Hà Nội, tình yêu của tôi

Jan 21, 2017 03:35:17

Đặt chân xuống sân bay Nội Bài, ý nghĩ đầu tiên ùa vào tâm trí là liệu Hà Nội của tôi có còn sót lại cây cối nào với màu vàng mùa cuối Thu? Xa Hà Nội đã quá lâu, tôi chọn ngày trở về vào cái mùa lay động tâm hồn nhiều nhất, khi những cơn gió lạnh buốt và khô khốc của mùa Đông dần chiếm không gian, trút xuống mớ lá xanh đầy gốc, chỉ còn lại chút lá đỏ, lá vàng thấp thỏm trên cây. Tôi hình dung mình đang lang thang trên đường Thanh Niên, ngửa mặt cho cái lạnh hiu hắt chạm vào da thịt. Tôi sẽ ngã lưng trên cỏ, bồng bềnh trong cái không gian tĩnh lặng không có tiếng côn trùng, không có tiếng xe hơi ấy, mặc cho hương mùa Thu muộn đang vội vàng ùa đến, vội vàng vây quanh, rồi ngả ngớn dưới chân, bãng lãng trên đầu. Tôi sẽ ngồi thụp xuống, mân mê từng chiếc lá rụng trên nền cỏ xanh, vơ vội chúng vào lòng, vơ vội thành một đống lùm lùm trước mặt, rồi bước nhẹ, rồi nhảy lên, cuống quít, lẫng bẫng như thể cái không gian này, mùi vị này, màu sắc này có thể trôi đi đâu mất. Hỏi thế gian, có nỗi nhớ nào, tình yêu nào đậm sâu đến thế?

Hồ Tây trong cơn gió lạnh buốt và khô khốc đầu Đông

Tôi chắc rằng, với những người con xa Hà Nội, nỗi nhớ này không của riêng ai. Cái lạnh đầu Đông; mùa lá rụng; làn sương bãng lãng bên hồ; cả hơi ấm của đôi bàn tay bện xoắn vào nhau trong một đêm cuối Thu se thắt nữa… tất cả cứ quấn quýt, bền chặt trong tâm tưởng. Niềm thương nỗi nhớ Hà Nội trong tôi đã thành đôi, thành ba vì còn có sự cộng hưởng, gửi gắm của bố mẹ tôi, của anh, chị tôi, những người chưa thể trở về sau mấy mươi năm xa cách. Họ dồn nén, gói gắm, gửi cả vào trong tình yêu và nỗi nhớ của tôi, khiến nó cứ thế mà trào dâng lên gấp bội.

Làn sương bãng lãng bên hồ

Xa Hà Nội, mỗi người trong gia đình tôi đều nhớ về nó với miền ký ức của riêng mình. Với Chị tôi, Hà Nội là những ngày tháng tảo tần phụ giúp bố mẹ nuôi em. Những buổi xếp hàng đằng đẳng trong thời Tem-Phiếu mua củi, gạo, muối, dầu...Là những buổi đói vàng mắt. Xuân - Hạ -Thu – Đông, bốn mùa cặm cụi làm than tổ ong. Với Anh tôi đó là những buổi đánh nhau dành hứng nước ở khu tập thể; những buổi thèm phở - không tiền - đành ra trước quán phở Thìn ở đầu phố Lò Đúc, chỉ để nghe mùi phở bay ra. Sau này anh được đi khắp mọi nơi, ăn nhiều của ngon vật lạ, nhưng vẫn không thể nào quên được cái mùi phở ấy, không thể quên hai dãy bàn gỗ màu đen, cùng chỗ chế biến phở ngay cửa, nơi mà thực khách phải đứng chờ múc phở, trả tiền rồi tự bưng vào rất lịch sự. Bố, mẹ tôi tuy không nói ra nhưng cứ gần Tết, ông bà lại trông ngóng, bồn chồn. Với những người như bố mẹ tôi, những màu hoa của bốn mùa, mùi thoang thoảng của cốm mùa Thu, chén chè Mạn nóng bỏng sớm mùa Đông, nắm xôi xéo gói lá sen già…đã trở thành máu thịt. Nó không còn là nỗi nhớ, là ký ức, nó là một phần đời của cả một đời người. Cũng như tôi hôm nay về lại quê nhà, đứng trên đất quê hương rồi mà vẫn còn thương nhớ!

Cây Lộc Vừng đang mùa thay lá

Một giọng nói nhẹ nhàng cất lên cắt đứt luồng suy nghĩ miên man trong tôi. Tôi chợt rùng mình, nhắm mắt, cố gắng mường tượng lại thêm lần nữa cái âm thanh trong trẻo, thánh thót ấy. Ôi! hơn hai mươi mấy năm sống giữa những người không nói tiếng Việt, giờ nghe được tiếng Việt của một người khác ngoài gia đình, lại là tiếng Bắc Kỳ, tôi cứ ngỡ như đang mơ. Trước mắt tôi là một cô gái rất trẻ trong đồng phục của tổ phục vụ mặt đất. Dường như thấy tôi hơi khác lạ, khuôn mặt xinh xinh ấy có chút bối rối xen lẫn lo lắng. Cô nhắc lại lời mình : “Anh có cần em giúp gì không?”. Tôi đã kịp bình tâm, mỉm cười, nói rằng tôi muốn về trung tâm Hà Nội. Cô hướng dẫn tôi ra cửa đón taxi và chỉ dẫn tận tịnh. Cảm ơn em, đồng hương của tôi!

Bầu trời xám xịt. Hai bện đường, những cành cây khẳng khiu, trụi lá co ro trong cái rét đầu mùa. Làng ven Hà Nội của tôi thật khác, không thể hình dung. Đâu rồi con đường đất đỏ chẻ đôi cánh đồng xanh mướt? những hạt giống chiêm nhú mầm trên vuông đất ngai ngái mùi bùn? những ngôi nhà ngói đỏ, tường vàng lấp ló sau rặng cây? Hà Nội nhỏ bé, cổ kính của tôi dường như cũng đã biến mất, thay vào đó là một thành phố hiện đại, cái gì cũng lớn. Đường lớn, nhà lớn, cầu, chợ, trung tâm thương mại khắp nơi. Xe và người thì miên man. Di chuyển trên đường là cả vấn đề vì xe to, xe nhỏ cứ ken chặt vào nhau. Bất chấp cái lạnh đang ngấm vào không khí của một buổi chiếu thiếu nắng mặt trời, tôi mở cửa kính, hít đầy vào lòng ngực cái mùi quê hương. Trong gió thoảng, tôi nghe rất rõ mùi của lá xanh, lá vàng đang bắt đầu mục ruỗng dưới gốc cây già; mùi của chiếc bánh bao nóng đang nghi ngút khói, cả mùi chả quạt than mà tôi vẫn thầm thương trộm nhớ năm xưa. Chắc ai đó, mặt ửng hồng, đang cần mẫn quạt đều tay những xâu thịt trên lớp than hồng cho kịp buổi dọn hàng ban tối. Phía trước xe, hình  như có tiếng cãi cọ, một thanh niên đang to tiếng với một ông lão đáng tuổi ông mình trong một va chạm giao thông. Trận cãi vã mỗi lúc một gay gắt, có nguy cơ biến thành một trận hỗn chiến. Mặc kệ. Đám đông vẫn kiên nhẫn đứng nhìn. Sự kiên nhẫn này tôi đã thấy ở ngày xưa nhưng là một sự kiên nhẫn - cam chịu khi xếp hàng chờ mua vé tàu xe hay mua gạo trong thời Tem – Phiếu. Hà Nội của tôi đã thay đổi, một sự thay đổi có cả tích cực lẫn tiêu cực. Dẫu biết rằng, đô thị nào cũng là nơi dung chứa sự phức tạp, là nơi dân tứ xứ tập cho mình nếp sống thị thành, nhưng trong sâu thẳm lòng mình, tôi thấy buồn khi Hà Nội bị gán cho sự vô cảm, lối sống chưa văn minh trên đường phố.

Hà Nội rêu phong cổ kính giờ chỉ còn trong tâm tưởng

Dù có nhiều đổi thay, vẫn không đâu trên rẻo đất này có thể tìm thấy những điều riêng có của Hà Nội: những chiếc hồ thơ mộng, hương hoa sữa ngọt ngào, làn sương ảo diệu trên Hồ Tây. Cả cây lộc vừng bên hồ Gươm những mùa thay là mới, chờ ra hoa. Những sợi hoa chạy dài xuống, trắng đỏ xòe tung như phông pháo…Trên những chiếc ghế đá đặt bên cạnh đường vào cầu Thê Húc, thỉnh thoảng bắt gặp những ông, bà lão, tóc bạc da mồi, thanh thản, trầm ngâm như đang hướng về quá khứ, bỏ lại sau lưng những suy tính, âu lo, những tháng ngày buồn, vui, những được mất trong đời.  Họ thuộc thế hệ của bố - mẹ tôi, những con người một thời lầm lũi sống, chỉ với một ước mơ nhỏ bé cho con cháu: “bưng bát cơm trắng dẻo, cắn miếng giò ngập răng”. Đấy cũng là những con người dũng cảm nhất, can trường nhất, đã cùng Hà Nội vượt qua những ngày tháng khốn khó nhất của thời bao cấp. Đấy cũng là những con người chưa từng biết khuất phục số phận, đối mặt với đói - nghèo, khổ -  nhọc, cả những cay - đắng, tủi – hờn một cách thản nhiên. Những gì tốt đẹp của Hà Nội vẫn còn đó, chỉ là đang ẩn dưới vô vàn bề bộn của một thành phố đang trong cơn chuyển mình . Tôi tin là như  thế!

Hà An

VietnamFishingReview