Phú Yên biển gọi

Jan 12, 2013 09:56:00

 Chuyến xe đò đưa chúng tôi từ thành phố Hồ Chí Minh đi Phú Yên khởi hành từ 10h tối. Chúng tôi mua vé giường nằm, ngủ một mạch đến 6h sáng thì đến nơi. Do có “thổ địa” dẫn đường tôi không phải lo gì.

Phú Yên không phố phường sầm uất, ít quán xá nhà hàng, chỉ có nắng, gió và biển xanh ngút mắt. Đường bờ biển dài gần 200km, núi vươn ra biển tạo nên những eo, vịnh đầm phá khiến cho dân câu khắp mọi miền nghe nói đến Phú Yên chắc cũng nhiều chộn rộn.

Vũng Rô, sông Cầu, Long Thủy  và các ghềnh đá dọc theo bờ biển là những điểm câu ghềnh, câu lồng bè nổi tiếng. Người câu chủ yếu tập trung câu ở các bè nuôi tôm, cá của dân chài địa phương hoặc thuê thuyền chở ra các hòn trong vùng như hòn Chùa, hòn Khô, hòn Dứa, hòn Lao... Giá thuê khá hợp lý, thuyền Composite nhỏ, chở tối đa 4 người và tự lái đi câu, giá: 200,000đ – 300,000đ/ngày. Quân nói rằng không nhiều người thuê dạng này vì xung quanh các hòn không có chỗ neo đậu thuyền. Nếu lái thuyền đi câu loanh quanh thì ổn nhưng đến câu ở hòn, cập bến không khéo sẽ dễ bị lật thuyền. Thường là khách câu đi theo nhóm, mỗi người tốn chỉ khoảng 20,000đ- 40,000đ là được chở ra đến tận các đảo để câu. Thuyền chở ra rồi chiều muộn sẽ ra đón.

Đến thành phố Tuy Hòa, chúng tôi đi xe ôm một mạch đến biển Long Thủy, cách trung tâm thành phố Tuy Hòa khoảng 10km. Long Thủy là đây. Làng ven biển hiền hòa với rặng dừa xanh ngát xỏa bóng trên nền cát trắng mịn màng. Xa xa, hòn Chùa, hòn Dứa thấp thoáng trong nắng sớm.

Bãi biển Long Thủy
Ảnh: Internet

Trời tháng 6 trong vắt và nắng thì ong óng ở trên đầu. Chúng tôi đi theo thuyền mà hai người bạn của Quân cùng đi đã thuê đến đón. Chiếc thuyền nhỏ chở bốn chúng tôi nhẹ nhàng lướt trên mặt sóng bỏ dần bãi biển Long Thủy lại phía sau, tiến thẳng ra Hòn Dứa. Tôi thấy háo hức quá. Đến Phú Yên nhiều rồi  nhưng đây là lần đầu tiên tôi được “bám đuôi” dân câu địa phương đi câu ở Hòn. Chỉ nghe hai bạn trẻ cùng đi với Quân kể chuyện câu kéo thôi là tôi đã có một “bồ” kiến thức “đặc trưng vùng miền”. Họ thật là những người câu cá sành sỏi. Trong bộ đồ nghề mang theo bao gồm cần, máy câu cá, mồi câu, thùng đựng cá, còn có rất nhiều  bia, các món nhắm và cả than, và …mũ. Trên Hòn không có gì khác ngoài nắng gió. Ở đây có lẽ giàu nhất là nắng. Nắng cứ bủa vây tứ phía, nắng phản chiếu từ mặt nước mặn nóng đến rát da rát thịt. Chúng tôi trùm kín như Ninja, chỉ thấy nhau qua đôi mắt, vậy mà Quân và các bạn vẫn đen nhẻm. Họ,  làn da rám nắng, nụ cười hồ hởi và sự thô mộc hào sảng lắng lại trong từng lời ăn tiếng nói đã như một sự đại diện đặc trưng cho con người sống ở vùng đất này.

Hòn Dứa
Ảnh: Internet

Chỉ chừng 20 phút là thuyền đã cập hòn. Chúng tôi men theo các ghềnh đá , ổn định chỗ ngồi và cuộc câu bắt đầu.

Quân mang theo rất nhiều mồi, tôm sống, tôm chết, ruốc tươi, ruốc khô đủ cả. Hắn xả mồi không tiếc tay để lấy mùi dụ cá. Những con ruốc khô theo nước được gió đẩy loang ra cả một khúc biển. Quân kể rằng, ngay cái món mồi câu là cả một câu chuyện dài. Mồi ruốc khô chỉ để dụ cá. Khi cá kéo đến, biết chúng thuộc loại cá gì thì mới móc loại mồi mà chúng ưa thích để câu. Ví như cá Bè Trang thì móc cá cơm, Cá Dẫu móc tôm chết, nhưng cá Nhái thì phải là tôm sống nó mới chịu. Chà thật là chuyên nghiệp! Hỏi kỹ ra mới biết tay Quân này cũng là dân câu “có số má”, đã từng cùng một thợ câu khác bắt được cá Cờ năm nào.

Nước đang lớn, trong vắt. Câu ở ghềnh đá Quân chỉ câu nổi bằng loại phao chuyên dụng. Thấy có nhiều cua nhỏ bò lổm ngổm trong các hốc đá, tôi, do đã đọc nhiều tài liệu, bắt một con và móc vào lưỡi câu thả xuống ghềnh. Thấy vậy, Quân hỏi tôi định làm gì? Tôi giải thích rằng, nghe nói ở đây có nhiều Chình biển, nếu câu bằng cua sống, nó sẽ bò vào hốc nơi có con Chình trú ngụ, và thế là tôi sẽ có món đặc sản của vùng. Quân cười phá lên: “Đó là câu mò, câu hên xui”. Rồi hắn giảng giải: “Chình biển có quanh năm, câu nó rất dễ. Chỉ cần ra chợ mua ruột cá và đầu cá bỏ vào túi lưới mang theo. Chọn chỗ nào có nhiều rạng đá, đặt túi lưới ở đoạn cuối ghềnh, nước chảy ra mang theo nước tanh của ruột cá, Chình biển nghe mùi sẽ đến, lúc đó lấy đoạn ruột cá mềm móc vào lưỡi câu là bao nhiêu cũng bắt hết!” Nghe Quân nói thấy ham quá, nhưng tiếc là chúng tôi không ai chuẩn bị cái món mồi độc đáo này.

Chưa đầy 30 phút sau khi xả mồi, từng đàn cá đã lao xao ở chân ghềnh. Tôi không tin vào mắt mình. Nước trong vắt thấy rõ những con cá Nhái thân hình tròn to, dài như con chình biển, da trơn màu nâu đen. Trong vòng một giờ đồng hồ, chúng tôi câu hết tốc độ bắt được gần hết đàn cá 40 con. Không thể tả hết được niềm vui của chúng tôi.

Cá Nhái
Ảnh: Internet

Thấy tôi băn khoăn vì không thấy cá Mú như hứa hẹn, Quân cười, “muốn câu Mú mai mốt hết hè, nước đục,  mời anh ra câu ở bè cá bên Vũng Rô. Người ta nuôi cá xả mồi nhiều, cá Mú theo đến ăn phần”.

Chúng tôi không câu nữa, tranh thủ nhóm lửa nướng cá. Sau bữa trưa, cả nhóm nằm lăn trên ghềnh đá mát rượi. Biển xanh thẳm êm đềm. Không gian chỉ có tiếng gió thổi qua khe núi, tiếng sóng đánh vào đá. Nhớ lại câu chuyện tương truyền từ xa xưa có ông Lã Vọng khi đi ngang qua Phú Yên, không thể cầm lòng được trước cảnh sơn thủy hữu tình nơi đây đã dừng chân và ngồi câu cá. Thủy triều lên, ông bèn vác thêm một hòn đá chồng lên cao để khỏi ướt. Người xưa đã vậy, còn nay?

Khách đến Phú Yên chủ yếu đi tắm biển ở các bãi tắm hoặc đi theo Tour. Chưa có nhiều cư dân của cộng đồng câu cá đến đây để thử sức. Nếu có ai thì đó là những người có bạn bè, người thân ở trong vùng, cùng hẹn hò nhau đi câu.

Đến Phú Yên, dễ thấy nhất là cảnh dân câu câu ở các ghềnh đá dọc theo bờ biển. Họ câu nổi bằng loại phao chuyên dụng, mà như Quân đoan chắc, thì các tỉnh miền Trung chưa ai áp dụng, rất hiệu quả với các loại cá như Dẩu, Bè Trang, hay cá Nhái...

Câu Ghềnh
Ảnh: Internet

Câu ghềnh thường tập trung từ tháng 9 đến tháng 2 âm lịch, lúc này có rất nhiều cá do bão ngoài khơi , biển động nên cá vào ăn gần bờ. Tháng 3 đến tháng 8, nắng thì bạc cả người còn mưa cũng dữ dội, nên người câu thường câu khi nước lớn có nhiều cá hơn. Câu biển thuận lợi nhất là từ tháng 2 đến tháng 10.

VietnamFishingReview