Dập dềnh sông nước miền Tây (Bài 1: Tết độc đáo của người Tây Nam Bộ xưa)

Feb 17, 2015 17:02:55

Được mệnh danh là một vùng đất “trên cơm, dưới cá” cùng nhiều giai thoại độc đáo, miền Tây nam bộ xưa luôn là một chủ đề bí ẩn và hấp dẫn với rất nhiều người. Nhân dịp Tết đến Xuân về, VietnamFishingReview xin giới thiệu một số bài biên khảo về vùng đất đặc biệt này như một món quà dành tặng cho quí độc giả gần xa.

Kính chúc quí độc giả một năm mới an khang thịnh vượng!

Tết độc đáo của người Tây Nam Bộ xưa
Hết mùa lũ cũng là thời điểm mà người dân miền tây Nam Bộ đón Tết. Mùa Tết cũng là lúc gió chướng về, tiết trời se lạnh. Vườn nhà ai cũng ngập tràn một màu vàng rực rỡ của hoa Mai, hoa Cúc, của những giồng bông Vạn Thọ trồng giáp biên sân. Tây Nam Bộ là một vùng đất trù phú từ xưa đến nay, ruộng vườn xanh ngát một màu, cây trái trĩu cành, sông ngòi chằng chịt nhiều tôm cá nên cái Tết của người dân xứ này cũng rất khác biệt.

Khoảng giữa tháng Chạp, khắp mọi nơi đã vang lên tiếng chày giã gạo, giã nếp, tiếng chày quết bánh phồng thình thịch rộn ràng từ sáng đến tối. Cánh đàn ông thì cầm chày, phụ nữ thì đảo bánh, không khí náo nức như vào mùa lễ hội. Người dân miền Tây thường cho nước cốt dừa vào bột gạo nên bánh phồng thường có hương vị rất khác lạ. Với chút bùi béo của dừa, chút dịu ngọt, thơm thảo rất tinh túy của loại gạo riêng có, bánh phồng miền Tây vừa giòn, ngon vừa dày dặn trông rất hấp dẫn.

Bánh phồng miền Tây vừa giòn, ngon vừa dày dặn trông rất hấp dẫn

Không thể thiếu trong các món Tết ngoài bánh phồng còn có mứt khoai, mứt bí, mứt gừng. Với phong tục này, mỗi vùng đất ở miền Tây đều có đặc sản của riêng mình, ví như vùng Chơn Thiện, Mỹ Tho (Tiền Giang) có một loại bí luôn được chọn làm mứt. Bí này vừa to, ít ruột, thịt lại chắc, đã làm nên một hương vị mứt bí Mỹ Tho không nơi nào có được. Mứt bí Mỹ Tho độc đáo vì từ khâu chọn nguyên liệu đã rất cầu kỳ nên vừa có vị ngọt thanh, lại bùi béo, rất thơm, ngon.

Cần Thơ, Sóc Trăng thì có món lạp xường nức tiếng Miền Nam không nơi nào bì được. Nét đặc trưng của nếp giao thương vùng miền Tây Nam Bộ là trên bến dưới thuyền, con người lại hào sảng, phóng khoáng, nên tiếng nói tiếng cười của thương lái xen lẫn tiếng máy nổ làm vang dội cả một vùng sông nước. Từ những nơi này, hàng hóa được chuyển đi khắp nơi. Những ngày giáp Tết, không khí làm việc lại càng khẩn trương, hối hả cho kịp Tết .

Ngày tiễn Táo Quân về Trời, hai mươi ba tháng Chạp, các cụ thường chỉ đạo con cháu tiến hành chọn một cây tre thật đẹp, cao chừng 4 mét, trẩy hết nhánh, chừa lá trên đọt làm cây Nêu. Đến ngày 30 thì dựng Nêu và hạ Nêu vào ngày mùng 7. Sau ngày hai mươi ba, không khí lao động ở nông thôn cũng rộn ràng lên hẳn, người ta tát mương, chắt đìa, dỡ chà để bắt lươn, bắt ếch, cá linh và nhất là cá lóc, lươn, đem về thả vào khạp (lu đất) để dành ăn ba ngày Tết.

Từ ngày hai mươi lăm Tết, người ta bắt đầu quét vôi, trang trí nhà cửa. Các phần mộ của ông bà tổ tiên (thường chôn sau vườn) cũng được quét dọn, làm mới, sửa sang rất chu toàn.

Nếu như miền Bắc có bánh chưng thì loại bánh chủ đạo của người miền Tây là bánh Tét. Bánh Tét miền Tây có màu xanh rất lạ vì thợ làm bánh thường bằm nhuyễn là dứa, vắt lấy nước và trộn vào nếp để bánh có màu xanh. Mỗi lần gói, mỗi nhà ít nhất phải 30-40 đòn.

Nếu như miền Bắc có bánh chưng thì loại bánh chủ đạo của người miền Tây là bánh Tét

Bánh biếu thường cột hai đòn thành một, dụng ý đủ đôi, đủ cặp, an hòa, hạnh phúc, làm quà biết Tết cho bạn bè, thân hữu, bà con lối xóm. Đêm hai mươi chín Tết, trong tiết trời se lạnh, ông bà, con cháu quây quần bên nồi bánh Tét, vừa canh lửa, vừa uống trà, trò chuyện cả đêm, trở thành một kỷ niệm khó nhạt nhòa trong tâm thức của nhiều thế hệ con cháu.

Người miền Tây nam bộ thường ăn bánh Tét với thịt kho tàu nên song song với nồi bánh Tét người ta cũng kho một nồi thịt với hơn chục quả trứng vịt, ăn kèm với giá và cải muối. Trong mâm cơm Tết của người Tây nam bộ còn có món cá lóc nướng trui hoặc cá lóc hấp ăn với bánh phồng, rau vườn rất hấp dẫn. Thanh niên thì lo chuẩn bị rượu gạo thật ngon để nhâm nhi với các món đặc sản miệt vườn. Các bô lão xưa thường thích tự mình viết hoặc ra chợ nhờ các thầy đồ viết câu đối bằng mực tàu trên giấy đỏ.

Trong mâm cơm Tết của người Tây nam bộ còn có món cá lóc nướng trui hoặc cá lóc hấp

Chiều ba mươi, nhà nào cũng chuẩn bị mâm cỗ thật thịnh soạn để cúng rước tổ tiên ông bà về ăn tết cùng con cháu trong ba ngày Tết. Tối ba mươi, miền sông nước trời tối đen như mực, trên các sông, lạch, tiếng máy nổ của xuồng nhà ai đó đang hối hả về cho kịp đón Giao Thừa. Đêm Giao Thừa đến với từng gia đình thật linh thiêng, ấp áp. Toàn gia quây quần bên tách trà thơm, đĩa bánh ngọt, chờ đón giây phút thiêng liêng đang đến gần. Trên bàn thờ, khói hương nghi ngút, trong ánh đèn lung linh huyền ảo thấy rõ mâm ngũ quả với đủ các loại đặc sản miệt vườn như xoài, mãng cầu, đu đủ, vú sữa, quýt, nhãn… màu sắc hài hòa sinh động. Đặt bên cạnh bộ lư trên bàn thờ còn có cặp dưa hấu lớn, vỏ xanh thẫm, bóng loáng. Trước bàn thờ là chậu mai vàng, từ những nụ hoa bé nhỏ đã bắt đầu hé mở những cánh mai vàng rượm. Trong cái thanh vắng, êm ả, yên bình của đêm trừ tịch, người chủ gia đình quần áo tươm tất, thành kính cúng lễ trên bàn thờ, rồi bước ra vườn đón gió xuân xào xạc trong mùi hương trầm thoang thoảng được gió đưa tới, cuốn đi xa…

Sau Giao Thừa, mọi người được dặn dò không cãi vã, không động đất hay gánh nước, quét nhà. Họ theo đúng phong tục “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” nên mọi gia đình lần lượt đưa con cháu về quê nội, rồi quê ngoại, sau đó đến thăm các thầy học của mình. Trên các dòng kênh rạch chảy như mắc cửi, từng con thuyền tam bản chở khách đi chơi Tết nườm nượp lại qua, tiếng chào tiếng chúc nhau vang trên mặt sông thật đông vui nhộn nhịp.

Xứ “trên cơm, dưới cá”

Sông Tiền, sông Hậu đã mang phù sa bồi đắp hình thành nên đồng bằng sông Cửu Long

Hai nhánh sông Tiền, sông Hậu đã mang phù sa bồi đắp cho cả một vùng đất rộng lớn hình thành nên đồng bằng sông Cửu Long lớn nhất nước. Theo “Gia Định Thành Thông Chí” của Trịnh Hoài Đức thì “Tiền Giang, với thế nước ôm quanh cồn nọ, dựa theo bến kia, chảy vào ngòi này chia ra nhánh khác, nhiều dòng xuyên qua Hậu Giang, ngó xuống trước trấn Vĩnh Thanh như một biển sao lấm tấm.

Nhiều sông giao hội cùng nhau nên dân xứ ấy thiện nghệ đi sông, không ghe thuyền thì không giao thương được. Nước ngọt dầm thấm ruộng nương, khi làm lúa thì bừa ruộng vãi giống, mà khi thu hoạch thì bội đến trăm phần. Còn trong vườn thì có nhiều rau trầu, dưa quả, dầu gai. Mương ngòi thì đầy cả cá, tôm, lươn, trạch; những vật ấy đủ làm gia dụng, khỏi mua nơi chợ. Dân gia trước vườn sau ruộng đều có sản nghiệp làm ăn quanh năm, quả là một nơi phú túc”. Ông cũng mô tả Hậu Giang là nơi “dầm thấm cả ruộng vườn khắp nơi, bao hàm cả cồn bãi, bờ bến, làm nguồn thủy lợi rất lớn. Lúa gạo cá tôm dùng ăn không hết”.

Sông nước miền Tây từ xa xưa đến nay không chỉ mang đến cho người dân xứ này cuộc sống sung túc, ấm no mà còn chắp cánh cho một đời sống văn hóa đầy nhân văn, thơ mộng. Hình ảnh con sông, bến nước, cầu tre… đã đi vào cuộc sống, cô đọng trong từng câu hát giao duyên, trong thơ, trong nhạc. Những cảnh “chèo ghe sợ sấu cắn chưn, xuống sông sợ đỉa…” đã ăn sâu vào tâm trí lớp lớp con cháu, cho dù đi xa, mỗi khi chạnh nhớ, mấy ai không khỏi bùi ngùi, thương cảm.

Nghiên cứu ngôn ngữ về thủy hình, thủy mạch đặc trưng của miền Tây nam bộ, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người miền tây nam bộ xưa là bậc thầy về ngôn ngữ tạo hình. Sống trong vùng đất có cấu tạo rất đặc trưng của vùng đất rất rộng, sông dài phù sa màu mỡ, những nét riêng đó đã cho họ khả năng gọi thành tên những đặc điểm, nhận dạng mà qua tên gọi người ta sẽ hình dung được diện mạo của nó. Ví như vùng trũng thấp, nước đọng quanh năm và tùy theo thế rộng, hẹp mà có tên khác nhau như vũng, rộc, chằm, đầm, ao, hồ, bàu, hào, bưng. Bưng mà có nhiều cỏ rác trôi nổi gọi là bưng trấp; Chỗ nước lai láng một vùng như cạn hoặc có nhiều cây cỏ mọc gọi là láng; Những nơi nước sâu bùng rộng ra như sông gọi là Bung; Nhỏ hơn có nhiều cỏ, lục bình gọi là Lung; Nơi bùn lầy nước đọng gọi là Náo…

Vào khoảng tháng 5 ÂL, nước trên nguồn đổ xuống nhiều, dâng cao ngập cả vùng đồng bằng

Trạng thái của nước cũng có nhiều cách gọi phân biệt: Nước chảy mạnh gọi là nước tống, nước vật, nước xiết. Nước sông gọi là nước bạc; Nước cỏ là nước trong đồng; Nước từ vàm chảy vào lúc triều cường gọi là nước lớn; Nước lớn từ từ gọi là nước bò hay nước trồi.Nước xuống gọi là nước ròng, đang ròng thì gọi là nước sụt. Ở thời điểm sắp chuyển từ ròng sang lớn hay từ lớn sang ròng gọi là nước đứng hoặc đầu con nước cuối con nước.

Vào khoảng tháng 5 Âm Lịch, tức vào mùa mưa, nước trên nguồn đổ xuống nhiều, mang theo nhiều phù sa ngầu đỏ, nước dâng cao ngập cả vùng đồng bằng rộng lớn, người dân gọi đây là nước lụt. Những nơi nước chảy xiết, xói mòn bờ bực gọi là nước lũ. Sau vài tháng bị lụt lội, nơi nào cũng ngập đến mức cao nhất  thì người dân gọi là nước phân đồng ( nghĩa là đồng đều). Lúc này đã cuối mùa mưa, gió không còn thổi mạnh nữa, nước chảy từ đồng ra sông, từ sông lại đổ ra biển gọi là nước rút hay nước giựt. Hết mùa nước thì trở lại mùa khô. Vào mùa khô, trong mỗi tháng, vào những ngày từ mùng 5 đến mùng 7 âm lịch, nước sông rất ít gọi là nước kém; Từ 14 đến 17 Âm Lịch là những ngày đạp triều, tức nước lên những hôm trước nhiều quá, nước rút chưa hết thì con nước sau đã đến nên nước đã lớn lại càng lớn, “đạp” lên nhau, dân gian có câu “mười bảy nước nhảy khỏi bờ” là vậy.

Khắp nơi, sông ngòi giăng chằng chịt như mắc cửi. Dưới sông, rạch cá nước ngọt có đến hàng trăm loài, từ những loài nhỏ nhất đến lớn nhất như cá Hô. Cá nhỏ nhiều nhất là cá Linh, cá Chốt, thường làm mắm hoặc dành ủ nước mắm. Nhiều loài cá nhỏ khác chỉ để ăn như cá lòng tong, cá hột mít, cá thiểu, cá mại, cá chốt giấy (cũng có ngạnh như cá chốt nhưng mình mỏng dài và có màu khác cá chốt thường. Có khi có cả màu vàng nghệ rất đẹp).

Nếu tính theo họ thì họ cá Chốt có cá chốt, chốt giấy, cá lăn (có nơi gọi là cá lăng). Họ cá tra có cá vồ cờ, vồ đém, cá tra, cá ngác, cá ba sa. Họ này còn có cá xác, nhỏ nhứt, thịt ít và ăn không ngon. Họ hàng cá mè có thể kể đến cá hô, cá chài, cá mè dinh, mè dảnh, cá he. Dòng họ cá lóc có cá lóc, cá bông, cá dầy; Họ cá sặc có sặc bổi, sặc bướm, sặc điệp...

Người xưa thường chở các loại cá nước ngọt lên Sài Gòn, khu chợ đầu mối Trần Quốc Toản, Cầu Ông Lãnh, bán cho được giá, nhưng cũng lắm công phu vì muốn bán được giá cao thì cá phải còn sống. Muốn cá còn sống khi chuyển đến phải dùng đến ghe (tàu nhỏ bằng gỗ) "đục". Ghe đục cũng giống như ghe thường, chỉ khác là ghe đó phải bố trí cho nước chảy ra, vô để cá có thể sống như ở sông, rạch hoặc trong bè nuôi. Hai bên hông ghe, người ta đục thủng năm, mười cái lỗ vuông chừng vài tấc, bịt các lỗ này là những tấm lưới sắt. Nước từ trong ghe và ngoài sông thông được với nhau. Thế nhưng để cách này không làm cho ghe bị chìm thì người ta dùng những chiếc thùng "phuy" rỗng, loại thùng chứa xăng, dầu hai trăm lít, làm phao nâng ghe lên. Cá he, cá chài, cá bông hoặc cá tra, cá vồ được chở trong loại ghe này, chúng tiếp tục sống, ăn thoải mái hàng ngày. Dù có rộng trong ghe nhiều ngày chúng cũng không mất sức. Những chiếc ghe đục này cũng có gắn máy đuôi tôm tùy theo ghe lớn nhỏ mà gắn máy bốn "lóc", sáu "lóc"...

(Còn tiếp)

VietnamFishingReview