Nhớ quê!

Jan 23, 2017 09:22:58

Tuổi càng về chiều người ta càng muốn “qui cố hương” bằng cách hồi tưởng về ký ức thời còn ở quê, hay là kỷ niệm mỗi lần về quê. Mà nguyên cớ để những hồi ức trở về thì không thiếu. Trên những con đường  ta qua, bất cứ cái gì nhìn thấy đều như giọt nước rơi vào cái ly “nhớ quê” để rồi một ngày sẽ có giọt nước làm tràn ly, nỗi nhớ vỡ òa, không thể không nói ra không kể lại, không trải ra trên trang giấy trên màn hình máy tính.

Nhớ khói lam chiều

Một lần đi trên đường phố quận Cam, nhìn thấy mấy tàu chuối vươn khỏi tường rào vẫy vẫy trên hè phố, bỗng nhớ nhà da diết dù chỉ mới xa nhà hai ngày trong đó có gần hai mươi giờ trong chuyến bay dài. Hỏi bạn, ở đây trồng nhiều chuối không? Bạn như hiểu, trả lời: Chị thấy nhà ai mà trồng bụi chuối thì gần như chắc chắn là nhà người Việt mình. Ừ, càng đi xa lại càng muốn lưu lại một chút gì của quê hương bên mình.

Bụi chuối sau hè, hồi nhỏ là sự sợ hãi mỗi tối khi phải ra đó, vì một lý do mà ai cũng như ai, là niềm vui khi thấy bắp hoa bắt đầu kết thành buồng bé xíu, xinh xinh, lớn dần lên, rồi từng nải trái già căng, mẹ chặt mang vô dựng trong bếp gần khạp gạo. Vài bữa khi trái hườm hườm, nải chuối ngon nhất, đẹp nhất, được cha đặt lên bàn thờ ông bà, thắp nén nhang trước là lấy thảo, sau là lấy hơi ấm cho cả nải chín đều. Bữa cơm Nam Bộ ít khi thiếu vài trái chuối sứ, từ con nít đến bà già đều quen chén cơm chan nước cá kho, thịt kho ăn với chuối chín. Nhà có đàn bà sinh nở luôn có buồng chuối chín dần, canh chuối sứ nêm chút muối, chút đường  là món ăn lợi sữa rất lành và cũng rất rẻ tiền, dễ kiếm. Giữa buổi mà đói, có chén chè chuối hay cái bánh chuối chiên thì không còn gì bằng.

 Nhớ cầu khỉ " lắc lẻo gập ghềnh khó đi "

Một người bạn, có lần đi đâu đó tận bờ biển Mexico xa xôi, nhắn về: “Trời ơi, tui như đang ở bãi biển quê mình, cũng hàng dừa đong đưa trong gió chiều, cũng mùi thơm của mực tươi, cá tươi, của ốc, của sò nướng trên than hồng, cũng mấy trái khóm, trái chuối mà mấy bà đội cái thúng trên đầu mang bán…nhớ nhà quá trời…” Bạn đã ba mươi năm sống ở nước ngoài, đã tự coi mình như một người Tây “chánh hiệu”, vậy mà chỉ mùi thơm khói bếp than cũng làm bạn bần thần rồi quyết tâm “Tết này sẽ về nhà” dù ở quê nhà bạn chẳng còn ai cả.

Ở xa thì vậy, còn ở gần thì sao? Quê tôi ở miền Tây, một năm cũng vài lần về, Tết nhất giỗ chạp, chưa kể đi công việc. Sáng đi tối về hay đi vài ngày, đi xe đò, đi xe riêng, hồi trước còn chạy xe gắn máy nữa…vậy mà lần nào trở lên thành phố cũng bồi hồi (người miền Tây hay gọi Sài Gòn là “thành phố”, lên thành phố, ở thành phố mới dìa). Nhớ từng tiếng gà trưa nhớ đến chùm mận bên chai bếp, nhớ từ bờ mương thoảng tiếng cá quẫy trong vườn đến mùi khói bếp lò trấu lúa mới…Mỗi lần về đám giỗ là quảy lên nào thịt kho tàu, thịt ram, tôm rim nước dừa, nào dừa xiêm nào xoài nào dưa hấu. À, có ai còn nhớ món bắp đùm thơm mùi nước dừa lá dứa không? Gần nhà ngoại tôi có lò nấu bắp và hấp bắp đùm, khi tôi chuẩn bị ra về là cô em dâu tất tả chạy ra lò xách về mấy chục bắp mới nấu nóng hổi “chị bỏ theo xe, lỡ tụi nhỏ đói thì ăn”.

 Nhớ khạp nước sau chái bếp

Trên đường miền Tây rất dễ nhận ra “người miền Tây” trên những chiếc xe máy trước sau ràng buộc túi xách ba lô, người chạy xe hay người ngồi sau đều mặc áo khoác giữa ngày nắng như đổ lửa, là để không bị trúng nắng, trúng gió. Mùa tháng Chạp gió chướng, trên xe còn có mấy giỏ bánh mứt, người vợ ngồi sau cầm bó Vạn Thọ gói bằng mấy tàu lá ló ra chùm bông vàng rực rỡ, đúng là vợ chồng chở nhau về nhà ăn tết với ông bà. Lúc quay lên thành phố, thế nào cũng có máng ở móc xe mấy đòn bánh Tét nhưn đậu, nhưn chuối.

Dọc đường gặp quán cà phê nào ưng ý thì ghé vô, ngả lưng trên những chiếc võng treo tong ten. Bạn có thể nằm đó thật lâu, dù chỉ kêu một ly cà phê ngọt như chè, hay một trái dừa xiêm thanh mát, đung đưa dưới ánh nắng xuyên qua tàu lá dừa trên cao, ngó dàn bông giấy đỏ trắng tím vàng rực lên ngoài cửa quán, nghe hết những CD nhạc “sến” mà cô chủ quán luôn lẩm nhẩm hát theo, những “nếu lỡ chúng mình hai đứa xa nhau …”, với Tình đẹp mùa chôm chôm rồi sang “cây trứng cá” rồi lại sang đào ao thả cá gì đó…lời ca gia điệu của chôm chôm với trứng cá với cây cầu dừa với rau đắng sau hè, rồi phút cuối với sầu tím thiệp hồng , ai khổ vì ai…các kiểu cây trái, các kiểu dối lừa đau lòng hờn dỗi, các kiểu chim sáo mồ côi hay chim trắng cô đơn…sến là thế đấy, nhưng cam đoan khi bạn rời quán tiếp tục lên đường, bạn sẽ thấy cuộc đời không cần gì hơn thế nữa!

 Nhớ miếng bánh Tét nhưn đậu, nhưn chuối

Một lần ngồi trong quán ven đường như thế, ngó ra hồ sen bát ngát phía sau quán, nghe hương sen vấn vít, nôn nao theo lời ca “Lâu nay muốn qua thăm em nhưng ngại vì cầu tre lắc lẻo…”. Ờ mà nhà quê giờ nhiều cầu tre lắc lẻo đã thay bằng cầu bê tông, vẫn cheo leo nhưng chắc chắn hơn. Đám cưới qua cầu, chú rể dắt tay cô dâu, còn cô dâu tay nâng váy dài mà không còn phải cầm đôi giày đi chân không qua cầu khỉ. Bọn trẻ con không còn cơ hội hò reo khi ai đó lỡ trợt chân té xuống kinh, rạch, các bà già trầu không còn phải chép miệng an ủi: đám cưới mà, gặp “nước” như vầy là hên hên lắm nghen.

Nỗi nhớ quê chỉ giản đơn như hương tóc mạ non mà sao khi “Tháng ngày tuổi đời trôi theo níu chân nhau, bạc thêm mái đầu…”. Với quê hương ta vẫn biết “Tình mình dù ngăn cách sông chớ đâu cách lòng, mỗi lần nhớ nhau sao nghẹn lời…”

Tiến sĩ Khoa Học Nguyễn Thị Hậu

VietnamFishingReview