Dập Dềnh Sông Nước Miền Tây (Bài 5: Nằm Tum mà bắt cá Bông)

Mar 02, 2015 09:08:35

Cùng họ với cá Lóc, có hình dáng rất giống nhau nhưng cá Bông có màu sắc rất khác biệt. Cá Bông sống lâu, to gấp ba, bốn lần cá Lóc. Cá Lóc lớn nhất cũng chỉ vài ki-lô, có râu, thân màu đen, trong khi cá Bông có con lên đến mười kí, hai bên hông có sọc lớn, còn khắp thân thể thì có những sọc nhỏ, dài hoặc đốm đen, xanh đậm. Phần bụng thì trắng đục. Do cơ thể có nhiều màu sắc nên khi ở trong nước, cá Bông trông rất đáng sợ, cả vì bản tính hung dữ của nó nữa.

Cá Bông có hình dáng giống cá Lóc nhưng màu sắc khác biệt hoàn toàn

Ngoài những cách bắt cá rất phổ biến thời bấy giờ như giăng lưới, giăng câu, đặt lọp, vó gạc, vó càng, đặt chà..., nhiều vùng ở Tây Nam Bộ xưa còn có những cách bắt cá rất độc đáo mà nơi khác không có được, ví như bắt cá bằng “chào rào” hoặc “độc” hơn nữa là nằm “tum” đâm cá.

Người ta đan “Chào Rào” bằng loại tre già, miệng thật to, bên trong đặt nhiều nhánh cây và lục bình. “Chào Rào” được đặt sâu dưới nước, chỗ quang đãng, có dốc thoai thỏai để dễ kéo lên bờ khi bắt cá. Người ta cho vào trong “Chào Rào” các loại mồi như đầu, ruột cá, lòng gà, cua ốc, chuột chết... để chiêu dụ cá, tôm vào ăn, trú ẩn.

Khi thả “Chào Rào”  xuống nước, các loại cá nhỏ như cá Linh, cá con vào trong “Chào Rào” ăn mồi thì cá Bông, cá Lóc cũng vào theo để ăn những con cá này, đúng như câu tục ngữ  “cá lớn nuốt cá bé”. Những nơi có nhiều cá, “Chào Rào” được kéo lên mỗi ngày vào sáng sớm, vì trong đêm đã có nhiều loại cá, tôm vào trong trú ẩn và ăn mồi. Nếu để sáng quá, nắng lên, cá lại đi ra sông. Mỗi lần kéo “Chào Rào” lên, người ta bắt được hàng rổ cá từ vài ký, nào là cá Lóc, cá Bông, cá Trê, cá Rô, cá Linh, cá Lòng Tong, cá Thiểu, cá Mại, cá He, cá Chốt, cá Lăng và cả tôm càng nữa. “Chào Rào” cũng là cách bắt cá hữu hiệu trong mùa nước cạn. Nếu ít cá, vài ngày mới kéo “Chào Rào” lên một lần.

Nói “độc chiêu” bắt cá không thể không kể đến kiểu nằm “Tum” đâm cá Bông bằng chĩa ba hoặc chĩa Sa-di năm mũi.

Khi nước lên, chảy siết, bùn đất từ thượng nguồn đổ xuống làm nước đục ngầu đất phù sa. Thời điểm này, cá Bông cha, mẹ tình tự, ân ái, sinh con rồi dẫn đàn con di tản bốn phương, tám hướng khi nước tràn bờ,  kênh rạch mênh mông ngầu đục. Mùa này, gần như mọi loài thủy tộc đều sinh đẻ. Sau bốn, năm tháng, cá Bông lớn nhanh như thổi, có con nặng đến vài ký lô. Những lứa cá đẻ muộn vào cuối tháng năm, tháng sáu, đến tháng chín, tháng mười cũng được trên một kí. Có lẽ nhờ chúng rất dữ, lại săn mồi tài tình hơn các loài cá khác. Cá Bông thường đi theo từng bầy. Cá cha, mẹ rất lớn, là những vị “tư lệnh” tài ba, tả xông hữu đột tấn công các loài thủy tộc khác để bảo vệ đàn con khi chúng còn nhỏ, nhất là lúc con của chúng còn là cá lòng ròng. Cá Bông cha, mẹ vừa bảo vệ, vừa chăm sóc, nuôi dạy các con, chỉ bảo cho con cách săn mồi, trốn tránh kẻ thù.

Vào khoảng đầu tháng chín Âm lịch, nước chảy yếu dần, mực nước không lên nhiều. Mưa bắt đầu thưa. Cỏ, lúa thi nhau nhoi lên cao khỏi mặt nước vài tấc. Nước cũng ít đục hẳn đi, báo hiệu mùa nước giựt sắp đến. Sau một đến hai tuần, nước trong đồng gần như đứng hẳn, đó là thời gian nước trong nhất, cũng là cơ hội đâm cá Bông tốt nhất.

“Tum” được làm bằng tre hoặc bằng cây tràm, có hình vuông, mỗi cạnh trên, dưới hai mét. Bốn góc tum, người ta dùng cây Tràm hoặc Tre già vạt đầu thật nhọn, đóng sâu xuống đất cho thật vững. Ngang mặt nước, Tràm nhỏ hoặc các thanh tre được dùng ràng chặt bốn cạnh và xếp cây ngang, dọc khá dày. Trên mặt “Tum” phủ một lớp cỏ già, không để một khe hở nhỏ nào. Giữa tum, người ta chừa một ô vuông, gọi là lỗ “Tum”, mỗi cạnh khoảng hơn một gang tay. Trên cao, căng một tấm đệm cũ, một chiếc chiếu rách, một tấm vải, hay một thứ gì đó để che nắng, chú ý che kỹ lỗ “Tum”. Khi ngồi hoặc nằm “Tum”, người ngồi bên trong còn trùm lên đầu một cái mền hay miếng vải lớn bao trùm cả lỗ “Tum” để nhìn thấy thật rõ đến tận mặt đất. Bất kể loài thủy tộc nào từ tôm, cua, bò sát mặt đất hoặc cá nhỏ, lớn đi vào “Tum” đều được nhìn thấy rõ. Cả khu đồng trống, người ta chọn khu nào có cỏ lúa thưa thớt để đặt “Tum”. “Tum” còn được nằm cạnh đường mòn nhỏ do trâu bò và con người đi thành lối vào mùa khô. 

Khi nắng gay gắt, chói chang, từ 11 giờ trưa đến 2 giờ chiều, là thời gian lý tưởng nhất để ngồi “Tum” đâm cá Bông. Cá Bông là loài có thói quen sống hợp quần. Chúng ở từng khu vực, sống trong khu nước sâu cạn khác nhau. Từ lúc còn là cá lòng ròng, cá thiếu niên cho đến lứa vị thành niên đều đi theo bầy đàn dưới sự chỉ huy của cá cha, mẹ hoặc cá đàn anh to lớn nhất đàn. Cá chỉ huy thường đi đầu hoặc cuối đàn.

Giữa trưa đứng nắng, trong màu xanh ngút ngàn của miền miệt vườn Nam Bộ, bầy cá Bông vừa di chuyển, vừa đùa giỡn với nhau. Thỉnh thoảng, chúng mở cuộc tấn công các loài cá nhỏ bé, nhất là cá Linh vừa nhiều, vừa là món mồi ngon dễ khuất phục. Đang ngao du, rượt đuổi mồi, trời nắng gắt mà gặp bóng mát, bầy cá Bông sung sướng tạt vào nghỉ ngơi, trú mát trước khi tiếp tục lên đường. Lúc này, chúng rất hào hứng, thoải mái, tung tăng, rượt đuổi nhau trong bóng râm của “Tum”. Mẹ, cha luẩn quẩn bên cạnh. Dưới mặt “Tum”, từ  trên đến đáy sâu, đâu đâu cũng có cá Bông. Mặt nước dậy sóng. Bóng mát của “Tum” không đủ chỗ, chúng lặn, ngụp, chạy rượt đuổi nhau ở bên ngoài, xung quanh “Tum”, chạy vào rồi lại chạy ra khỏi “Tum” liên tục. Chúng không biết rằng, có kẻ đang rình rập chờ đợi, con cá nào lớn nhất lọt vào tầm nhìn của lỗ “Tum” là ra tay liền. Một mũi chĩa ba hình tam giác đều  hoặc mũi chĩa sa-di ba mũi, năm mũi được bố trí  thẳng hàng ngang, cách đều nhau. Mũi chĩa có đầu rất nhọn lại có ngạnh. Cán chĩa là một cây tầm vông vừa nắm tay, già, chắc, được chọn lựa cẩn thận, dài khoảng bốn, năm mét. Người đâm cá Bông cũng như người lính ra trận, nhìn qua lỗ “Tum” đến mục tiêu chọn lựa, thường là cá cấp chỉ huy, đó là con cá lớn nhất, thư thả nhất, ít lăng xăng, ít đùa giỡn.

Thời điểm đâm cá Bông lý tưởng hơn nữa là lúc chúng sựng lại, không di chuyển hoặc đang uốn éo, cạ mình vào cây trụ “Tum”, đưa bụng trắng toát như mơn trớn, lả lơi. Lúc đó, sát thủ ra tay chớp nhoáng, phóng mũi chĩa xuống, đâm trúng vào chỗ hiểm như cổ hay bụng cá đã được ngắm trước. Cây chĩa được ấn mạnh thêm đến chạm mặt đất để cá dính sâu vào mấy cái ngạnh ở chĩa. Cá có giẩy dụa cũng khó thể thoát được để đánh động tới cả đàn. Rồi người ta mới rút chĩa lên, gỡ cá bỏ vào khoang xuồng. Khi kéo cá lên để gỡ, người có kinh nghiệm sẽ cố xoay trở cách nào để đưa đầu cá lên miệng “Tum” trước. Vừa tới mặt nước, nếu là cá Bông lớn, họ dùng một khúc cây nhỏ đập vào đầu cá, dùng tay đỡ dưới bụng rồi kéo cá lên. Không được thò tay vào trước khi đập vào đầu cá vì cá Bông rất dữ, rất khỏe, nếu không khéo nó có thể táp đứt cả ngón tay như chơi. Hoặc sẽ bị sẩy cá vì đây là lúc chúng vùng vẫy dữ dội nhất. Dù bị đập vào đầu như thế  nhưng nhiều con cá Bông chỉ ngất chứ không chết. Cá lại được cho cá vào trong khoang xuồng có nắp đậy. 

Người chuyên đâm cá Bông rất nhanh nhẹn, động tác dứt khoát. Họ tiếp tục trùm mền trên đầu và rình rập thêm những con cá khác. Một bầy cá Bông vào “Tum”, ước chừng khoảng vài chục con, lẩn quẩn ở đây khoảng năm, mười phút, người ta có thể đâm được vài con cá lớn. Cho đến khi chúng thấy động hoặc có con cá nào bị sẩy làm náo động mạnh, chúng sẽ sợ và bỏ đi nơi khác. Hết bầy này đến bầy cá khác lại vào “Tum”. Ở cú đâm đầu tiên, người ta chọn những con cá lớn, thường là cá cha hoặc cá mẹ. Cũng như con người, cá lớn, mập mạp, già cỗi thì chậm chạp hơn và cũng ít lý lắc hơn đám cá trẻ.

Cứ cách vài chục mét hoặc hơn là có một “tum” của người đâm cá bông. Họ không có nhiều thời gian, chỉ có thể đâm cá ở thời điểm mặt trời gần đứng bóng hoặc hơn một chút. Vì khi đó, mặt trời sẽ ở  ngay đỉnh “Tum”, bóng râm của “Tum” chiếu thẳng xuống. Khi mặt trời chếch qua, bóng râm cũng sẽ lệch ra khỏi “Tum”. Bóng lệch càng xa thì từ  lỗ “tum” sẽ càng khó thấy cá. Lúc này chỉ còn cách thu xếp đồ đạc trở về nhà, chờ đến ngày mai, vào lúc trưa nắng, trở ra tiếp tục nằm “Tum” đâm cá bông.

Cùng họ với cá Bông, cá Lóc còn có một giống cá hình thù cũng giống như chúng, tên là cá dầy. Cá Dầy gần giống với cá Bông, thân thể cũng có sọc, rằn ri nhưng không tròn trịa như cá Bông, môi lại trề, miệng móm, đầu dài, dẹp hơn đầu cá Bông, thịt lại nhão nữa. Người dân quê chê cá Dầy ăn không ngon nên giá bán rẻ hơn rất nhiều so với hai người anh em họ hàng của nó. Cá Dầy cũng được làm mắm, làm khô. Nếu để lẫn với cá Bông, cá Lóc thì rất khó phân biệt.

(còn tiếp)

VietnamFishingReview

Bài viết liên quan:
- Dập Dềnh Sông Nước Miền Tây (Bài 4: Rượt bắt cá Leo)