Dây câu Nhật Bản và Hoa Kỳ, sự khác biệt nằm ở đâu?

Nov 20, 2017 13:49:23

Trong khoảng thời gian từ thập niên 30 đến 50 của thế kỷ trước, tơ lụa là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Nhật Bản và hiếm có quốc gia nào qua mặt được nước này về xuất khẩu tơ lụa chất lượng cao. Ngày nay, tuy thế mạnh này đã chuyển sang các quốc gia có nhiều lợi thế hơn về chi phí như Trung Quốc và Braxin, công nghệ tơ lụa gần như biến mất tại Nhật Bản, nhưng kỹ nghệ chế tác và chất lượng tơ lụa của thời kỳ đỉnh cao này vẫn còn nguyên vẹn và thể hiện rõ nét trong nghành chế tác dây câu cá. Khi Nhật Bản đang ở trong thời kỳ hoàng kim của ngành tơ lụa, dây câu Hoa Kỳ cũng đã phát triển rất sôi động, mở đầu bằng phát minh ra chất liệu Nylon 66 mono-polymer (thập niên 30) của hãng Dupont và nhanh chóng trở thành vật liệu chính cho dây câu. Thời đó, dây Nylon không đắt tiền, mạnh, trong suốt và khả năng chống mài mòn khá tốt. Theo thời gian, cùng với những đòi hỏi của thị trường, kỹ nghệ dây ngày một hoàn thiện, dây Nylon ngày nay cứng hơn, nhạy hơn mềm hơn nhờ bổ sung chất chống mài mòn và lớp phủ cho dây trơn mượt khi quăng, cải thiện khoảng cách quăng đáng kể.

dây Nylon ngày nay trơn mượt khi quăng, cải thiện khoảng cách quăng đáng kể

Trò chơi câu cá ngày một phát triển, yêu cầu phải có một loại dây cứng hơn, nhạy hơn và tốc độ giãn nở thấp hơn Nylon. Và Kureha (Seaguar), một hãng dây Nhật Bản, đã tạo ra tiếng vang lớn vào năm 1971 với loại dây Fluorocarbon được cho là đáp ứng trọn vẹn yêu cầu đó. Thế nhưng, dây này dần dần phát lộ nhiều nhược điểm và người ta chỉ tìm thấy ở chúng sự hoàn hảo khi làm dây ngọn. Một hãng Nhật khác đã tỏ ra nhanh nhạy trong việc làm cho người dùng hài lòng hơn với Fluorocarbon, bằng cách nghiên cứu cho ra một loại dây Fluorocarbon mềm mại hơn bên trong nhưng bề mặt lại cứng: Fluorocarbon Super Hard Pro của Toray được giới thiệu vào năm 1992 đã thay đổi hoàn toàn các tiêu chuẩn về dây Fluorocarbon. Ngày nay, hầu hết câu thủ câu cá nước ngọt Nhật Bản dùng Fluorocarbon làm dây câu máy spinning. Dây Fluorocarbon chìm nhanh trong nước, giúp thẻo mồi mảnh có thể xuống tới tầm bắt cá mong muốn chỉ với chì nhỏ.

Dây Super Hard Pro của Toray
được giới thiệu vào năm 1992 đã thay đổi hoàn toàn các tiêu chuẩn về dây Fluorocarbon

Với sự ra đời của nhiều loại dây Braid của các hãng sản xuất Nhật Bản, dây câu Nhật Bản trở thành một ẩn số với dân câu thế giới, và cùng với hàng loạt các sản phẩm cơ khí chính xác khác, dây câu Nhật trở thành một mặt hàng được ưa chuộng trên toàn cầu. Thế nhưng, mua dây câu Nhật cũng gặp phải một số phiền toái, nhất là khi bạn dùng với máy câu dành cho thị trường khác Nhật Bản. Điều này đến từ sự khác biệt trong tiêu chuẩn thử nghiệm sức kéo. Trước năm 1970, dây câu Nhật chủ yếu được định cỡ theo trọng lượng dây chứ không phải theo độ mạnh. Dần dần, người Nhật tìm thấy cái hay trong định cỡ dây câu theo sức kéo LB của các hãng sản xuất dây Hoa Kỳ và nhanh chóng chuyển sang định cỡ dây theo sức kéo. Tuy nhiên, sau khi cải tiến sản phẩm, thử nghiệm và định cỡ sức kéo LB, các tiêu chuẩn dây của hai quốc gia Nhật Bản và Hoa Kỳ lại chuyển hướng theo hai cách khác nhau. Trong khi các nhà sản xuất dây Hoa Kỳ giữ nguyên độ dày và duy trì định cỡ dây bằng sức kéo LB rồi truyền thông chúng là loại dây mạnh hơn hết, thì các nhà sản xuất Nhật Bản, cùng với một lực kéo LB tương tự như dây Hoa Kỳ,  lại chế tác dây mỏng hơn và truyền đi thông điệp “dây quăng xa hơn và bắt nhiều cá hơn”. Người dùng lấy làm ngạc nhiên khi cùng một lực tải LB mà dây câu Hoa Kỳ thì dày hơn dây của Nhật Bản.

Năm 1940, một tổ chức gọi là Hiệp Hội Câu Cá Thể Thao Quốc Tế (International Game Fish Association viết tắt là I.G.F.A) ra đời và có ảnh hưởng rất lớn đến dây câu Nhật nói chung. IGFA đưa ra một tiêu chuẩn về cần, máy, dây, lưỡi câu cho các giải đấu câu cá thể thao quốc tế và buộc các đấu thủ phải tuyệt đối tuân theo. Các giải đấu này nhằm tìm ra các kỷ lục câu cá thế giới,  và các kỷ lục này chỉ được ghi nhận khi người tham gia tuân thủ các qui tắc của IGFA. Các kỷ lục này được truyền bá rộng rãi trên thế giới và trở thành giải đấu danh giá nhất hành tinh, đề cao việc bảo vệ cá, bảo vệ môi trường. Người thắng giải phải là người có đạo đức có kỷ luật, chinh phục con cá tạo lập kỷ lục bằng khoa học, kỹ thuật, và ý thức tôn trọng luật lệ.

Các nhà sản xuất dây câu Nhật Bản lấy tiêu chuẩn chất lượng về dây của IGFA làm tiêu chuẩn

Theo qui tắc IGFA, dây câu phải đứt trước mức LB của dây. Các nhà sản xuất dây câu Nhật Bản lấy tiêu chuẩn chất lượng về dây của IGFA làm tiêu chuẩn chất lượng của dây câu Nhật nói chung và họ sản xuất dây có sức mạnh càng sát với mức thử nghiệm LB càng tốt nhưng không vượt qua mức đó (IGFA sẽ không công nhận kỷ lục nếu dây được sử dụng có độ mạnh lớn hơn mức LB xác định trên dây).

Khác với dây Nhật, dây câu Hoa Kỳ mạnh hơn mức LB mà nó xác định. Điều này có vẻ tốt cho người câu cá Bass nhưng chưa hẳn đã là mong muốn của hầu hết câu thủ. Những người muốn thử thách bản thân và lấy tinh thần thể thao làm kim chỉ nam được khuyên là nên dùng dây câu có chất lượng theo chuẩn IGFA để xác lập kỷ lục cho chính mình.

Bảng biểu dây câu Mỹ và Nhật Bản

DÂY NHẬT

LB-test

Dia (mm)

JP line# gou

1

0.090

#0.3

1.5

0.104

#0.4

2

0.128

#0.6

3

0.148

#0.8

4

0.165

#1

5

0.185

 

6

0.205

#1.5

8

0.235

#2

10

0.260

#2.5

12

0.285

#3

14

0.310

#3.5

16

0.330

#4

20

0.370

#5

22

0.405

#6

25

0.435

#7

30

0.470

#8

35

0.520

#10

40

0.570

#12

50

0.620

#14

55

0.660

#16

60

0.700

#18

70

0.740

#20

80

0.780

#22

90

0.810

#24

100

0.870

#28

 

DÂY HOA KỲ

Dia (mm)

LB-test

Dia (inch)

0.152

2

0.006

0.203

4

0.008

0.254

6

0.010

0.279

8

0.011

0.305

10

0.012

0.330

12

0.013

0.356

14

0.014

0.406

17

0.016

0.457

20

0.018

0.508

25

0.020

0.559

30

0.022

0.584

40

0.023

0.762

50

0.030

Bảng biểu trên cho thấy, hầu hết dây câu Nhật Bản mỏng hơn 1-2 mức so với dây câu Hoa Kỳ trong cùng một mức tải LB. Điều này không có nghĩa dây Nhật mạnh hơn. Người viết tin rằng, đối với dây câu, sức mạnh vật liệu cơ bản là giống nhau.

Sự khác biệt giữa dây câu Nhật Bản và Hoa Kỳ đôi khi gây ra phiền hà cho những ai mua máy câu dành cho thị trường Nhật Bản: Shimano và Daiwa (hai hãng chính gốc Nhật) sử dụng tiêu chuẩn dây Nhật Bản làm tiêu chuẩn định lượng dây cho ống chứa dây. Vì vậy, nếu bạn dùng dây của Hoa Kỳ vào máy câu Nhật Bản thì công suất chứa dây của máy sẽ giảm 10-20% so với con số thể hiện trên ống chứa dây, trừ phi bạn dùng các dòng dây có đường kính khá nhỏ như Stren Magnathin.

Nói về con số “gou” trong dây Nhật Bản. Dây 4lb ở Nhật gọi là dây #1 gou. Tương tự, dây 8lb là #2 gou.  Sức mạnh và độ nặng của dây tỉ lệ thuận với nhau và “gou” là để dễ hiểu và dễ nhớ. Hiện nay, dây câu cá mỏng nhất được ghi nhận là dây có đường kính #0.03 ( dây Tungsten Metal 1Lb). Dây này có đường kính chính xác là 0.029mm, khoảng 0.0011 inch tương đương 1/3 sợi tóc, chuyên dùng trong câu lure cá Ayu sống (thả cho con Ayu còn sống – gắn vào lưỡi câu – bơi xuống đáy sông và tận dụng sự tự nhiên của con mồi để nhữ những con Ayu khác tấn công và bị mắc lưỡi trên thân con Ayu cá mồi này.

VietnamFishingReview