Duyên Hải, nơi ru mãi tình người

Jan 22, 2019 08:39:51

Chưa đầy một tháng kể từ khi thực hiện chuyến đi đến Duyên Hải đầy trải nghiệm, một lần nữa tôi lại bị Dustin Cheverier, anh chàng người Mỹ cao lớn có khuôn mặt đẹp như một tài tử điện ảnh Holywood, thuyết phục. Cùng một số người bạn mới, chúng tôi quyết định đến Duyên Hải theo một hành trình khác, đến những vùng đất khác mà chúng tôi chưa từng đi qua vào thời khắc mà cái Tết cổ truyền đang gần kề.

1- Điểm dừng chân đầu tiên là khu bảo tồn rừng ngập mặn bạt ngàn một màu xanh. Cái màu xanh của lá Đước non, Đước già cứ ngời lên trong nắng sớm. Cả trời và nước cũng xanh. Chúng tôi ra sức mà hít thở bầu không khí mát lạnh, trong lành đó, còn con mắt thì thỏa sức mà ngắm nhìn những chồi cây, bông hoa đang vươn lên tươi tắn trong sắc Xuân.

Màu xanh của lá Đước non cứ ngời lên trong nắng sớm

Anh Tú, một người nông dân chân chất được chính quyền  xã giao đất giữ rừng trong mô hình bảo tồn rừng ngập mặn được triển khai gần 10 năm trước, nói với chúng tôi về địa hình rừng, độ sâu của nước cũng như loại cá và size cá ở đây. Đó là những thông tin quan trọng để chúng tôi chuẩn bị đồ câu phù hợp. Chúng tôi đi theo người đàn ông có nụ cười thật hồn nhiên, thân thiện này. Thấy chúng tôi còn dè dặt vì đây là khu bảo tồn rừng, anh cười lớn: “Mọi người cứ câu cá thoải mái. Bà con trong khóm này rất hiền. Vả lại, tui đã được anh Ba trong ban quản lý gọi điện dặn dò từ hôm qua phải lo cho các anh chu đáo!”. Tôi cảm thấy rất biết ơn! Đến một nơi xa lạ với một nhóm bạn ngoại quốc không biết nói tiếng Việt, hoàn toàn trông chờ vào mình, tôi cũng không khỏi lo lắng, căng thẳng.

Mô hình bảo tồn rừng ngập mặn được triển khai gần 10 năm trước

Địa hình tự nhiên lại là khu vực bảo tồn, nên việc dính câu không quá khó khăn. Lần lượt Quốc, Kaneko, câu được cá. Những con cá Barramundi (họ cá Chẽm) kích thước 3 kg, 4 kg dài 50-54 cm được đưa lên bờ.

Quốc, một thành viên trong đoàn lên cá

Sau khi chụp ảnh kỷ niệm với cá, tất cả đều được thả lại an toàn về làn nước mát trong sự ngạc nhiên của anh Tú cùng bà con trong xóm . Chú Tư Nên, hàng xóm của anh Tú, đi ngang qua thấy vậy hỏi “Sao lại thả nó xuống?”. Tôi giải thích rằng mọi người chỉ muốn giải trí và trải nghiệm vui vẻ và không muốn bắt cá, Đó cũng là phong cách của dân câu cá thể thao. Nghe vậy chú cười khà khà ngoắc tay tôi chỉ sang khu vực rộng lớn bên cạnh: “Qua đó mà câu. Đó là khu do chú quản lý. Đêm đêm, chú nghe cá lớn táp móng ầm ầm không ngủ nổi”.

Kaneko, người bạn Nhật Bản nhân đôi niềm vui cho cả đoàn

Hayashi, cậu bạn Nhật Bản dễ thương của tôi, dính cá ở đầm của chú Tư Nên. Đó là một con cá Chẽm nặng chừng 3 kg. Tôi vẫn không thể quên được hình ảnh Hayashi vui sướng đến thế nào khi bắt được cá! Vẫn là thái độ nhân văn đó, Hayashi thả cá về lại với mẹ thiên nhiên.

Hayashi, người bạn Nhật Bản vui tính nhất đoàn tiếp nối niềm vui

Rồi cũng tới lượt Dustin, anh chàng người Mỹ đẹp trai câu được cá. Nhưng do thiếu kinh nghiệm nên khi dòng đến gần bờ, con cá vùng chạy mất. Tuy mất cá nhưng Dustin rất vui vì cuối cùng cậu ấy cũng biết được cảm giác dính cá lớn là như thế nào sau rất nhiều lần đi câu cá tại Việt Nam.

Buổi sáng mùa Xuân, khu rừng ngập mặn đẹp và thanh bình đến lạ. Từ đây bạt ngàn Đước là Đước cứ chen nhau vươn cao, đan vào nhau như một mái nhà bằng lá cây, làm thành một vương quốc của chim muông. Một vùng “thủy diện” mà chất chứa biết bao góc cạnh cuộc đời, có lam lũ, có tất tả, và trên hết là sự phóng khoáng của cuộc đời ít giới hạn trong tầm nhìn. Từ sáng sớm đến trưa, cảnh sắc ở đây thay đổi theo từng thời khắc, khi mơ màng lãng đãng khói sương, khi chói chang nắng gió. Và giữa vùng trời mây in bóng mặt nước phẳng lặng đó là những thân phận con người ngày ngày nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh.

Nơi đây bạt ngàn Đước là Đước cứ chen nhau vươn cao

Thấm thoát mà đã đến trưa, chúng tôi được anh Tú mời một bữa ăn mang đậm “bản sắc” rừng ngập mặn: Cá Tráp kho me; cá Rô Phi nước lợ chiên giòn; Tôm tươi hấp.

Bữa ăn trưa dân dã thật ngon miệng với người thành thị. Chúng tôi trò chuyện vui vẻ, tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Nhật cứ đan xen vào nhau râm ran cả khu nhà. Vui nhất là màn vật tay giữa ““ chàng” Tú “tí hon” và “gã khổng lồ”, Dustin cao 1,91m nặng gần 100 kí. Thật ngạc nhiên, cuộc đấu lại bất phân thắng bại và cuối cùng cả hai “đấu sĩ” đều được phần thưởng là những ly bia mát lạnh.

Màn vật tay giữa ““ chàng” Tú “tí hon” và “gã khổng lồ”

Có lẽ Dustin chỉ thực sự “thua” Thắm, cô em gái của đối thủ “tí hon” này

2-  Sau bữa trưa, hành trình của chúng tôi lại tiếp tục với chiếc tắc ráng. Nương theo dòng nước, chúng tôi đi sâu vào trong rừng. Điểm đến là nhà chú Chín. Chưa kịp chào hỏi chủ nhà, Kaneko đã lừa được ngay một chú cá Chẽm dài 60cm bằng con cá giả. Hôm nay quả là một ngày tuyệt vời của Kaneko! Thấy chúng tôi quá phấn khích, chú Chín cười: “ Còn nhiều cá lắm, thỏa sức mà câu. Chỉ có điều rộng quá nên không biết tìm nó ở đâu thôi!”. Cô Tám, vợ chú, bồi thêm : “Bên cống kia có cặp Chẽm to lắm, tối nào cũng táp rầm rầm. Bây bắt giúp cô đi, phá chịu không nổi!”. Nghe vậy, chúng tôi nhanh chóng tủa ra…

Còn gì thú vị hơn khi rong ruổi giữa rừng bắng Tắc Ráng

Cái nắng ở vùng đầm nước luôn mềm và nhẹ, óng ả vàng nhưng không gay gắt khiến cảm giác nao nao còn vương vất khi trải qua một đêm dài không ngủ của tôi tan biến nhanh chóng. Không gian chìm đắm miên man trong  những bóng cây xanh, yên ắng đến lạ. Thỉnh thoảng có tiếng chim đập cánh xa xa, tiếng cá quẫy nhẹ nhàng trong hốc.

Đứng trước cảnh vật thanh bình và trù phú này, ít ai biết, trước năm 2011, Duyên Hải nổi tiếng với các dự án nuôi tôm Sú của bà con nông dân. Phong trào này dẫn đến hằng hà sa số Mắn, Bần, Tra, Dừa nước, những loài cây che chắn ngàn đời cho vùng ngập mặn ven biển này bị bức tử, dành đất cho những vuông tôm từng ngày mọc lên chi chít. Sự tận diệt rừng, hủy hoại động thực vật ở đây đã đạt đến đỉnh điểm vào năm 2000. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã tăng cường quản lý, giao rừng cho các hộ dân để họ quản lý, gìn giữ và khai thác có định hướng, đồng thời khuyến khích trồng rừng. Ngoài nguồn vốn nhà nước đầu tư trồng rừng, nhiều hộ dân đã tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng trên diện tích nuôi các loài thủy sản, nhất là diện tích nuôi tôm sú và nuôi cua biển. Tôi nghĩ, đây là một chủ trương quá đúng đắn! Anh Tú nói, cuộc sống ở đây ngày một ổn định hơn nên anh cùng mọi người cũng yên tâm với công việc giữ rừng.

Duyên Hải thanh bình và trù phú, lắm cá nhiều tôm

Bữa ăn mà gia đình chú Chín thết đãi chúng tôi thật đặc biệt. Đó là món đặc sản Gà Chọi chạy bộ nấu bẹ chuối; Cá Chẽm nhúng dấm ăn kèm rau dấp cá nước lợ; và cá Lưỡi Búa khô chấm mắm me. Chắc không nhiều người biết về loài cá Lưỡi Búa độc đáo này; chúng chỉ có vào mùa mưa mà phải là mưa dầm nhiều ngày thì chúng mới chịu chui ra từ đất.

 Các món ăn đậm chất dân dã ngon đến lịm người

Bữa cơm như kéo dài hơn với chuyện đời, chuyện nghề của chú Chín. Trước mặt tôi là người đàn ông rắn rỏi và lam lũ đã sống trọn cuộc đời với vùng đầm nước ven biển mênh mông này. Chú kể bây giờ đã có đủ điện, đường, trường, trạm nên đời sống sung túc và văn minh hơn chứ ngày xưa khu vực này hoang vắng lắm. Mọi thứ đều thiếu nhất là nước ngọt và điện. Đường vào vô cùng gian khổ. “Chỉ rặt muỗi và Cá”. Chính vì điều đó, con cái của chú đều lên tỉnh lập nghiệp và không muốn quay lại quê nhà. Có cô con gái út sống ở ngay thị trấn Duyên Hải, nhưng họa hoằn lắm mới về. Tôi cũng chạnh lòng với câu chuyện của chú Chín, chỉ biết an ủi ông.

5h30 chiều, nước giật xuống thấp, chú Chín giục chúng tôi về vì sợ đường rừng hẹp và trời tối nhanh. Chúng tôi nhanh chóng rời đi.

3. Hôm sau, chúng tôi đến Ba Động, một vùng đầm ven biển đẹp như tranh thủy mạc. Trời và nước giao hòa, một màu xanh ngọc bích! Hai bên bờ là ngút ngàn những cánh rừng Đước, Phi Lao xanh ngắt một màu. 

Một vùng đầm ven biển đẹp như tranh thủy mạc

Tất cả chúng tôi đều không thể tin vào mắt mình khi tận mắt chứng kiến cảnh từng đàn cá lớn rượt mồi phóng cả lên khỏi mặt nước, những khung hình thật đặc biệt mà chúng ta thường chỉ nhìn thấy trên kênh Discovery. Một niềm tự hào tràn ngập trong lòng khi anh Washida Goro quay sang nói với tôi “ Đất nước của các bạn thật tuyệt vời!”.

Câu ở nơi biển trời giao hòa thật lý tưởng

Tôi được Tín, một người bạn dẫn đường, khuyến cáo rằng cá ở đây rất nhiều nhưng vì địa hình quá rộng, chúng tôi lại không mang đồ câu phù hợp với khu vực rộng nên sẽ rất khó câu. Quả đúng như vậy! Sau gần hai giờ mải mê ngắm cảnh và chụp ảnh, chúng tôi không câu thêm được chú cá nào nữa.

Quang cảnh thường chỉ nhìn thấy trên kênh Discovery

Nắng chiều cuối ngày dần tắt, chúng tôi rời Ba Động quay trở về thành phố. Chỉ hai ngày ngắn ngủi thôi nhưng tất cả chúng tôi đã thật sự đã bị cảnh quan và con người ở đây chinh phục. Phong cảnh kỳ thú, thiên nhiên độc đáo chỉ làm thỏa mãn sự hiếu kỳ, nhưng tình người chân thành mới làm ấm lòng ta trên hành trình thiên lý muôn nẻo. Tôi không thể quên hình ảnh gia đình anh Tú gần gũi và thân thiện; một Chú Tư Nên hào sảng phóng khoáng đúng điệu một ông già Nam Bộ; một cô Thắm tất bật và nồng nhiệt. Hay chú Chín với câu chuyện cô độc ở tuổi già trong những ngày giáp Tết. Tôi, cùng những người bạn ngoại quốc, đã mang theo về tất cả những hình ảnh ấy. Thế giới này thật là đẹp và đâu đó xung quanh ta vẫn còn rất nhiều những tấm lòng trìu mến, yêu thương!

Duyên Hải, tháng Chạp năm Mậu Tuất

Hoàng Quốc Trí

VietnamFishingReview