Sau một khoảng thời gian dài trầm lắng vì dịch bệnh, liền sau đó là thời tiết xấu, nay phong trào câu cá thể thao săn cá lớn đang nhộn nhịp trở lại. Những con cá Cam to, những kỷ lục bắt cá Cam của các năm trước đang được nhắc nhiều trên các diễn đàn. Và người câu, nhà ghe ý ới hỏi thăm nhau rất vui vẻ. Để kịp thời mang đến những thông tin “nóng” và trực diện về việc câu cá Cam lớn, người viết xin chia sẻ một góc nhìn về môn câu Slow jigging hạng nặng câu cá Cam lớn ở Phú Yên. Đọc bài viết này, quí bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về dụng cụ câu Jig Cá Cam Phú Yên, từ cần/ máy/ dây/ mồi/ khoen/ lưỡi và chiến thuật câu cùng những vấn đề xoay quoanh làm thế nào để có một chuyến câu thật vui vẻ và hiệu quả. Bài viết được viết theo bố cục là câu trả lời cho nhiều câu hỏi – đây cũng là những câu hỏi mà người viết thường nhận của bạn bè, khách hàng. Và qua những câu trả lời dưới đây, người viết mong muốn được chia sẻ những thông tin hết sức cụ thể, rõ ràng. Mong là quí bạn đọc sẽ tìm thấy sự bổ ích, hữu dụng cho mình khi đọc.
Phú Yên có thực sự có cá cam lớn không?
Cá Amberjack mà người Việt thường gọi là Cá Cam có rất nhiều ở Phú Yên. Không chỉ cá Cam, còn có cá Thu lớn (cá Thu Ngàng), cá Đổng Sộp hay còn gọi là cá Ruby, Mú siêu lớn... Size cá Cam phổ biến dài khoảng trên 1m, nặng từ 10kg đến trên 30 kgs. Đã từng có người câu dính cá Cam rất lớn và kỷ lục đang ở mức 62 ki-lo-gam. Chính vì hấp dẫn như thế, câu Jig Cá Cam Phú Yên đã trở thành một sự thách thức và nhiều người muốn thử một lần cho biết. Tôi cũng không ngoại lệ. Những lần bắt cá Cam lớn bị nổ dây, mất cá nhiều lắm. Còn Size Cam mức 27-28kgs tôi đã từng bắt được.
Một niềm vui lớn với một chú cá Cam nho nhỏ |
Câu cá Cam lớn có khó không? Câu thủ có thể gặp khó khăn gì? và xử lý chúng bằng cách nào?
Câu Cá Cam lớn dĩ nhiên là khó. Nhưng cũng như các loại cá khác, bạn chỉ cần hiểu đặc tính của nó thì sẽ có cách chinh phục. Ở Phú Yên, Con cá Cam thường hay luẩn quẩn ở mấy chỗ tàu đắm hoặc khu có nhiều rạn. Tất nhiên, ở những khu vực này không chỉ có cá Cam mà còn nhiều loại cá khác. Nhưng cơ bản, theo tôi, cá Cam không ở những khu vực rạn phức tạp; chúng thường ở loại rạn tròn hoặc san hô tròn. Cá Cam là con cá rất mạnh. Đó là lý do tại sao trên thị trường thế giới, đồ câu cá Amberjack thường rất to khỏe. Nhưng có một sự thật, các Video câu Amberjack của Úc, của Mỹ đều là các clip đã được cắt cúp, biên tập vì lý do thương mại. Họ thường dùng những bộ cần rất lớn, bắt cá trong trạng thái tận lực, trông rất “Pro”. Thực tế là cá Cam rất khỏe và câu cần lớn máy lớn thì tất nhiên bắt cá rất sướng. Nhưng bù lại, người câu cực và mệt vô cùng. Người Nhật thích nhàn hạ, thong dong, câu cá như múa kiếm nên họ đã áp dụng môn Slow Jigging. Và thú thật, từ khi nhập môn này, việc câu cá của tôi trở nên khác hoàn toàn. Tôi thư thái hơn, bớt mệt hơn, và quan trọng là còn đủ sức để nghĩ “mưu” đấu với cá.
Trở lại, với tôi, câu cá Cam lớn không khó vì tôi luôn tìm cách để hiểu cá, hiểu điểm câu hoặc có thể tôi chưa chạm được tới những con cá Cam thật sự lớn. Tôi luôn tìm cách biết rạn cao bao nhiêu mét; cá đang ở mặt trước hay mặt sau, bên phải hay bên trái rạn. Và với kiểu thả trôi tàu thế này thì con Jig size nặng bao nhiêu… từ đó phân bổ chiến thuật Jig phù hợp, dồn hết tâm sức vào vị trí phù hợp. Bạn không nên Jig tù mù hoặc theo một công thức rập khuôn nào đó. Có khi bạn thu dây 30 vòng nhưng có lúc chỉ cần 10-15 vòng thu. Và không hiếm trường hợp Jig vừa chạm đáy là cá táp mồi. Có những lúc tôi thu dây 5 vòng thì cá ăn. Tôi đoán là con cá đang đúng đà bơi và con Jig của tôi vừa mới lên, nó phát hiện ra, đúng tầm nên nó ăn; còn nếu không đúng tầm thì nó sẽ từ bỏ. Không phải con cá nào cũng thấy mồi là theo. Trong cuộc sống của nó, ở mức nước sâu, nước luôn chảy rất mạnh. Nếu nó nhấc mình lên thì nó sẽ phải bơi theo dòng nước ngay. Lúc đó, nó sẽ khó quay đầu ngược dòng nên không thể ăn mồi được. Chính vì vậy, chiến thuật cũng phải luôn thay đổi, lúc thì Jig cao, lúc thì Jig thấp, không nên trung thành với một lối nào cả. Sắp xếp lưỡi câu cũng vậy. Nếu đến chỗ rạn “ghê” như lời thuyền trưởng cảnh báo, tôi cũng tùy nghi mà sắp xếp lưỡi cho Jig. Đánh lưỡi đơn hay đôi, cột cả hai đầu hay chỉ trên hoặc dưới là tùy vào thời điểm ở điểm câu cụ thể đó. Bằng sự cảm nhận, tôi có thể phát hiện thời điểm Jig chạm đáy để xử lý ngay, nếu không lưỡi vướng rạn thì có nguy cơ mất mồi. Trong câu cá, mất Jig là chuyện bình thường. Nhưng nếu bạn dùng jig “xịn” mắc tiền, mất đến con thứ tư là sẽ bắt đầu nhát tay. Mà nhát tay thì sẽ câu kém hiệu quả vì cảm xúc nó đã chi phối tâm trí bạn. Bạn sẽ luôn thấy “run”, cái gì cũng làm bạn nghĩ là đang bị vướng, rối...
Làm thế nào để hạn chế việc mất cá?
Dính cá nếu có sẩy thì cũng sẽ được chứ không phải mất. Được ở đây là được kinh nghiệm. Sẩy lần 1, lần 2, lần 3, nếu ta đem ra mổ xẻ vấn đề, hiểu rõ tại sao sẩy cá thì đến lần dính cá thứ tư, chắc chắn là bắt được Tất nhiên bắt cá lớn thì khó rồi, chúng vừa hiếm lại vừa khỏe, kỳ vọng của người câu lại quá lớn nên rất căng thẳng dẫn đến sai sót trong chiến thuật hoặc thao tác. Nhưng tôi nghĩ, bắt cá Cam 15-20 kgs không có gì quá phức tạp.
Trước tiên, ngay khi ra cần, bạn luôn phải lắng nghe thuyền trưởng. Dù bạn có thâm niên đi câu biển đến mức nào, đã từng bắt cá lớn đến cỡ nào thì cũng vẫn nên nghe họ. Điểm cá dày, cá ít, cá lớn cá nhỏ... tất tần tật. Nhiều người sốt ruột, muốn can thiệp cả vào cách neo tàu của thuyền trưởng. Nhưng theo tôi là không nên. Neo, thả trôi… phụ thuộc vào kinh nghiệm của họ từ khi họ mới vào nghề. Vì hơn ai hết, họ hiểu dòng chảy. Họ muốn làm theo ý bạn lắm nhưng rất khó vì họ chịu trách nhiệm về sự an toàn cho cả một con tàu, cho mọi người. Chúng ta chỉ nên chia sẻ mong muốn của mình, điều kiện thuận lợi họ sẽ thực hiện. Việc phải làm của mình là xử lý đồ nghề của mình mà thôi.
Sẩy cá, cơ bản đến từ dây câu. Câu Cam Phú Yên, tôi thường đánh dây PE từ 4-8 và không cần đến dây số 12. Vì dây bây giờ rất tốt, rất chắc. Bạn để ý xem, it ai bị nổ dây PE mà chỉ bị nổ dây Leader và nổ ở vị trí cột với khoen Solid. Với tôi, cá mà đã vào trong rạn thì dây 80lb hay 100lb là như nhau. Vì khi mọi người kéo nó ra thì dây Leader sẽ bị đứt, không chịu nổi. Dây PE bị nổ có thể rơi vào trường hợp bạn dùng dây giá rẻ của hãng không tên tuổi. Vì sao tôi nói vậy? Khi ta dùng dòng dây PE chuyên biệt của hãng lớn (hãng lớn có nhiều loại dây, nhưng nếu bạn câu Big Game thì chọn dòng dây phục vụ cho Big game, tôi gọi là dây chuyên biệt), ngay khi họ tạo sợi, bện dây thì độ đều, độ chắc khỏe đồng nhất từ mét đầu tiên đến mét cuối cùng trong cuộn. Không có chỗ nào yếu hơn hoặc khỏe hơn. Khi bạn bắt cá lớn, lực trải đều ra. Với các hãng không chuyên biệt, họ vẫn làm theo công nghệ của Nhật đó, cũng sợi PE tốt đó, nhưng trong quá trình sản xuất, máy móc vật liệu chưa chuẩn hoặc không chuẩn bằng các hãng lớn nên có chỗ lớn, chỗ nhỏ. Những điểm này làm cho dây yếu và yếu ở những điễm này. Câu một, hai lần, khi cá kéo, thì điểm yếu này sẽ bị nổ bất thình lình, sẩy cá. Quan điểm của tôi là, đã đi câu Phú Yên hoặc bất kỳ đâu mà muốn bắt cá lớn, thì không nên tiếc tiền dây. Một năm bạn đi một vài chuyến là cùng, và một lần đi là một lần khó.
Quan điểm của người viết về cần câu Slow Jig cụ thể là cần Slow Jig câu cá Cam lớn Phú Yên
Vì có điều kiện tiếp cận với nhiều dòng cần Jig của nhiều hãng chuyên biệt của Nhật, cộng với thú vui thích nghiên cứu đồ câu, nên tôi thường chọn cần đúng như ý mình muốn. Tại sao tôi lại nhấn mạnh điều này. Nhiều bạn bè tôi thường hay mua cần vì ai đó gợi ý, hoặc xem quảng cáo câu cá khủng ở đâu đó trên mạng. Nên khi câu thường hên – xui. Theo tôi, cần câu cũng như cây đàn, nó phải hợp với người chơi. Chiều cao, độ nhẹ, mực nước, dòng chảy, chiếc ghe, thuyền trưởng, con cá muốn bắt... tất cả những yếu tố này chi phối việc chọn cần của tôi.
Tôi rất thích dòng cần Deepliner, thương hiệu cần của Nhật Bản. Nếu bạn lên các diễn đàn uy tín về Jigging của thế giới, thì Deepliner là một trong những thương hiệu Slow Jigging được yêu thích nhất.
Trước đây tôi dùng Model Deepliner Logical 60, tức 6 feet, dài 1.83m; tôi đánh đã thấy rất hay rồi. Sau một thời gian, tôi thử đánh dòng Deepliner Logical 55, ngắn hơn, 5,5 feet thì thấy ồ, đây chính là sự tìm kiếm của mình bấy lâu nay. Deepliner Logical 55 là dòng cần được thiết kế cho dòng chảy nhanh, phức tạp và cực kỳ phù hợp với kiểu ghe câu ở Việt Nam – đa phần là tàu đánh cá của ngư dân cải biến thành tàu đi câu, nên độ thả trôi chưa chuẩn. Tôi không so sánh Deepliner Logical 55 với các hãng khác, vì mỗi người có sự cảm nhận và yêu thích riêng. Tôi chỉ so sánh nó với Model Logical 60, cũng của Deepliner để nói rõ việc chọn cần - Chỉ dài hơn hay ngắn hơn là nó đã khác. Cây cần phải phục vụ bạn ở nơi mà bạn đến. Ở Phú Yên, Cây Deepliner Logical 55 – ngắn hơn cây 60 - giúp xuống mồi nhanh hơn, khả năng bắt cá tương tự cây 60 nhưng khi tàu câu dời điểm thì thu dây, thu Jig nhàn hạ hơn rất nhiều, tiết kiệm 20-25% sức. Cây Deepliner Logical 55 yêu thích của tôi là cây số 7. Cây này đã hỗ trợ tôi nhiều lần trong những đợt câu Mú, Cam, Thu Ngàng lớn.
Có thể bạn đọc sẽ thấy những chia sẻ này của tôi đều thiên về đồ nghề câu Slow Jig
Đúng vậy, vì đây là môn câu tôi thấy phù hợp nhất với mình. Tôi đã có rất nhiều bài viết về vấn đề này đã đăng trên VietnamFishingReview. Trong bài này, tôi muốn nói đến những vấn đề cụ thể mà nhiều người trong chúng tôi gặp phải. Theo quan điểm thiết kế ban đầu của các nhà sản xuất cần câu Slow thì dòng cần này chỉ có một nhiệm vụ là làm thế nào để điều khiển con jig một cách trung thực nhất, đúng ý muốn của nhà sản xuất nhất. Nghĩa là, khi chế tác mồi jig, đối với con mồi này sẽ có action kiểu này, con kia có action kiểu kia. Nếu bạn dùng cần Slow Xịn và Chuẩn thì nó giúp cho việc điều khiển mồi Jig thực hiện action một cách trung thực nhất, gần với mong muốn của nhà thiết kế nhất. Xin nhắc lại, cần Slow càng chuẩn thì mồi càng làm đúng, càng kích thích được cá. Bạn nên nhớ, mỗi con mồi Jig được nghiên cứu nghiêm túc từ 3-5 năm.
Điều khó chịu là vì vách cần rất mỏng, nên cần Slow cũng gặp không ít rắc rối nếu gặp phải những tay câu cảm xúc (nghĩa là cao hứng quá, sai kỹ thuật thì gây nguy hiểm cho cần). Tôi còn nhớ lần đầu Ông Hagishimura, chủ tịch Hãng DEEPLINER đến thăm Saigon Tackle khi đồng ý cho Saigon Tackle làm nhà phân phối cần Jig của hãng tại Việt Nam. Ông ta cứ hỏi đi hỏi lại về câu thủ VN nói chung và dặn, nếu thấy họ còn mơ hồ quá thì hãy khuyên họ nên chọn cần khác nhé (ý là đừng bán cần Deepliner cho họ). Lo lắng của vị này không phải là không có lý do. Nhiều trường hợp dở khóc dở cười đã xảy ra, với nhiều thương hiệu cần chứ không riêng hãng nào. Khách hàng đến xem cần, được tư vấn cẩn thận, và khi họ chọn, cần được kiểm tra kỹ càng từ khoen đến thân cần sao cho đảm bảo không có vết cấn, vết trầy xước trên cần. Nhưng khi đi câu, ngay chuyến đầu, có những trường hợp gãy cần bất thình lình. Người câu tức giận, giận nhà sản xuất đã đành và giận lan qua người bán. Tất cả đều khổ sở.
Rất khó biết nguyên nhân chính gây ra việc bung khoen, gãy cần câu Slow Jig nếu căn cứ theo lời thuật lại của người mua là “họ không làm gì cả, chỉ tự nhiên gãy, …”. Nhưng ngoài yếu tố lỗi đến từ kết cấu vật liệu trong chế tác, những nguyên nhân khác có thể rơi vào các tình huống được mô tả sau đây; Quí bạn đọc nên để ý để tránh gặp phải những trường hợp khó khăn này. Đó là: vách cần bị cấn trong lúc xếp cần vào ống cần cùng những cây cần khác; Cấn khi cắm cần vào khe gài cần ở ghe câu mà không biết; Trong lúc câu, sóng đánh ghe chập chềnh, bạn câu ngã/té chạm vào cần mà không nói; Khi câu lên, lưỡi của con Jig kéo lên cà vào vách cần; Cần của bạn đã được cài khoen vào cẩn thận, nhưng nó bung ra, bạn câu đi tới thấy vậy cài lại, và không để ý, cài vào......Đó chỉ là những lý do trong muôn vàn lý do không tên khác.
Kinh nghiệm của tôi. Mỗi nhóm câu nên có một trưởng đoàn. Tôi thường là trưởng đoàn nếu tôi cùng đi với bạn bè, khách hàng. Khi ra cần, tôi ra cho từng người một, dứt điểm xong một người rồi mới đến người thứ hai. Tôi luôn hỏi họ câu cần nào trước thì để ở dưới còn lại là gác lên giá để cần. Gác bộ cần có đủ máy đã quấn dây đầy, cài khoen sẳn, nhưng không gắn Jig và lưỡi trước rồi móc vào chân khoen. Gắn sẵn thì trông “Pro” nhưng lại có thể gây rủi ro cho cần câu. Vì sóng biền lớn, tàu lắc mạnh, cần Slow thì mảnh, nếu để thẳng (không treo Jig nặng vào thì đọt cần luôn thẳng) sẽ không bị ảnh hưởng; còn nếu bạn treo Jig vào, khoen có thể bị hư hại, lưỡi câu có thể đâm vào thân cần làm ảnh hưởng đến lớp sơn chống trầy, thậm chí nguy hại cho carbon.
Quan điểm về đồ câu jig cá Cam lớn Phú Yên
Tôi đơn thuần chỉ là một người yêu thích câu cá và yêu thích công nghệ chế tác đồ câu của Nhật Bản. Bạn đọc của tôi đều là những cao thủ, những cao nhân trong làng câu cá lớn nên tôi chỉ bày tỏ những suy nghĩ này trên bình diện cá nhân.
Về cần câu slow Jig cá Cam lớn
Như đã nói ở trên, tôi rất thích cần Logical 55 #7 của hãng Deepliner. Không chỉ tôi, trên các review của các tay câu Jig thượng thừa trên thế giới, Top cần Slow Pitch Jerk được ưa chuộng và yêu thích nhất là Deepliner. Câu thủ Mỹ to khỏe như thế, họ thừa sức đánh được một cây cần rất to rất khỏe, nhưng tại sao họ vẫn thích dòng cần nhỏ bé này? Lý do là họ cũng như tôi, đánh rồi thì bị “nghiện”. Tôi thích độ cân bằng (balance) thật tốt của nó; độ nhẹ tuyệt vời của nó; khả năng điều Jig cực kỳ nhẹ nhàng, tinh tế ngay cả với những con Jig rất nặng đến 600gam. Tôi đã từng lấy một cây cần cùng thông số với Logical 55#7 của hãng khác, gắn cùng loại máy, dây, mồi… với Logical 55#7 và đánh thử, 5-10-15 phút; rồi quay lại đánh bộ Logical 55 thì thấy khác hẳn, khác hẳn luôn.
Dòng cần thứ hai mà tôi yêu thích nữa là của hãng Takemitechnos Nhật bản. Bài sau tôi sẽ chia sẽ chi tiết mối lương duyên và cảm nhận của tôi về dòng cần này.
Về máy câu cá Cam lớn
Quan điểm của tôi là máy ngang lớn, không dùng máy nhỏ. Các loại tương tự như SOM 50-80 Ocea Jigger 1500, 2000; chỉ thích hợp với mực nước sâu 40-100m. Dù ở Phú Yên độ sâu TB chỉ khoảng 150m, các dòng máy nhỏ vẫn chứa đủ dây, bộ hãm vẫn tốt, nhưng có lý do để dùng máy lớn.
Tôi dùng SOM 120 và Ocean Freaks Capcha 60HG. Với tôi, hai dòng máy này chứa đủ dây như tôi mong muốn; đủ khỏe, đủ bền như tôi mong muốn. Và đây là lý do mà tôi không dùng máy nhỏ: Về nguyên lý, nếu ta câu mực nước 180m thì dây cần có phải gấp 3 lần. Đây là tỉ lệ vàng. Đừng nghĩ chỗ câu này 150m thì ta chỉ cần 200m – 300m dây là đủ. Không có con cá Cam nào chạy được quá 50m cả. Nhưng nếu ống chứa dây quá nhỏ thì sẽ bị gắt dây, gắt bộ hãm dẫn đến dây nổ, chứ không phải con cá nó quá khỏe. Phải lưu ý dây phải luôn đầy, giúp cho việc ra dây nhanh và êm. Thêm vào đó, lý do mà ổ chứa dây phải luôn đầy vì trong quá trình câu, nếu con cá Nóc cắn ở mét thứ 130, thì ta vẫn còn 300m để câu. Nếu ta chỉ có 300m trong ống dây, con cá cắn ở mét 130, chỉ còn 170m thì làm sao mà câu cho được. Vì nếu ra đến chỗ sâu 150m, dây trôi xéo ra, mồi jig chưa chạm đáy thì câu cái gì? Xin nhắc lại, làm gì thì làm, phải tuân theo tỉ lệ: chiều sâu của chỗ câu biển bằng 1/3 công suất chứa dây của máy. Do đó, tôi dùng SOM 120 và Capcha 60 vì chúng chứa đủ 500m dây PE6 hoặc 600m dây PE5, là hai size dây tôi ưa thích nhất. Khi dây tuôn ra, nó đủ độ êm để hạn chế không bị nổ dây và đủ độ nhanh để thu được 1m/ vòng.
Mồi Slow Jig
Tôi luôn có sẵn trong túi từ 250-600 gam và nhiều loại, chọn màu theo ý thích. Khi cá không ăn thì tôi đổi mồi. Quan trọng nhất là phải hiểu con mồi Jig; Con này cho nước chảy nhanh hay nước chảy chậm? Con mồi này đánh cá Cam hay, hay dành cho cá Mú? Phải biết, vì hãng họ nghiên cứu ra mồi cho từng chủng loại cá, từng loại nước và có khuyến nghị rõ ràng trong phần mô tả thông số kỹ thuật. Do đó, nếu ai hỏi, tôi đều tư vấn đầy đủ. Nhân viên bán hàng nếu không có chuyên môn, cũng phải học thuộc lòng những hướng dẫn của nhà sản xuất. Có rất nhiều mồi Jig trên thị trường, hàng chính hãng có, hàng copy kiểu dáng có, hàng nhái thương hiệu có. Câu thủ hiện đang tùy nghi chọn lựa và thỏa mãn với sự lựa chọn của họ, vì nó phù hợp với điều kiện của từng người.
Mồi Slow Jig Spy V của Deepliner nhìn có vẻ đơn giản và dễ copy nhưng... |
Mồi Slow Jig của Seaflorr-Control đấy, hãy copy thử đi |
Mồi Slow Jig của Current nhìn vậy thôi chứ copy là biết liền |
Tôi không đánh giá về điều này, chỉ muốn lưu ý rằng: Ở những hãng sản xuất chuyên nghiệp, trung bình một con mồi được đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm từ 3-5 năm. Trong thời gian này, chúng được các Tester đem đến nhiều ngư trường khác nhau trong định hướng mục tiêu của mồi (định hướng về dòng chảy, về thời tiết, về chủng loại cá) và điều chỉnh tối ưu nhất có thể cho đến khi sản xuất hàng loạt, tung ra thị trường. Một con mồi Jig của họ, không đơn thuần như ta thấy là một thanh chì, mà trong đó có bao nhiêu chì? Bao nhiêu kẽm? Bao nhiêu Vonfram? Tỉ lệ giữa chúng thế nào? Thanh thép đặt vào con mồi có tỉ lệ 3:7; 4:6 hay là 2:8... (ví dụ như vậy) thì mới ra được action đó. Chứ không phải như các tay làm Jig nhái, tạo một cái khuôn rồi khéo tay đổ chỉ đúc Jig sơn màu, rồi chụp hình Post lên “đã có Jig rồi, y như con này... đi câu thôi” hoặc viết Status đại loại như “mồi 150K vẫn bắt được cá lớn, sao phải dùng Jig “Hịn””...Người mua, dù lý trí, văn minh đến mấy, cũng có lúc bị cuốn theo những thông tin này. Mua hàng về và câu lần thứ nhất thấy, ồ cá cũng ăn, nhưng đến lần thứ hai, thứ ba không thấy gì cả. Thấy người bạn câu kế bên dùng mồi “Xịn”, Jig của anh ta đã tới đáy rồi mà Jig của mình đang trôi lơ lửng ở chỗ nào. Hoặc thấy nó xuống rồi mà sao không dính cá? Thật ra, chỉ là có cảm giác là mồi xuống, nhưng lại không xuống được nơi mình muốn, vì sai thiết kế, sai kết cấu. Tôi chỉ nói vài ví dụ vui vui và chia sẻ rằng, chúng ta là những người câu cá văn minh nên quyết không vì một phút yếu lòng mà tiếp tay cho người làm việc không đúng. Mua hàng chính hãng là để chuyến câu rất công phu của ta thành công hơn, để chứng tỏ với chính ta rằng ta là người biết tôn trọng tài trí, công sức, tiền bạc của các nhà nghiên cứu, các nhà sản xuất. Ta cũng là người kinh doanh, dù đi làm thì cũng là kinh doanh – bán sức lao động thu tiền- ta hãy đặt ta vào địa vị của họ, để thấu hiểu và để tiếp sức cho lối sống văn minh trong cộng đồng.
Những mồi Jig tâm đắc và tại sao?
Tôi câu nhiều loại, của nhiều hãng và rút ra được một điều. Hiểu được mồi mình câu thì câu hiệu quả và nhàn hơn hẳn. Tôi có thể vừa câu vừa tận hưởng được sự tinh ý trong ý đồ thiết kế của nhà sản xuất – đó cũng là niềm vui lớn của tôi. Ví dụ như dòng mồi Spy của hãng Deepliner. Spy có nhiều dòng mồi nhưng tôi chỉ tập trung vào loại Spy, Spy V, Spy C và Spy N. Nếu như con Spy là con Jig chuyên dùng để “quậy phá”, vừa câu fast được vừa câu Slow được, thì Spy V là con mồi trung tính, dễ câu nhất, câu trong điều kiện nước chảy vừa. Và Spy C cho nước chảy nhanh; Con Spy N đánh nước thủy triều êm một chút. Tương tự vậy. Vì hiểu mồi nên tôi có chiến thuật đánh rõ ràng. Sáng sớm hay chiều muộn, tôi đánh Spy vì con này hay nhất vào những thời điểm này. Con Spy hỗn nên chỉ đem đi chọc giận, khi cá ăn rồi thì không đánh Spy nữa mà chuyển sang đánh mồi khác tùy lúc đó (Spy hỗn quá đánh nữa thì sợ cá nhát). Trong mấy con này, con Spy đánh cá Cam siêu hay vì độ lướt nhanh, cá cam rất thích mồi lướt nhanh. Các bạn nên bắt đầu để ý đến mồi Jig của mình, tin tôi đi, cuộc chơi sẽ thú vị lắm!.
Mỗi một con mồi Slow Jig đều có linh hồn riêng và được truyền từ người sáng tạo ra nó |
Lưỡi câu Slow Jig
Có quá nhiều loại lưỡi câu, và tất nhiên, đã là lưỡi câu thì lưỡi nào cũng câu Jig được, câu Slow Jig được. Nhưng câu hiệu quả hơn thì cần phải có “bài” chứ không dùng “tù mù”. (cười).
Lưỡi câu Slow Jig nổi tiếng của hãng Gamakatsu, Nhật Bản |
Nếu bạn để ý, thì ở mỗi gói lưỡi, nhà sản xuất thường thông tin, đại loại như: Lưỡi Slow Jig; lưỡi cho Slow Power Pitch. Tất cả là có lý do hết. Vì mỗi loại lưỡi đều được thiết kế góc chết và độ đóng cá khác nhau, khác hoàn toàn. Một lưỡi câu, hay lưỡi câu Jig bình thường, khi con cá ăn, ta phải đóng thì nó mới vượt qua được cái ngạnh để mà giữ cá. Nhưng lưỡi Slow Jig thì phải khác. Vì cần câu thì dịu mà đóng mạnh quá có thể bị gãy đầu cần hoặc gãy cần. Khi đó, người câu bực mình, người bán khổ sở, nhà sản xuất hết hơi giải trình. Để khắc phục tình trạng đó, họ đã nghiên cứu, làm ra lưỡi câu Slow, có đặc tính độc đáo: Khi cá táp là nó tự đóng cá, người câu không phải làm. Họ thiết kế theo tỉ lệ 3:7; 4:6 nên nó rất đặc biệt. Độ nghiêng ở mức nào để con cá càng giẫy thì càng bị xuyên thấu vào trong, càng khó sẩy. Và lưỡi Slow Jig thường không gắn lông, vì gắn lông là làm mất đi độ tự nhiên của mồi, độ tự nhiên của Jig. Lưu ý. Nếu đã đánh Slow, đặc biệt là cần dịu, thì nên chọn lưỡi Slow. Lưỡi Slow có nhiều loại, Supper Light, Medium Light, Heavy, Extra Heavy, tùy từng loại cá, từng vùng nước, tùy cần, tùy dây mà chọn. Nhưng cơ bản ở Phú Yên thì nên đánh size 4/0 trở lên bằng lưỡi Pike của hãng Decoy. Lưỡi Owner rất tốt nhưng hơi yếu và hay bị bung chỉ. Lưỡi Pike Decoy mua về tự cột. Hoặc mua lưỡi Vertical Heavy của Gamakatsu, lưỡi Slow Power Pitch Xesta, lưỡi SFC Jam LS hay SFC Jam Heavy.. Tuy nhiên, cột kiểu gì thì lưỡi sau là 4cm thì lưỡi đầu là 4cm; lưỡi sau 6/0 thì lưỡi đầu 6/0. Nguyên lý câu Slow là đảm bảo độ cân bằng (balance) vì con Jig nó rớt ngang nên nếu gắn lưỡi to, lưỡi nhỏ trên đầu, nó làm lệch action của con Jig, làm giảm đi hiệu quả của jig. Đánh cần Slow thì khó có thể ngoác lưỡi. Vì cần rất dịu. Nếu ngoác, có thể là do bạn đánh sai, chẳng hạn như gặp cá lớn mà đánh lưỡi nhỏ. Đánh cá Cam thì nên đánh lưỡi lớn một chút. Muốn đánh cá gì thì phải chọn đúng size lưỡi, đúng chủng loại lưỡi. Phú Yên có cá Cam, cá Mú rất lớn, 50-70kg là có, nên hãy chọn lưỡi chuyên dụng.
Khoen
Rất nhiều trường hợp dùng khoen solid và đều bị nổ dây đúng chỗ đó. Nếu đã câu Big Game thì bắt buộc phải dùng khoen xoay. Và nên chọn khoen theo lưỡi, với lưỡi này thì đi khoen số mấy, và sự khác biệt của từng loại khoen... người bán sẽ tư vấn cho bạn.
Ngoài câu Jig, có thể dùng kiểu câu nào câu cá Cam Lớn hiệu quả?
Ngoài Jigging, câu thủ có thể chọn câu đáy mồi sống. Và đây là một kiểu câu trí tuệ và hay không kém gì Jigging. Tôi sẽ có bài viết chia sẻ về vấn đề này. Câu ở Côn Đảo, người ta có thể dùng cần Jig cứng một chút để câu đáy nhưng ở Phú Yên thì không thể làm được điều này vì độ sâu và dòng chảy khác hoàn toàn. Tôi sẽ có hai bài viết dành cho câu đáy ở Phú Yên và Nha Trang, câu bằng máy thường và máy điện. Mời bạn đón đọc trong các số tới.
Những kinh nghiệm khác
Cho dù là câu Jig hay câu mồi sống, câu máy ngang, máy đứng hay máy điện thì nên dùng đúng với ngân sách của mình, đừng quá cố gắng vì cố mà khi câu về không hiệu quả thì nó đem lại nhiều điều buồn hơn vui. Chơi là phải vui.
Về thuyền trưởng
Nên chọn cho mình một ghe ruột – thuyền trưởng ruột để đi cùng. Vì đi nhiều lần, thuyền trưởng sẽ hiểu trình độ câu cá của mình, hiểu đồ câu của mình và bạn câu sẽ có hiệu quả hơn. Ở Nhật cũng vậy, rất nhiều tay câu nổi tiếng, đầy mình kinh nghiệm, đồ nghề “khủng” nhưng đi với thuyền trưởng lạ cũng bị thất bại như thường. Chọn thuyền trưởng là chọn người hiểu mình, thương mình và lo cho thành bại của mình như của họ. Tôi cũng vậy, trước đây khi đi câu ở Côn Đảo tôi thường xuyên đi với thuyền trưởng Khánh và thuyền trưởng Cò. Còn từ khi chuyển sang câu chính ở Phú Yên, tôi chỉ đi với thuyền trưởng Bốn (Phí Quý). Với tôi, trước hết anh thực sự là một người “ hiểu mình và thương mình” thật sự.
“Xin cảm ơn quí đọc giả đã dành thời gian đọc bài viết này. Như tôi đã nói, tôi chỉ là một người mê câu và mê nghiên cứu đồ câu. Chính vì mê câu nên tôi hay để ý để tận hưởng, và rút ra được cho mình những nguyên tắc chung. Nay tôi đem một phần hiểu biết này chia sẻ với các bạn. Có thể một số bạn chưa thấy điều tôi nói là hợp lý, nhưng nếu trong cuộc chơi của mình, một lúc nào đó bạn thất bại, thì hãy tham khảo những thông tin này của tôi. Tôi chắc chắn là nó sẽ hữu ích với bạn, không ít thì nhiều. Một lần nữa – rất trân trọng và biết ơn”.
Hoàng Quốc Trí
VFR
VietnamFishingReview