Kỹ thuật bắt cá Mú

Mar 18, 2017 08:40:48

Nếu hỏi “Ra biển bạn thích bắt được con cá nào nhất” thì đoan chắc mười trên mười thợ câu, không phân biệt màu da, quốc tịch đều nhắc đến tên cá Mú. 

Mú – con cá làm nên vinh quang cho người câu
Giữa năm 2011, chuyện bắt cá Mú khủng trên biển côn Đảo của tay câu HP làm dân nghiện câu xôn xao mấy tháng liền. Con cá nghe nói đến 70 kí, phải dòng hơn một giờ đồng hồ với sự hỗ trợ của cả một đội tàu. Đầu năm 2016 báo chí lại làm dân câu rạo rực khi đăng tin một ông chủ nhà hàng ở quận 7 mua được một con Mú nghệ khủng nặng 160 ki-lô-gam, dài 2m của mấy ngư dân bắt được trên biển Khánh Hòa. Nhìn con cá to lớn bị ướp đá nằm choán hết cả trang màn hình ai ai cũng đều khấp khởi: chuyện cá Mú to ở ngay trên đất mình, không phải đâu xa, không phải ở trong chương trình truyền hình của kênh Khám phá!

Con Mú nghệ khủng nặng 160 ki-lô-gam, dài 2m của mấy ngư dân bắt được trên biển Khánh Hòa

Cá Mú là một trong những loài phổ biến nhất trong đại dương. Chỉ riêng ở Mỹ đã có 60 loài với hơn 40 loài sống ở vịnh Florida. Ở Việt Nam, Cá Mú phân bố từ vịnh Bắc Bộ đến vịnh Thái Lan, tập trung nhiều ở ven biển miền Trung. Các vùng biển như Cát Bà – Hải Phòng và Côn Đảo - Vũng Tàu cũng không hiếm cá Mú lớn.

Mú có vị thịt rất ngon, bổ dưỡng, con lớn trưởng thành có khi đạt 250-310 ki-lo-gram. Mú có trọng lượng trên 600 kg cũng không phải hiếm. Khỏi phải nói, sức mạnh bạo tàn của nó luôn làm nên những cuộc chiến đáng giá. Thế nhưng, bắt được cá Mú không hề đơn giản, đòi hỏi người câu phải có kỹ năng, kinh nghiệm, sức khỏe và đồ nghề phù hợp. 

Cá Mú ăn tất tần tật các loài cá sống quanh rạn san hô; loài giáp xác như tôm, cua, mực; ăn thịt lẫn nhau khi ở giai đoạn cá con. Năm 2014, một ngư dân Florida Mỹ bắt được một con cá Mú, trong bụng chứa cả một con cá mập dài 4 feet (1.2m).

Cận cảnh cá Mú ăn thịt đồng loại

Ăn tạp và vô cùng ranh ma, những con Mú già nua to khỏe có thói quen nằm im trong các hốc, lỗ chờ đợi. Khi thấy có cơ hội, chúng lao ra hút chặt lấy con mồi rồi quay trở lại hang ổ, nhanh như chớp. Thỉnh thoảng chúng cũng đuổi theo mồi nhưng đa phần thích nằm rình hơn. Mú có khả năng ngụy trang, ẩn mình cực tốt bằng cách đổi màu, làm cho thân thể hòa vào môi trường. Điều này cũng khiến cho nó rất dễ mắc câu. Trong những lần hiếm hoi Mú ra ngoài săn mồi, cá nhỏ bị mắc câu của câu thủ chưa kịp kéo lên nhanh chóng trở thành mồi ngon của con Mú. Các cần câu cá rạn thường là nhỏ, với sức mạnh đó, làm sao có thể đương đầu! Người câu chỉ còn một lựa chọn: hoặc cắt dây phóng thích cá và mất ngủ nhiều ngày sau đó, hoặc bị lôi xềnh xệch như trẻ con quanh sàn tàu rồi đứt dây (nếu cần/máy may mắn không bị gãy, vỡ). Vì thế, đi biển, đã xác định câu cá Mú thì hãy luôn cầm trên tay loại đồ câu thật khỏe, không cần biết câu ở đâu và bắt cá bằng cách nào.

Dụng cụ câu Mú
Dụng cụ câu sẽ phụ thuộc vào size cá phổ biến tại điểm câu hoặc kiểu câu mà người câu muốn áp dụng. Giả dụ bạn muốn bắt cá tầm 24-25 kg trong điều kiện có nhiều rạn, đá ngầm thì không có dụng cụ câu nào được xem là quá hạng nặng. Dây braid rất hiệu quả vì nó không dãn và có chất lượng cao. Máy câu cũng phải rất mạnh, có bộ hãm tuyệt vời. Các câu thủ nước ngoài thường dùng cần máy ngang lớn (conventional reel) để bắt cá mú lớn, sử dụng trong các kiểu câu đáy, trolling ngoài khơi hoặc câu ven biển. Máy câu ngang lớn nằm trên cần câu chứ không nằm dưới như máy spinning, tăng thêm áp lực lên cần. Dây thu vào cũng cùng hướng với dây ra, tạo cho người câu thêm lực để quay kéo cá lớn.

Nơi con cá Mú rình mồi

Đồ câu Spinning hạng nặng cũng thường được sử dụng vì dễ câu. Họ dùng loại có thể chứa dây trục 80-100lb và có bộ hãm khỏe, có tốc độ chậm để có thêm lực. Tuy nhiên, như đã nói, dụng cụ câu phụ thuộc vào kỹ thuật câu mà người dùng sử dụng. Ví dụ câu đáy - phương pháp phổ biến nhất trong cộng đồng câu biển Việt Nam – thì một bộ cần/máy tải dây Monofilament khoảng 50 pound (lb) là có thể xử lý gần như tất cả các loại Mú gặp phải. Cần dài khoảng 7 feet (2,13m). Dây braid thì nên có lực tải khoảng 65lb kết hợp dây ngọn 50-80lb. Dây ngọn chọn loại mono leader cho dễ cột lưỡi nhưng dây Fluorocarbon Leader thì ít sờn, khó bị cắt khi gặp rạn, đá. 

Phương pháp câu cá Mú
Cá Mú là niềm mơ ước chinh phục của mọi câu thủ trên trái đất này, vì thế, nhiều kỹ thuật câu cũng được sáng tạo ra. Có bốn cách câu Mú phổ biến đó là câu đáy, câu thẻo mồi sống, câu mồi giả (jig hoặc Jerkbait) và câu Trolling chậm.

Trước tiên hãy nói về phương pháp câu đáy
Thức ăn thường ngày của cá Mú là các loại cá rạn và mực. Cho dù có nhiều loại mồi giả thịnh hành trên thị trường nhưng với nhiều câu thủ, món mồi ngon nhất mà cá Mú thích nhất vẫn là cá/mực còn sống, đặc biệt là những con mồi có vảy sáng lấp lánh. Cá Mú có miệng lớn tương xứng với kích thước thân thể. Mồi lớn thì bắt cá lớn, người câu luôn nằm lòng điều này, vì thế, những con cá 1-2 ký được móc vào lưỡi câu và thả xuống nước để nhử những con Mú già ranh ma ra khỏi hang. 
Quay trở lại chuyện câu đáy. Dụng cụ câu đáy bao gồm cần/máy/dây như đã trình bày ở trên. Các phụ tùng đi kèm bao gồm chì câu, dây ngọn và lưỡi. Căn cứ vào máy dò cá, người câu sẽ bố trí kích thước lưỡi phù hợp. Một loại thẻo câu đáy được nhanh chóng chuẩn bị. Thẻo này rất phổ biến với dân câu trong nước và quốc tế, câu bằng mồi sống và cả mồi chết, chinh phục cá Mú trong mực nước từ 3-60mét.

Thẻo này khá đơn giản: sợi dây trục nối với dây ngọn => dây ngọn nối với lưỡi câu => lưỡi câu móc con mồi. Tùy vào thủy triều, gió, mực sâu, đặc điểm hang, rạn ở điểm câu mà sử dụng thêm chì. Khi đó, chì sẽ được cột vào dây ngọn, bên dưới nút thắt nối dây trục và dây ngọn. Không đặt chì quá gần lưỡi Loại thẻo này được 90% người câu đáy sử dụng để câu hầu hết các loại cá đáy trong đó có cá Mú vì sự linh hoạt và giúp mồi bơi lội rất tự nhiên. Khi thả thẻo mồi này xuống đáy, nó hiếm khi bị mắc lại. 

Câu đáy cần phải chú ý các điều sau:

Mắc câu chỉ là giai đoạn đầu, đưa được lên tàu mới là tài của người câu

- Cá Mú nằm ở đáy biển, vậy phải biết chắc là mồi đã xuống đáy. Dây phải thẳng. Nếu cột chì thì chì sẽ chạy ở phần dây gần đáy. Bố trí sao cho mồi phải ở vị trí mà cá táp mồi thuận lợi nhất.

- Khi cá bắt đầu chạm mồi, tuyệt đối đừng giật cần. Hãy thu dây thật nhanh để có thể xóc lưỡi dễ dàng và thu nhanh dây chùng. 

- Khi cá Mú đã mắc lưỡi chắc chắn, cần câu cũng đang cong xuống tại thời điểm này, nên dùng cần câu nâng cá ra khỏi lỗ.
- Khi cá cách mặt nước khoảng 6 mét, không nên dùng cần để nhấc cá lên thuyền mà chuyển sang quay thu dây thật đều tay để tránh cho cá thêm hoảng sợ. Lý do là khi bị bắt, con cá Mú sẽ nỗ lực hết sức để tháo thân, quay đầu xuống đáy. Nhấc cần nâng cá có thể làm lưỡi câu xoạc ra khỏi miệng cá. 

Câu Mú bằng thẻo mồi sống
Đây là phương pháp thứ hai cũng phổ biến không kém. Thẻo bao gồm một viên chì tròn trượt trên dây, được bố trí phía trên dây ngọn. Dây ngọn dài từ 1.5- 1.8m. Đa số người câu thường chọn fluorocarbon làm dây ngọn, được quảng cáo là gần như vô hình đối với cá. Người ta tin rằng nó tạo ra được nhiều cú chạm trán với cá hơn hơn so với sợi monofilament thông thường. Dây ngọn dài cho phép con mồi sống bơi tự do và tự nhiên hơn là dây ngọn ngắn. Chì trượt tròn giúp con cá cướp mồi, bơi đi mà không cảm thấy sức nặng bất tự nhiên của chì. Lưỡi câu trong kỹ thuật này thường là lưỡi vòng, size 8/0-9/0 (tương đương lưỡi 5/0 thông thường). Đây cũng là thẻo dùng để câu tất cả các loại cá đáy. Bí quyết câu được cá Mú nằm ở cách thức xử lý con cá ngay khi nó ăn mồi.

Bạn hãy hình dung: con cá Mú bơi ra, chộp lấy con mồi và quay đầu bơi trở lại nơi ẩn nấp. Thói quen này của nó đã gây ra biết bao đợt mất cá do đứt dây khiến người câu mất ăn mất ngủ nhiều tháng liền.  Con cá mất là con cá to, sự tưởng tượng đó luôn làm khổ họ. Trong tình huống này, người câu Mú có kinh nghiệm sẽ vặn chặt nút hãm hết mức có thể, sử dụng cả kềm để khóa nút hãm, mục đích là ngăn chặn cá mú cướp dây chạy vào hang. 

Khi một con cá Mú tấn công mồi, người câu sẽ cài chuôi cần vào rãnh kim loại trong đai chống cần và bắt đầu quay thu dây, càng mạnh càng tốt. Lưỡi câu vòng sẽ tự xử lý tốt trong việc ngăn lưỡi xoạc ra khỏi miệng cá. Cuộc chiến còn lại thuộc về con cá và người câu, ai khỏe hơn, khéo léo hơn sẽ thắng. 

Khi con cá chạy được vào hang, đa số câu thủ đều làm một việc đơn giản là cắt đứt dây và câu lại từ đầu. Người có kinh nghiệm sẽ làm chùng dây, thả cá tự do với dây câu chừng 30 phút cho chúng thư giãn, bình tâm lại, có khi nó lại bơi ra khỏi hang. Trong thực tế, việc làm mạo hiểm đầy thử thách này cũng đã mang lại không ít cơ hội.

Còn tiếp
VietnamFishingReview