Chất liệu khoen cần câu cá

Mar 11, 2013 14:41:56

Sự phát minh ra khoen cần câu có thể được xem là một thành tựu vô cùng giá trị. Khoen giữ cho dây có một khoảng cách nhất định so với cần câu để việc quăng mồi được thuận tiện, xa và chính xác. Bề mặt trơn, láng của lòng khoen giúp hạn chế sự ma sát, sự sinh nhiệt khi dây chà xát vào khoen. Đi qua khoen, dây sẽ tránh được các rắc rối như bị tưa, bị cứa hay bị mài mòn. Khoen còn định hướng được mục tiêu cho dây, giống như nòng súng và viên đạn vậy. Thử tưởng tượng xem, nếu không có khoen thì câu cá lớn sẽ gặp khó khăn như thế nào? Khoen cần còn đóng vai trò rất lớn trong việc tạo độ nhạy và cải thiện khoảng cách ném mồi cho cần câu. Những loại khoen có trọng lượng nhẹ và chất lượng cao, có tác dụng truyền rung động của dây câu đến cần và sau đó đến tay người câu. Còn mức độ nhạy bén thì còn tùy vào số lượng khoen và vị trí của khoen trên cần .

Ngược dòng thời gian, từ năm 1770, khoen đã bắt đầu hiện diện trên cần câu cá. Nhưng đến năm 1960, mốc thời gian xuất hiện chất liệu gốm ở vòng khoen, thì kỹ nghệ làm khoen mới thực sự đột phá (trước đó, khoen chủ yếu có khung được làm bằng kim loại, vòng khoen mạ Chrome).

Sự có mặt của gốm đã loại bỏ việc thay khoen vì lý do bị mòn. Tuy nhiên, phương pháp này không ổn: Khoen trở nên nặng nề và phần gốm chèn bên trong dễ dàng rơi ra khi có chấn động. Sự nghiên cứu lại được tiếp tục và người ta cải thiện tình hình bằng cách gắn chặt gốm trực tiếp vào khung kim loại.

Từ đó, vật liệu làm khoen cần đã được nghiên cứu hết sức nghiêm túc, tập trung vào các yếu tố như độ cứng, trọng lượng, độ tản nhiệt, độ bền, giá thành và những lý do thiết thực khác. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng: Trọng lượng khoen, chất lượng khoen, số lượng khoen, vị trí gắn khoen trên cần có ảnh hưởng rất lớn đến sức chiến đấu của cần câu, độ nhạy và cả năng lực quăng mồi.

Trong thế giới cần câu, cần “đắt” nhiều hay “đắt” ít còn phụ thuộc vào chất liệu của khoen. Vấn đề đặt ra là: Độ tản nhiệt của khoen  rất quan trọng với những cây cần câu biển (đặc biệt là câu nước sâu) thường gặp các tình huống cá lớn mắc câu chạy nhanh, khỏe, tạo ma sát lớn. Nhưng tính năng này lại không mấy quan trọng với những ai câu cá Bass (một loại cá cùng họ với cá Chẽm). Do vậy các tay câu Bass sành sỏi chỉ yêu cầu khoen cần nhẹ, bền, số lượng khoen thích hợp và được đặt đúng chỗ… Vậy loại khoen nào là phù hợp cho kiểu câu của bạn? cho túi tiền của bạn?

Dạo quanh thị trường để tìm hiểu đồ câu, người mua sẽ như bị lạc vào ma trận những mô tả về các loại khoen cần. Mọi thông điệp đều hết sức ngắn gọn và khó hình dung, kiểu như: “Loại cần này có khoen SiC nên đắt. Loại này là khoen thường. Loại kia là khoen gì gì đó xếp sau SiC… chắc là  Alconite”. Lại hỏi khoen SiC khác với Alconite như thế nào? Tại sao cần câu có bộ khoen SiC thì đắt tiền hơn rất nhiều so với các loại khác…thì không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Về chất liệu làm ra khoen cần, phải nhắc đến các loại chất liệu do hãng Fuji Kogyo chế tác. Fuji là một hãng sản xuất khoen cần câu rất danh tiếng. Tên tuổi của hãng không chỉ ở trong phạm vi nước Nhật, mà còn lan tỏa trong cộng đồng câu cá khắp thế giới.

Gold Cermet: Loại vật liệu đặc biệt này “được chỉ định” khi muốn nâng “tầm” cho cần “độ”. Dùng kim loại vàng để làm khoen cũng được một số hãng khác ứng dụng nhưng họ chỉ bọc lót lòng khoen bằng vàng. Gold Cermet của Fuji là một loại chất liệu rất độc đáo, có sự kết hợp giữa gốm (ceramic) và vàng (gold). Sự kết hợp này tạo ra một loại khoen rất đẹp, có độ bền của kim loại và độ rắn chắc của gốm. Chân và khung của khoen được làm bằng Titanium. Khâu cắt, mài và đánh bóng đều bằng dao có mũi kim cương do đội mỹ thuật của hãng phụ trách. Gold Cermet là niềm kiêu hãnh của hãng Fuji, đó cũng là loại khoen trơn mượt nhất, nhẹ nhất nhưng cũng mạnh nhất của thế giới khoen cần câu.

Khoen Gold Cermet

 

Và được chỉ định cho những cây cần "độ"


Silicon Carbide (còn gọi là SiC):
SiC là một trong những loại gốm sứ cao cấp nhất hiện nay. SiC cứng nhất và cũng bền nhất do vậy khoen SiC đặc biệt thích hợp với dây braid. Khoen SiC được mài và đánh bóng bằng mũi dao kim cương nên rất láng, mượt. Vòng SiC được gắn trực tiếp vào khung khoen nên rất nhẹ, tăng độ tản nhiệt và rất nhạy.

Khoen SiC đặc biệt thích hợp với dây braid

Silicon Nitride II: Silicon Nitride II là phiên bản cải tiến của loại Silicon Nitride, hoàn hảo hơn và phù hợp với cần câu hạng nặng. Vòng gốm Silicon Nitride II được thiết kế sử dụng như bạc đạn (ball bearing) trong động cơ phản lực nhờ vào độ cứng cũng như khả năng chống ăn mòn của loại gốm này. Nếu Silicon Nitride II có thể xử lý nhiệt và chống ma sát trong động cơ phản lực thì thử tưởng tượng xem, việc bắt cá lớn sẽ hiệu quả thế nào. Và nếu có loại khoen nào được làm cho dây kim loại, thì đó chính là Silicon Nitride II. Silicon Nitride II có sức mạnh và độ bền cao, phù hợp với mọi cần câu nước mặn

Alconite: Các kỹ sư của hãng Fuji luôn đau đáu làm thế nào để có một loại khoen nhẹ hơn nhưng mạnh hơn và giảm được chi phí. Sau nhiều năm nghiên cứu, họ đã cho ra đời vật liệu Alconite, một loại gốm đặc biệt: rất nhẹ, mạnh mẽ, và bền. Thực tế cho thấy, Alconite mạnh hơn 80%, và nhẹ hơn 20% so với Oxide Nhôm ( Aluminum Oxide). Ngoài ra, công đoạn đánh bóng bằng mũi dao kim cương làm cho vòng khoen Alconite trơn mượt hơn so với vòng khoen Hardloy.

Khoen Alconite mỏng hơn và nhẹ hơn khoen SiC

Hiện nay, Alconite được đánh giá là vòng gốm mỏng nhất, thậm chí nếu so với vòng gốm SiC danh giá thì Alconite nhẹ hơn đến 7%. Khi đi cùng với loại khung thế hệ mới thì đạt một kết quả ấn tượng: Nhẹ hơn 35% và mạnh hơn đến 50% so với các loại khoen thông thường.

Hardloy: Hardloy từng là một giải pháp về chi phí, sự đáng tin cậy, hiệu quả sử dụng cao của người đi câu trong rất nhiều năm.  Hardloy được làm bằng hỗn hợp Oxide Nhôm cao cấp, pha trộn theo công thức đặc biệt. Sự pha trộn này giúp tạo ra vòng gốm Hardloy có sức nén cao, nhẹ, bền và độ tản nhiệt lớn. Khoen Fuji Hardloy là loại khoen phổ biến nhất của hãng Fuji.

Aluminum Oxide: Ý tưởng độc đáo sử dụng gốm sứ để làm khoen cần câu có từ hơn 40 năm trước với việc giới thiệu Aluminum Oxide, được gọi là khoen “Hard Ring”. Với loại vật liệu này, hãng Fuji đã bắt đầu một cuộc cách mạng về khoen cần và trở thành trụ cột cho các nhà sản xuất cần câu và câu thủ từ đó đến nay.Tất cả các vòng Aluminum Oxide đều được đánh bóng bằng dao mũi kim cương nên rất mịn.

Titanium: Đây là loại vật liệu rất đắt tiền. Titanium có tính năng đặc biệt là nhanh chóng trở lại hình dạng ban đầu ngay cả khi bị bẹt dí. Titanium cũng nhẹ hơn từ 4-5 lần so với các loại khoen tương tự. Khả năng chống ăn mòn của khoen Titanium rất cao. Khoen Titanium không chèn gốm vào lòng khoen do vật liệu này rất cứng khỏe nhưng lại rất mềm dẻo.

Nhiều người nói rằng, thật khó mà phân biệt giữa khoen SiC và Alconite hay Hardloy và Aluminum Oxide nếu không có chuyên môn hoặc đã “kinh qua” nhiều loại cần. Vậy nên, để “chắc ăn”, họ chọn mua hàng chính hãng hay ở nơi bán đáng tin cậy để thông tin về loại khoen cần là trung thực.

VietnamFishingReview

Bài viết liên quan:
- Lịch sử phát triển của cần câu cá.

- Chất liệu cần câu.
- Cần câu Tre của người Nhật.
- Công nghệ chế tác sợi Carbon của hãng Daiwa.