Di sản của bố tôi

Jan 22, 2017 03:35:51

Bố ra đi, di sản để lại cho tôi là một quyển sổ, cùng với một lời nhắn :” Khi nào gặp khó khăn, con hãy mở ra xem”. Không biết có phải vì lời dặn dò quá thiêng liêng đó hay vì tôi sợ Bố ở cõi vĩnh hằng sẽ buồn, nên mấy năm qua, dù gặp khá nhiều trắc trở trong công việc làm ăn, tôi vẫn cố gồng mình. Đã hơn mười năm, quyển sổ của Bố vẫn nằm yên trên bàn thờ như một sự chứng nhận rằng tôi vẫn ổn. Cho đến sáng nay. Nghe vợ thì thào những vấn đề mà gia đình tôi phải đối mặt sắp tới, tôi vừa buồn, vừa thất vọng. Trong nỗi cô đơn và cay đắng, tôi chợt nhớ đến quyển sổ của Bố mình cùng một niềm hy vọng le lói: có bí mật nào mở lối để dẫn dắt tôi lúc này không? Lên phòng thờ, tôi mở chiếc hòm gỗ nhỏ, run run lần dở từng trang giấy đã ố vàng. Thời gian như đứng lại. Ngày đầu tiên Bố viết nằm mãi tận năm một nghìn chín trăm sáu mươi, vậy cũng đã hơn một nửa thế kỷ rồi.

Gian hàng Tết thời bao cấp

Bố tôi là một người Tràng An chính hiệu. Dáng người nhỏ nhắn, phong thái khoan thai. Trong trí nhớ của tôi, Bố chẳng bao giờ to tiếng với ai cả, lúc nào cũng bao dung, nhẫn nhịn. Mọi nỗi niềm như dấu hết vào đôi mắt, một đôi mắt đen, sâu vừa dịu dàng, vừa dữ dội. Và hôm nay tôi biết thêm một điều, mọi nỗi niềm của Bố cũng được dấu hết vào những trang viết này. Nó như một cuốn sổ ghi đời, ghi lại tất cả những ngọt ngào, cay đắng, cả những đớn đau, giằn vặt của Bố tôi, của Mẹ tôi, của những người sống quanh Bố. Xa hơn, là của cả một Hà Nội, một Miền Bắc ở một thời mà người ta gọi là thời Bao Cấp, thời Tem Phiếu hay là thời phân phối gì gì đó.

 Phiếu phân phối vải cuối tập niên 70

“Hôm nay Bi – tên ở nhà của tôi – được trận nhớ đời, đi xếp hàng cùng mẹ, bị mẹ bỏ quên, may mà không việc gì, xin cảm ơn tổ tiên, ông bà!” - một ngày, Bố viết. Ngày đó, tôi sáu tuổi, cùng với năm anh chị em sống với bà ngoại và bố mẹ ở khu tập thể Nguyễn Công Trứ, trong một căn phòng chỉ khoảng hai mươi tám mét vuông bao gồm cả khu phụ, bếp, nhà xí và nhà tắm. Cả Hà Nội khi ấy chỉ có hai khu chung cư là Nguyễn Công Trứ và Kim Liên, đến năm 1980 mới có thêm khu Thanh Xuân. Thời ấy, không ai có tiền mua đất làm nhà, mà cho dù có tiền cũng không dám phô trương, tất cả trông chờ vào sự phân phối của nhà nước. Nhà nước phân phối theo định mức từ lương thực, quần áo, thịt, cá, nước mắm, phụ tùng xe đạp, vải vóc, hòn than, que củi…tất tần tật và tất nhiên là cả chỗ ở. Chật chội và chật vật, cuộc sống chỉ đói và đói. Một nồi cơm chỉ có tí gạo, còn lại là mì. Sáng, chúng tôi được phát cho một cục mì luộc (bột mì nặn thành cục, rồi đem luộc) vừa cứng vừa khô vừa khó nuốt. Buổi trưa cơm độn mì sợi, buổi tối là mì sợi độn cơm. Thức ăn chỉ rặt đậu phụ và su hào - lúc luộc, lúc kho, hết kho lại luộc. Để cải thiện, mẹ tôi quây chuồng xí thành nơi nuôi lợn, nuôi gà. Ngày ngày, tiếng người lớn, tiếng trẻ khóc, tiếng lợn, gà cứ nhộn nhịp từ sáng đến tối. Những ngày nồm, mùi xú uế cứ lưu cữu trên tóc trên da , trong cái nước mồ hôi nhờ nhờ, nhơm nhớp ấy. Ở chật chội, lại thiếu nước, thiếu chất nên cả người lớn lẫn trẻ em đều bủng beo, ghẻ trốc đầy mình. Trẻ em chúng tôi khổ nhất là thèm ngọt. Bố viết rằng, anh cả Sơn của tôi lớn nhất nhà, một hôm, mẹ tôi được mua hai lạng rưỡi đường, anh ấy lén đem pha nước đường uống hết, bị đau bụng đi ngoài cả đêm. Anh cũng thèm ăn nhất nhà, mê nhất là món phở. Mỗi lần không thấy anh đâu, cứ chạy ra ngoài hàng Phở là y như rằng thấy anh ở đó, chỉ là đứng ngoài hít mùi phở cho đỡ thèm. Nhắc về chuyện ăn, chuyện ở, bố cho rằng gia đình tôi còn khá hơn nhiều người khác. Nói đâu xa, bác Trung anh Bố, nhà có bốn người - bố mẹ và hai con - chỉ ở trong một căn phòng chín mét vuông từ khi các con bác còn nhỏ cho đến lớn, mấy chục năm ròng. Thời ấy, không có cách gì được ở rộng rãi, chỉ có công chức nhà nước mới có cơ hội đổi nhà, cứ phấn đấu lên một chức thì được đổi nhà rộng hơn một chút.

 Chiếc xe đạp Phượng Hoàng, tài sản lớn của một gia đình

Ngoài nhà ở, bố cho rằng nước là tấn bi kịch của Thủ Đô. Cả khu chung cư mấy ngàn con người mà chỉ có mấy cài vòi nước. Mà là thứ nước chảy rỉ rỉ, yếu ớt mới khổ. Một xô hai mươi lít có khi phải hứng cả giờ đồng hồ mới đầy. Từ bốn giờ sáng đến một giờ đêm, luôn thấy cảnh hàng hàng, dẫy dãy xô, chậu xếp dài vài trăm mét trước các vòi nước công cộng. Trong các khu tập thể, quanh bể nước ăn của cả khu, bao giờ cũng nườm nượp người ra - vào giờ bơm nước. Bố viết rằng các anh lớn trong nhà, những người đủ sức khỏe và dư thời gian, được giao nhiệm vụ thay phiên nhau xếp hàng lấy nước. Các anh đang tuổi ham chơi nhưng chưa bao giờ quên giờ bơm nước.  Cứ đến giờ là vác sách, vở, cả những câu chuyện phiếm ra ngoài bể nước. Một chân mắc  vào quai xô, miệng thì nói, hoặc tay thì giở tập học bài, không quên đẩy xô dần lên khi đến lượt. Có khi ham hóng chuyện quên nhích xô của mình lên, người khác qua mặt, thế là cãi nhau ỏm tỏi cả khu nhà. Xếp hàng lấy nước cũng chưa khổ bằng xếp hàng mua thịt, gạo, muối, dầu, mua vé tàu, vé xe và tất tần tật,  tất cả những thứ liên quan đến cuộc sống. Muốn mua bất kỳ thứ gì đều phải xếp hàng. Căng thẳng nhất là xếp hàng mua gạo với thực phẩm. Người đi xếp hàng đứng rời cả chân, mất cả ngày trời mới đến lượt mình. Mùi mồ hôi, mùi nước bọt, rồi chen lấn, rồi xô đẩy, rồi cãi cọ. Có khi đến trước mặt cô mậu dịch viên, chưa kịp mừng đã nghe cô ta hết lên “Hết hàng”. Vậy là phải ra về, mai lại tiếp tục cái hành trình dài dằng dặc đó. Nhật ký của bố có nhắc đến chuyện tôi bị lạc trong buổi xếp hàng, đó là do bố tôi, cũng như nhiều gia đình Hà Nội khác, thường tổ chức ăn tươi ngày chủ nhật. Nói là tươi chứ kỳ thực chỉ có đĩa thịt xào với hành tây, đậu phụ rán chắm mắm tôm, mấy cái bánh đa, rau sống và can bia hơi. Để tổ chức được bữa ăn như vậy, cả nhà đã phải dự trữ  các loại tem phiếu mua thịt, cá, rau đậu từ đầu tuần rồi phân công nhau đi xếp hàng mua. Hôm đó, đến lượt mẹ và tôi do các anh chị đều bận. Vì mua nhiều thứ quá, mà chỗ nào cũng phải xếp hàng nên mẹ dúi tôi vào đứng xếp thay mẹ cùng các cô chú khác. Tôi đứng bên này, lần lượt nhích lên dần, đến phiên của mình thì không có mẹ, lại không biết làm sao nên phải lùi xuống nhường cho người khác, cứ thế cho đến tận chiều. Khi mẹ mua xong các thứ, nhớ đến tôi thì đã quá muộn. Tôi chạy đi tìm mẹ, mẹ chạy đi tìm tôi, rồi nước mắt, rồi tiếng khóc, vang vang cả khu. Sau này bố tôi không cho tôi đi cùng nữa, nếu cần quá thì đi mua chỗ của những người xếp chỗ thuê. Họ là những người không có công việc ổn định, thấy có nhu cầu về chỗ xếp hàng, họ bèn mở “dịch vụ” xếp hàng thuê. Một người có thể xếp hàng cho nhiều gia đình cùng một lúc, ăn thù lao một chỗ năm hào, một đống một lần xếp. “Nghề” xếp hàng cũng mang lại thu nhập kha khá, tính ra hơn lương tháng của cán bộ nhà nước chứ chẳng chơi. Đó cũng chỉ là một trong số rất nhiều nghề “xưa nay hiếm” mà bố kể trong “cuốn sổ ghi đời”.  Ví dụ như “nghề” bơm ga bật lửa, “nghề” may áo gối từ vải vụn, “nghề” phe, cò, nghề làm than tổ ong, “nghề” nuôi heo, cả “nghề” ăn cắp vặt. Trong tất cả những “nghề” vừa nói, ngoại trừ “nghề” ăn cắp vặt thì tất cả những “nghề” còn lại, không ít thì nhiều, cả nhà tôi đều có tham gia, với một mục tiêu duy nhất như bố nói đó là PHẢI SỐNG.

Để sống được trong thời khốn khó đó, gia đình tôi, và cả Hà Nội, cả Miền Bắc đều phải gồng mình chịu đựng, để sống sót, để vượt qua từng ngày, từng ngày một. Bố tôi mở cho anh cả Sơn, một cái quầy chuyên bơm mực bút bi, bơm ga bật lửa ở trước cửa chợ Mơ. Ngày đó, ai mà có bút bi, có bật lửa ga thì oai ghê lắm. Này nhé, rút chiếc bật lửa ra, xoặc tay, một ngọn lửa xanh huyền hoặc bắn ra từ cái lỗ nhỏ, rồi lia một vòng cho bạn bè châm thuốc, mặt gương gương tự đắc…chỉ tưởng tượng đến đó thôi là bao nhiêu thanh niên Hà Nội thời ấy đã thèm rỏ dãi. Dùng hết mực, hết ga thì phải bơm mực, bơm ga, làm sao có thể mua mới được, vậy là anh tôi cùng với cái nghề của mình đã có đất sống. Chị Thanh cùng bà ngoại thì theo nghề may vải vụn thành áo gối, xe vải vụn thành dây. Chị đi đến các hiệu may, nhờ người ta gom các miếng vải vụn, mua rẻ rồi mang về cắt thành từng mảnh hình vuông, hình tròn. Đêm đêm, hai bà cháu thay nhau đạp máy khâu, khâu thành từng mảnh lớn bán cho người làm vỏ gối, vỏ chăn. Những mảnh nhỏ hơn thì đem cắt từng sợi dài, xe lại theo kiểu thắt dây. Những sợi dây này trở thành “nguyên liệu” đan võng, làm thảm chùi chân, đan giỏ đựng hàng rất bền và đẹp. Mẹ tôi thì có “nghề” làm than tổ ong. Thời bao cấp, chất đốt rất khan hiếm. Để có cái đun và chống chọi được cái rét cắt da cắt thịt khi mùa đông đến, gần như cả Hà Nội đều làm than tổ ong. Người ta mua than cám, đem độn với mùn cưa hay trấu rồi trộn với bùn non cho dính lại, xong vắt thành từng cục hoặc đóng thành từng bánh hình tròn có lỗ như tổ ong. Phải sống, nên bất kể nghề gì, miễn lương thiện là cả nhà lại tham gia. Xung quanh, hàng xóm láng giềng cũng không từ một nghề gì - phe sổ gạo, tem phiếu, vé tàu xe; trở xích xe đạp, xích xe máy; in lụa; bổ củi thuê…đều trở thành nghề sinh sống. Ở các nhà ga xe lửa, bến xe khách còn có nghề tẩm quất cho khách, đơn giản chỉ một chiếc chiếu, một bàn tay và một ý chí vượt lên số phận đã hình thành một nghề nuôi sống biết bao người. Dân gian thời đó lưu truyền những bài thơ cười ra nước mắt về các nghề ở Hà Nội, ví như: “ Dán áo ni lông rách / Bơm mực ruột bút bi/ Gia công quy, gai, xốp/ Lộn cổ áo sơ mi”.

 Bếp than tổ ong phổ biến một thời ở Hà Nội

Bây giờ tôi mới hiểu vì sao Bố, Mẹ tôi lại cần, kiệm đến thế. Khi còn sống, mỗi lần vào miền Nam thăm gia đình tôi, Bố đều không hài lòng khi tôi chiều con quá, quần áo giày dép mua vô tội vạ. Kẹo bánh ăn uống ê hề, đến giờ cơm thì đã ngang bụng, thế là bỏ cả bát cơm trắng. Biếu bố tiền, tịch có khi nào bố dùng đến, bố dặn tôi đừng gửi ra, dành dụm lại, phòng khi trái gió trở trời. Bây giờ tôi mới hiểu vì sao Bố và cả những người thuộc thế hệ của Bố đều có một khuôn mặt khắc khổ, một cái nhìn đăm chiêu đến thế. Trong họ còn rất nhiều nỗi băn khoăn, còn lo lắng thì  thường trực cho đến khi xuôi tay, nhắm mắt. Cũng như Di sản -quyển nhật ký- mà Bố để lại, dường như  đó là cả một sự chuẩn bị mà Bố đã dành cho tôi về những ngày tháng khó khăn này. Nó nhắc cho tôi  nhớ, rằng trong lịch sử của dân tộc, của gia tộc đã từng có những trang đen tối nhất, lầm lạc nhất, nhưng bằng ý chí và nghị lực cùng ước muốn SỐNG cháy bỏng, cả dân tộc, cả gia tộc đã cùng nhau vượt qua. Nó cũng nhắc cho tôi nhớ, rằng cuộc đời là một quảng đường dài, có đoạn bằng phẳng, có chỗ quanh co. Đoạn này tôi hăng hái bước nhanh, cũng có đoạn tôi sẽ mệt mỏi tưởng chừng như không bước thêm được nữa. Không ai có thể thay tôi bước đi cũng không ai có thể đốn tôi ngã xuống nếu tôi không đánh mất niềm tin, tình yêu thương và nhân cách.

Ở nhà bên, có tiếng thằng bé con hét vang “Bố”! chắc bố nó vừa đi xa về. Tôi nhìn lên ban thờ, thấy yêu thương ngập tràn trong đôi mắt Bố nhìn tôi. Trong hành trình mới của ngày mai, tôi biết rằng mình không đơn độc, sẽ luôn có Bố dõi theo tôi và tin tôi. Như đứa trẻ nhà bên: “Bố ơi!” tôi cũng thầm reo trong lòng.

Sài Gòn một ngày giáp Tết
Văn Đức

VietnamFishingReview