Dập dềnh sông nước miền Tây (Bài 2: Những thú vui miền thôn dã)

Feb 21, 2015 01:54:22

Những năm 60 trở về trước, các vùng quê miền Tây Nam bộ đa phần nghèo khó. Cuộc sống mưu sinh với hai mùa khô, nước. Người dân chân chất hiền lành, luôn tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Sống đặt nhân nghĩa lễ trí tín lên làm đầu. Cuộc sống của họ gần gũi với thiên nhiên nên những thú tiêu khiển nơi thôn dã cũng rất độc đáo. Những đêm trăng thanh, gió mát, tiếng chày giã gạo, giã bàng vang vang khắp chốn.

Cuộc sống thanh bần cứ thế trôi đi theo ngày tháng

Trên dòng nước, tiếng hò khi khoan khi nhặt, ghe xuồng xuôi ngược, ngược xuôi. Cuộc sống thanh bần cứ thế trôi đi theo ngày tháng, không bon chen, ít thị phi. Chiều chiều, sau khi xong các việc đồng áng, họ trở về nhà bày những bữa nhậu đơn sơ cùng gia đình, bà con, bè bạn. Trong cuộc nhậu, ít khi thiếu những câu chuyện tiếu lâm, châm biếm, những tuồng tích, truyện Tàu.

Sau tiệc nhậu là tới màn ca hát cổ nhạc mà người ta thường gọi là ca Vọng Cổ. Thật ra, Vọng Cổ chỉ là tên gọi của một bài ca, lớp ca dài còn cổ nhạc nói chung không chỉ có trong Cải Lương mà còn có cả bên Hát Bội. Cải Lương được đại chúng hóa ở các vùng thôn dã. Làng, Ấp nào cũng có những thầy đờn, luyện tập cho những người mê cổ nhạc những bài dài như Vọng Cổ. Thuở xưa, Vọng Cổ có đến hai mươi câu được ông tổ Sáu Lầu sáng tạo có tên gọi là "Dạ Cổ Hoài Lang", nghĩa là nhớ chồng đêm xưa hoặc đêm khuya nhớ chồng! Sau này,Vọng Cổ được cách tân, từ hai mươi câu xuống còn sáu câu, rồi bốn câu.

Cải Lương được đại chúng hóa ở các vùng thôn dã

Ngoài bản Vọng Cổ dài, còn hàng vài chục bản ngắn như: Hoài tình, trăng thu dạ khúc, thủ phong nguyệt, tân sái phỉ, xàng xê, nam xuân, nam ai...

Đa số người nông dân mê thích Cải Lương, Hát Bội, Tuồng Tích kết cuộc có hậu. Họ mong muốn người hiền lành, quân tử, sau bao thăng trầm, sóng dập gió vùi, nếu vượt qua được con đường tăm tối sẽ đến chân trời mới tươi sáng, giàu sang hạnh phúc. Còn người dữ, kẻ tiểu nhân sẽ có một kết cục bi thảm. Khát vọng cuộc sống lương thiện được ông bà gửi gắm vào trong từng câu hát, răn dạy con cháu “lưới trời lồng lộng”, “quả báo nhãn tiền” và "có đức không sức mà ăn".

Người nông dân Tây Nam Bộ xưa còn nhiều thú tiêu khiển khác rất độc đáo như đua xe bò, đua ghe, xuồng, thi đua hò giã gạo, giã bàng, xay lúa, hò tát đìa, cắt, gặt lúa... Người nông dân chân lấm tay bùn nhưng tâm hồn rộng mở, hào sảng, lãng mạn. Những câu hò huê tình, những câu hò đối đáp, trêu ghẹo trao duyên giữa nam nữ thanh niên đã giảm bớt đi những nỗi vất vả, khổ nhọc trong công việc làm nông nhiều vất vả, giúp họ quên đi nỗi cực nhọc mà vui với công việc.

Người Tây Nam Bộ xưa còn có thú tiêu khiển rất độc đáo là đua ghe ngo

Thú tiêu khiển này cũng làm mê say nhiều người, góp phần làm phong phú hơn cho kho tàng văn hóa dân gian của nước nhà. Ngoài ra, những thú khác như đá gà, đá cá lia thia, chơi bài, hốt me, đề, đi gác cu được người dân thôn quê chơi sau mùa cày, mùa lúa hay sau những ngày bắt cá, bắt tôm lạnh lẽo. Trẻ nhỏ thì chơi hú tìm, nhảy dây, thả diều, chơi đá dế, bắt ong bầu hát, chọi lỗ lạc, mổ de, chơi trái tràm v.v... 

Người nông dân còn thích nghe hát máy. Những dàn máy hiệu Con Gà (Pathé), Columbia, Con chó nghe kèn (La voix de son maitre) quay tay, những dĩa hát dầy cộm nặng nề. Những giọng đọc ngập ngừng, ê a của đám con cháu đọc truyện Tàu, đọc thơ, truyện tích như Tấm Cám, Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Trần Minh Khố Chuối... được các cụ say mê thưởng thức dưới ngọn đèn dầu mù u, dầu cá, dầu dừa hiu hắt.

Công phu trò chơi đá gà

 Đá gà là một cách chơi có nhiều cảm giác mạnh, rất hung dữ

Chơi đá gà, hay còn gọi là chọi gà thường được chơi vào mùa khô. Điểm tập trung chơi đá gà (còn gọi là trường gà) được vây trên một mảnh đất phẳng phiu bằng một loại bồ, cót hoặc lá, có chiều cao tính từ mặt đất khoảng chừng 5 “tấc”, đường kính 5-10 “thước”, đủ để một cặp gà quần thảo, mổ, cắn, đâm rượt nhau. Đây cũng là một cách chơi có nhiều cảm giác mạnh, rất hung dữ, những người yếu bóng vía hay thương loài vật không đành lòng ngắm nhìn chúng đâm, cắn nhau dữ dội. Xung quanh vòng đấu, người ta xếp ghế cho những tay chơi ngồi theo dõi. Đa số dân mê xem đá gà không chịu ngồi ghế mà thích đứng xem chỉ trỏ mới thú, chẳng khác dân nghiện xem đá banh.

Gà chọi
Buổi khai mạc tại một điểm đá gà là một thủ tục mở đầu mùa đá gà ngắn ngày hay dài ngày.

Thời xưa, đá gà được làng, nước cho phép. Về sau, nhiều nơi muốn mở trận phải xin phép. Nhưng cho dù được phép hay chơi lén thì đều có buổi khai mạc. Buổi khai mạc là buổi chơi gà đầu tiên có nhiều người tham dự kể cả những người có chức có quyền.

Theo truyền thống, cùng với chọi trâu, đá gà thường được tổ chức trong những ngày xuân để tạo thêm không khí tưng bừng cho những ngày đầu năm, nhưng càng ngày môn đá gà càng sát phạt ăn thua làm cho nhiều người tán gia bại sản. Ở những nơi có tổ chức hẳn hoi, giải thưởng lớn, trường gà được lựa chọn cẩn thận, nếu làm ở khu đất rộng trống trải, người ta làm mái che để tránh nắng. Nhiều khi dân nghiện còn chơi vào mùa mưa nên mái che rất cần thiết.  Còn những nơi đá gà ăn thua nhỏ hoặc chỉ đá một, hai cặp rồi nghỉ, hôm khác chơi tiếp thì ít khi làm mái che.

Một trường gà có tổ chức giống như một hội chợ, có thể ở trong một khu vườn lớn nhiều cây cối mát mẻ hoặc một khu đất trống rộng thênh thang. Ở miền Tây, tỉnh nào cũng có nhiều trường gà lớn, thường chơi vào ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ và những ngày Tết. Còn ở nhà quê cũng thường chơi đá gà vào dịp Tết hoặc những khi có cáp độ trước giữa các xã với nhau thì không nhất thiết phải là ngày thứ bảy, chủ nhật. Người dân quê ngày ngày làm việc nhưng khi hết việc thì hẹn nhau chơi đá gà hay chơi cờ bạc, bất kể ngày nào, không cần phải là nghỉ cuối tuần như dân thị thành.

Một trường đá gà đúng nghĩa phải có ghế ngồi, có mái che, có bán buôn đủ loại từ cà phê, hủ tiếu, bún thịt nướng, bún nước lèo, cơm phần, cơm dĩa. Nơi đó phải có đủ chỗ để gửi xe, ở sông rạch phải có chỗ để ghe xuồng cập bến, đậu. Trường gà còn gọi là võ đài, nơi gà đấu chọi nhau, người ta không tráng xi măng mà chỉ là sân đất đổ thêm một ít cát cho phẳng phiu hoặc nơi có cỏ thật thấp, gà không bị vướng khi đá. Tại trường gà có đặt một cái bàn, gọi là bàn tổ. Trên bàn bày nhang đèn, một dĩa trái cây, bánh, nước trà, rượu để cúng tổ. Người ta quan niệm, bất kỳ ngành nào, môn nào, trò chơi gì cũng đều có tổ, ngay cả các cô ả giang hồ cũng có tổ Thần Bạch Mi. Thuở xưa, bàn tổ cũng là bàn trọng tài. Người chủ trường gà còn kiêm trọng tài đồng thời thu tiền xâu. Họ ngồi tại bàn điều hành các độ đá gà đúng với qui tắc được mọi người chấp nhận. Cuộc chơi đá gà thường bắt đầu từ 9-10 giờ sáng, chấm dứt vào khoảng 4, 5 giờ chiều.

Một chủ lò nuôi gà đá có đến hàng chục con. Họ tập luyện, vô nước, vô nghệ, coi chân coi cẳng, coi cựa, xem vẩy, xem tướng, xem lông... Nghĩa là họ chọn lựa gà đá rất kỹ, theo dõi từng li từng tí, từng thói quen của mỗi con gà, đánh giá xếp loại vào hạng nào để đưa chúng vào trận đấu ăn thua lớn hay nhỏ. Con gà trống nào mà chủ gà chê thì chỉ có đem làm thịt. Nuôi một con gà đá rất công phu. Trước hết phải lựa giống có cha mẹ ngon lành. Gà cha mà vô địch chốn trường đá thì gà con mới hy vọng tiếp nối được bản lĩnh, tài sức của gà cha. Khi gà có đủ lông, cựa nhú dài ra, chúng được chăm sóc từ miếng ăn, nước uống. Người chủ lò gà hoặc người nuôi vài con cũng phải có chương trình tập luyện mỗi sáng sớm. Người chủ gà còn cho gà tập đá để gà quen trận mạc. Trở thành  một con  gà đá  hẳn hoi, chúng phải trải qua nhiều tháng luyện tập thân thể, huấn nhục, đấu thử, bôi nghệ để được chắc da chắc thịt, không mập bệu như đám gà thịt. Gà đá phải có ít nhất ba trận đấu thử với một đối phương mà người chủ gà chọn lựa. Mỗi trận đấu thử thường cách nhau gần một tuần. Biệt từ mà giới đá gà gọi đấu thử, thực tập trận mạc là “xổ”. Khi “xổ” gà, trước tiên là phải bịt cặp cựa đáng giá của nó lại. Gà đá mà cựa ngắn, cựa bị gãy hoặc không nhọn không bén, không vừa ý thì con gà đó dù tướng tá có ngon lành, nhảy có cao, cắn mổ có giỏi, dai sức cũng bị loại mà thôi. Về sau, để tận dụng những con gà có cựa ngắn, không vừa ý nhưng có khả năng đá hay đó, người ta trồng thêm cho chúng cựa bằng thép hoặc cựa tốt của những con gà đàn anh đã bị làm thịt. Sau mỗi lần “xổ”, thế nào gà cũng bị thương tích, đầu cổ thường chảy máu, chân nách cũng bị xây xát, da thịt bị rách, những chỗ rách lại được vá lại bằng kim chỉ, kết hợp với “thần dược” là nghệ. Nghệ được mài ra thoa lên những vết thương, chỉ một vài ngày là lành mà lại thêm chắc da chắc thịt. Lông đầu được cắt trụi, con gà đá nào có cái đầu trọc lóc, đối phương dùng mỏ cắn vào đầu gặp đầu trọc cũng dễ bị tuột hơn đầu có lông vì đặc tính của gà đá là luôn lựa thế cắn chặt vào đầu rồi dùng sức mạnh nhảy lên, đâm cựa vào da thịt đối phương.

Lông chân gà cũng được tỉa sạch. Đầu chân, chỗ nào không có lông, người ta tra nghệ thường xuyên. Buổi trưa trời nắng, nghệ được mài trong những cái nắp khạp có nước sền sệt, dùng lông gà nhúng nước nghệ phết vào chỗ da thịt đỏ tươi không có lông bao phủ, những chỗ đó sẽ thêm rắn chắc.

Gà đá chỉ có hai loại được chọn để chơi đó là gà nòi và gà tre

Gà đá chỉ có hai loại được chọn để chơi đó là gà nòi và gà tre. Đám con nít hay những người chơi đá gà cho vui có thể chơi đá gà tre vào những buổi trưa rảnh rỗi. Gà tre nhỏ con trông y như gà rừng; còn gà nòi to con, lớn nhất trong họ nhà gà, da thịt lúc nào cũng đỏ au. Người xưa quan niệm, đàn ông mặt đỏ hồng hào, được gọi là người có mặt gà nòi, nghĩa là người khỏe mạnh, anh hùng, nhiều nam tính. Còn ai có mặt tái, mệnh danh là mặt gà mái, được cho là nhát như thỏ đế, là hạng tầm thường. Ở những trường gà chuyên nghiệp, chỉ có đá gà nòi ít khi đá gà tre. Hơn nữa gà tre ít người nuôi hơn vì chúng nhỏ con, làm thịt chẳng được là bao mà cũng không kiên cường, chiến đấu tới chết mới thôi như gà nòi.

Trên bàn trọng tài còn có một cái đèn dầu loại đèn bánh ú, có ống khói, nhiều nhang, một cái dĩa, một chai rượu đế, một bình nước trà cùng vài cái chung nhỏ, một cuộn chỉ, một đồng xu có lỗ. Đó là dụng cụ của người trọng tài cầm chịch cuộc đá gà.

Hai chủ gà và phe nhóm của mình, sau khi quan sát, so sánh tỉ mỉ từ dáng dấp, cựa, sức nặng của gà, mỗi bên đều phải có lợi điểm theo con mắt chủ quan của mình rồi mới tính độ. Cáp được một độ gà rất lâu. Có nhiều chủ gà hoặc một lò nuôi gà nòi nào đó mang đến hàng chục con nhốt vào những cái bội để gần trường gà. Người tham dự cuộc chơi cũng giới thiệu với người chủ gà những con gà của đối phương để hai bên xem xét tính toán cáp độ với nhau. Nhờ có hàng trăm con gà ở những trường đá lớn nên việc cáp độ cũng tương đối thuận lợi. Tuy nhiên, vì ai cũng muốn gà của mình có nhiều ưu thế hơn gà đối phương nên việc cáp độ thật là khó nhưng nhờ có nhiều gà, nên đôi khi hai ba cặp gà cũng được cáp độ xong xuôi, lần lượt vào trường đấu. Mỗi bên lên danh sách những người độ tiền cho con gà nào, có sổ sách đàng hoàng do trọng tài giữ.

Đây là danh sách chính thức, nhưng nó không thấm vào đâu so với những danh sách bằng miệng với nhau, bằng những cái ngoéo tay danh dự. Nhiều độ gà chưa lâm trận, có bên đã "chấp" trước. Họ có nhiều lợi thế hơn, như gà lớn hơn một chút, hoặc cựa dài hơn hay con gà đã nổi tiếng có nhiều trận thắng oanh liệt trước rồi, nên họ phải chấp đối phương mới chịu theo. Có lúc chưa vào độ chính thức, người ta đã "quăng" ăn bảy, ăn năm. Nghĩa là một trăm đồng chỉ ăn bảy chục, năm chục, khi thua họ chung đủ một trăm. Còn những người không theo con gà mà mình thích khi lập danh sách tiền độ, những người đó cũng được tham gia trận đấu gọi là đá "hàng xáo", nghĩa là họ rủ rê người nầy người nọ chơi một bên, họ chơi một bên ăn thua ngang nhau hoặc chấp trước mười phân, hai mươi phân, năm mươi phân. Tại trường đấu gà, quang cảnh lúc nào cũng náo nhiệt, tiếng bàn luận xen lẫn tiếng cãi vã thật rôm rả ồn ào. Vào trường gà, xem gà đá, cả gà lẫn người đều quyết lòng ăn thua, người ta có được cảm giác vui, phấn khích, nhanh nhẩu, hoạt bát hơn. Trường gà, sòng bạc là những nơi rất có ma lực, thu hút con người mặc dù ai cũng biết: “Cờ bạc là bác thằng bần. Cửa nhà bán hết, đưa chân vào cùm”.

Người ghiền chơi đá gà, mê chết bỏ mới thôi. Lâm vào cá độ ăn thua lớn thì cũng từ chết đến bị thương. Nhưng họ nào có ngán vì nó như “ma dẫn lối quỉ đưa đường” ,   

Cuộc đấu gà cũng như võ sĩ thượng đài, chia ra nhiều hiệp mà dân chơi gọi là nước. Sau mỗi hiệp, chủ gà lại cho nước gà bằng cách lau khô máu và khâu vá lại những vết rách trên da thịt. Họ dùng một cái khăn nhúng vào nước vắt vài giọt cho gà uống. Săn sóc cho gà phải là người có chuyên môn có kinh nghiệm, họ dùng miệng hút máu ở vết thương. Họ còn dùng rượu đế phun vào các vết thương như một cách sát trùng và làm cho vùng chấn thương được mát mẻ. Để xác định một hiệp hay là một nước, người ta dùng một cây nhang chia ra nhiều đoạn, mỗi đoạn chừng hai ba phân. Một sợi chỉ xỏ qua lỗ giữa của đồng xu buộc lại thành một cái vòng, đem treo ở chỗ ghi, khắc trên cây nhang chia hiệp.

Trận đấu gà bắt đầu cũng là lúc trọng tài đốt nhang. Khi nhang cháy đến chỗ có vòng chỉ, đồng xu nặng, sợi chỉ đứt, đồng xu rơi xuống dĩa nghe một cái keng. Trọng tài hô lớn: Hết hiệp. Chủ gà nhanh tay bắt gà nghĩa là gà ai nấy bắt để săn sóc. Chừng năm phút sau, trận đấu lại tiếp tục. Nước tiếp theo mà cũng chưa phân thắng bại lại tiếp tục nước thứ ba... cho đến khi một trong hai con thua chạy lòng vòng trong đấu trường hoặc nằm chết hay nằm gục tại đấu trường.Trọng tài đếm từ một đến mười mà gà đối phương không đá tiếp, trọng tài tuyên bố gà thắng gà thua. Tiền bạc giải quyết xong. Trận đấu gà khác lại tiếp tục.

Ngày xưa, chơi đá gà, dân chơi không gắn thêm cựa, nghĩa là dùng cựa nguyên thủy của gà, họ chỉ chăm chút, vuốt cựa cho nhọn là đủ. Sau này, để sớm phân định thắng thua, độ gà sớm kết thúc, người ta gắn thêm cựa bằng thép hoặc có trường gà chỉ cho phép dùng cựa gà thật lấy từ những con gà có bộ cựa tốt trồng vào.

Xem đá gà với đôi cựa thép mới trồng thêm vào người yếu bóng vía nhiều khi thấy chóng mặt vì con gà nào cũng bị đâm máu me đầm đìa thật khủng khiếp. Cuộc đấu sớm kết thúc, mỗi ngày có thể đá bốn, năm trận. Còn gà để cựa nguyên thủy có khi từ sáng đến xế trưa chỉ đá được có một trận. Cuộc chơi cũng đành tạm nghỉ, nếu đá thêm trận thứ hai e rằng đến trời tối, mà chưa chắc phân định được sự ăn thua.

Ông bà ta nói rất chí lý, đúng trong mọi trường hợp: "Cờ gian, bạc lận". trò chơi nào có ăn thua, có tham gia của tiền bạc thì sẽ có gina tham trong đó. Đá gà cũng vậy. Người chủ gà luôn đề cao cảnh giác, họ luôn sợ đối phương đến xem gà của mình tại lồng, tại bội, sợ cho thức ăn bậy bạ làm cho gà của họ bị bệnh bất tử, khi vào trường đấu sẽ thua cuộc. Trọng tài còn cho phép hai chủ gà được lau cựa gà của đối phương trước khi đấu vì sợ rằng chủ gà tẩm ngải hay thuốc độc làm cho gà đối phương bị bệnh hoặc chết ngay khi bị thương. 

(Còn tiếp)

VietnamFishingReview

Bài viết liên quan:

- Dập dềnh sông nước miền Tây