Dây câu - biết mấy cho vừa! (Phần 3)

Apr 14, 2017 12:09:18

Có thể tàng hình dây câu?
Chúng ta thường có xu hướng mua dây theo ước vọng. Ta ước có loại dây nào mà con cá không thể nhìn thấy, giúp ta quăng mồi đi thật xa, có sức kéo đáng nể, có độ co dãn được kiểm soát  và khó bị hủy hoại bởi cỏ đá lau sậy… Danh mục này còn dài hơn nữa theo từng cá nhân. Với những mong muốn cơ bản đó, có một loại dây đáp ứng  được hấu hết, đó chính là Fluorocarbon.

Mối liên kết bền vững giữa hai nguyên tử carbon và Fluorin trong thành phần đã làm cho dây Fluoro Carbon có những phẩm chất đáng nể - vô cùng chắc khỏe, chịu được va đập ở cường độ cao, chống chịu được tia UV, cùng xăng, axid acqui  và gần như “tàng hình” trong nước.

Người Nhật đã phát hiện ra những phẩm chất này của Fuoro Carbon và dùng nó làm dây ngọn sử dụng trong câu mồi giả, một kỹ thuật chú trọng đến sự tự nhiên, sống động trong cách trình diễn của con mồi. Với tỷ trọng 1.6 - nghĩa là nặng hơn nước - Fluoro Carbon chìm rất nhanh, nhanh hơn dây monofilament đến 3 lần, nên con mồi cũng lặn sâu và nhanh hơn . Không thấm nước nên nó không bị yếu đi hoặc dãn ra. Dây cũng ít bị tổn thương khi bị chà xát hoặc va đập vào các chướng ngại vật, trấn an được câu thủ khi họ câu ở các địa hình như cầu cảng, bãi đá ngầm, bến tàu hay những nơi nhiều lau sậy rậm rạp. Nếu câu khơi ở các vùng rạn san hô, dây Fluorocarbon chùng, võng  xuống vắt qua đá rạn, san hô - hoặc khi câu những con cá có hàm sắc như Thu, Nhồng -  thì dây cũng ít bị tưa, đứt…

Dây Fluoro Carbon vô cùng chắc khỏe, chịu được va đập ở cường độ cao,
chống chịu được tia UV, cùng xăng, axid acqui  và gần như “tàng hình” trong nước

Sở dĩ câu thủ Nhật bản ít dùng dây Fluorocarbon làm dây trục vì muốn né tránh những đặc tính có thể gây khó khăn cho họ như  tính trơ, cứng không mềm mại,  muốn cột nút thắt cũng khó cột chặt. Khi dây ướt, tính trơ cứng này cũng không mất đi nên việc quăng mồi sẽ gặp trở ngại. Bên cạnh đó, yếu tố cân bằng trong toàn hệ thống cũng được cân nhắc: nếu dùng dây trục Fluorocarbon đường kính lớn với cần câu nhẹ và mảnh khảnh, máy và mồi nhỏ thì sẽ gặp nhiều khó khăn. Máy câu baitcasting (máy ngang) luôn được yêu cầu điều chỉnh để phù hợp với dây fluorocarbon lớn…

Nói tóm lại, hầu hết dây câu ngày nay đều được làm từ nylon monofilament mặc dù dây co-monofilament và dây bện (braid PE) hết sức phổ biến. Dây monofilament nổi, điều này có nghĩa là nếu bạn câu mồi lure chìm, mồi sẽ luôn được giữ ở trên cao trong nước. Dây mono cũng hút nước, đặc điểm này không nên có trong dây câu. So với dây Fluorocarbon, nó có giá thành tốt hơn rất nhiều và đó là một trong những lý do chính giúp dây phổ biến. Riêng với dây Fluorocarbon, ngoại trừ yếu tố “Tàng hình” giúp nó luôn gây được sự chú ý, thì những đặc tính như trơ, cứng khiến dây không mềm mại, khó cột nút thắt cũng gây trở ngại ít nhiều. Để tận dụng hết các ưu điểm, hạn chế nhược điểm của Fluorocarbon, nhiều lời khuyển rằng chỉ dùng dây Fluorocarbon làm dây ngọn (leader). Thực tế, các hãng dây lớn như Varivas chủ yếu sản xuất dây ngọn bằng chất liệu Fluorocarbon.

Người Nhật đã phát hiện ra những phẩm chất này của Fuoro Carbon dùng nó làm dây ngọn

Khi mua dây, đừng để giá cả là yếu tố quyết định. Giá của dây và những gì chúng  có thể làm hoặc không thể làm không liên quan gì đến nhau. Hãy chọn dây của những hãng có thương hiệu và uy tín để đảm bảo chúng có chất lượng ổn định và dùng bền theo thời gian.

Dây Copolymer
Giữa năm 1980, dây câu Copolymer đã được giới thiệu chiếm một không gian thú vị trong thế giới câu cá. Thoạt nhìn, giữa copolymer và monofilament tiêu chuẩn không có gì khác biệt, cấu tạo của chúng cũng tương tự nhau – chỉ là một sợi nylon dài làm dây câu cá – nhưng do được pha trộn giữa nhiều nylon polymer khác nhau, cùng với việc tinh chỉnh trong quá trình chế tác nên về cơ bản, Copolymer được cho là hữu ích hơn nhiều so với dây mono ở các đặc điểm: có đường kính nhỏ hơn, chịu mài mòn tốt hơn, ít giãn hơn, độ bền và khả năng chịu va đập cao hơn, khả năng chống sốc lớn hơn…

Copolymer so với dây monofilament
Một trong những ưu thế của Copolymer so với dây mono là sức mạnh. Điều này cho phép nó được chế tác mảnh hơn so với dây mono trong cùng một lực tải. Những ai không thích dùng dây bện để câu mồi giả có thể sử dụng Copolymer thay thế, nhất là trong kỹ thuật câu Crankbait bắt cá lớn. Mặc dù mạnh hơn hầu hết các loại dây monofilament nhưng chúng vẫn đảm trách tuyệt vời được những nhiệm vụ vốn là thế mạnh của dây mono như độ bền và có độ dãn nở phù hợp nhằm chống lại việc đứt dây khi gặp cá lớn. 

Dây Copolymer cứng hơn dây mono tí chút nên nó nhạy hơn, phát hiện ra được những cú chạm mồi rất khẽ. Copolymer cũng ít bị vướng hơn nên người câu cũng ít mất thời gian hơn.

Dây copolymer có một chỉ số khúc xạ khá tương tự với nước, giúp chúng ngụy trang tốt trong tầm nhìn của cá. Dây Copolymer là dây chìm trong khi dây monofilament có xu hướng nổi trên mặt nước, do đó nếu ai thích câu dây chìm thì nên chọn dây Copolymer.  Dây Copolymer cũng có khả năng chịu nước tốt hơn dây monofilament và sẽ không mất sức mạnh hoặc hấp thụ nước.

Copolymer so với dây Fluorocarbon: Mặc dù copolymer ít nhìn thấy được trong nước nhưng nếu so với Fluorocarbon thì không “tàng hình” bằng. Dây đắt tiền hơn dây mono nhưng vẫn rẻ hơn dây Fluorocarbon. Về độ bền, tuy được tạo ra từ nhiều sợi dây nylon monofilament, Copolymer vẫn không bền bằng dây Fluorocarbon.

Nhờ đặc tính chìm nhanh, mạnh và bền, dây Copolymer được ưa chuộng trong các kiểu câu Crankbait nước sâu, câu thẻo mồi chìm lửng, câu Jigging và câu đáy.  

ADMIX của YGK, một Copolymer kiểu mới

Dây câu Copolymer của hãng YGK - Nhật Bản


ADMIX là một dòng dây Copolymer có khả năng chống mài mòn cao của hãng YGK Nhật Bản. Hãng này đã rất thành công trong việc đưa chất liệu DMV Nylon vào sản xuất dây Copolymer, một chất liệu đặc biệt giúp dây có khả năng chịu mài mòn siêu cao, độ hiển thị của dây trong nước thấp mà không làm mất đi sức mạnh. Tất cả các thử nghiệm đều cho thấy: Độ mạnh và khả năng chống mài mòn của chất liệu DMV Nylon cao gấp 20 lần so với dây Mono Nylon thông thường. Không những thế, dây còn có một độ mềm mịn đáng kinh ngạc, một khả năng chống ma sát với khoen cần cao nên quăng rất xa và chính xác. Dây cũng có độ nhạy hoàn hảo, khả năng phản xạ với ánh sáng thấp nên khó bị phát hiện trong nước.

ADMIX có màu hồng huỳnh quang rất cá tính, hỗ trợ người câu rất nhiều trong việc phát hiện những động tĩnh từ đối thủ trong khoảng cách rất xa.

Chất liệu DMV Nylon của ADMIX hiện đang được đánh giá là một trong những phát kiến hoàn mỹ trong giới công nghệ chế tác dây câu cá.

Dây câu ADMIX của hãng YGK - Nhật Bản hiện được ưa chuộng hàng đầu trong kỹ thuật câu sử dụng dây Nylon làm dây trục.

(Còn tiếp)

Hoàng Quốc Trí
VietnamFishingReview

Bài viết liến quan:
Dây câu - biết mấy cho vừa! (Phần 2)