Những mẹo câu Jig cần tham khảo

May 15, 2018 04:22:54

Mới tiếp cận điểm câu
Bạn chưa thể biết ở đây có những loại cá gì, tốt nhất hãy áp dụng kỹ thuật Fast Jigging. Fast jigging, ngoài việc giúp câu thủ tìm kiếm được nhiều thông tin về điểm câu như cá trốn ở đâu? nên phục kích chúng ở chỗ nào..., nhờ dây luôn căng, thẳng, cần câu thực hiện action liên tục; thì kỹ thuật này còn giúp cho người câu bắt được những con cá chạy nhanh, bơi khỏe rất dễ dàng.

Kỹ thuật Fast Jigging giúp cho người câu bắt được những con cá chạy nhanh, bơi khỏe...

Áp dụng High Pitch Jigging
Như đã nói ở nhiều bài trước, Slow Pitch Jigging có 3 biến thể, một trong đó là High-Pitch Jigging (Jig cao) rất độc đáo và hiệu quả. Người câu chỉ đơn giản nâng cần lên cao nhất có thể và thả cho mồi Jig rơi tự do. Mỗi chu kỳ bắt đầu bằng cách thực hiện một vòng quay máy, cùng lúc nâng cần lên và thả Jig rơi tự do; sử dụng loại cần câu mềm nhưng có độ bật cao với mồi Fall Jig. High-Pitch Jigging thường được ứng dụng ngay từ đầu buổi câu để thăm dò, vì nếu cá ăn rộ mà dưới lớp đáy có cá Cam (Amberjack), cá Quỵt hay cá Lão… hoặc Mú lớn thì câu Slow Pitch Jigging rất dễ bị đứt dây do khi cá táp mồi là chúng lủi ngay vào rạn đá ngầm. High-Pitch Jigging vẫn có thể lôi kéo cá Cam chạy hàng 20-50 mét nước từ đáy sâu lên chộp Jig ở lớp trên mặt; tương tự, cá Mú cũng sẵn sàng rời hang chạy theo mồi hàng chục mét. Những câu thủ có kinh nghiệm thường thích câu High Pitch Jigging, cũng bởi họ sẽ bắt được cá ở cột nước trên cùng, rất dễ dìu cá về tàu. Còn nếu không thấy có sự săn đuổi nào khi áp dụng High-Pitch, thì hẳn nhiên, Slow Pitch sẽ được mang ra áp dụng. Nguyên tắc là câu từ nhanh đến chậm.

Hiểu đúng về Slow Pitch Jigging
+ Về cơ bản, Slow Pitch Jigging thực hiện 1 Pitch - 1 Jerk. Cụ thể: người câu giữ cần vuông góc với dây câu; đưa cần lên cùng lúc thực hiện một vòng quay máy, thật đều tay, rồi ngừng lại. Lúc đó, cần câu sẽ cong xuống, còn mồi Jig thì xé nước dữ dội và đạt tốc độ cao nhất tại thời điểm người câu ngưng quay thu dây. Sau đó, người câu ngưng lại để cho con Jig rơi tự do hoặc rơi tự do theo phương ngang. Người câu có thể quay 01 vòng tay quay (tức thực hiện 01 Pitch - 01 Jerk); ½ vòng; 1/3 vòng; hoặc ¼ vòng, tùy ý; càng chậm mồi Jig càng lưu trú lâu ở vùng “nóng”. Theo kinh nghiệm, nếu nhắm cá Mú thì chỉ cần ¼ vòng quay máy (01 Pitch - ¼ Jerk); cá Cam và các loại cá lớn khác thì từ 01 vòng đến 1/2 vòng quay máy (01 Pitch - ½ Jerk). Hãy Jig theo tốc độ của riêng bạn, theo cảm nhận của bạn tại hiện trường.

Nếu nhắm cá Mú thì chỉ cần ¼ vòng quay máy (01 Pitch - ¼ Jerk) là hợp lý.
Tuy nhiên dây rất dễ bị đứt dây do khi cá táp mồi là chúng lủi ngay vào rạn đá ngầm

+ Tốc độ quay máy cũng có thể thay đổi, hãy bắt đầu bằng nhịp điệu căn bản là 01 vòng thu dây/1 giây rồi biến tấu tùy ý; tất cả đều là để con Jig chuyển động theo nhiều cách khác nhau.

+ Cách nâng/ hạ cần khi câu: Người câu cũng có thể nâng cần lên cao hơn và hạ cần xuống thấp hơn so với “lý thuyết”. Ví dụ, có thể nâng đầu cần lên khoảng 30– 120cm;  giương cần lên trong lúc cần bật mạnh lên; và hạ đầu cần xuống chỉ trước khi muốn thực hiện một lượt thu dây khác. Vấn đề cơ bản nhưng rất quan trọng là phải giữ cho cần câu càng vuông góc với dây câu càng tốt; nếu không, mồi Jig sẽ chuyển động khác đi, hoặc là mềm mại hơn hoặc cứng hơn. Ví dụ, nếu bạn hạ thấp đầu cần xuống, góc tạo bởi đầu cần và dây câu sẽ rộng hơn, khả năng bật lại của cần sẽ kém hơn và vì thế mồi Jig sẽ chuyển động nhẹ nhàng hơn. Lưu ý rằng toàn thể các hành động càng nhịp nhàng càng có lợi.

+ Nên chú ý đọt đầu cần: Nếu thấy đọt cần uốn cong trong suốt thời gian Jig rơi nghĩa là con Jig không thực hiện được action của nó; vì thế, thời gian Jig rơi nên để chùng dây tí chút, điều này rất quan trọng.

+ Thực hiện Slow Pitch Jigging ngay nếu câu trên khu rạn có hệ sinh vật lớp trên ăn sinh vật lớp dưới. Ví dụ, tại điểm câu, quan sát máy dò cá, bạn thấy khu rạn có hệ sinh vật bày bố theo dạng: dưới đáy là cá Rock; khu giữa là cá Mú; trên Mú lại là cá Rock và lớp trên cùng là cá Cam (Amberjeck); điều đó có nghĩa là cá Rock dưới đáy sẽ bị Mú ăn; còn cá Mú cũng sẽ là mục tiêu của các loài cá Rock khác sống phía trên khu rạn; Và những con cá Rock này sẽ lần lượt làm mồi ngon cho cá Cam (Amberjack) sống ở tầng nước cao hơn. Lúc này, ta sẽ chọn một loại cá sẽ câu trong tương quan rằng action của con Jig phải thể hiện được đó là bữa ăn dễ dàng cho loại cá mục tiêu này. Với tiêu chí đó, có vẻ Slow Pitch Jigging là phù hợp nhất. Vì sao? Giả dụ bạn chọn Fast Jigging (là kiểu Jigging khá phổ biến), con Jig của bạn sẽ thực thi nhiệm vụ với hình thái năng động, mạnh mẽ, như một con cá khỏe và tràn đầy năng lượng. Ngược lại, Slow Jig cùng với kỹ thuật Slow Pitch Jigging khiến cho Jjig trở nên vật vờ, yếu ớt đầy vẻ sợ hãi, và đó đích thị là bữa ăn dễ dàng mà đàn cá săn mồi mong đợi.

Slow Pitch Jigging hoàn toàn thực hiện dễ dàng với các loại cá Rock

Thêm một lý do khác để chọn Slow Pitch Jigging trong tình huống này, đó là, để kích thích con cá thật cướp mồi Jig, con Jig của bạn phải rơi xuống thật đẹp; nếu nó rơi quá nhanh (trong kỹ thuật Fast Jig), Jig ta sẽ nhanh chóng xuyên qua dòng nước có cá đang chờ ăn mồi, và chắc chắn sẽ khó có cú táp nào xảy ra. Các Jigger cần hiểu đúng về nguyên lý của Slow Pitch Jigging là giữ vững tầm bay của mồi, biến con Jig thành bữa ăn ở đúng độ sâu, đúng thời điểm nhờ trạng thái vật vờ, chậm chạp; Chọn cá mục tiêu cũng rất cầu kỳ; trở lại câu chuyện về các loại cá trên khu rạn trong ví dụ trên, nếu bạn nhắm vào cá Cam (Amberjack) ở cột nước trên cùng, hãy quay thu dây thật nhanh để khi action chậm của mồi Slow Jig được thực hiện, nó sẽ rất hấp dẫn đối với con cá; còn nếu bạn chọn câu cá Rock ở dưới đáy, Slow Pitch Jigging hoàn toàn thực hiện dễ dàng, tuy nhiên cần lưu ý, cá Rock rất thông minh, đôi khi chúng cũng sẽ không lao vào hiểm nguy chỉ vì một con cá “diễn sâu”.

Chúc các bạn thành công!

Hoàng Quốc Trí
VietnamFishingReview