Nghệ thuật Jigging

Nov 08, 2012 11:05:02

Môn câu bằng mồi jig đã có từ rất lâu, nó bắt nguồn từ quần đảo Polynesia. Nhưng cho đến khi ông Yoichi Mogi, một tay câu thượng thặng người Nhật, sáng tạo ra kỹ thuật Mechanical Jigging thì trào lưu này mới thực sự thịnh hành và có đời sống trên khắp thế giới.

Thú chơi lắm công phu

Nếu như trước đây, những người yêu thích jigging chỉ có thể xem người nước ngoài câu jig ở biển của họ qua các Video Clip thì nay họ đã có thể tự mình câu ngay trên biển Việt Nam. Với lòng yêu thích và say mê, một số tay câu trong nước đã đưa jigging trở thành trào lưu và đang được nói đến nhiều hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên đây là môn chơi đòi hỏi sự sắp đặt tỉ mỉ, công phu, cần sự kiên trì và nghiêm túc nên nó cũng không hoàn toàn dễ thực hiện. Thêm vào đó, jigging đòi hỏi rất nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan để đạt kết quả cao. Một trong số đó là kỹ thuật neo tàu của thuyền trưởng.

Khi thuyền trưởng neo tàu đúng chỗ ở điểm có cá, người câu nên hỏi họ các thông tin cụ thể về độ sâu đáy, dòng chảy của nước... để quyết định việc chọn trọng lượng mồi jig. Một số tài liệu cho rằng nên neo tàu lại ở điểm cá tụ để đánh jig. Nhưng qua kiểm tra thực tế, một số tay câu lại nói: Sẽ hoàn hảo hơn nhiều nếu không neo tàu ngay mà thả tàu trôi. Cụ thể là từ điểm xác định có cá tụ, thuyền trưởng cho tàu ngược lên phía trên khoảng 30-40 mét, rồi thả trôi tàu. Trong thời gian đó, người câu liên tục thả mồi jig nhử cá hòng tìm ra điểm hoặc hướng chính xác cá ăn, rồi sau đó mới định điểm neo tàu.

Việc làm này mang lại cái lợi là xác định chính xác điểm mong muốn thông qua việc truy tìm của chính người câu mà không hoàn toàn phụ thuộc vào thuyền trưởng. Tuy nhiên, việc thả trôi tàu khiến nhiên liệu bị tiêu hao nhiều hơn. Muốn thực hiện được, người chơi phải “chịu chơi” và có tài thuyết phục thuyền trưởng theo ý mình.

Sau khi tìm được điểm neo ưng ý, thế trận còn lại giao cả cho người câu. Nhiều tay câu jig đều cho rằng cách tác động để mồi jig “trình diễn” góp phần lớn vào sự thắng lợi. Sự sống động, tự nhiên, phóng khoáng của mồi jig dưới sự điều khiển khéo léo của người câu quyết định phần lớn trong việc cá táp mồi. Bản năng “tồn tại hoặc chết” của loài cá săn mồi ở đáy sâu sẽ khiến con jig bị tấn công ngay lập tức. Nhưng để con jig múa lượn đúng như ý đồ thiết kế của các nhà sản xuất thì mấu chốt lại nằm ở việc lựa chọn cần câu, máy câu, dây câu…

Môn câu bằng mồi jig đã có từ rất lâu, nó bắt nguồn từ quần đảo Polynesia. Nhưng cho đến khi ông Yoichi Mogi, một tay câu thượng thặng người Nhật, sáng tạo ra kỹ thuật Mechanical Jigging thì môn jigging mới thực sự bắt đầu thịnh hành và có đời sống trên khắp thế giới.

Mechanical Jigging - kỹ thuật hay sự sáng tạo.

Yoichi Mogi, người sáng lập Mechanical Jigging, là gương mặt rất “hot” trong thế giới câu cá. Bất kỳ nơi nào ông đến đều tạo ra sự xôn xao vì Mogi luôn bắt được cá khổng lồ trong vùng. Lịch sử phát triển ngành đồ câu Nhật Bản nói riêng và của Thế Giới nói chung ghi nhận sự đóng góp to lớn của ông. Nhưng ông không phải là nhà chế tạo dụng cụ câu cá, ông chỉ là một tay câu đầy sự sáng tạo.

Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ông đã yêu thích môn câu jig. Bình minh của Jigging được bắt đầu với những dụng cụ câu có các đặc điểm: Cần quá dài, dây quá to, mồi jig quá nặng. Những chiếc máy câu cồng kềnh nhưng chứa được rất ít dây khiến người câu chỉ có thể thả mồi ở độ sâu không quá 50 mét, chính vì thế, những vùng nước sâu hơn trở thành vùng “bất khả xâm phạm”.

Sự sáng tạo đã đến trong tâm trí Mogi ngay khi tay thuyền trưởng chiếc tàu chuyên câu vùng biển phía Nam Nhật Bản World Marine Amami thông báo là đã nhìn thấy bóng dáng của những con cá lớn ở độ sâu 100 mét trên máy tầm ngư. Thời kỳ này đã có dây PE sơ khai, Mogi quyết định dùng dây PE cột vào mồi jig nặng để câu. Và kết quả thật tuyệt vời: Những con cá to, khỏe đã được lôi lên từ mức nước trăm mét đó. Thừa thắng xông lên, ông liên tục đưa ra những thử nghiệm mới, tìm ra những ý tưởng kết hợp mới. Những phản hồi của ông như : Dây braid ở mức 100lb quá cứng khiến cho cần câu kêu răng rắc ở  đoạn giữa; máy câu bị đứng khi kéo cá; hoặc lưỡi câu bị kéo dãn ra… đã được các hãng sản xuất tiếp nhận và xử lý kịp thời. Ông cũng đưa ra nhận xét: Buộc lưỡi đơn vào mồi jig sẽ ít bị vướng đáy. Khi cá cắn câu, lưỡi đơn sẽ giữ cá tốt hơn lưỡi 3 chấu truyền thống. Chính ý kiến này đã làm tiền đề cho sự xuất hiện dòng lưỡi “Stinger hook” được dùng phổ biến trong giới chơi jig cho đến ngày nay.

Có thể nói rằng: Sự sáng tạo của Yoichi Mogi đã làm nên kỹ thuật “Mechanical Jigging”. Một kỹ thuật chú trọng đến việc thao tác jig thông qua việc chọn trọng lượng mồi jig tương ứng với máy, cần và dây câu. Và kỹ thuật “ Mechanical Jigging” cũng đã mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp đồ câu Nhật bản: Hàng loạt chất liệu mới đã được nghiên cứu, phát minh cho phép tạo ra những chiếc cần câu nhẹ hơn nhưng khỏe hơn trước. Máy câu cũng gọn gàng, nhẹ nhàng. Hệ thống hãm dây được cải tiến liên tục để đạt độ mạnh, chắc, cứng, khóa chặt những con cá lớn luôn vùng tháo chạy với tốc độ nhanh nhất và khỏe nhất. 

Tín hiệu vui.

Gặp anh Quốc Trí, chủ trang web Vietnamfishingreview.com khi anh đang loay hoay với bản Trailer Jigging đầu tiên của mình. Nghe tôi hỏi thăm về jigging, anh hào hứng tâm sự: “thấy ở nước ngoài người ta hầu như câu cá bằng mồi jig, mình ngạc nhiên lắm nên quyết tâm tìm hiểu. Qua việc nghiên cứu các bài viết về jigging đăng trên các diễn đàn câu cá trong và ngoài nước, mình có chút lý thuyết cơ bản nên mạnh dạn mời các tay câu chuyên nghiệp đến thực hành ngay trên biển Côn Đảo tháng 10/2011 và kết quả thật không tin nổi”.

2 con ăn 1 Jig

 

Cá Bè ăn mồi Jig

 

Cá Bè Trang ăn mồi Jig


Anh cũng lý giải việc anh chọn mời nhóm Pro- Angler của hãng Shimano hồi tháng 4/2010 và các tay câu người Thái Lan tháng 10/2011 đến Việt Nam thực hành Jigging vì họ là người Châu Á, có vóc dáng, cân nặng, chiều cao gần giống với người Việt. Nhờ vậy, các thao tác của họ sẽ tạo được cảm giác gần gũi. Các cần thủ trong nước khi xem các hình ảnh sẽ không cảm thấy xa lạ, không thấy quá phức tạp  sẽ mạnh dạn tham gia.

Anh cũng cho rằng: Sở dĩ môn câu Jig được phổ biến khắp nơi trên Thế Giới là nhờ vào những con người như Yoichi Mogi, Okada San, Konishi San, Kei Hiramatsu... Họ, với kỹ thuật chơi jig hiệu quả cùng với dụng cụ câu thượng thặng, họ đã miệt mài đi khắp các vùng biển thuộc các châu lục khác nhau để vừa câu cá, vừa hướng dẫn và trao đổi kinh nghiệm với dân câu địa phương. Họ, với kỹ thuật jigging điêu luyện cùng với những dụng cụ câu thượng thặng đã mang đến cho giới câu cá sự ngưỡng vọng và tuân theo. Vậy nên những ai đã từng chơi jigging ở Việt Nam hãy tiếp tục theo đuổi để tạo sự cảm hứng và ý muốn duy trì cho người khác. Có như thế thì môn chơi này mới không bị mai một đi theo thời gian.

Hy vọng rằng, những người có tâm huyết như anh Trí cùng rất nhiều người khác mà tôi đã gặp khi viết bài viết này sẽ là tín hiệu vui cho môn chơi Jigging ở Việt Nam, để cho những cuộc chinh phục đại dương những ngày sắp tới thêm phần hào hứng và thách thức hơn nữa.

VietnamFishingReview