Một thoáng miền Tây mùa nước nổi

Jun 20, 2013 02:54:24

Miền sông nước bình dị là vậy mà sao trong con mắt của người xứ khác (như tôi) nó tươi tắn, nhiều màu sắc và lạ lùng đến vậy! Để khi xa rồi, tình cảm đó cứ len chặt trong lòng, luấn quấn như dòng nước phù sa hết đến lại đi, đi rồi trở lại, không nỡ xa…

Miền Tây, cứ mỗi độ từ cuối tháng Tám khi nước lũ tràn về các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long như An Giang, Kiên Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang... là khi một kẻ lãng du như tôi lại náo nức tìm về. Mùa nước nổi, những cánh đồng mênh mông bát ngát chìm trong biển nước bao la lại là mùa đem lại nhiều tôm cá, phù sa bồi đắp ruộng đồng hứa hẹn một vụ lúa bội thu. Mùa nước nổi, người dân vất vả sống chung với lũ, nhưng mùa nước nổi không thể thiếu suốt 300 năm hơn lập đất.

Nước về nghĩa là nguồn sống đã trở lại sau những tháng khô nóng triền miên, những vạt rau nhút, và rực rỡ sắc vàng bông điên điển chập chờn như vạn ngàn cánh bướm vàng dọc các bờ kênh.Triệu triệu thân súng ẩn náu dưới đáy bùn chờ Mẹ Thiên Nhiên ban tặng dòng nước màu mỡ phù sa để trổ ra vô vàn bông hoa tím ngắt…Miền Tây, chộn rộn tiếng cười vào mùa sinh lợi từ cá Linh, cá Sặt, cá Rô, cá Lóc, bông điên điển,...
Đêm miền Tây, ở đâu cũng vậy, những chiếc xuồng ba lá, những ánh đèn pin lập lòe trên mênh mông nước giăng lưới, thả câu, bắt cá, ếch, lươn, cá linh từ dòng Mê Kông theo về dính lưới trắng xóa. Người thành phố, ai đã từng về Miền Tây mùa nước chẳng thể quên cảnh ngồi xuồng ba lá lênh đênh trên trảng nước mênh mông trắng xóa, khám phá cái cảm giác được trôi đi trôi đi trên nước chỉ riêng xứ này. Trong cảm giác bềnh bồng ấy, chợt nhớ đếncâu thơ đau đến quặn thắt về dòng Thạch Hãn: "Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi hòa sóng nước / Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm".

Mưu sinh trong mùa nước nổi - Ảnh ST

Còn trên sông nước miền Tây, hãy thong thả, nhẹ mái chèo để ngắm cho hết, cảm nhận được hết cuộc sống của cư dân trên những cù lao giữa mênh mang nước, thấy cảnh đời, cảnh người cùng những đớn đau được, mất dù chỉ mới hơn 300 trăm năm lập đất từ những hình ảnh rất thật: Trong căn nhà nhỏ có người phụ nữ thoăn thoắt xới bên chỏ cơm nghi ngút khói, có người đàn ông ngồi xếp bằng, tay cầm điếu thuốc to bằng ngón chân cái lim dim ngữa mặt nhả khói lên trời. Trẻ con thì hớ hênh ngồi trên chiếc xuồng con, thả cần câu cá mè cá chốt…vô tư trong cái nghèo, coi sự nghèo như nước nổi mỗi độ lên, xuống.

Ở thành phố, cá Linh mùa nước nổi cũng có, nhưng cá Linh chỉ ngon trong món lẩu mắm sực vị cá Linh vừa con ăn kèm với rau nhút, đọt lục bình, búp xoài, thân bông súng tươi rói. Cũng vậy, còn gì ngon hơn món bánh xeo bông điên điển được chính chủ nhà tất tả chống xuồng ra trảng để mang về khi khách ghé. Ôi những nhánh bông điên điển nhuộm vàng cả một góc nhà…Ai có thú vui câu cá thì đến vùng rừng tràm Trà Sư ở An Giang, cứ ngồi trên chòi, chỉ cần khúc tôm miếng cá làm mồi, một buổi thôi chí ít cũng được cả rổ cá tươi rói. Còn trên những cồn đất cao, cơ man nào là rùa, rắn, chuột đồng tụ tập chạy lũ, dưới kinh, mương hay xẻo nước lóc chóc cá Rô, cá Lóc, tôm đồng…

Trở về thành phố, còn mang theo nụ cười trong veo của trẻ thơ bên chiếc bánh xèo vàng sắc vàng bông điên điển, còn luôn vướng víu hình ảnh của các mẹ, các chị với khuôn mặt bừng sáng cùng chiếc ghe câu của con của chồng trở về nhà ăm ắp bông súng, cá Linh.

VietnamFishingReview