùng jig 400g – để làm dây hết chùng và cho phép duy trì phương thẳng đứng. Dây lớn hơn cũng sẽ giúp triệt tiêu sức mạnh lao xuống của cá Mú tốt hơn, mồi Jig lớn sẽ vào vùng “nóng” nhanh hơn.

Miên man trong suy nghĩ, tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Tỉnh dậy với tinh thần sảng khoái, chúng tôi lại quyết tâm cho một ngày mới bởi chỉ còn hôm nay thôi vì theo dự báo thời tiết, sáng nay biển êm nhưng từ 14h trở đi thì trời sẽ đổ gió và chiều tối có mưa giông. Suốt ngày mai là mưa giông và nhiều gió nên không thể câu.

Sáu giờ ba mươi sáng chúng tôi đã đến điểm câu. Anh em trong đoàn ai cũng tranh thủ Jig cá Cam nhưng tuyệt nhiên không được con nào, chỉ được vài con cá Sơn La, Đổng, Thóc… Thuyền trưởng Bốn khuyên chúng tôi nên quyết tâm săn Mú Thông kẻo lỡ cả chuyến đi. Chúng tôi lại đến điểm mới. Lúc này là chín giờ sáng. Theo lời anh Bốn thì đây là điểm có cá Mú Thông “khủng” và cá Cam 5-7 ki-lo-gam. Bạn thấy đấy, đi với những thuyền trưởng dày dạn như anh Bốn, chúng tôi thật yên tâm. Chúng tôi biết được chính xác điểm câu này có cá gì, kích thước bao nhiêu để chuẩn bị đồ câu phù hợp. Các bạn câu của tôi rất thích cá Cam, họ chọn phương pháp jig từ thấp đến cao. Riêng tôi, mục tiêu của tôi là cá Mú nên tôi chọn kiểu jig thấp. Tôi chăm chú, nắn nót từng đường câu, thay đổi các pitch, từ  01 pitch- trọn một vòng quay máy, tôi chuyển sang 01 pitch – ½ vòng quay máy, mục đích là làm cho con Jig bắt chước càng giống càng tốt tư thế, trạng thái của một con cá bị thương hoặc chết. Về nguyên lý, cá Mú sống ở đáy biển và tấn công jig trong phạm vi cách đáy không hơn 10 mét, vì thế, chiến thuật bắt của tôi cũng sẽ phải khác nhau giữa các tầng nước khác nhau. Tôi cho mồi Jig hoạt động mãnh liệt ở tầng nước cách đáy 10 mét, đây thường là khu vực mồi Jig bị cá Mú tấn công. Đúng như dự tính, chưa đầy 4 phút sau khi khai trận, một cú vít mạnh vít đầu cần sâu xuống. Biết là cá rất lớn, tôi khá căng thẳng nhưng vẫn chủ động. Bây giờ, việc quan trọng là làm sao để ngăn không cho cá chạy vào rạn. Thông thường cá Mú sẽ lao thẳng xuống đáy hoặc lách vào các khe đá, hang vách và nằm im, khi đó, dù dây PE hoặc dây ngọn không chạm vào vách đá thì người câu cũng khó mà lôi chúng ra được. Các tay câu chuyên nghiệp luôn phải đếm số Pitch để biết họ và cá đang cách đáy bao xa. Nếu biết được con số chính xác là bao nhiêu, họ sẽ quyết định nên hãm một lực bao nhiêu để chặn con cá lại. Tôi biết chính xác con cá đang cách đáy 7 mét và quyết định tăng mức hãm đồng thời dùng ngón tay trỏ tì vào mobin, ép cá! Ép cá bằng máy, bằng dây và bằng tất cả ý chí của tôi. Con cá theo lên rồi lại quay xuống, hết vài lần như thế và cuối cùng tôi đã chiến thắng chỉ sau hơn 10 phút dằng co. Mú Thông 21,5ki-lo-gam, kỷ lục cá Mú mới của đời tôi đấy!

Kỷ lục cá Mú mới của đời tôi đấy!

Sau đó, một lần nữa tôi lại được chạm trán với một con cá lớn nữa cũng ở điểm Mú Thông khủng này. Khi Jig của tôi chạm đáy, tôi cẩn thận thu dây thẳng và … 1…2…3…4….5….6… một cú hít kinh hoàng lại đến, đầu cần cong gập xuống. Tôi,  vẫn với các thao tác như lần trước, rồi từ từ vừa ép cá vừa xả mobin. Lần này tôi tin chắc là mình cũng sẽ bắt được con cá này bởi cá lên được khá cao và êm. Nhưng bất thình lình, con cá quay đầu chạy ngược lại thật mạnh mẽ và bất ngờ, cắm sâu xuống rạn đá, khiến tôi không kịp trở tay, con cá chui tọt vào hang và dây đứt, mất mồi, mất jig. Qua điều này tôi một lần nữa rút ra được bài học cho mình: Đã là đi câu thì không thể biết được khi nào cá ăn, đặc biệt là cá lớn. Câu được cá lớn không chỉ đòi hỏi sự may mắn mà cần phải có sự tập trung cao độ, cẩn thận từng chút một. Chỉ một tích tắc chủ quan là mất cá như chơi.

Những yêu cầu nên có của người mua với người bán cần câu Slow Pitch Jerk:
Khi hỏi mua cần Slow Pitch Jerk, người mua thường được nghe quảng cáo kiểu như: “loại này “đỉnh”, câu dễ, cứ búng cần nhè nhẹ, nhịp nhàng là bắt cá lớn không thành vấn đề…”. Tôi hiểu, người bán nói như vậy vì thấy rõ sự e dè của người mua trước một cây cần “quá nhỏ” e không thể câu được cá lớn. Thực ra, triết lý thiết kế cần câu Slow Pitch Jerk không phải để câu cá lớn mà là để cho người câu luôn cảm thấy thoải mái, nhẹ nhàng thanh thoát khi câu cá, câu mà chơi – chơi mà câu. Cần Slow Pitch Jerk chuyên dụng rất mảnh mai, khoen lại khá nhỏ, nếu không biết cách sử dụng sẽ rất dễ bị hư và hư sớm hơn dự kiến. Chính vì thế khi đến nơi mua hàng, để tránh những khó khăn gặp phải trong quá trình sử dụng, người mua nên đến những nơi bán có hiểu biết nhất định về kỹ thuật Slow Pitch Jerk và yêu cầu người bán cung cấp những thông tin về:

- Cách sử dụng cần câu
Những khuyến cáo về dây câu, nút thắt, tránh ảnh hưởng đến khoen của cần câu
Hướng dẫn cách dòng cá phù hợp với kỹ thuật điều cần.
Cần Slow Pitch Jerk là dòng cần chuyên biệt nên đòi hỏi người mua phải được khuyến nghị trước khi sử dụng, riêng cho từng dòng cần, từng hãng. Người mua cũng cần được tư vấn cụ thể về cách nối dây PE với dây ngọn (kiểu nối dây chuyên cho Slow Pitch Jerk); tư vấn về khoen solid, lưỡi jig, dây PE, dây ngọn… cho từng loại cá muốn câu, từng loại địa hình, ngư trường; tư vấn cụ thể về mồi jig; tư vấn về máy câu phù hợp với cần câu. Nên mua dụng cụ câu chính hãng và có phiếu bảo hành chu đáo.

Chúc các bạn vui và thành công!

Hoàng Quốc Trí
VietnamFishingReview