Say sóng - những sai lầm trong cách phòng chống

Oct 03, 2012 09:07:41

Mỗi lần đi câu biển, Trung đều chuẩn bị rất chu đáo với một tâm trạng háo hức khôn tả. Ngoài việc chuẩn bị đồ câu cho đến thuốc men, quần áo, các loại thức ăn bổ dưỡng... anh sắp xếp không thiếu thứ gì. Vậy mà lần nào ra đến tàu, anh cũng nằm bẹp một chỗ. Chứng say sóng cứ thế hành hạ anh suốt mấy ngày đêm.

Anh kiên quyết ăn ít, uống ít, chỉ uống thêm sữa cho có thêm sức và đỡ dằn bụng để uống thuốc nhằm chống đối với sóng biển. Nhưng cũng như cá lần trước, chỉ sau mấy giờ, anh bắt đầu thấy chóng mặt, buồn nôn…

Trung chỉ là một trong rất nhiều người mắc chứng say sóng nhưng lại không biết phòng chống đúng cách, khiến cho người đã “say” lại càng “say” hơn.


Những sai lầm trong cách phòng chống:

Say sóng khiến cho cơ thể trở nên ngầy ngật. Người bị nặng đôi khi mất khả năng vận động tạm thời và phải nhờ sự trợ giúp từ người khác. Chuyến hành trình được trông đợi chăm chút, nay bỗng chốc trở thành cực hình, đáng sợ. Rất nhiều phương pháp phòng chống và chữa trị say sóng đã được áp dụng nhưng lại có không ít nhầm lẫn. Liệt kê ra đây là 4 điều thường gặp nhất:

1- Nhịn đói trước khi lên tàu: Không được để cho bụng đói khi lên tàu, vì khi bụng trống, lại thêm dịch vị được tiết ra liên tục từ quá trình lo lắng chuẩn bị cho cuộc hành trình khiến cho chứng buồn nôn xuất hiện. Thêm vào đó, việc uống thuốc chống say làm cho người uống bị "vật vờ” , triệu chứng này càng nặng hơn khi đói bụng. Ăn, nhưng không nên ăn quá no. Thức ăn không chứa quá nhiều chất béo, dầu mỡ, chất tanh...

2- Lót dạ bằng sữa để uống thuốc: Sữa là một thực phẩm làm gia tăng nước chua và hối thúc dạ dày co thắt nên chỉ cần con tàu tròng trành là người say sẽ có nguy cơ nôn mửa rất cao.

3- Uống thuốc chống say sóng ngay trước lúc lên tàu hoặc sau khi lên tàu: Người dùng thuốc, nếu có "bệnh" say sóng thì trước khi lên tàu các triệu chứng "bồng bềnh" đã "ngấm" từ trước đó rất lâu. Do vậy, tốt nhất là uống thuốc với ½ liều dùng (hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ) trước khi lên tàu 1h. Có người uống thuốc từ đêm hôm trước để ngủ ngon và cũng thấy có hiệu quả. Vì mất ngủ cũng làm cho chứng say "tệ hại" hơn.

4- Không được để cơ thể thiếu nước: Nhiều người quan niệm rằng ít nước trong cơ thể sẽ ít bị nôn nên họ tránh uống nước. Điều này dẫn đến cơ thể bị mất nước khiến cho hệ thần kinh trở nên "nhạy cảm" quá mức. Lời khuyên là hãy uống nhiều nước theo nhu cầu.

Say sóng là một triệu chứng phổ biến nhưng sẽ tự động biến mất khi kết thúc chuyến đi và không để lại di chứng lâu dài với sức khỏe. Do vậy, người bệnh nên bình tĩnh và áp dụng các biện pháp "phòng vệ" một cách khoa học, có như thế thì cuộc vui mới được trọn vẹn.

VFR