Người “giữ lửa” cho nếp nhà

Jan 20, 2017 03:24:37

Nếp nhà, nhớ lại ngày bố tôi còn sống, ngoài những bận rộn toan tính, tần tảo mưu sinh thường nhật, dạy dỗ con cháu thì việc lo đám Giỗ với ông cực kỳ quan trọng, rồi chuyện lo cho 3 ngày Tết, là khi thời khắc đoàn viên con cháu, gia tộc, cũng là dịp nhìn lại một năm qua đã làm được gì, mất gì mà toan lo cho năm tới. Những dịp như vậy, ông thường dành hết tâm lực để trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị các món ăn cổ truyền. Nào là tất bật chuyện chọn mua đào, mua quất, nào là chuẩn bị gạo nếp, lá dong, thịt lợn gói bánh chưng đến việc đặt mua những chú cá to nhất để kho riềng… tất tất là nỗi lo toan. Cái sự lo toan để giữ lấy nếp Nhà của giòng họ, của Dân tộc Việt.

Tết là khi thời khắc đoàn viên con cháu, gia tộc và của mỗi gia đình Việt

Chỉ riêng việc chọn hoa của Bố cũng khiến anh em tôi thương ông, bởi đã thành thói quen, cứ tầm 25-26 Tết, ông lại một mình lang thang lên chợ hoa Hàng Lược xem quất, chọn đào mấy ngày liền mà không biết mệt? Khi lớn rồi, chút chút biết với cảm thấy cái thú thưởng hoa của ông kỳ công đến nhường nào để, nhìn dáng quất, thế đào, bà con chòm xóm, bạn bè thân hữu biết được công việc làm ăn trong năm qua, biết được cuộc sống ấm no hạnh phúc của gia tộc lại nữa để ông chứng minh thú chơi rất văn hóa cũng là tính cách của gia chủ.

Việc gói bánh còn nhiêu khê hơn, người gói phải chính là ông hay những người con trai trong gia tộc, có thế mới thể hiện sự tôn kính với Gia tiên, ông nói vậy. Còn gạo, phải là thứ gạo nếp quê danh tiếng, miếng thịt nhất định phải là thứ thịt ba rọi dày béo dân quê nuôi và được làm thịt trong ngày gói bánh. Hành, tiêu và những gia vị khác phải được lựa kỹ và đúng. Cái bánh khi bày lên bàn thờ Gia Tiên hay trong mâm cổ tết khi cả nhà sum vầy phải dẻo, thơm.

Bán Chưng phải được nấu từ gạo nếp quê , miếng thịt nhất định phải là thứ thịt ba rọi dày béo ngậy

Quê tôi, hay nhà tôi còn thừa hưởng món cá chép kho riềng như một món không thể thiếu trên bàn thờ ba ngày Tết. Cá phải lựa con vừa to được dặn trước những người bán cá quê từ nửa tháng trước. Còn kỹ thuật kho, chao ôi là nhiêu khê, riềng không già không non quá, hành, gia vị... từng thứ, từng thứ cẩn trọng. Lửa, lửa kho cá không reo ồn ào, lửa là thứ lửa liu riu nhằn nhặt chỉ vừa sôi nồi cá qua nhiều giờ sao cho mọi thứ gia vị ngấm đều, ngấm thấm để khi đưa vào miệng vị giác, khứu giác, thính giác,…như trỗi dậy.

Nhà tôi còn thừa hưởng món cá chép kho riềng, một món không thể thiếu trên bàn thờ ba ngày Tết

Giờ, thân xa quê, giữa tiết trời chớm Đông phương Nam, ký ức về cánh đào dáng quất, mùi thơm của cá kho riềng, mùi thơm của nếp quê tỏa ra từ những lát bánh Chưng quê, rồi nào vị cay thanh của mứt gừng, thơm thảo mứt quất… cứ giục dã tôi về với hương quê, nhớ như muốn ôm mãi, ôm mãi vào lòng nếp nhà của gia tiên khi nhìn những cánh đào rơi rơi trước tiết Xuân phương Nam đến nao lòng. Và Cha ơi, lời răn của Cha còn khắc ghi, rằng sau này con cháu cố gắng lưu giữ những truyền thống tốt đẹp của gia đình. Và rằng, con ơi đã là người đàn ông thì ngoài việc là trụ cột của cả nhà còn phải biết xây dựng một văn hóa “sống” cho gia đình và cho thế hệ mai sau. Cho dù sau này các con có giàu sang hay không thể sang giàu nhưng ráng nhớ văn hóa “sống“ của một gia đình qua văn hóa ẩm thực ba ngày tết là sự tinh hoa của một dân tộc, một vùng miền, gắng giữ.

Cha ơi, con cháu đang dần lớn và trưởng thành như ước nguyện của Cha, Tết vẫn quây quần đấy, vui đấy, vẫn đầy đủ quất, đào, mai, bánh chưng xanh và cá kho đấy nhưng hình ảnh anh em con cháu cùng Cha lệ khệ khiêng đào, quây quần bên nhau gói bánh chưng, không còn cảnh bập bùng bên bếp lửa hồng trong đêm chờ bánh chưng chín, không còn được thưởng thức miếng cá kho ngon tuyệt do tự tay Cha làm nữa. Và không còn những khoảnh khắc tuyệt vời, cả nhà, dâu, rể, con, cháu cùng đoàn tụ ăn bữa cơm Tất Niên chiều 30 Tết, không còn lời chúc ông sống lâu trăm tuổi vào sáng ngày mồng 1 Tết.

Tết vẫn quây quần đấy, vui đấy, vẫn đầy đủ quất, đào, mai, bánh chưng xanh và cá kho đấy nhưng...

Bạn đời ơi, như một lời tự vấn, cuộc sống của chúng ta hôm nay, mai sau đã đủ đầy hơn so với lớp Ông, Cha thật nhiều sao lắm khi nhiều lúc như vô tình thế hệ chúng cứ vô tình cách quãng xa nhau, vì sao ?

Bạn tôi ơi, con cháu tôi ơi, xin hiểu vì sao xưa Ông, Cha mình trọng Nếp nhà đến đói cho sạch, rách cho thơm để đêm trừ tịch những ai còn Mẹ, còn Cha. Đừng làm tủi lòng Cha, Mẹ phải ngồi nán thêm bên bếp lửa ngóng những đứa con xa, chẳng vì tấm áo, tấm khăn, gói quà ta mang về.

 Đừng làm tủi lòng Cha, Mẹ phải ngồi ngóng những đứa con xa

Và Bạn ơi, khi nghe lời nhạc, “ Tết… Tết… Tết đến rồi. Tết… Tết… Tết đến rồi. Tết đến trong tim mọi người” đừng để lời nhạc thành nỗi quặn thắt ngóng trông trong tim Mẹ, tim ta xốn xang! Tết này tôi sẽ về. Chắc chắn tôi sẽ về. Về với Nếp Quê Nếp Nhà mà hát vang Đi đâu mặc kệ đi đâu/ Đến ngày Giỗ Tết phải mau mà về.

Sài Gòn, tháng 12/2016
Hoàng Quốc Trí

VietnamFishingReview