Dặm trường câu biển!

May 13, 2014 10:46:11

Đã hẹn nhau từ trước đó gần nửa năm, hôm nay tôi mới được tháp tùng với một nhóm chuyên câu biển. Đây là chuyến câu đầu tiên của họ trong mùa câu biển Côn Đảo 2014 kéo dài từ tháng Giêng đến hết tháng 9 âm lịch, trước khi Chướng về mang theo sóng to, gió cả khó lường. Tôi đã đến Côn Đảo nhiều lần, đi câu nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên được đi câu “chuyên nghiệp”.

Khác với những chiếc tàu câu du lịch bằng nhựa composit nhỏ nhắn chạy nhanh, có nhà vệ sinh, phòng nghỉ, chủ yếu phục vụ du khách đi tắm biển kết hợp câu cá trên các đảo nhỏ, đón chúng tôi là một chiếc ghe đánh cá có chiều dọc 14 mét, ngang chừng 4 mét, rộng rải, có định vị, la bàn, tầm ngư đầy đủ…quan trọng nhất là có hầm đựng cá, hầm rộng mồi sống và những chàng thủy thủ trẻ trung, nhanh nhẹn, giỏi nghề...

Thuyền trưởng tàu An Khánh với nụ cười nồng ấm!

Cái nắng đầu hè trên biển cứ mềm, nhẹ, óng ả mà không gay gắt. Gió mát, nồng thơm hương nắng khiến cảm giác nôn nao còn vương vất khi mới ngồi tàu tan biến nhanh. Biển thì xanh ngắt, trời cao vời vợi, mặt biển phẳng lặng, nước trong như gương. Tháng này là một trong những tháng hiền hòa nhất của biển Côn Đảo.

Chiếc tàu vừa mới được tân trang lại nên máy êm và chạy rất đằm. Sau gần 2 giờ đồng hồ khởi hành từ đất liền, đúng 10h sáng, tàu đến điểm câu cá Thu. Cá Thu có quanh năm ở Côn Đảo nhưng đúng mùa phải từ tháng Giêng đến hết tháng Ba âm lịch. Những con cá Thu quí hiếm, đắt tiền ở chốn thị thành cứ ám ảnh tôi đến tận Côn Đảo nên tôi cố gắng quan sát và học hỏi cách câu của giới chuyên nghiệp và thủy thủ đoàn. Nhóm câu chỉ có 4 người, cộng với 3 thủy thủ và thuyền trưởng dường như chia làm hai phe. Các tay câu bắt đầu lấy đồ nghề ra. Nói họ là dân chuyên nghiệp quả không ngoa: Từ khăn bịt mặt, mũ, nón, áo, kính đến những thứ thiết yếu như cần, máy, dây, lưỡi, mồi, ống đựng cần, túi đựng máy, áo phao… đều là những nhãn hiệu đắt tiền và rất khó tìm ở Việt Nam. Một số vật dụng như nón, kính, khăn, găng… thoạt đầu chỉ tưởng là những vật trang trí nhằm tăng phần long trọng nhưng thật ra vô cùng quan trọng và cần thiết trong chuyến câu dài. Trong các ống đựng cần, cơ man nào là cần câu. Từ những chiếc cần thanh mảnh, nhỏ nhắn đến những cây to, khỏe, mà theo như cách nói của họ thì “chỉ cần câu, không cần quan tâm cá dưới kia bao nhiêu kí”, nghe mà hoảng. Thông số cần khác nhau nhưng lại rất gần nhau: nào là PE 2, PE3, PE4, PE6… dài từ 1,83 đến 2.7 mét; 1 đoạn có, 2 đoạn có. Tương ứng với cần là máy và dây trục, dây thẻo. Sau khi nghe giảng sơ phần lý thuyết, tôi mường tượng ra sự cam go và khốc liệt của cuộc đi “săn” này, nhưng phải đến khi đối mặt, chứng kiến các tình huống khác nhau diễn ra trong ba ngày câu, tôi mới thẩm thấu hết được, quả là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, để có những kinh nghiệm này có khi phải trả bằng rất nhiều năm tháng và bằng cả một gia tài nho nhỏ.

 Anh Hùng (trái) và anh Tuấn, hai thành viên của nhóm câu

Trước tiên, họ câu cá Thu bằng mồi Jig. Anh trưởng nhóm giao cho tôi một bộ cần Jig và hướng dẫn cho tôi câu. Túi đựng mồi của anh có vô số những con Jig lớn, nhỏ với nhiều sắc màu rực rỡ:  xanh, hồng, vàng, trắng, rằn ri… anh lựa ra những con màu bạc sáng lấp lánh. Anh giải thích rằng câu cá Thu bằng mồi Jig khác với các loại cá khác ở chỗ, cá Thu thường bị cuốn hút bởi ánh sáng lấp lánh và tốc độ nên phải dùng kỹ thuật giật mồi thật nhanh, mồi jig càng lấp lánh, phản quang càng tốt. 

Cả nhóm hoạt động miệt mài. Sau gần nửa giờ, nhóm câu được vài con cá, mỗi con chừng 1-2 ki-lo, chưa thấy con Thu nào. Vì mới chơi Jig nên tôi thấy hơi nản, tôi bày tỏ muốn qua nhóm câu mồi sống của thủy thủ đoàn, anh nhóm trưởng nhiệt tình buông Jig và cùng chuyển nhóm với tôi. Anh đưa cho tôi một bộ cần máy với lời dặn “sốc”: “Bộ này trên hai mươi “chai”, cậu cẩn thận nhé!”. Tôi tròn mắt nhìn anh. Biết là đồ câu chuyên nghiệp rất đắt tiền nhưng một bộ cần máy nhỏ xíu mà ngần ấy tiền thì thật là…! Thấy chúng nhỏ quá, tôi đâm ra ngờ vực khả năng của nó, nghe đắt tiền tôi càng tò mò, dán mắt vào cái mạc gắn trên chúng “ Cần Shimano Miyoshi Limited, máy Ocea Jigger 1501HG”. Tôi cũng biết chút ít về đồ câu nên ngạc nhiên hỏi tại sao anh lại đưa tôi cái máy câu Jig có ống chứa dây hẹp te vầy để câu Thu? còn cần tuy đẹp, nhưng nhỏ và dịu quá. Anh cười nói: “Về nguyên tắc, máy câu Thu chuẩn phải có bộ hãm tốt, mịn màng, khả năng thu dây rất nhanh và chứa được nhiều dây; còn cần câu phải có độ dịu và độ dài cần thiết; xét các chỉ tiêu đó thì bộ cần/ máy này đạt hết. Riêng ổ chứa dây, nhìn vậy nhưng không phải vậy: với khả năng chứa đến 320m dây PE3, máy Ocea Jigger 1501HG đã đạt yêu cầu chưa nhỉ?”.   

Tôi không thắc mắc nữa nhưng ngầm đoán anh muốn thử "thần kinh" của tôi, vì câu bộ đắt tiền và theo tôi, “không đúng chuyên môn” này chỉ có thần kinh thật vững mới đảm đương được. Về sau, khi bộ cần máy anh đưa đã mang về kết quả mỹ mãn, anh mới chia sẽ rằng đi câu rất cần cảm giác mạnh, ở nghĩa luôn muốn thách thức bản thân và hoàn cảnh, luôn muốn làm điều gì đó khác với cái đã làm, có như thế cảm giác “say” mới luôn ngự trị, từ đó kích thích niềm đam mê lâu dài. Nhưng anh cũng khuyến cáo, tuy cần phải có niềm tin nhưng cũng phải có chuyên môn để sự lắp ghép có thể chấp nhận được, lại ít rủi ro, vì “không sợ hư đồ mà chỉ sợ thiên hạ cười” – anh nói.

Để câu Thu bằng mồi sống, tôi được anh Hóa, thủy thủ kỳ cựu của tàu “hộ tống”. Anh dùng một đoạn thẻo dài 2 mét, loại shock leader fluoro 40lb. Lại khác với lý thuyết rồi, tôi tự nhủ khi nghĩ đến những gì mình đã đọc: 'đối với dây thẻo, cột trụ của dây câu Thu, phải cần ít nhất là 8m, lý tưởng nhất là 15 mét, loại dây fluoro 50lb trở lên'. Anh Hóa cười cười: “câu vét Thu thôi, câu chơi thôi, thời gian này cũng ít cá lớn rồi”. Tôi không nói gì, khấn rì rầm, trong bụng mong cho trúng cá lớn để các anh sáng mắt ra với câu cổ ngữ “cờ bạc đãi tay mới”. Anh Hóa lắp một con mực còn sống và thả cho mồi chạy ra xa khoảng 70 mét.

Nắng đã dát bạc trên mặt biển, trời vẫn cao vút, sáng trong không một gợn mây. Mọi người vẫn miệt mài câu bên kia mạn tàu, tôi và anh Hóa mai phục bên này. Gác cần vào thành tàu, anh Hóa thông thả rít thuốc, mặt hiền từ không lấy gì làm lo lắng cả. Còn tôi thì ngược lại, một linh cảm mách bảo rằng sẽ có một cuộc viếng thăm ra trò nên tôi không hề lơ đểnh trong gần 30 phút phục kích, tinh thần cảnh giác luôn ở mức cao nhất.

Bỗng “réc, réc” tiếng mo-bin máy câu xả lanh lảnh, còn cần câu thì cong gập xuống, nói không ngoa, hình chữ U. Mọi người hét lên rằng đó là cá Thu lớn và thu hết cần lên khỏi mặt nước.

Sau này tôi có hỏi vì sao chưa thấy mặt mũi con cá mà biết là cá Thu, anh nhóm trưởng giảng giải: Nếu câu nhiều, khi cá ăn sẽ biết đó là cá gì để có đối sách phù hợp. Cá Thu là cá dữ, khi ăn mồi chúng xé mồi trước khiến cần câu gập xuống, rồi nhả mồi ra, lại ăn lại, trong 30 giây thì vít cần kéo dây chạy. Muốn bắt cá Thu nhanh không cho sẩy thì trước khi lắp máy, phải cân lực hãm, tối đa chỉ khoảng 2-3lb vì cá Thu, đặc biệt là cá Thu lớn, khi bị mắc lưỡi, phản ứng đầu tiên là chạy thục mạng, nếu thiết lập một lực hãm chặt quá sẽ dẫn đến việc đứt dây hoặc tháo lưỡi.

Quả không sai, đó là một con cá lớn, chỉ có anh Hóa dạn dày kinh nghiệm mới tóm được nó. Anh leo hẳn lên thành tàu, chân bấm chặt lấy thân tàu còn hai tay thì nâng cần lên hạ cần xuống nhẹ nhàng, thoăn thoắt. Chưa đầy 7 phút sau, con cá Thu đã nổi lên trên mặt nước. Chỉ được nhìn thấy cá Thu lớn trên ảnh, tôi không thể hình dung được có những con cá Thu lại to lớn đến thế: Thân dài chừng 1.6 mét, để đến chiều mới cân mà vẫn nặng đến 16 ki-lo-gam. Lúc này tôi mới thấm thía lời của nhóm trưởng: “Không phải tự nhiên mà người ta phải dùng dụng cụ câu đắt tiền”. Anh Hóa cũng cho rằng câu Thu bắt càng nhanh thì càng không an toàn, đặc biệt là cá Thu lớn. Cần câu Thu phải dịu để tránh sẩy cá, một chuyện thường xảy ra nhưng luôn để lại bao nhiêu nổi buồn, tiếc nuối cho câu thủ.

Anh Quân và con cá Thu dài hơn 1,5 mét, nặng 16 ki-lo-gam

Nhóm Jig của các anh vẫn miệt mài. Các anh dùng Jig 80-150gram nhưng có vẻ đây là một chuyến câu không may mắn với Jig. Sau khi giải thích một số điều cho tôi rút kinh nghiệm, trưởng nhóm rủ tôi câu Jig casting vì thấy phía cuối tàu có rất nhiều chim đáp xuống bắt cá nhỏ, “Ở đâu có cá nhỏ sẽ có cá lớn”- anh nói. Anh thay mồi casting jig và câu kiểu casting, nghĩa là quăng mồi ra và rê về tàu như câu mồi giả, kết hợp giật đầu cần. Jig casting là loại jig chuyên biệt, khác với loại jig câu theo phương thẳng đứng tạo hình zic-zac. Trong làn nước trong vắt, con Jig bơi rất đẹp, lóng lánh, dịu dàng. Vẻ đẹp này đã nhanh chóng quyến rũ được một con Nhồng dài. Anh cười ha hả thu dây nhanh. Bỗng “phựt”! rồi cần nhẹ bẫng. Tất cả chúng tôi đều thảng thốt, không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Khi kéo con cá Nhồng lên mặt nước thì ôi thôi, chỉ còn mỗi phần đầu. Anh tiếc quá, chép miệng: “Chỉ cần con cá săn mồi rướn lên chừng vài phân nữa thôi, đúng tầm của lưỡi Jig thì không thể thoát được”. Câu biển là thế! Không biết con gì ở bên dưới, không biết điều gì sẽ chờ đợi bạn, mọi thứ là ẩn số nên có sức gợi cảm khôn tả.

Con Nhồng dài chỉ còn mỗi phần đầu khi về đến tàu

Ba ngày lênh đênh trên biển là chuỗi ngày tôi học hỏi được nhiều nhất. Tôi học từ cách ứng xử của những người đi câu với thuyền trưởng, thủy thủ đoàn, đến cách xử lý các tình huống đặc biệt xảy ra trong quá trình câu. Tôi phục những kiểu xoay xở của các anh để có được mồi sống khi chẳng may hiếm mồi, vì dù có mồi Jig thay thế nhưng không phải lúc nào cá cũng ăn Jig, nhất là khi nước gáu (nước đục) hay sóng lớn thì mồi sống vẫn là điều kiện cần và đủ để chuyến câu thành công. Với những người bận rộn, việc ra biển câu cá là cả một kỳ công không thể tính bằng tiền: Quá nhiều khâu phải hoàn hảo, từ việc đặt tàu, đặt vé máy bay, sắp xếp công việc, rồi còn thời tiết nữa. Không hiếm những chuyến câu, câu thủ phải sắp xếp cả năm dài, đến ngày đi thì mưa, bão trút xuống. Nhiều người “nghiện” quá không chịu nổi: “miễn là tàu bay vẫn chở là ta cứ đi”. Họ vừa đi vừa run, điện thoại liên tục cho cư dân trên biển đảo để cập nhật thông tin chứ không dám gọi cho thuyền trưởng, chỉ sợ cái tính lo xa của các vị này. Vậy nên có đủ mồi câu là điều bắt buộc là thế!

Chuyến đi này của chúng tôi cũng xảy ra nhiều tình huống khó lường. Đó là trong ngày câu thứ hai, chúng tôi được thuyền trưởng đưa đến điểm cá Mú. Vừa thả cần xuống, anh Quân, một thành viên của nhóm câu đã dính cá mú Sao hơn 4 kg. Lần lượt ngay sau đó các thành viên trong đoàn đều dính cá Mú bằng mồi sống. Anh trưởng nhóm vẫn trung thành với câu Jig. Về nguyên tắc, bắt cá Mú bằng Jig sẽ nhanh hơn rất nhiều so với câu mồi sống, vì cá Mú là loại cá lão làng, lười nhác, “ăn chắc mặc bền”, chỉ nằm trong hang hút mồi hoặc ăn mồi xong là chui tọt ngay vào hang, cho nên không có loại dây nào là an toàn với Mú cả. Câu Jig, ngoài việc tạo ra được những xung động cần thiết để nhử Mú ra khỏi hang, kiểu câu Jig rất nhanh sẽ móc cá Mú lên theo đà lên của mồi Jig nên cá không kịp “trở tay”, vừa bắt nhanh, vừa ít sẩy, thêm vào đó cần Jig là cần rất nhạy nên khả năng cảm nhận tốt hơn, độ bật tốt hơn… Tôi nhận thấy anh chọn chiến thuật này là đúng nhưng khi thấy mọi người lên cá Mú nhiều và nhanh quá, tôi cũng thấy tiếc vì anh vẫn chưa được con nào. Khoảng 30 phút sau, cần của anh cong vút gập cong lại, mo-bin máy Stella 6000 bị kéo xả kêu reng réc. Ngỡ là cây cần sát thủ của anh lại làm được chuyện lớn, thuyền trưởng Khánh không cho ai cầm khấu bắt cá mà đích thân anh sẽ làm vì anh cảm nhận được đây là con cá rất “khủng”. Vậy mà chưa trồi lên được trên mặt, một tiếng “phựt” nhẹ bẫng…mọi người ngơ ngác. Anh trưởng nhóm toát hết mồ hôi, một lúc mới định thần được. Nhìn anh tôi mới cảm nhận được sự tiếc nuối trong câu biển lớn đến mức nào. Sợ cá sẩy sẽ ảnh hưởng tinh thần đến mọi người câu Mú đáy đang rất hiệu quả, anh cũng chuyển sang câu mồi sống. Đây là điểm Mú rất nổi tiếng ở Côn Đảo nhưng hiếm khi cá Mú ăn nhiều và dày như thế. Anh dùng cần Violente 77-10 và dùng dây thẻo lớn gần 1 ly, vừa thả mồi anh vừa giảng giải tại sao anh làm như vậy cho tôi nghe. Và như để chứng minh lời anh nói, anh bắt con mú Thông khoảng 5 ki-lo-gam một cách nhẹ nhàng, thư thái, giống như một cuộc dạo chơi vậy.

Anh Trí, trưởng nhóm câu với thành quả của mình: cá Mú Thông

Ngày thứ ba, thêm một tình huống nữa xảy ra. Anh thả mồi Jig 80, 90, 100g tất cả đều thẳng đứng như nhau. Trên mặt, nước vẫn rất êm và trong vắt. Lớp nước dưới đáy vẫn chảy. Hai bên thuyền, cần câu đáy của mọi người cứ xoắn vào nhau, giữa đáy tàu. Thẻo cột theo kiểu câu đáy truyền thống thì không chút hiệu nghiệm, những con mực tươi rói, thả xuống không tạo được một cú táp… vậy mà chuyển sang cột thẻo như thẻo câu cá chim nước ngọt, cắt mực ra từng lát mỏng làm mồi thì từ các loại cá rock như cá Hồng, Trần Bì, cá Gáy, Mú nhỏ đến các loại cá trắng như cá Hoắc, cá Bè Trang… ăn mồi không kịp. Cả đoàn không ai thích câu cá rock cả nhưng gặp những tình huống hiếm hoi như thế này không thể không câu để trải nghiệm. Vậy là túi cần đủ loại của các anh bắt đầu phát huy tác dụng: những chiếc cần jig thông số nhỏ, dây PE 2, PE 3 bắt cá từ nhỏ đến 5 kg nằm sâu dưới 60 mét nước với máy Stella tốc độ nhanh vô cùng cảm giác. Anh Quân chuyển hẳn sang câu cá Rock, và một mình anh bắt mấy chục ki-lo cá Rock bằng cần Jig Nissin và máy Stella 6000.

Trưởng nhóm cho tôi xem một hộp Jig được cất riêng trong một ngăn, trong đó chứa những con mồi rất nhỏ, rất đẹp nhưng khi cầm lên thì lại rất nặng. Anh lấy một con Jig lớn 150gram đưa cho tôi, ý bảo tôi so sánh về kích thước và trọng lượng. Anh nói hôm nay chúng tôi đã gặp một tình huống rất thường xảy ra đó là Cá chỉ ăn mồi nhỏ. Những lúc như thế chỉ có cách là cắt mồi ra thật nhỏ, còn câu Jig thì dùng loại Jig nhỏ, nhưng nếu Jig nhỏ quá thì sẽ mất cân đối với máy và cần, Jig không diễn được thì cũng không hiệu quả. Để xử lý tình huống này, một số hãng chuyên Jigging có những loại mồi rất đặc biệt, làm bằng kim loại tungsten (còn gọi là vonfram), một kim loại quí hiếm có mật độ tương đượng với Urani và vàng. Trọng lượng riêng của tungsten cao hơn chì gấp 1,7 lần cho nên với cùng một trọng lượng, jig làm bằng tungsten sẽ nhỏ hơn jig làm bằng chì 60%, đó là lý do tại sao cùng một trọng lượng 150 gram, nhưng những con Jig trong hộp chỉ bằng loại 70gram thông thường. Anh nói thêm rằng tuy nhỏ, nhưng chúng rất đằm tay, ít cản nước , không dễ bị trôi xa, lại đánh nhanh đánh chậm đều được cả, chắc vì thế nên chúng rất đắt.

Tôi nhìn anh và những người bạn cùng đi, những con người sang trọng, trắng trẻo, có phần đường bệ lại chịu khó thức đêm, thức hôm, mắt trũng sâu, tóc tai không buồn chải. Họ vui vẻ, hồn nhiên, hào sảng, cùng nhau câu cá, cùng nhau ăn uống, kể chuyện tâm tình. Tôi nhận ra rằng, câu biển thực sự là một kiểu chơi thú vị, bổ ích trong vô vàn kiểu chơi tốn kém khác. Chỉ trong bộ môn câu biển này thôi đã có thể phân ra nhiều trường phái định hình bởi tính cách của người câu, nhóm câu: Trường phái xả stress: họ thường là những người có công việc ổn định, có địa vị trong xã hội, thành đạt và giàu có, đi biển để giải tỏa căng thẳng sau một thời gian làm việc dài, mệt mỏi, đi để làm mới mình, thử thách bản thân, chiêm nghiệm cuộc sống… họ  thường không tiếc bất kỳ điều gì miễn được phục vụ tốt, họ sẵn sàng chi trả không hề tính toán để dùng loại dụng cụ câu đắt tiền nhất, hiệu quả nhất. Trường phái đam mê: đi câu biển trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, họ là những người nghiện câu thật sự, có dự trù tính toán cho từng khoản chi, từng loại đồ nghề. Vì câu nhiều, họ biết cách tiết kiệm, sử dụng loại dụng cụ, phụ tùng nào hiệu quả. Trường phái câu theo mùa: Đó là những bạn trẻ câu theo đợt nghỉ hè, nghỉ lễ của cơ quan đoàn thể. Họ thường đem theo những dụng cụ câu nước ngọt có sẳn ở nhà, chỉ mua thêm bộ câu biển. Họ đi theo nhóm lớn, vui là chính, có ảnh đăng trên “Facebook” làm vui. Nhưng dù ở trường phái nào, họ đều là những người rất dũng cảm và có cá tính, đang từng bước chinh phục một môn thể thao đã được phổ biến hàng trăm năm nay trên thế giới.

Côn Đảo tháng 5/2014
Trần Hoàng

VietnamFishingReview