Dập Dềnh Sông Nước Miền Tây (Bài 7: Cuộc sống ở xứ “thần tiên”)

Mar 05, 2015 03:34:08

Theo lời kể của những lão nông đã từng sống ở những ấp, xã, trong các vùng đất thấp, dọc theo các bờ kênh thuộc tỉnh Châu Đốc xưa (nay là tỉnh An Giang) thì đây thật sự là xứ sở “thần tiên” dù là nơi đầu sóng ngọn gió, là tấm chắn lũ của cả vùng Tây Nam Bộ, chịu ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt hàng năm theo hạn định sáu tháng khô, sáu tháng nước. Cứ ba năm là có trận lũ lớn. Nước lên cao, có lúc ngập đến nóc nhà. Khi không còn chỗ để ở, để ngủ, người dân mới chịu di tản vào vùng núi. Đỉnh cao của lũ thường vào tháng Chín Âm lịch. Sau đó, nước xuống dần và là mùa cá. Cá nhiều không kể xiết, chỗ nào có nước là có cá.

An Giang, xứ sở “thần tiên”

Người dân ở đây có cuộc sống rất phong lưu, hiền hòa, hiếu khách. Có lẽ vì thế nên rất được “mẹ thiên nhiên” ưu đãi: Tôm, cá đầy sông. Cua, ốc đầy đồng, muốn ăn lúc nào cũng có. Vô kể các loài chim, rắn, nhất là rắn Hổ Mang còn gọi là rắn Hổ Đất, rất dữ nhưng thịt lại thơm ngon và là vị thuốc quí. Ngoài ra còn có Rùa Vàng, Rùa Nắp, Càng Đước… đủ cả. Mỗi ấp chỉ khoảng hai trăm nóc nhà với vài trăm nhân khẩu, có thầy Nho học, thầy đồ, có thầy thuốc Bắc.

Nhà của dân trong ấp, từ nhà giàu đến nhà nghèo, không nhà nào có cửa để khóa mỗi khi đi vắng. Không bao giờ bị mất cắp, mất trộm. Những nhà giàu thường có nhiều bò, đến cả trăm con, chỉ cần huấn luyện một con ngựa khôn, theo sát bầy bò mà không cần có người theo chăn giữ. Con bò  nào  đi ra khỏi bầy, ngựa chạy theo lùa trở lại nên ít bị thất lạc. Một nhà có đám cưới là cả ấp, từ người già đến trẻ nhỏ đều bận rộn, tíu tít suốt cả tuần, cả tháng. Thanh niên trang hoàng nhà cửa, lau chùi lư đồng, che rạp, mượn bàn ghế. Phụ nữ làm nem, làm bánh,làm dưa chua... Kẻ thì đi vô núi, cách nhà hàng chục cây số, tìm chặt lấy bông, lá đủng đỉnh, tàu dừa, mượn xe bò chở về. Người thì lo đẩy các ghe đua lên bờ, cạo rong rêu, đánh dầu để sườn ghe được bóng láng, trượt nước tốt hơn. Ở miền sông rạch chằng chịt như thế này không có phương tiện giao thông đường bộ. Nhà nào có ghe, xuồng nhiều thì được xếp vào gia đình có gia thế. Trong ấp, chỉ có những gia đình gia thế mới có ghe đua. Đám cưới được tổ chức rất long trọng dù là nhà trai hay nhà gái. Đưa rước dâu đều được nhà giàu cho mượn ghe đua. Họ tuyển chọn những tay chèo lực lưỡng nhất, giỏi giang nhất, còn treo giải thưởng lớn cho toàn đoàn rước. Ghe đua rước dâu không được ăn, thua, cùng song hành đi đến đích.

Đám cưới Nam Bộ được tổ chức rất long trọng dù là nhà trai hay nhà gái

Ở quê, một năm chỉ có một vụ lúa. Họ cày bừa từ tháng Hai, tháng Ba đến ngày lễ vía Bà Chúa Xứ Núi Sam gần cuối tháng Tư âm lịch. Lúc này, có một vài trận mưa đầu mùa. Nhà nông đã chuẩn bị sẵn sàng đất và thóc giống. Họ sạ lúa trước hoặc sau trận mưa đầu tiên này. Qua đến đầu tháng Năm, mùa mưa chính thức bắt đầu. Cường độ mưa càng cao, lúa càng vươn lên, xanh tươi mơn mởn thì chuột đồng cũng phát triển cao trào. Con nào con nấy béo ngậy, đem chiên xào, nướng... ăn với nước mắm chanh, tỏi, ớt thật cay cùng với  rau thơm, húng cay, húng lủi, húng quế, rắp cá, trở thành món ăn đặc sản của nhà nông. Dân quê xưa thích nhất là món chuột đồng rô ti. Họ thường đãi khách quý món ăn này.

Khi cày bừa, sạ lúa xong, mưa cũng ngày một nhiều. Nước lên dần đến tháng Sáu. Cả đồng lúa xanh mênh mông, bát ngát ngập chìm trong biển nước ngầu đục phù sa. Đó là lúc nhà nông hoàn toàn nghỉ việc đồng áng, chuyển sang đan lưới, làm lợp, lờ, nò, đăng... để đến tháng Sáu trở đi thì bắt cá phơi khô, làm mắm. Cá ở xứ này nhiều vô kể. Bất kể nước sâu hay cạn cũng đều có cá.

Ngoài việc chuẩn bị dụng cụ bắt tôm, cá, từ người lớn đến trẻ con, ai ai cũng làm mũi chĩa đi đâm chuột đang làm ổ trên các cây to, bụi tre. Mỗi ngày chỉ mất một, hai giờ đồng hồ là có vài chục con chuột về gây tiệc nhậu. Mùa này cũng là mùa chơi cá Lia Thia. Từ trẻ nhỏ đến các ông già đều lo tìm xúc, chăm sóc cá Lia Thia, chuẩn bị cho các trận đấu được tổ chức mỗi tuần.

Người nông dân Tây Nam Bộ nói chung mỗi năm có khoảng sáu tháng làm lụng vất vả. Sáu tháng còn lại, họ chỉ làm việc vặt, vui chơi, đàn ca xướng hát, hò vè, ngâm thơ và “nhậu”. Ngày nào họ cũng nhậu. Mồi có sẵn. Rượu mua rất rẻ hay tự cất lấy. Lịch trình giản đơn lặp đi lặp lại theo năm tháng, có khi hết cả kiếp người: Mùa nước - đá cá lia thia. Tháng Chạp cắt lúa xong - lo ăn Tết.Tháng Giêng là tháng ăn chơi. Tháng Hai cờ bạc (thường là đá gà, đánh bài). Tháng Ba hội hè ở đình, miếu.

Ngoài những môn chơi thường thấy, nhân dân còn tổ chức đua xe bò. Sau khi cắt, gặt lúa xong, là mùa nắng nên rơm rạ nằm rạp xuống, cả cánh đồng bát ngát phẳng phiu. Những người dân Việt và Miên tập trung đua xe bò. Xe bò được đánh vẹc ni bóng loáng. Bánh xe bọc thau sáng choang. Mỗi xe có một anh tài cầm cây roi có buộc dây vải. Chuôi roi gắn thêm một cây đinh nhỏ, mũi nhọn chĩa ra ngoài. Anh tài điều khiển chiếc xe với hai con bò cổ to, sung sức. Ách và cổ bò đều có đeo nhiều lục lạc. Sừng buộc vải Tây đỏ. Khi vào đường đua, hai chiếc xe bò trông rất uy phong, đẹp mắt. Hai anh tài, đầu chít khăn rằn, chân đất, rất lực lưỡng và nhanh nhẹn. Khi nghe tiếng hô ra hiệu chạy, hai chiếc xe bò lao vun vút, tưởng chừng như cả hai bánh xe long ra vì sức kéo của hai con bò to kềnh.

Đua bò là thú tiêu khiển không thể thiếu của người Tây Nam Bộ

Tiếng lục lạc kêu chói tai hòa với tiếng hò hét bằng tiếng Miên, tiếng Việt của hai anh tài. Họ quất mạnh vào lưng, vào bụng và dí đầu nhọn của cây roi vào mông bò. Hai cặp bò điên tiết, lồng lộn, chạy bán sống bán chết. Đường đua dài từ năm trăm mét, một cây số. Có khi xa hơn hoặc gần hơn. Cuộc đua này có tính tranh tài giữa hai dân tộc ở vùng biên giới là Việt và Miên (Campuchia). Bên nào thắng cuộc thì cả ấp, cả làng được ăn khao.

Người dân xứ Tây Nam Bộ xưa còn rất nhiều trò tiêu khiển đặc biệt khác nữa, một trong đó là bắt chim bằng cách giăng câu, hay còn gọi là “giăng câu trời”. Tùy theo thói quen, chim, có con thích ăn lúa, con thích ăn cá, ăn cào cào, châu chấu, hoặc trùn dế. Vào mùa lúa, có loại chim ăn mồi vào buổi tối, loài khác ăn vào giữa khuya hay gần sáng. Người ta “giăng câu trời” trong mùa nước khô, khi bắt đầu cắt lúa. Họ chuẩn bị dây, mỗi đoạn cột khoảng hai mươi lưỡi câu, rồi buộc chặt vào sào tầm vông chắc, khỏe. Họ thường giăng xung quanh một khu vực vừa có lúa, có nước, vừa có cá để phục kích các loài chim đến tìm thức ăn và uống nước. Dây câu bủa trên trời, xung quanh hoặc một phần vũng nước. Chim nhiều vô số, cứ bay đi, bay lại. Lưỡi câu móc vào chắc nịch, chúng giãy dụa kiểu nào cũng không thoát được. Sáng, người ta ra bắt trói gô lại, đem về làm thịt, đánh chén.

Thời điểm giăng thích hợp nhất là lúc có Trăng non, chim chóc thấy rõ đường kiếm ăn. Còn khi Trăng sáng quá, chim thấy dây câu và sào cắm sẽ né tránh. Tạo hóa ban cho các loài thú, chim, cá túi khôn để sinh tồn, nhưng con người quá ma mãnh nên biết cách bắt được chúng. Mùa “giăng câu trời” cũng chỉ kéo dài khoảng nửa tháng, sau đó không tài nào bắt được. Còn bắt cá thì có hàng trăm cách. Cá nhiều quá, bắt cách nào cũng được rất nhiều. 

Người dân nơi đây thật thà, chất phác, tâm hồn phóng khoáng, chịu chơi, không xảo trá bon chen. Ai đã là con dân xứ Miền Tây, khi lớn lên, dù có đi xa đến đâu cũng luôn nghĩ về chốn này như một phần máu thịt, để mãi thương, mãi nhớ trong lòng.

(Còn tiếp)

VietnamFishingReview

Bài viết liên quan:
- Dập Dềnh Sông Nước Miền Tây (Bài 6 - Bắt cá Chốt bằng ba ngón tay)